Nghiên cứu văn học Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh Đông Á

Đoàn Lê Giang(*)

Văn học Việt Nam và Nhật Bản khởi đi từ những nền văn hóa bản địa, đến đầu Công nguyên bắt đầu quá trình gia nhập Khu vực Văn hóa Đông Á (còn gọi là Khu vực văn hóa chữ Hán) và sau đó trở thành những nền văn học tiêu biểu thuộc hệ hình Đông Á. Trong quá trình ấy văn học Việt Nam và Nhật Bản có những mối liên hệ rất mật thiết; đồng thời cũng có nhiều điểm tương đồng thú vị về tư tưởng và tình cảm; về quá trình hình thành và phát triển ngôn ngữ, thể loại văn học; quá trình hiện đại hóa văn học dân tộc…

Bên cạnh đó văn học mỗi nước lại có những đặc sắc riêng. Những mối liên hệ ấy, những điểm tương đồng và dị biệt ấy sẽ được thấy rõ ràng hơn nếu đặt trong mối quan hệ rộng lớn với các nước khác trong khu vực: Trung Quốc, Hàn Quốc/ Triều Tiên. Bài viết này đi vào tìm hiểu giao lưu, ảnh hưởng giữa văn học Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh văn học Đông Á và đưa ra những suy nghĩ về việc nghiên cứu những điểm tương đồng và khác biệt giữa hai nền văn học ấy.

1. GIAO LƯU VĂN HỌC VIỆT – NHẬT THỜI TRUNG ĐẠI

1.1. Abe no Nakamaro với nước An Nam trong phong khí thơ ca đời Đường

Người Nhật Bản đầu tiên biết đến Việt Nam đó là Abe no Nakamaro.

Abe No Kanamaro 阿倍 仲麻呂 là một nhân vật lịch sử, một nhà thơ rất nổi tiếng ở Nhật Bản. Sử sách nào viết về thời cổ của Nhật Bản cũng ít nhiều nhắc đến tên ông. Thơ được xếp vào một trong 100 bài tanka hay nhất của Nhật Bản từ thời cổ cho đến thời Heian 平 安. Đó là bài tanka 短 歌 làm trên đường từ Trường An đến cửa sông Tô Châu (Trung Quốc) để trở về Nhật Bản sau 37 năm trời xa cách:

Bầu trời bát ngát

Ngẩng đầu lên ngắm nhìn

Mảnh trăng kia có phải

Từ núi Mikasa, Kasuga quê ta

Mọc lên.

Ama no hara

Furisake mireba

Kasuga naru

Mikasa no yama ni

Ideshi tsuki kamo

天の原

ふりさけ見れば

春日なる

三笠の山に

いで し月かも

Abe no Nakamaro đến Trung Quốc năm 717 lúc ấy mới 19 tuổi với tư cách là “lưu học sinh” theo những đoàn “Khiển Đường sứ” 遣 唐 使 (sứ thần sang nhà Đường). Nhờ học giỏi và có tư cách, Abe được đề cử lên triều đình nhà Đường và được cho làm quan. Abe No Nakamaro làm quan ở Trường An đúng vào thời Thịnh Đường. Ông từng chứng kiến thời đại huy hoàng của văn hóa Trung Hoa, từng quen biết những thi nhân Thịnh Đường hàng đầu lúc bấy giờ: Lý Bạch, Đỗ Phủ, Vương Duy, rồi Vương Xương Linh, Mạnh Hạo Nhiên v.v. Trong đó ông thân với Lý Bạch và Vương Duy hơn cả.

Trường An lúc bấy giờ thực sự là “Kinh đô ánh sáng” của khu vực Đông Á: các trí thức Triều Tiên - Hàn Quốc, Nhật Bản, An Nam (tên thời Đường của Việt Nam) đều đổ về. Các trí thức Việt Nam đến nhà Đường mà tên tuổi còn lưu lại có: Đại Thừa Đăng, Đạo Hy pháp sư, Khương Công Phụ, Duy Giám pháp sư, Thiền sư Định Không, Lữ Sấn, Liêu Hữu Phương…Các thi sĩ hàng đầu đời Đường xướng họa với các trí thức An Nam có: Trương Tịch, Dương Cự Nguyên, Hứa Hồn, Giả Đảo…

Abe no Nakamaro ở Trường An trong một không khí hào hoa của thi nhân như thế. Ở Trường An ông có tên gọi theo kiểu Trung Hoa là Triều Hành/ Triều Hương Hành, thơ của ông cũng từng được tuyển vào trong tuyển thơ đồ sộ Toàn Đường thi.  Cuối đời trở về Nhật, trên đường đi gặp bão, lưu lạc đến tận vùng Hoan Châu của An Nam, và được dân Hoan Châu giúp đỡ đưa trở về Trung Quốc(1).

1.2. Thơ xướng họa với sứ giả Nhật Bản/ Lưu Cầu (Ryukyu) và sứ giả Đại Việt

Nhật Bản ở khá xa Trung Quốc nên không phải chịu quan hệ triều cống như Đại Việt và Triều Tiên. Vì thế vào thời Trung đại, những tiếp xúc giữa các sứ thần Đại Việt và Nhật Bản rất hiếm hoi. Tuy nhiên Lưu Cầu/ Ryukyu (tỉnh Okinawa thuộc Nhật Bản ngày nay) bấy giờ là một nước có quan hệ triều cống với nhà Minh, nhà Thanh Trung Quốc nên việc tiếp xúc với sứ giả Ryukyu có vẻ thường xuyên hơn. Nếu kể cả Nhật Bản và Lưu Cầu thì hiện nay trong thư tịch Hán văn Việt Nam cũng chỉ còn lưu lại 3 bài thơ xướng họa của các thi nhân Đại Việt với thi nhân/ sứ giả Nhật Bản/ Lưu Cầu (Ryukyu). Đó là:

-       Thứ nhất, bài thơ của Phùng Khắc Khoan 馮克寬(1528 - 1613) với sứ thần Lưu Cầu琉球 (Ryukyu) – bài Đạt Lưu Cầu quốc sứ 達琉球國使 (Gửi sứ thần nước Lưu Cầu) được sáng tác nhân dịp gặp sứ thần Lưu Cầu ở Trung Hoa trong chuyến đi sứ của ông năm 1597

-       Thứ hai, bài thơ của Lí Văn Phức 李文馥 (1785- 1849) có tên Kiến Lưu Cầu quốc sứ giả (tính dẫn) 見琉球國使者(并引) (Tiếp kiến sứ giả nước Lưu Cầu, kèm lời dẫn) nhân chuyến đi sứ Trung Hoa năm 1831

-       Thứ ba, bài thơ Nguyễn Huy Oánh 阮輝瑩 (1713 - 1789), nhân chuyến đi sứ sang Trung Hoa, lại được tiếp xúc với sứ thần Nhật Bản, khi sứ thần Nhật Bản về nước, Nguyễn Huy Oánh lại làm một bài thơ Tiễn Nhật Bản sứ hồi trình 餞日本使回程 (Tiễn sứ thần Nhật Bản về nước). Đó là bài thơ rất hay về tình bạn:

Giữa ngày nhiều mây mỗi bên (đi về) một góc trời,

Trông đợi đã nhiều, vừa rồi hân hạnh gặp được quan gia.

Ngày đưa thuyền đi, nên tính toán linh hoạt,

Tay rót chén rượu, cùng nhau hàn huyên.

Hôm qua còn đi chơi bộ trên núi,

Đêm nay đã ngồi trên dòng nước (như) thoi đưa.

Không dám nghĩ rằng, ngài tuổi trẻ đã tài cao như vậy,

Lan man dùng ngòi bút [làm bài thơ] để gửi gắm tình cảm dạt dào.

(Nguyễn Thanh Tùng dịch)

 

Hủ cương hư lộ các thiên nha,

Đa sĩ hân phùng đại mễ gia.

Nhật tống phù nê ninh hoạt kế,

Thủ châm tiên tố cộng kim la.

Kiệt nô dương mại tây tôn bộ,

Thái lạc minh đông a tướng toa.

Hoa cái lực ca phi cảm nghĩ,

Mạn tương phấn địa ngụ tình đa.(2)

1.3. Truyện truyền kỳ Trung Quốc với truyền kỳ Việt Nam – Nhật Bản

Truyện truyền kỳ Trung Quốc phát triển mạnh vào đời Đường, đến đời Tống tạo thành các thoại bản (văn bản ghi lại những truyện kể của các nghệ nhân lang thang). Phát triển mạnh hơn nữa vào thời Minh Thanh, và tách ra thành một dòng riêng để phân biệt với tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết xã hội, tài tử giai nhân lúc bấy giờ. Những tác phẩm có ảnh hưởng lớn đối với khu vực là Cổ kim tiểu thuyết古今小説, Tỉnh thế hằng ngôn醒世恒言, Cảnh thế thông ngôn警世通言của Phùng Mộng Long馮夢龍, Tiễn đăng tân thoại剪灯新話của Cù Hựu瞿祐và Liêu Trai chí dị聊斎志異của Bồ Tùng Linh蒲松齢. Có thể nói thông qua những bộ sách này, chứ không phải trực tiếp là những truyện đời Đường, mà truyện truyền kỳ phát triển rộng trong khu vực, trong đó Tiễn đăng tân thoại剪灯新話của Cù Hựu瞿祐 có vai trò tiên phong.

Tiễn đăng tân thoại được truyền ra nước ngoài, tạo một làn sóng phóng tác tác phẩm của ông, từ đó góp phần thúc đẩy tạo ra thể loại truyện truyền kỳ khắp các nước Đông Á, lần lượt là Triều Tiên, Việt Nam, Nhật Bản.

Truyện truyền kỳ Việt Nam được mở đầu bằng tác phẩm Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, rất giống với những người anh em của nó ở Trung Quốc và Triều Tiên là Tiễn đăng tân thoại Kim Ngao tân thoại金鰲新話 (Ku-mo-shi-na). Sau khi Truyền kỳ mạn lục ra đời được ít lâu, Nguyễn Thế Nghi đã dịch tập truyện này ra tiếng Việt với tên gọi Tân biên Truyền kỳ mạn lục. Ở Triều Tiên thường có tiểu thuyết bằng Hán văn, sau đó lại dịch ra Hàn ngữ, và những tiểu thuyết đều được coi là tiếng thuyết bằng tiếng Hàn. Với cách nhìn ấy, có thể coi Tân biên Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Thế Nghi là tiểu thuyết tiếng Việt đầu tiên của nước ta.

Về truyện truyền kỳ, tập Tiễn đăng tân thoại ảnh hưởng đến Nhật Bản muộn hơn một chút so với Triều Tiên và Việt Nam, đến giữa TK.17 mới được tiếp nhận ở Nhật Bản, tức là sau Việt Nam và Triều Tiên khoảng 100- 150 năm. Năm 1666 ở Nhật Bản xuất hiện tác phẩm phóng tác Tiễn đăng tân thoại có tên là Già tì tử hay Ngự già tì tử (Otogiboko) của Asai Ryoi (A-sai Ryo-I, ?-1691), một võ sĩ lang thang đi tu, rồi trở thành nhà văn. Già tì tử có 68 truyện, trong đó có 18 truyện phóng tác từ Tiễn đăng tân thoại của Cù Hựu, 2 truyện phóng tác từ Kim Ngao tân thoại  của Kim Thời Tập/ Kim Si-sup Triều Tiên. Đỉnh cao của truyện truyền kỳ Nhật Bản là tập Vũ nguyệt vật ngữ/ Ugetsu monogatari của Ueda Akinari (1734-1809), nhà văn, nhà nghiên cứu quốc học Nhật Bản. Vũ nguyệt vật ngữ có 9 truyện, chịu ảnh hưởng không chỉ Tiễn đăng tân thoại mà cả Cổ kim tiểu thuyết, Tỉnh thế hằng ngôn, Cảnh thế thông ngôn của Phùng Mộng Long và truyện cổ dân gian Nhật Bản. Những truyện ngắn trong tập truyện này mang đậm dấu ấn thời đại: bi kịch hơn và  tính chất thị dân rõ nét hơn(3).

1.4. Kim Vân Kiều truyện (Trung Quốc) với Kim Kiều truyện, Kim Ngư truyện (Nhật Bản) và Truyện Kiều (Việt Nam)

Nhật Bản thời Edo (Ê-đô) 江 戸 (thế kỉ 16-19) có cả một trào lưu dịch và phóng tác các tác phẩm văn nghệ Trung Quốc, trong đó có Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Bản dịch Kim Kiều truyện金 翹 傳lần đầu tiên ở nhật Bản là cuốn: Tú tượng thông tục Kim Kiều truyện  像 通 俗 金 翹 傳 dịch vào năm 1763 của  Nishida Korenori西 田 維 則 (?- 1765), một nhà tiểu thuyết thông tục nổi tiếng thời Edo. Mấy chục năm sau ở Nhật Bản xuất hiện một cuốn tiểu thuyết phóng tác từ Kim Kiều truyện, đó là Phong tục Kim Ngư truyện 風 俗 金 魚 傳 (gọi tắt là Kim Ngư  truyện) của Kyokutei Bakin 曲 亭 馬 琴 (Khúc  Đình Mã Cầm, 1767-1848), một nhà văn rất nổi tiếng cuối thời Edo, chuyên loại chuyện “khuyến thiện trừng ác” (khuyến khích việc thiện, ngăn ngừa điều ác).

Tương đương với thời điểm K.Bakin viết thì ở Việt Nam Nguyễn Du viết Đoạn trường tân thanh, hay gọi theo cách gọi giản dị của người bình dân là Truyện Kiều. Nếu như Kim Ngư truyện là điển hình cho một kiểu Nhật Bản hóa tiểu thuyết của Trung Quốc thì Truyện Kiều là tiêu biểu cho việc điển nhã hóa và dân tộc hóa một tác phẩm tiểu thuyết thông tục.

Hơn một thế kỷ sau một nhà văn, dịch giả (dịch văn học Pháp) nổi tiếng của Nhật Bản là Komatsu Kiyoshi小 松 清 đã dịch Truyện Kiều ra tiếng Nhật, đó là bản Kim Vân Kiều xuất bản năm 1942. Đây là bản Truyện Kiều dịch thứ ba, sau các bản tiếng Pháp và tiếng Tiệp, đồng thời cũng là bản dịch mở đầu cho 4-5 bản dịch Truyện Kiều ra tiếng Nhật nữa sau ông(4). 

2. GIAO LƯU VĂN HỌC VIỆT – NHẬT THỜI CẬN-HIỆN ĐẠI: DỊCH VÀ GIỚI THIỆU VĂN HỌC NHẬT BẢN Ở VIỆT NAM

Văn học Nhật Bản được biết đến ở Việt Nam chủ yếu qua trước tác của các chí sĩ duy tân Việt Nam: Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh. Phan Bội Châu từng say mê thơ chữ Hán của một số nhà chí sĩ Nhật Bản, điển hình như bài thơ của Saigo Takamori (Tây Hương Long Thịnh, 1828-1877) mà ông từng chép lại trong hồi ký của mình: “Đại thanh hô tửu thướng cao lâu/ Hùng khí dục thôn ngũ đại châu/ Nhất phiến đan tâm, tam xích kiếm/ Huy quyền tiên trảm nịnh thần đầu(Trần Tuấn Khải dịch: Hét lớn lên lầu đánh chén say/ Khí hùng như nuốt năm châu ngay/ Một mảnh lòng son ba thước kiếm/ Lấy đầu quân nịnh cho biết tay.). Tuy nhiên tác phẩm Giai nhân kỳ ngộ diễn ca của Phan Chu Trinh mới có thể được coi là tác phẩm mở đầu cho việc dịch văn học Nhật Bản ở Việt Nam.

2.1.Giai nhân kỳ ngộ - “người môi giới” cho quan hệ văn học Nhật Bản – Việt Nam trước 1945:

Năm 1906 Phan Chu Trinh sang Nhật cho cuộc gặp lịch sử với Phan Bội Châu, ở đấy ông đọc được tác phẩm Giai nhân chi kỳ ngộ của Lương Khải Siêu. Tác phẩm này do Lương Khải Siêu dịch từ một tiểu thuyết chính trị nổi tiếng của Nhật Bản, cuốn: Giai nhân chi kỳ ngộ 佳人之奇遇 (Kajin no kigù) của Tôkai Sanshi 東海散士 (viết 1885, hoàn thành 1897). Tôkai Sanshi tên thật là Shiba Shirô柴四朗 (1852-1922) xuất thân từ gia đình samurai, gia đình sa sút, nhưng lớn lên được tài trợ du học đại học ở Hoa Kỳ. Về nước ông viết Giai nhân chi kỳ ngộ thể hiện tinh thần yêu nước. Tác phẩm này cùng với hai cuốn nữa là: Chuyện hay về việc trị nước 経国美談 (Keikoku bidan/ Kinh quốc mỹ đàm) của Yano Ryùkei 矢野竜渓 (hoàn thành 1883), Tuyết trung mai 雪中梅 (Mai trong tuyết lạnh) của Suehiro Tetsuchô 末広鉄長 (1886) được coi là ba tiểu thuyết chính trị có tính chất khai sáng và cách mạng tiêu biểu của Nhật Bản thời Minh Trị. Lương Khải Siêu trên đường lưu vong sang Nhật sau Mậu tuất chính biến (1898), tình cờ có trong tay tác phẩm của Sanshi, ông đọc say mê và dịch ngay sang Hán văn ngay trên đường đi. Từ bản Hán văn này, Phan Chu Trinh đã diễn ra thành truyện thơ lục bát với trên 7000 hàng với tên gọi Giai nhân kỳ ngộ diễn ca. Tác phẩm này được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1926 ngay sau khi cụ Phan qua đời, nhưng ngay sau đó bị thực dân Pháp tịch thu. Đến hơn 30 năm sau nó mới được xuất bản đầy đủ qua bản bình giải và chú thích của Lê Văn Siêu với tiêu đề: Giai nhân kỳ ngộ (anh hùng ca) (Hướng Dương xb, SG, 1958)(5).

Sau Giai nhân kỳ ngộ diễn ca có một số tác phẩm văn học Nhật Bản được giới thiệu trên báo chí, chủ yếu là thơ tanka, haiku, trong đó có vai trò quan trọng của Hàn Mạc Tử, Vũ Hoàng Chương, Phạm Văn Ký. Phạm Văn Ký từng có thử nghiệm làm thơ theo kiểu haiku liên hoàn.

Tác phẩm tương đối dài hơi được dịch ra tiếng Việt là truyện ngắn Cuộc tái ngộ của Komatsu Kiyoshi, nhà văn Nhật Bản, bạn của nhà thơ Nguyễn Giang. Cuộc tái ngộ viết về kỷ niệm gặp gỡ của ông với những người bạn ở Pháp và tái ngộ ở Việt Nam (lấy nguyên mẫu từ Nguyễn Giang và Nguyễn Ái Quốc). Tác phẩm này viết bằng tiếng Pháp, được Nguyễn Giang (bút danh Giảng Nguyễn) dịch và đăng trên Trung Bắc chủ nhật từ cuối tháng 6/1944 đến đầu năm 1945(6)

2.2. Văn học Nhật Bản được dịch và giới thiệu ở Việt Nam từ 1945-1975

Sau 1945 cho đến hết 9 năm chống Pháp, câu chuyện văn chương Nhật Bản hầu như không được nói tới ở Việt Nam. Từ 1954 đến 1975 đất nước chia làm hai miền, chỉ có miền Nam Việt Nam mới có quan hệ chính thức với Nhật Bản (miền Bắc Việt Nam đặt quan hệ chính thức với Nhật Bản từ năm 1973), vì thế văn học Nhật Bản có điều kiện thuận lợi để được giới thiệu ở miền Nam.

Có thể nói việc dịch văn học Nhật Bản ở miền Nam đã đạt được những thành tựu rất quan trọng. Văn học Nhật Bản được dịch khá nghiêm túc, bài bản và có hệ thống. Hầu như các tác giả văn học lớn của Nhật Bản đều được biết đến ở miền Nam, đời sống văn học đương đại của Nhật Bản cũng gần như được cập nhật thường xuyên. Có thể kể ra đây những tên tuổi lớn của văn học Nhật Bản:

-          Natsume Soseki: Nỗi lòng, Đỗ Khánh Hoan và Nguyễn Tường Minh dịch (Sông Thao xb., Sài Gòn, 1972)

-          Akutagawa Ryunosuke: Lã sinh môn, Vũ Minh Thiều dịch (Gió bốn phương xuất bản,  Sài Gòn, 1967); Truyện của một người lãng trí (Diễm Châu dịch, Văn, 1966, Sài Gòn)

-          Kawabata Yasunari: Xứ tuyết, Chu Việt dịch (Trình bày xuất bản, Sài Gòn, 1969); Ngàn cánh hạc, Trùng Dương dịch (Trình bày xb,  Sài Gòn, 1969); Ngàn cánh hạc, Nguyễn Tuấn Minh dịch (Sống mới xuất bản, Sài Gòn, 1972); Rập rờn cánh hạc, Nguyễn Tường Minh (Sông Thao xb, Sài Gòn, 1974); Đất Phù Tang, Cái đẹp và tôi (Cao Ngọc Phượng dịch, Lá Bối xuất bản, Sài Gòn, 1969).

-          Mishima Yukio: Kim Các tự, Đỗ Khánh Hoan và Nguyễn Tường Minh dịch (An Tiêm xuất bản, Sài Gòn, 1970); Chết giữa mùa hè, Tân Linh dịch (Phù Sa xb., S.1969); Chiều hôm lỡ chuyến, Đỗ Khánh Hoan và Nguyễn Tường Minh dịch (Sông Thao xb., Sài Gòn, 1971); Tiếng sóng, Đỗ Khánh Hoan và Nguyễn Tường Minh dịch (Sông Thao xb., Sài Gòn, 1971); Sau bữa tiệc, Tuyết Sinh dịch (Trẻ xb, Sài Gòn, 1974)…

-          Abe Kobo: Người đàn bà trong cồn cát, Trùng Dương dịch (An Tiêm xuất bản, Sài Gòn, 1971)

-          Oe Kenzaburo: Nuôi thù, Diễm Châu dịch (Trình bày xb, Sài Gòn, 1970)

v.v…

Như trên đã thấy: tác giả được dịch nhiều nhất là Kawabata, sau đó là Mishima. Có những tác phẩm được dịch nhiều lần như: Rashomon của Akutagawa; Ngàn cánh hạc, Xứ tuyết của Kawabata; Kim các tự của Mishima... Điều đáng chú ý là 24 năm trước khi Oe Kenzaburo được giải Nobel thì tác phẩm của ông đã được dịch ở Sài Gòn (Nuôi thù, bản dịch của Diễm Châu, 1970). Văn học Văn học Nhật được dịch chủ yếu từ tiếng Anh, tiếng Pháp, chỉ có một vài người dịch từ tiếng Nhật (Nguyễn Tường Minh, Nguyễn Văn Tần…). Những dịch giả có công dịch nhiều nhất là Đỗ Khánh Hoan, Nguyễn Tường Minh, Nguyễn Tuấn Minh, Diễm Châu…

Tuy nhiên việc dịch thuật chủ yếu tùy thuộc vào thị trường nên văn học Nhật Bản chỉ được biết dịch chủ yếu là văn học hiện đại. Văn học dân gian thì có cuốn Thần thoại Nhật Bản của Doãn Quốc Sĩ (Sáng tạo xb, SG.1972); thơ thì chỉ có hai bản: Hòa ca, Luyến ca đều của Nguyễn Tường Minh và đều do Sông Thao xb (SG, 1971 và 1972).

Ở miền Bắc, mọi nỗ lực đều dành cho công cuộc kháng chiến nên chuyện văn chương Nhật Bản ít được chú ý. Thế giới chia thành 2 phe, nên văn học Nhật Bản được dịch ở miền Bắc chỉ có các tác giả thuộc dòng văn học vô sản (puroretaria bungaku) với  số lượng sách cũng khá hạn chế, chỉ chừng 7-8 cuốn. Đó là các tác giả:

-          Tokunaga Sunao 徳永直(1899-1958) có 2 cuốn tiểu thuyết: Khu phố không có mặt trời, Trương Chính dịch (NXB Lao Động, Hà Nội, 1961, nguyên tác: Taiyô no nai machi); Núi đồi yên lặng, Trương Chính dịch (2 tập, NXB. Văn hóa, 1962, nguyên tác: Shizukana yamayama).

-          Takakura Teru高倉テル(1891-1986): Mây gió Hakônê, tiểu thuyết, Trương Chính, Hồng Bích Vân dịch (Nxb Văn học, Hà Nội, 1963, nguyên tác: Hakone yôsui ハコネ用水)

-          Miyamoto Yuriko宮本百合子(1899-1951): Cánh đồng Bansu, Hồ Dzếnh, Kim Lang dịch (NXB Văn học, 1964)

-          Hirôtsưđa Cadưrô (?): Đường đến nguồn nước, Xuân Bích dịch (NXB. Lao động, Hà Nội, 1974)(7)

-          Sợi xích trắng, tập truyện ngắn của Minakami Chưtômu (水上 勉 Minakami Tsutomu), Harukasu Têchư O, Nixinô Tachưkichi..., Trương Chính và nhiều người khác dịch (NXB. Lao động, HN, 1966)(8)

Các tác giả trên đều là những nhà văn tiêu biểu của văn học vô sản Nhật Bản. Tokunaga Sunao 徳永直(1899-1958) cùng với Hayama Yoshiki (tác giả tiểu thuyết Những người sống ở biển/ Umini ikuru hitobito), Kobayashi Takeji (tiểu thuyết Tàu câu cua/ Kani kô sen) được coi là 3 nhà văn trụ cột của văn học vô sản thập niên 1920-1930. Miyamoto Yuriko là vợ của Miyamoto Kenji 宮本顕治, chủ tịch Đảng Cộng Sản Nhật Bản, nổi tiếng về văn chương từ hồi trẻ, từng được tôn xưng là nữ thiên tài. Bà là nhà văn tiêu biểu của dòng văn học vô sản trước Thế chiến thứ hai và là lãnh tụ của dòng văn học dân chủ Hậu chiến.

Văn học Nhật được dịch ở miền Bắc chủ yếu từ tiếng Trung, tiếng Pháp và tiếng Nga. Dịch giả là những nhà nghiên cứu và nhà văn nổi danh: Trương Chính, Hồ Dzếnh…Tuy văn học vô sản Nhật Bản cũng là dòng mạnh và có giá trị đặc sắc, nhưng dù gì đi chăng  nữa, đó cũng không phải là dòng chủ lưu, và càng không phải là toàn bộ văn học Nhật Bản.

2.3. Văn học Nhật Bản được dịch và giới thiệu ở Việt Nam từ sau 1975

Những năm đầu sau Giải phóng việc dịch văn học Nhật vẫn chỉ là sự kéo dài tình trạng dịch thuật ở miền Bắc và hầu như không có thành tựu gì đáng kể. Trước Đổi mới (1986) vài năm, việc dịch văn học Nhật bắt đầu có những biến chuyển. Bắt đầu từ việc tái bản, rồi dịch lại những danh tác văn học Nhật Bản đã dịch trước 1975 ở miền Nam, rồi văn học Nhật Bản được dịch nhiều hơn, sau đó  trở thành một làn sóng dịch thuật và giới thiệu văn học Nhật Bản. Từ công cuộc Đổi mới với chủ trương “Việt Nam muốn là bạn với các nước trên thế giới”, quan hệ kinh tế, chính trị, văn hóa Việt-Nhật ngày càng mật thiết. Việc học tiếng Nhật càng phổ biến, các khoa/ bộ môn tiếng Nhật mở khắp các trường đại học quốc lập và dân lập, nên việc nghiên cứu, giảng dạy văn học Nhật Bản rất phát triển,  nhờ thế văn học Nhật Bản được dịch và giới thiệu một cách có hệ thống, bài bản hơn.

Về văn học cổ điển: các tác phẩm Truyện Genji của Murasaki Shikibu, Truyện kể Heike, Nhật Bản linh dị ký, Vũ nguyệt vật ngữ (tên bản tiếng Việt là Hẹn mùa hoa cúc) của Ueda Akinari, thơ haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson, Kobayashi Issa; tanka trong Vạn diệp tập, Bách nhân nhất thủ, tiểu thuyết của Ihara Saikaku…lần lượt được dịch và giới thiệu.

Về văn học hiện đại: tiểu thuyết, thơ mới của Shimazaki Toson, “người cha của thơ mới Nhật Bản”; các danh tác của các đại tác gia như Natsume Soseki, Akutagawa Ryunosuke, Tanizaki Junichiro, Endo Shusaku, Kawabata Yasunari, Miyazawa Kenji, Mishima Yukio, Oe Kenzaburo, Abe Kobo, Osamu Dazai…lần lượt được xuất bản. Có bản được dịch đến mấy lần.

Trong số các dịch giả thì nhà nghiên cứu Nhật Chiêu với các tập Basho và thơ haiku, Thơ ca Nhật Bản, Văn học Nhật Bản từ khởi thủy đến 1867, Nhật Bản trong chiếc gương soi…thật sự đã thổi một luồng sinh khí mới vào văn học Nhật Bản, lôi cuốn hàng trăm nghìn người đọc.

Nhà nghiên cứu Vĩnh Sính (Đại học Alberta, Canada), tuy là nhà sử học, nhưng dịch tác phẩm của Bashô rất tài hoa, công phu, đáng tin cậy.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Nam Trân (Đại học Josai, Nhật Bản) nghiên cứu và dịch văn học Nhật Bản như một nghề “tay trái”, nhưng cũng có đóng góp hết sức lớn qua nhiều bản dịch văn học cổ điển và hiện đại Nhật Bản “tử công phu”. Công trình có tính “tập đại thành” của ông là Tổng quan lịch sử văn học Nhật Bản, sau khi được biết đến rộng rãi ở trên internet, mới được xuất bản gần đây (sách dày gần 1000 trang khổ lớn).

Việc đưa thơ haiku vào nhà trường trong hai bộ sách lớp 10: một do Lưu Đức Trung dịch haiku từ tiếng Trung và tiếng Việt, một nữa do Đoàn Lê Giang dịch chú haiku từ bản tiếng Nhật đã tạo ra hàng triệu độc giả haiku mỗi năm.  

Văn học Nhật Bản quy tụ các dịch giả từ nhiều thứ ngôn ngữ khác nhau: Anh, Pháp, Nga, Hoa, Đức, Tiệp…, nhiều trong số họ là những nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình được nhiều người biết tên như: Cao Xuân Hạo, Hữu Ngọc, Dương Tường, Phan Trọng Định, Phạm Xuân Nguyên, Đoàn Tử Huyến, Phạm Thị Hoài, Lê Ký Thương, Cao Việt Dũng, Trần Tiễn Cao Đăng…

Những người biết tiếng Nhật ngày càng nhiều, trong đó có cả một số du học ở Nhật Bản về, từ đó đã hình thành đội ngũ dịch văn học Nhật từ nguyên tác tiếng Nhật rất đáng tin cậy như: Lê Ngọc Thảo (dịch Akutagawa), Nguyễn Thị Oanh (dịch Nhật Bản linh dị ký), Trần Thị Chung Toàn (dịch Bách nhân nhất thủ, Yoshimoto Banana…), Lương Việt Dũng (dịch văn học đương đại), Huỳnh Thanh Xuân (dịch Murakami Haruki), Hoàng Long (dịch Kawabata, Osamu Dazai, Murakami Ruy…), Nguyễn Đỗ An Nhiên (dịch Miyazawa Kenji).v.v.  

Số lượng tác phẩm văn học Nhật được dịch ra tiếng Việt cho đến nay có thể đến trên 300 quyển. Văn học Nhật được dịch và giới thiệu ở Việt Nam có được thành tựu lớn, có lẽ chỉ đứng sau những nên văn học lớn và có truyền thống dịch thuật lâu đời ở Việt Nam như Trung Quốc, Pháp, Nga mà thôi.

3. DỊCH VÀ GIỚI THIỆU VĂN HỌC VIỆT NAM Ở NHẬT BẢN

3.1. Komatsu Kiyoshi và mối “duyên văn tự” với Việt Nam

Tác phẩm văn học Việt Nam đầu tiên được dịch ra tiếng Nhật, do những ngẫu nhiên nào đó mà là tác phẩm tiêu biểu nhất của văn học nước ta: Truyện Kiều. Người dịch là một nhà nghiên cứu văn học phương Tây, nhà văn, dịch giả nổi tiếng của Nhật Bản : Komatsu Kiyoshi. Komatsu từng dịch Andre Malreaux, Andre Gide ra tiếng Nhật. Ông từng du học và làm việc ở Pháp khá lâu, từng có cuộc hội ngộ với Nguyễn Ái Quốc, và là bạn thân của thi sĩ Nguyễn Giang (con trai nhà văn Nguyễn Văn Vĩnh). Mùa xuân năm 1941, Komatsu lần đầu tiên đi du lịch đến Đông Dương. Tình cờ gặp lại người bạn cũ là Nguyễn Giang sau 10 năm không gặp, kể từ ngày chia tay nhau ở Paris. Nguyễn Giang đã giới thiệu cho Komatsu tác phẩm Truyện Kiều, và cho ông mượn bản dịch Pháp văn của thân phụ mình là Nguyễn Văn Vĩnh. Komatsu thực sự bị cuốn hút bởi cuốn kỳ thư này. Bằng sự nhạy bén, tinh tế của một nhà văn, Komatsu nhanh chóng nhận ra chân giá trị của Truyện Kiều, như ông nói, nó chứa đựng cái “bí mật của hồn dân tộc An Nam”. Vì vậy ông đã chú tâm vào việc dịch Truyện Kiều. Vì không biết tiếng Việt nên ông phải dùng hai bản Truyện Kiều bằng Pháp văn, một là bản “đối dịch”, có lẽ là bản thảo dịch sát từng câu của Nguyễn Văn Vĩnh (do Nguyễn Giang cho mượn) và một nữa là của Craysac, cùng sự giúp đỡ của một người Việt đang ở Nhật là Nguyễn Văn Thái. Komatsu dịch trong vòng 6 tháng là xong, năm sau - 1942, sách được nhà Đông Bảo (Toho) ở Tokyo xuất bản. Sau đó Komatsu quay lại Việt Nam làm tùy viên văn hóa cho lãnh sự quán Nhật Bản ở Việt Nam, ông từng sống ở Hà Nội, Sài Gòn, làm bạn với nhiều nhà văn, trí thức lớn của Việt Nam. Ông có viết truyện Cuộc tái ngộ được Nguyễn Giang dịch ra tiếng Việt đăng trên Trung Bắc chủ nhật năm 1944-1945 như đã nói ở mục trên. Sau này về Nhật ông còn viết thêm 2 quyển nữa có liên quan đến Việt Nam là: Vetonamau (Việt Nam) nói về Cường Để và Phan Bội Châu và  Vetonamau no chi (Máu Việt Nam) có tính chất tự truyện(9).

Ngoài Kim Vân Kiều ra, trước 1945 còn có hai quyển sách nữa được dịch ra tiếng Nhật, đó là Truyện cổ An Nam của Nguyễn Tiến Lãng, Fukao Sumako dịch và Lòng nhiệt tình của người An Nam của Nguyễn Thục Oanh, Oku Yoshiaki dịch. Cả 2 cuốn đều được dịch từ bản tiếng Pháp và xuất bản vào năm 1942.

Trước khi những quyển sách trên ra đời, báo chí Nhật Bản đã bắt đầu giới thiệu về văn học Việt Nam. Trên nhật báo Asahi shimbun (bản Tokyo) tháng 8 năm 1941 đã đăng liên tục 11 kỳ (10/8 – 18/8/1941) bài tường thuật “Buổi toạ đàm về Đông Dương”, trong đó buổi toạ đàm thứ nhất được rút “tít” rất ấn tượng :  “Kim Vân Kiều, tác phẩm trữ tình vĩ đại đối địch được với Truyện Genji ”. Ý kiến này là của Suzuki Mutsuro, nguyên Tổng Lãnh sự Nhật Bản ở Hà Nội. Buổi toạ đàm về Đông Dương cũng bàn về văn học đương đại Việt Nam bấy giờ, ý kiến khá phân tán, Suzuki Mutsuro cho là văn học đương đại Việt Nam (nói theo thời điểm 1941) không có gì giá trị, nhưng Komatsu lại đánh giá khá cao, đặc biệt là các tác phẩm thuộc “phái xã hội”. Asahi shimbun năm 1942 cũng có một bài giới thiệu văn học Việt Nam đương đại của một người Việt tên là Văn Hoàn, giới thiệu bao quát về diện mạo văn học từ thập niên 1920 đến bấy giờ.

3.2. Dịch văn học Việt Nam ở Nhật Bản trước 1985

Năm 1962, sau 20 năm gián đoạn, văn học Việt Nam lại bắt đầu được dịch sang tiếng Nhật. Đó là cuốn Truyện Tây Bắc của Tô Hoài và những người khác. Gọi là  Truyện Tây Bắc, nhưng đây là tuyển tập truyện ngắn Việt Nam, trong đó những tác phẩm của Tô Hoài. 3 truyện của Tô Hoài in trong tập truyện đó là: Vợ chồng A Phủ, Chuyện  Mường Giơn,  Cứu đất cứu mường, sau 3 truyện ấy là truyện của Xuân Thiều, Nguyễn Địch Dũng, Chu Văn….Sách được Hirota Shigemichi và Okubo Akio dịch từ quốc tế ngữ (Esperanto), do Shinnihon (Tân Nhật Bản) xuất bản. Có lẽ tập truyện này được đón nhận nồng nhiệt, nên năm 1962 in lần thứ nhất, nhưng chỉ 1 năm sau - năm 1963, sách được tái bản đến lần thứ 6 và đến năm 1975 vẫn còn được tái bản.

Cao trào dịch văn học Việt Nam bắt đầu từ 1967, tương ứng với tình hình “Chiến tranh Việt Nam” bước vào giai đoạn khốc liệt nhất trong lịch sử. Có thể thấy văn học Việt Nam dịch ở Nhật Bản trong giai đoạn này có 3 mảng đề tài:

-       Văn học dân gian Việt Nam: được dịch khá nhiều, theo thống kê chưa thật đầy đủ, từ năm 1968 đến 1986 có 8 tập truyện cổ được dịch và xuất bản. Đó là các tập của các nhà nghiên cứu và dịch giả như : Ikeda Yoshinae, Hoshino Katsuo, Kozawa Toshio, Yano Yubiko, Yamashita Kinichi, Inada Koji và Tanimoto Naofumi, do các nhà xuất bản nổi tiếng ở Nhật Bản in và phát hành như: Sanseido, Asahi shimbunsha, Shakai shisosha, Domeisha, Kenshu…

-       Văn học trước 1945: có 2 tập được dịch là: Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan và Ngục trung nhật ký của Hồ Chí Minh. Tập thơ nổi tiếng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh được NXB.Idzuka xuất bản vào đúng năm Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần (1969), sách do Akiyoshi Kukio dịch. Sau này cũng có một tập Hồ Chí Minh- Thơ và Nhật ký của học giả tên tuổi là Kawamoto Kunie dịch, giới thiệu.

-       Văn học kháng chiến được dịch nhiều nhất, có thể coi như là chủ đạo. Thực ra 2 sách mảng trên chỉ là nhằm hoàn chỉnh thêm bức tranh về văn học Việt Nam kháng chiến.

Có thể kể ra đây một danh mục dài những tác phẩm nổi tiếng một thời ở cả hai miền Nam Bắc như: Trong khói lửa (tập truyện ngắn miền Nam Việt Nam) của Phan Tứ và những người khác, Kurita Kimiaki dịch; Viết trong khói lửa của nhiều tác giả, Watanabe Akira dịch; Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc, Ikegami Hideo dịch; Cao điểm cuối cùng của Hữu Mai, Kurita Kimiaki dịch; Tiệm đồng hồ ở Điện Biên PhủTiếng sáo trúc của nhiều tác giả do Nhóm Phụ nữ Hội Esperanto Kanazawa dịch; Việt Nam thi tập của nhiều tác giả, Oshima Hiromi dịch v.v…

Từ 1975 đến 1985 vẫn tiếp tục khuynh hướng dịch thuật trước đó, có thể coi đây như niềm hân hoan chung của những người đứng về phía BEHETO (Hội Những Người Việt Nam ở Nhật Bản Đấu tranh vì Hoà bình và Thống nhất Việt Nam / Betonamu no Heiwa to Toitsu no tameni Tatakau zai Nichi Betonamujin no kai) và BEHEREN (Liên minh đấu tranh cho hoà bình ở Việt Nam (của người Nhật Bản)) trước một nước Việt Nam hoà bình và thống nhất. Xin kể tiếp ra đây danh mục đang kể dang dở ở trên, đó là: Văn học giải phóng Việt Nam của Nguyễn Sáng và nhiều người khác, do BEHETO biên tập; Bất khuất của Nguyễn Đức Thuận, Kawamoto Kunie dịch; Trận tuyến đặc biệt của Khánh Vân, Miura Kazuo dịch; Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi,  Áo trắng của Nguyễn Văn Bổng đều do Takano Isao dịch; Về làng của Phan Tứ, Chiếc lược ngà của Nguyễn Sáng, Hai người  bạn chiến đấu (?) của Lê Văn Thảo,  X30 phá lưới của Đặng Thanh đều do Higuma Masumi dịch .v.v.

Về dịch giả, tôi đặc biệt có ấn tượng về một số dịch giả sau đây:

Nhóm phụ nữ Hội Esperanto ở Kanazawa, như tên gọi cho thấy họ không biết tiếng Việt, nhưng đã cố gắng dịch 2 tuyển tập văn học kháng chiến Việt Nam từ Quốc tế ngữ (Esperanto).

Dịch giả dịch nhiều nhất trong giai đoạn này là Higuma Matsumi, ông đã dịch ít nhất là 8 quyển sách độc lập của Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi, Chu Văn, Phan Tứ, Nguyễn Sáng, Lê Văn Thảo, Đặng Thanh. Sách đều do Shinnihon và Shinkyo xuất bản từ 1981 đến 1983.

Kawamoto Kunie là một học giả được biết đến nhiều ở Việt Nam do công trình nghiên cứu rất công phu của ông về một kiệt tác của văn học cổ điển Việt Nam có tên là Truyền kỳ mạn lục san bản khảo, Đại học Keio xuất bản, 1998. Ít ai biết ông còn là dịch giả nhiều công trình khác về văn học Việt Nam rất có giá trị như: Việt Nam vong quốc sử của Phan Bội Châu; Việt Nam-Thơ và sử; Hồ Chí Minh-Thơ và nhật ký; Lời chứng của các tù chính trị Miền Nam Việt Nam và bản dịch rất ăn khách là Bất khuất của Nguyễn Đức Thuận. Bản dịch tiếng Nhật lên đến 4 tập, trở thành bản dịch đồ sộ nhất về văn học Việt Nam, sách do Shinnihon xuất bản, lần đầu in đúng 30 tháng 4 năm 1976. Sách bán rất chạy, nên chỉ 5 tháng sau (9/1976) đã phải tái bản đến lần thứ 3.  

Takano là một nhân vật quen thuộc với người Việt Nam qua một bài hát rất được yêu thích: “Takano, nhân chứng quả cảm” sáng tác sau khi anh hy sinh ở Lạng Sơn năm 1979. Anh là dịch giả của hai tác phẩm nổi tiếng của văn học Việt Nam kháng chiến: Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi và Áo trắng của Nguyễn Văn Bổng. Takano tên họ đầy đủ là Takano Isao, sinh năm 1943 ở Kobe, tốt nghiệp Khoa Tiếng Việt, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1971.

Những bản dịch văn học Việt Nam ở Nhật Bản trước 1975 đều được dịch qua ngôn ngữ trung gian: từ Quốc tế ngữ (Esperanto), từ tiếng Pháp, tiếng Anh…chứ chưa được dịch trực tiếp từ nguyên tác tiếng Việt. Phải từ năm 1975 trở đi mới có bản dịch trực tiếp từ nguyên tác. Các dịch giả dịch từ nguyên tác tiếng Việt chủ yếu xuất thân từ một “lò” đào tạo là khoa tiếng Việt của Trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo dưới sự dìu dắt của GS.Takeuchi Yonosuke, sau đó là các giáo sư Kawaguchi KenichiImai Akio. Takeuchi là người Nhật Bản thứ hai dịch Kim Vân Kiều (Kodansha xuất bản, 1975)(10). Ông và các cộng sự còn là dịch giả của loại sách đối dịch song ngữ, chủ yếu dùng để giảng dạy, nhưng uy tín của nó vượt ra ngoài khuôn viên đại học, được nhiều người Nhật biết đến. Sách đều do một nhà xuất bản ngữ học là Daigakushorin (Đại học Thư lâm) xuất bản:

Văn học cổ điển có: Chinh phụ ngâm khúc của Đoàn Thị Điểm, Takeuchi Yonosuke dịch (1984); Kim Vân Kiều tân truyện của Nguyễn Du,  Takeuchi Yonosuke dịch (1985); Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, Takeuchi Yonosuke dịch (1986).

Văn học cận đại có: Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, Takeuchi Yonosuke dịch (1980); Tuyển tập truyện ngắn Việt Nam của nhiều tác giả, Takeuchi Yonosuke, Kawaguchi Kenichi dịch (1982); Đoạn tuyệt của Nhất Linh, Takeuchi Yonosuke dịch (1983); Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng, Takeuchi Yonosuke, Kawaguchi Kenichi dịch (1984); Tuyển tập truyện ngắn Việt Nam- tiếp theo của nhiều tác giả, Takeuchi Yonosuke, Kawaguchi Kenichi, Imai Akio dịch (1987).

3.3. Dịch văn học Việt Nam ở Nhật Bản từ 1986 đến nay

Từ 1986 trở đi, việc dịch văn học Việt Nam ở Nhật Bản có sự thay đổi quan trọng: các mảng đề tài trở nên đa dạng hơn, trong đó đặc biệt chú trọng đến văn học đương đại (từ sau Đổi mới):

-       Sách văn học “cổ điển” có tính chất học thuật  chủ yếu là sách của Daigakushorin: Gánh hàng hoa của Khái Hưng và Nhất Linh, Katayama Sumiko dịch; Nắng trong vườn- Tuyển tập truyện ngắn Thạch Lam, Kawaguchi Kenichi dịch; Biến đổi (truyện ngắn) của Khái Hưng, Kawaguchi Kenichi dịch (những sách xuất bản trước 1986 đã kể ở trên)…

-       Văn học dân gian: Truyện cổ thế giới, tập 19: Việt Nam, Yoshikawa Toshiharu,  Tomita Kenji dịch; Truyện cổ Việt Nam, Tomita Kenji dịch

-       Văn học kháng chiến: Hòn đất của Anh Đức, Tomita Kenji dịch

-       Văn học đương đại (từ Đổi mới cho đến nay): Đây là mảng sách chiếm số lượng nhiều nhất, xin chỉ liệt kê một số: Truyện như đùa của Mai Ngữ, Kato Sakae dịch; Ánh sao băng, tập truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu, Dương Thu Hương và những người khác, Kato Sakae dịch; Bức tranh của Nguyễn Minh Châu, Kato Sakae dịch; Những thiên đường mù của Dương thu Hương, Kato Sakae dịch; Mưa mùa hạ của Ma Văn Kháng, Kato Sakae dịch; Tuyển tập truyện ngắn Việt Nam của nhiều tác giả do Kato Sakae dịch, Thời xa vắng của Lê Lựu, Kato Norio dịch, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, có 2 bản dịch, một của Ikawa Kazuhisa, một của Okawa Hitoshi .v.v.

Trong số các dịch giả dịch văn học Việt Nam đương đại, thì nữ sĩ Kato Sakae là người có nhiều đóng góp nhất. Chị đã dịch ít nhất là 6 tập truyện ngắn và tiểu thuyết Việt Nam cùng nhiều truyện đăng ở các tạp chí.

Người có công lớn trong việc nghiên cứu, giới thiệu và dịch văn học Việt Nam ở Nhật Bản là GS.Kawaguchi Kenichi (Trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo). Đóng góp lớn nhất của ông là ở phương diện nghiên cứu với hàng chục đầu sách viết chung và viết riêng giới thiệu về văn học Việt Nam, đáng chú ý là: Để hiểu rõ hơn về Việt Nam, Lời mời gọi vào văn học Đông Nam Á, đồng thời ông cũng là một trong những người sáng lập ra tờ tạp chí Văn học Đông Nam Á (Tonanajia bungaku) của Hội Văn học Đông Nam Á, trong đó có nhiều bài dịch về văn học Việt Nam rất có giá trị. Tác phẩm dịch nổi tiếng nhất của ông là Nắng trong vườn – Tuyển tập Thạch Lam, Daidôseimei xuất bản năm 2000. Về phương diện dịch văn học Việt Nam, ông là người tiếp tục khuynh hướng coi trọng những giá trị nghệ thuật của tác phẩm và có yêu cầu học thuật cao đối với bản dịch. Có thể nói mỗi một bản dịch của ông cũng gần như một công trình nghiên cứu(11).

KẾT LUẬN

Việc nghiên cứu so sánh văn học Việt Nam và Nhật Bản thực sự mới được tiến hành một cách tập trung chừng 15 năm nay, thế nhưng cho đến nay đã đạt được những thành tựu đáng kể. Tuy nhiên triển vọng của hướng nghiên cứu này còn hết sức rộng rãi.

  1. Chắc chắn còn nhiều tư liệu về mối quan hệ giữa văn học Việt Nam và Nhật Bản mà giới nghiên cứu còn chưa biết tới hoặc chưa bàn kỹ
  2. Việc nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học Việt Nam và Nhật Bản trong quan hệ chung với văn học Trung Quốc, Triều Tiên- Hàn Quốc cần được đi sâu hơn
  3. Việc so sánh những điểm gần nhau và những điểm đặc sắc về tư tưởng, thể loại, trào lưu, thi pháp… giữa văn học Việt Nam và Nhật Bản cũng chỉ mới bắt đầu.

Việc nghiên cứu so sánh văn học Việt Nam và Nhật Bản đặt trong bối cảnh chung của toàn khu vực Đông Á vẫn là lời mời gọi hấp dẫn đối với các nhà nghiên cứu.

CHÚ THÍCH

  1. Đoàn Lê Giang: Abe no Nakamaro trong quan hệ Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam, Nghiên cứu Nhật Bản số 3 năm 1999
  2. Nguyễn Thanh Tùng: Thơ bang giao Việt-Nhật trong bối cảnh thời trung đại: diện mạo và đặc điểm, tham luận hội thảo
  3. Đoàn Lê Giang: Vũ nguyệt vật ngữ của Ueda Akinari và Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, Tạp chí Nghiên cứu văn học số 1/2010
  4. Đoàn Lê Giang: Truyện Kiều và Kim Vân Kiều truyện ở Nhật Bản, Tạp chí Nghiên cứu văn học số 12 năm 1999
  5. Phan Châu Trinh: Giai nhân kỳ ngộ (anh hùng ca), Huỳnh Thúc Kháng biên soạn: Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử, Lê Văn Siêu bình giải và chú thích, NXB. Hướng Dương, Lam Hồng tổng phát hành, SG, 1958; Vĩnh Sính: Việt Nam và Nhật Bản - giao lưu văn hóa, NXB. Văn Nghệ, Trung tâm nghiên cứu Quốc học xuất bản, 2001
  6. Vĩnh Sính: Một nhà văn Nhật viết về Nguyễn Ái Quốc trong thời gian ở Pháp, Tạp chí Xưa và Nay, số 27, tháng 5/ 1996
  7. Tên tác giả này phiên âm hơi lạ, không đúng với họ người Nhật. Không có nhà văn nào tên như vậy, theo chúng tôi, có lẽ đây là Hirotsu Kazuo広津 和郎 (1891-1968), nhà văn cánh tả, bạn của hai nhà văn vô sản Tokunaga Sunao và Miyamoto Yuriko. Tác phẩm Đường đến nguồn nước của ông có lẽ là cuốn Izumi e no michi 泉へのみち (Đường đến suối nguồn) do Asahi Shimbun xuất bản lần đầu năm 1954.
  8. Còn một cuốn nữa, theo Hà Văn Lưỡng là Khuân mặt người khác của Abê Kôbô (NXB. Văn học, 1969), nhưng chúng tôi chưa có điều kiện kiểm chứng độ chính xác của thông tin này (Hà Văn Lưỡng: Dịch thuật và nghiên cứu văn học Nhật Bản tại Việt Nam, http://thongtinnhatban.net).
  9. Đoàn Lê Giang: Truyện Kiều và Kim Vân Kiều truyện ở Nhật Bản, Tạp chí Nghiên cứu văn học số 12 năm 1999
  10. Sau bản dịch Truyện Kiều của Takeuchi còn có 1, 2 quyển nữa, nhưng đều do những người nghiệp dư yêu thích Truyện Kiều mà dịch chứ không có đóng góp gì đáng kể. Chúng tôi có thấy bày bán những quyển ấy ở nhà sách Mekong center ở Tokyo nhưng hầu như không thấy lưu ở thư viện các đại học lớn.
  11. Đoàn Lê Giang: Dịch văn học Việt Nam ở Nhật Bản – Báo cáo khoa học tại Hội thảo “30 năm thiết lập quan hệ hữu nghị Việt-Nhật” tổ chức tại Trường Đại học KHXH và Nhân văn-ĐHQG TP.HCM năm 2003, in trong “30 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản - Kết quả và triển vọng”, NXB.TP.HCM, 2004.

THƯ MỤC THAM KHẢO

  1. Đoàn Lê Giang chủ biên:  Văn học cận đại Đông Á từ góc nhìn so sánh, NXB. Tổng hợp TP.HCM, 2011
  2. Nhiều tác giả: Nhật Bản trong thế giới Đông Á và Đông Nam Á, NXB.TP.HCM, 2003
  3. Nhiều tác giả: Trung Nhật cổ đại văn học quan hệ sử cảo, NXB. Hồ Nam Văn Nghệ Xã, Hồ Nam, 1987 (tiếng Hoa)
  4. Suzuki Shuji: Văn học Trung Quốc và văn học Nhật Bản, NXB. Tôsho sensho, Tokyo, 1991 (tiếng Nhật)
  5. Vĩnh Sính: Việt Nam và Nhật Bản - giao lưu văn hóa, NXB. Văn Nghệ, Trung tâm nghiên cứu Quốc học xuất bản, 2001

Nguồn: Nghiên cứu văn học Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh Đông Á, Tạp chí Nghiên cứu văn học số 2/2012, tr.5

 


* PGS. TS, Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học KHXH & NV – ĐHQG TP.HCM

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60789447
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
8948
24669
60789447

Thành viên trực tuyến

Đang có 384 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website