Huy hoàng sánh với điêu linh

Tôi lần theo những bức vách, đi lẫn vào giữa những hàng cột no tròn, cao lớn hàng chục mét, sừng sững giữa đất trời, hằn lên các hình thù sắc sảo và hàm chứa không biết bao nhiêu chỉ dấu của cổ nhân trong khu đền Karnak. Trong khi tôi chưa hết sửng sốt về công trình được xây dựng bởi 30 Pharaoh liên tiếp nhau trong suốt hơn 400 năm (1580-1160 tr.CN) thì một người đàn ông - mũ trắng, khăn choàng trắng, áo đen, vải thô dày, tay dài, phần thân trên ôm vừa vặn, phần dưới xòe rộng dần và dài chấm đất - lừng lững hiện ra. Đôi mắt buồn bã, nước da đen sạm, dáng đứng trầm mặc, ông như một pho điêu khắc trời ban sánh đôi với cây cột, tặng cho tôi và bao nhiêu du khách những bức ảnh hoàn mỹ về đất nước và con người Ai Cập.

Pho điêu khắc trong đền thờ Karnak. Ảnh: DIễm Trang

Choáng ngợp tiếp nối choáng ngợp: pho điêu khắc tiến lại gần tôi xin tiền. Có chút vụn vỡ. Tôi bất giác nhớ truyện Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu. Khoảnh khắc nhiếp ảnh gia Phùng chìm đắm trong vẻ đẹp toàn bích của cảnh vật cũng là lúc anh phát hiện một bi kịch gia đình trần trụi.

Không chỉ có mỗi “bức tượng sống” trong đền Karnak, bảy ngày ở Ai Cập cho tôi cơ hội gặp gỡ thêm nhiều “người mẫu” khác tại các đền thờ Sobek, Luxor, Hatshepsut, Horus, đài tưởng niệm Obelisk, đại tháp Giza và tượng nhân sư Sphinx. Ngay cả người lái xe điện trong thung lũng các vị vua, người lái thuyền sông Nile, người xà ích trên đường phố Luxor, người nài lạc đà Kim Tự Tháp, người thợ đá trong công xưởng Aswan... cũng tranh thủ xin tiền du khách. Công thức chung của họ là: thần thái và trang phục cổ tích + diễn xuất tự nhiên, nhiệt thành + “đoạn cuối thiên đường”.

Vừa làm quen với các chiêu thức xin tiền, tôi vừa bận rộn đối phó với “lực lượng” bán hàng cũng tinh tướng không kém. Dù bán lẻ hay bán sỉ, dù bán rong hay trong cửa tiệm thì truyền thống kinh doanh của Ai Cập luôn là nói thách gấp năm, bảy lần giá trị thực của món hàng; và thích nói giá bằng đô la Mỹ. Nhưng đó chưa phải là điều hay nhất. Tôi đặc biệt ấn tượng với cách tiểu thương Ai Cập, trăm người như một, không nỡ... thối tiền. Siết chặt tờ tiền chẵn khách đưa, họ nài nỉ khách hãy mua thêm món này món khác, miệng lưỡi dẻo quẹo thuyết trình các “combo” vô cùng phong phú. Khách phải kiên quyết, lạnh lùng lắm mới có thể lấy lại tiền thừa. Tôi rút kinh nghiệm là nên chuẩn bị sẵn số tiền vừa đủ trả. Bạn từng chứng kiến cuộc mua bán nào mà khách chạy như bay trên đường với vật phẩm chưa kịp gói trên tay, sau lưng là một đội quân “seller” rầm rập đuổi theo chưa? Cảnh tượng thường ngày ở Ai Cập đó. Là vì người mua đã để lộ cho người bán biết rằng mình vẫn còn khả năng mua nữa hoặc đang tìm kiếm một món gì.

Một xứ sở khát tiền. Tôi đã đúc kết như vậy khi hào hễn thoát khỏi vòng vây và an tọa trên xe. Nhưng tôi không sợ những người bán hàng ở đây, mà trái lại, thú vị lẫn cảm thương. Một tuần lễ hít thở khí quyển nền văn minh lâu đời bậc nhất thế giới là những cảm xúc trập trùng như đồi núi. Có ba thứ mà tôi cho rằng chẳng ai quên được khi đặt chân đến nơi này: bụi, đền đài và sông Nile.

Bụi nồng nhiệt thết đãi tôi từ khi bước ra khỏi cửa sân bay Cairo. Bụi sơn phết đất nước này thay cho vôi vữa. Người dân xây nhà xong cứ để gạch thô với ý nghĩ: dẫu có phủ lên màu gì đi nữa thì chúng cũng chóng vánh chuyển sang sắc vàng xỉn đặc trưng của bụi. Cũng vì vậy, xe cộ họa hoằn lắm mới cần phải rửa. Càng đến gần Kim Tự Tháp thì bụi càng dữ dội. Giữa mịt mùng thiên sa, Giza khổng lồ hiện ra, thách thức và mời gọi du khách chạm tay hay trèo lên nó. Không có bụi, cảm thức về Ai Cập sẽ chẳng còn ý nghĩa. Rẽ bụi mà đi, tôi lạc vào cửa hàng tranh papyrus mà các bức đắt giá có thể phát sáng trong bóng tối; ngơ ngẩn giữa trăm ngàn tượng Horus, Bastet, Tutankhamun, Amenhotep, Ramesses, Nefertiti, Ankhesenamun, Cleopatra, cá sấu trong bóng lá, nhân sư khuyết mũi... Biểu tượng Ankh như một chiếc chìa khóa thắt nơ mà bụi vương trên chúng bảo chứng cho yếu tố “made in Egypt”. Tất cả đều tinh xảo và đậm đà sắc màu Ai Cập.

Nhưng cũng có nhiều địa điểm ở vùng Đông Bắc Phi châu này lơ đễnh với bụi. Thư viện Alexandria lộng lẫy tựa một bảo tàng, hiện đại và độc đáo với cấu trúc như một chiếc bánh bông lan tròn vát xéo bề mặt, nằm hài hòa cạnh Địa Trung Hải và những con đường sầm uất. Các khách sạn 5 sao Marriott, InterContinental, Sheraton, Sofitel, Grand... được xây dựng dọc sông Nile với nhiều góc view được tính toán kỹ lưỡng. Tiếng dương cầm thánh thót vọng ra từ những ô cửa sang trọng, hào nhoáng cùng những đợt trình diễn pháo hoa lòa sáng mặt sông khiến người ta, trong phút chốc, thôi bị bụi - và cả cái đói nghèo, súng ống, máy soi an ninh - ám ảnh.

Chẳng biết tự khi nào, bản thiết kế tuyệt diệu của đất trời đã ướm sông Nile lên tấm thân Ai Cập. Đồng cát thành vườn hoa. “Sông Nile trên trời/Mưa cho xứ khác/Còn sông Nile dưới đất/Riêng dành Ai Cập thôi” - Tụng ca mặt trời của Akhenaten đã diễn giải đặc điểm hiếm mưa của Ai Cập và hàm ơn sông Nile mềm mại như vậy. Ngồi du thuyền dọc sông Nile, tôi thấy sắc sông thay đổi suốt ngày. Tôi yêu nhất những lần sông xanh nước biển, pha hòa cồn cát vàng ươm và lau trắng lau hồng. Dòng Nile trong ánh tà huy hay tách bạch thành hai màu - trắng bạc và xanh lá - như một hình chữ nhật được ngăn đôi bằng một đường chéo. Có một ngày, tôi bước từ thuyền lớn sang thuyền nhỏ có con mắt mi dài. Người lái thuyền sông Nile như bước ra từ một thước phim điện ảnh, vừa róng riết kéo buồm, nhổ neo vừa đánh trống ca hát khiến ai nấy đều mê say. Cho đến lúc thuyền... tông vào một rặng đá ngầm mới phát hiện ra chẳng có chiếc áo phao nào. Nghĩ bụng lẽ nào chết đẹp như này nhưng một phép màu nào đó lại đưa tôi trở về thuyền lớn an toàn.

Như bao du khách khác, tôi ngưỡng phục đền đài của xứ sở này. Trùng điệp đền thờ, lăng mộ, vách tường, trần nhà và tượng khổng lồ - kể cả những pho mất mũi, chi, đầu - toát lên khí chất thiêng liêng khiến lữ khách ngẩn ngơ mà không dám nhặt một hòn sỏi hay một nắm cát đem về lưu niệm. Khi móng ngựa nện đều đều xuống đường trộn lẫn với âm thanh lục lạc, khi lời kinh cầu Koran buồn tênh trong ánh chiều rơi rụng, thành quách Luxor bỗng hiện ra, đèn đuốc sáng choang khiến những hàng cột trông như các phím dương cầm khổng lồ, điệu nghệ và vững chãi nối nhau không dứt. Tôi xuống tận khu vực cuối đền, phát hiện một bầy bồ câu mũm mĩm cuộn mình trên những ngọn cột. Ngoan ngoãn, bình yên, mặc tình khách du huyên náo, xôn xao. Phải chăng đó là cách mà con người Ai Cập đối đãi với thế sự, với thời gian?

Đất sao người vậy. Ai nhân, nữ cũng như nam, vừa đẹp đẽ, thông minh vừa chậm chạp, cũ kỹ. Tức tưởi nao lòng khi biết một dân tộc tài hoa như vậy từng suýt không còn cả “tiếng ta”. Tôi ít được nhìn tận mặt phụ nữ do đặc thù của đạo Hồi nhưng cũng kịp tin vào nhan sắc của xứ sở Cleopatra. Còn nam giới, sóng mũi cao thanh tú, mắt mày đong đưa, vóc dáng tuấn nhã, giọng nói tông cao, ưa hát ưa cười, lãng mạn pha chút bí ẩn. Quên sao được anh hướng dẫn viên hài hước, chu đáo, giỏi đoán ý người, sáng nào miệng cũng hô vang “Anh yêu em” (tiếng Việt) với tất cả phụ nữ trong đoàn, tay thoăn thoắt cột khăn trùm đầu chống cát cho mấy chục nam phụ lão ấu. Quên sao được chàng mật vụ cao lớn có đôi mắt tựa sao trời lặng lẽ theo xe chặng Cairo để bảo vệ du khách. Quên sao được hai cô bé chừng năm, sáu tuổi bán vài món lụn vụn ở chợ Khan Khalili. Gương mặt ngây thơ, đôi chân líu ríu chim non, các em cứ quấn quýt chạy theo tôi, miệng cười và tay vẫy suốt đến khi cửa xe buýt đóng lại. Phần rung động, phần ân hận vì có lúc trót nghi ngờ hai thiên thần nhỏ, tôi bật khóc. Hiểu rằng Ai nhân hay bịn rịn, quyến luyến khách phương xa.

Không chỉ khóc một lần, suốt hành trình, tôi đã vài lần trốn vào restroom, vốc nước lên mặt để nước mắt mình hòa vào đấy. Đất nước này như một suối mật ngọt ngào từng phút từng giờ rót vào tâm tư tôi bao nhiêu êm dịu. Riêng vị đắng trần ai của nó làm tôi chua xót nghĩ đến những ngôi nhà trống trước hụt sau, những đứa trẻ cù bất cù bơ và cơ man người bán rong, xin ăn trên dải đất quê mình, quặn thắt một câu hỏi “Bao giờ thôi hết mong chờ?”. Bất an lẫn bình an, tuyệt vọng lẫn hy vọng, Ai Cập tặng tôi cảm giác muốn nguyện cầu cho xứ sở của họ. Và cho cả nước non tôi.

Tôi từng thắc mắc vì sao Chế Lan Viên, mới 17 tuổi đầu, đã vương buồn đến mức viết cả tập Điêu tàn: “Ta lặng đếm thử bao nhiêu thế kỷ/Đã trôi trong một phút vội vàng qua/Ta lắng nghe những thế giới bao la/Tụ họp lại trong lòng muôn hột cát” (Ngủ trong sao). Hóa ra, nhà thơ triết luận đã nói hộ biết bao dân tộc mắc kẹt vĩnh viễn trong nền văn minh thượng thặng do chính mình tạo ra. Để rồi, khuấy động cõi lòng hậu thế bằng những thứ điêu linh, tan tác mà vẫn huy hoàng, lấp lánh. 

Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/269439/Huy-hoang-sanh-voi-dieu-linh.html

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63675815
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
19533
17595
63675815

Thành viên trực tuyến

Đang có 334 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website