I/ Xác định những mốc lịch sử
1/ Trước khi đề cập vấn đề trên, có lẽ cũng nên xác định lại niên đại đản sinh của Thái tử Tất Đạt Đa (Siddhartha) và niên đại nhập diệt của đức Thích Ca Mâu Ni (Sakya Muni). Về vấn đề này hiện có nhiều thuyết và nhiều tài liệu ở Việt Nam chưa nhất quán.
- Mật Thể - “Việt Nam Phật giáo sử lược ” Minh Đức tái bản, 1960, trang 27, có ghi các thuyết về năm đản sinh như sau: 1027,1023, 685, 624, 566, 561, 559, 557, 487, 466 trước CN.
- Nguyễn Lang – “Việt Nam Phật giáo sử luận ” tập 1, 1973, không nêu vấn đề trên.
- Vân Thanh – “Lược khảo Phật giáo Việt Nam ”1974 thì cho rằng đản sinh vào năm 563 trước CN và nhập diệt vào năm 483 trước CN (trang 22).
- Lê Mạnh Thát – “Sơ thảo lịch sử Phật giáo Việt Nam ”, tập 1, tu thư Vạn Hạnh, cảo bản in rônêô, 1976 ghi là sinh vào khoảng thế kỷ VII trước CN.
- Thích Thanh Kiểm – “Lược sử Phật giáo Ấn Độ ”, Quê Hương, tái bản 1971, xác định đản sinh ngày mùng 8 tháng 4 năm 624 trước CN và nhập Niết Bàn vào ngày Rằm tháng Hai năm Ngài 80 tuổi (544 trước CN). Sau đó ghi thêm hai thuyết khác là:
+ 566 – 486 TCN (sách Chúng Thánh Điểm Ký)
+ 563 – 483 (Sử Pipavamsa của Nam Phương Phật giáo). Và ghi thêm Phật giáo Nam Phương: Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan lại thường lấy năm Đức Phật nhập Niết bàn tức năm 544 TCN làm lễ kỷ niệm (sđđ trang 31 – 41).
- Thích Minh Tuệ – “Lược sử Phật giáo Việt Nam ” (1993) có ghi các mốc ngày tháng đản sinh, xuất gia, thành đạo và nhập Niết bàn như Thích Thanh Kiểm.
- Trần Ngọc Thêm – “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam”, Nxb TPHCM, 1997, chương 6, mục 22 “Phật giáo và văn hóa Việt Nam”, (trang 469-470) thì cho rằng sinh khoảng 563 TCN và qua đời khoảng năm 483 TCN. Trước đó, tác giả lại ghi “Đạo Phật hình thành ở Ấn Độ vào thế kỷ thứ V trước CN” (trang 469)
- Huyền Cương – “Thử bàn về cách tính Phật lịch”, Nghiên cứu Phật học số 1 – 1997 (trang 25-26), sau khi tác giả làm các phép tính và khẳng định các mốc thời gian: đản sinh năm 623, xuất gia năm 604, thành đạo năm 593, chuyển bánh xe pháp năm 592, nhập Niết bàn năm 544 Trước CN.
Chúng tôi thiển nghĩ, tất cả các mốc thời gian trên đều dựa vào nhiều truyền thuyết về lịch sử đức Phật Thích Ca mà sử sách cũ ghi lại. Có điều, tại sao chúng ta không lấy cái mốc thời gian mà Đại hội Phật giáo Thế giới họp tại Tích Lan lần thứ nhất vào năm 1952 làm chính thống. Tại đại hội này, các vị đại biểu cao tăng thạc đức của toàn cầu đã thống nhất định ra Phật kỳ và Phật lịch. Riêng về Phật lịch, lấy năm đức Thích Ca nhập Niết bàn làm mốc để tính năm đầu tiên Phật lịch. Truyền thuyết về lịch sử đức Phật đều thống nhất là ngài 80 tuổi (còn các mốc khác lại không nhất quán). Theo cái mốc này ta tính ra như sau:
Năm 1996 Phật lịch 2540. Điều đó có nghĩa là Thái tử Tất Đạt Đa đản sinh cách đây: 2540 + 80 = 2620 năm, và năm đản sinh sẽ là năm 624 trước CN, vì 2620 – 1996 = 624.
Rất tiếc, trong bài báo của mình tác giả Huyền Cương dù đưa ra cách tính khoa học, sáng tỏ nhưng nhầm Phật lịch 2540 ứng với dương lịch 1997 nên đã xác định năm đản sinh là 623. Theo chỗ chúng tôi hiểu, tuy Phật giáo thế giới trong đại hội năm 1952 lấy năm đức Phật Thích Ca nhập diệt làm cái mốc để tính năm đầu tiên của Phật lịch, nhưng lại lấy ngày đản sinh (mùng Tám tháng Tư hoặc Rằm tháng Tư) để tính là đầu năm. Vậy Phật lịch 2540 tính từ 8-4 Bính Tý 1996, còn năm 1997 (đến 8-4 Đinh Sửu 1997) mới tính Phật lịch 2541.
Từ cái mốc trên, căn cứ vào truyền thuyết lịch sử đức Phật Thích Ca, ta có thể suy ra các mốc sau. (Hiện có nhiều thuyết khác nhau nói về tuổi của năm xuất gia, năm thành đạo. Ở đây chúng tôi dựa vào thuyết tương đối, phổ biến mà nhiều nhà Phật học đã chấp nhận).
* Năm xuất gia: 624 - 19 tuổi – 1 (tuổi mụ) = 604 TCN.
* Năm thành đạo: 624 - 31 tuổi = 593 TCN.
(Tài liệu không nêu rõ số năm đi tu, chỉ nói rằng, Thái tử Tất Đạt Đa sau một thời gian dài ham học các bậc danh sư, kỳ đức như Bạt Già Bà (Bhagavà); A Ra La Ca Lan (Aràlakàlama) và Uất Đà Ka La Ma Tử (Udraka – Ràmaputta) với nhiều tư tưởng triết lý khác nhau, nhưng không xác định rõ số năm. Sau đó, Ngài tự nghĩ “Phải chính mình tu thì mới tìm được chính đạo”, nên vào rừng phía Tây ngạn sông Ni Liên Thuyền (Naira – njanà) tu khổ hạnh trong sáu năm ròng. Tuy thế cũng chưa đạt chính quả. Nhờ uống bát sữa của thiếu nữ chăn bò tên Sugiàta (Thích Thanh Kiểm ghi là Nan Đà) mà Ngài bỏ phương pháp khổ hạnh, ngồi thiền định và chứng ngộ Vô thượng đại Bồ đề vào ngày mùng Tám tháng Chạp.
* Năm sơ chuyển pháp luân độ năm anh em ông Kiều Trần Như tại vườn Lộc Dã vào năm sau, tức năm 592 TCN.
* Từ khi thành đạo cho đến khi nhập Niết bàn, đức Phật đã thuyết pháp hoằng hóa trong 49 năm (tính luôn năm sơ chuyển pháp luân). Vậy năm nhập Niết bàn la: 593 - 49 = 544 TCN.
Trên đây là những mốc quan trọng. Ta cũng có thể làm phép tính ngược (lấy năm nhập Niết bàn làm mốc) như tác giả Huyền Cương. Có điều cần lưu ý năm đản sinh như chúng tôi nêu ở trên.
II. Đôi điều cần bàn thêm về Phật lịch
Mặc dù vào năm 1952, Đại hội Phật giáo thế giới lần thứ I họp tại Tích Lan định ra Phật Kỳ và Phật lịch thống nhất trên toàn cầu, nhưng qua tham khảo ý kiến của các bậc cao tăng thạc đức ở tỉnh hội Khánh Hòa, cũng như ý kiến của tác giả Huyền Cương trên tạp chí Nghiên cứu Phật học số 1-1997, chúng tôi thấy rằng: Cách tính Phật lịch mà Đại hội Phật giáo thế giới đã thống nhất có điều chưa hợp lý và thiếu thuyết phục. Chúng tôi rất đồng tình với tác giả Huyền Cương trong bài báo nói trên. Bởi lẽ, nếu tính từ năm nhập Niết bàn thì 49 năm đức Thế Tôn thuyết pháp độ sinh sẽ tính vào chỗ nào?
Chúng tôi nghĩ rằng: Sự kiện Ngài bắt đầu chuyển bánh xe pháp mới thực đáng được xem như ngày mở đầu cho kỉ nguyên Phật giáo tại thế gian này, và năm 592 trước dương lịch đáng được chọn làm mốc tính Phật lịch. Và tôi cũng nghĩ thêm, có lẽ phải tính Phật lịch từ lúc Ngài thành đạo (tức năm 593 TCN) thì hợp lý hơn cả. Bởi lẽ, có thành đạo, chứng được quả Vô thượng Bồ đề thì từ đó Ngài mới thuyết pháp độ sinh, mới có cơ duyên gieo những hạt giống tốt đẹp, để con người trên thế giới này có điều kiện sống gần gũi với nhau trong tình thương hòa bình, đầy tình người, đậm chất nhân văn. Và đây cũng là niềm mơ ước của hàng tỷ con người trên thế giới hiện nay. Cuối cùng, rất mong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam và Tổng Hội Phật Giáo thế giới quan tâm xem xét và có nên định lại Phật lịch thống nhất trên toàn cầu chăng?
Nguồn: Nguyệt san Giác ngộ, số tháng 6 –1997.