“Bài tựa Vũ nguyệt vật ngữ” và lời nguyền về hư cấu của tiểu thuyết

20170903 Vu nguyet2

Tiểu thuyết ra đời với nguyên tắc cốt tử của nó là hư cấu nghệ thuật: những cảnh tưởng tượng kỳ lạ, những câu chuyện tình đẹp đẽ, bi thương vừa thực vừa hư, những cốt truyện hấp dẫn…đã thu hút người ta hơn rất nhiều những giáo huấn khô khan. Vì thế trong con mắt của những người bảo vệ trật tự phong kiến, “tiểu thuyết” có nguy cơ dẫn người ta xa đạo. Khổng Tử không thích “quái lực loạn thần” (chuyện quái lạ, sức mạnh, bề tôi làm loạn), không thích nói khéo, nói ác (xảo ngôn, lợi khẩu), Trình Di cho rằng “làm văn có thể hại đạo”.  Dân gian Việt Nam từng truyền tai nhau: “Làm trai chớ kể Phan Trần/ Làm gái chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều”. Ở Trung Quốc, Nhật Bản không biết từ bao giờ từng lưu truyền một lời nguyền đáng sợ: kẻ nào viết tiểu thuyết sẽ bị quả báo. Bằng chứng là La Quán Trung viết Thủy hử, sau này 3 đời con cháu bị câm, Murasaki viết Truyện Genji, sau khi chết thì bị đày xuống địa ngục...(!) Lời nguyền ấy không phải thể hiện thái độ coi thường tiểu thuyết, mà chính là sợ sức mạnh của tiểu thuyết. Lời nguyền ấy không biết xuất phát từ đâu, nhưng về văn bản thì có thể thấy sớm nhất trong sách Tây Hồ du lãm chí dư 西湖遊覧志余 (Sách sưu tập những chuyện truyền miệng quanh Tây Hồ, Hàng Châu) do Điền Nhữ Thành 田汝成 (1503 - 1557) đời Minh biên soạn, sau đó quan niệm ấy truyền sang Nhật Bản và được ghi lại trong bài tựa Vũ nguyệt vật ngữ雨月物語của Ueda Akinari上田秋成 (1734 - 1809), một bậc thầy về tiểu thuyết truyền kỳ Nhật Bản. Vũ nguyệt vật ngữ  đđược hoàn thành năm 1768, xuất bản 1776, đây là tác phẩm được coi là đỉnh cao của truyền kỳ Nhật Bản. Chịu ảnh hưởng sâu sắc Tiễn đăng tân thoại, Cổ kim tiểu thuyết, Tam ngôn Nhị phách…nhưng được sáng tác trong thời đại muộn hơn với những mâu thuẫn xã hội - nhất là ở đô thị hết sức gay gắt, cùng với tài năng riêng được hun đúc trong truyền thống tiểu thuyết lâu đời của Nhật Bản, khiến cho Vũ nguyệt vật ngữ có vị trí danh dự không chỉ trong truyện truyền kỳ Nhật Bản mà cả trong văn học các nước khu vực Đông Á. Bài tựa tác phẩm không dài nhưng có ý nghĩa rất quan trọng, nó thường được các nhà  văn, nhà lý luận phê bình văn học Nhật Bản cũng như phương Đông sau này nhắc đến. Đọc bài tựa tác phẩm này người ta vừa cảm phục thái độ dũng cảm trước dư luận, lòng say mê văn chương của tác giả, vừa thương cảm cho nỗi đau khổ chung của nhà văn xưa khi cầm bút viết tiểu thuyết.

Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu toàn bộ bài tựa ấy. Nguyên tác bài tựa viết bằng Hán văn. Về văn bản chúng tôi căn cứ vào bản Vũ nguyệt vật ngữ, Aoki Masatsugu chú dịch, NXB.Kodansha (tủ sách Kodansha gakujutsu bunko 487), in lần 34, Tokyo 2003, đồng thời có minh họa thêm văn bản cổ - bản Văn Vinh Đường tàng bản.

 

BÀI TỰA VŨ NGUYỆT VẬT NGỮ

雨月物語序

羅子水滸。而三世生唖児。紫媛源語。而一旦堕悪趣者。蓋為業所偪耳。然而観其文。各々奮奇態。揜哢逼真。低昂宛転。令読者心気洞越也。可見鑑事実于千古焉。

余適有鼓腹之閑話。衝口吐出。雉雊龙战。自以為杜撰。則摘读之者。固当不謂信也。豈可求醜脣平鼻之報哉。

明和戊子晩春。雨霽月朦朧之夜。窓下編成。以畀梓氏。題曰雨月物語。云。

剪枝畸人書。

 

 20170903 Vu nguyet3

20170903 Vu nguyet4

 

PHIÊN ÂM

          La Tử soạn Thuỷ hử, nhi tam thế sinh á nhi; Tử Viên trước Nguyên ngữ, nhi nhất đán truỵ ác thú giả. Cái vi nghiệp sở bức nhĩ. Nhiên nhi quan kỳ văn, các các phấn kỳ thái, án lộng bức chân, đê ngang uyển chuyển, lệnh độc giả tâm khí động việt dã. Khá kiến giám sự thực vu thiên cổ yên.

          Dư thích hữu cổ phúc chi nhàn thoại, xung khẩu thổ xuất, trĩ cẩu long chiến, tự dĩ vi đỗ soạn. Tắc trích độc chi giả, cố đương bất vị tín dã. Khởi khả cầu xú thần bình tị chi báo tai.

          Minh Hoà Mậu tý vãn xuân, vũ tễ nguyệt mông mông chi dạ, song hạ biên thành, dĩ tất tân thị, đề viết “Vũ nguyệt vật ngữ”. Vân.

                                                                        Tiễn Chi Ky Nhân thư

 

DỊCH NGHĨA

La Quán Trung viết Thuỷ hử mà con cháu ba đời bị câm (1), Murasaki viết Truyện Genji mà một ngày kia rơi xuống địa ngục (2), tất cả đều là vì nghiệp mà phải bị trừng phạt mà thôi. Nhưng xem văn chương của họ thì thấy tất thảy đều phô bày sắc thái lạ, réo rắt khác thường, bổng trầm uyển chuyển, khiến cho tinh thần người đọc đồng cảm lâng lâng (3), có thể coi nó như tấm gương soi sự thực ngàn đời.

Tôi ngẫu nhiên mà có được nhiều chuyện ở đời thái bình (4), buột miệng nói ra, những chuyện kỳ quái về điềm gở như chim trĩ gáy, thuồng luồng đánh nhau (5), tôi tự thấy đó chỉ là chuyện bày đặt vô cớ (6). Vì vậy người đọc đương nhiên là không nên tin. Tôi đâu dám mong bị quả báo khiến con cháu bị sứt môi mất mũi đâu (7). 

Cuối xuân năm Mậu tý đời Minh Hoà (1768), vào đêm mưa tạnh trăng mờ, viết xong bên cửa sổ, đưa cho khắc ván, lấy nhan đề là “Vũ nguyệt vật ngữ”.

                                                   TIỄN CHI KY NHÂN (8) viết

                                Triện : Tử Hư Hậu Nhân, Du Hý Tam Muội (9)

CHÚ THÍCH

(1) La Quán Trung羅貫中: nhà văn Trung Quốc thời cuối Nguyên đầu Minh, tác giả truyện Thuỷ hử viết về 108 anh hùng Lương Sơn Bạc nổi loạn chống triều đình. Tương truyền là ông viết truyện này làm mê hoặc người nên bị quả báo 3 đời con cháu sinh ra đều bị câm.

Á nhi 唖児trong Ủy hạng tùng đàm trong quyển 25 Tây Hồ du lãm chí dư 西湖遊覧志余 và trong Tục văn hiến thông khảo Q.117 có tục thuyết bắt nguồn từ tư tưởng nhân quả của Phật giáo. Theo Tây hồ du lãm chí dư thì: “La Quán Trung, người Tiền Đường, vốn là người Nam Tống, viết vài chục quyển tiểu thuyết, trong đó truyện Thủy hử kể chuyện bọn Tống Giang “gian đạo thoát biên” 姦盗脱騙 (trộm cắp, gian giảo, trốn tránh ngoài vòng pháp luật), thật rõ ràng chi tiết. Nhưng biến trá trăm đường, làm băng hoại tâm thuật con người, nên con cháu 3 đời đều câm. Đạo trời quả báo như vậy”.  Tục văn hiến thông khảo đại khái cũng viết như vậy. Bản thân Akinari sau này trong Thu sơn ký cũng viết: “Nghe nói rằng La Quán Trung đến 3 đời đều sinh con cháu bị câm”.

Trụy ác thú 墜 悪趣: “Ác thú” là từ Phật giáo đối lập với Thiện thú. Ác thú là nơi giam giữ những người tích nghiệp ác. Đây có ý chỉ địa ngục. Người ta nói có “Tam ác đạo/ Tam ác thú”, tức Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh. Trong Kim tích vật ngữ Bảo vật tập có kể chuyện gặp Murasaki ở địa ngục, và cũng có chuyện kể cứu Murasaki ra khỏi địa ngục.

(2) Murasaki Shikibu 紫式部: nữ văn sĩ nổi tiếng thời Heian, sống vào khoảng cuối thế kỷ X, đầu thế kỷ XI, tác giả truyện nổi tiếng nhất trong văn học cổ điển Nhật Bản Truyện Genji (Genji monogatari), viết về hoàng tử Genji đa tình. Người ta đồn là vì viết truyện đó, nên sau khi chết Murasaki bị trừng phạt đày xuống địa ngục.

(3) Nguyên văn là Động việt 洞越: Lỗ khuếch âm dưới đáy đàn sắt. Ý nói đọc những tác phẩm nghệ thuật hay thì con người thấy đồng cảm, cộng hưởng cùng tác phẩm.

(4) Nguyên văn là Cổ phúc鼓腹: từ thành ngữ “Cổ phúc kích nhưỡng 鼓腹撃壌”: vỗ bụng gõ đất. Ý nói no đủ, vui vẻ trong đời thái bình.

(5) Nguyên văn là Trĩ cẩu long chiến雉雊龍戦: Trĩ kêu rồng / thuồng luồng đánh nhau, đó là những chuyện kỳ quái, điềm gở trong thiên hạ.

(6) Nguyên văn là Đỗ soạn杜撰: Trước tác thêm thắt không có chứng cứ, nhiều điều sai ngoa.

(7) Nguyên văn là Xú thần bình tị chi báo 醜唇平鼻之報: Người xưa nói rằng kẻ nào cười cợt những điều Phật dạy thì sẽ bị quả báo bằng cách là con cháu sinh ra sẽ bị sứt môi, mất mũi.

(8) Tiễn Chi Ky Nhân 剪枝畸人: Hiệu của Ueda Akinari. Ky nhân : người ẩn dật. Tiễn chi: Cắt ngón tay, cụt ngón tay. Từ tai nạn của Ueda mà thành hiệu. Một phần cũng có thể tác giả mô phỏng tên tác phẩm Tiễn đăng tân thoại 剪燈新話của Cù Hựu đời Minh, là tác phẩm ảnh hưởng rất sâu sắc đến Vũ nguyệt vật ngữ.

(9) Tử Hư Hậu Nhân 子虚後人, Du Hý Tam Muội遊戯三昧: Đều là những hiệu khác của Ueda. Tử Hư Hậu Nhân: Tử Hư là nhà thơ Trung Quốc có ghi ở trong Văn tuyển. Ueda coi mình như là hậu duệ của Tử Hư. Tam muội: Trạng thái an định khi tâm đã thống nhất giữa Chính định, Đẳng trì và Tịch tĩnh (từ nhà Phật). Nghĩa thông thường là say mê, mê đắm. Ở đây có lẽ Ueda nói mình như là người mê đắm trong chuyện vui chơi.

Xem thêm: Thử so sánh Truyền kỳ mạn lục với Tiễn đăng tân thoại, Trần Nghĩa, Tạp chí Hán Nôm số 1, 2 năm 1987

(Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học số 9/ 2009, tr.109, có chỉnh sửa bổ sung)

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60518549
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
42
10018
60518549

Thành viên trực tuyến

Đang có 228 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website