1. VẤN ĐỀ TIỂU SỬ VÀ VĂN BẢN TÁC PHẨM PHAN VĂN TRỊ
Nếu không kể bài Gia Định thất thủ phú do Trương Vĩnh Ký sưu tầm và phiên âm ra quốc ngữ giới thiệu đầu tiên trong sách Saigon d’autrefois năm 1882 ghi là khuyết danh, cho đến nay vẫn chưa xác quyết của Phan Văn Trị thì bài Con rận thơ cũng do Trương Vĩnh Ký sưu tầm giới thiệu trên Miscellanées số 2 (tháng 6 năm 1889) được coi là bài mở đầu cho việc phiên âm, giới thiệu thơ Phan Văn Trị bằng chữ quốc ngữ. Như vậy cho đến nay được hơn 130 năm. 130 năm, với những cố gắng của nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu mà thơ văn của ông càng ngày càng đến gần với độc giả, tên tuổi của ông càng ngày càng sáng trên bầu trời văn học - văn hóa Việt Nam.
Có thể kể ở đây các nhà nghiên cứu có đóng góp quan trọng: Mở đầu là Trương Vĩnh Ký (như đã nói), tiếp đến là Lê Quang Chiểu, người anh em bên vợ của Cử Trị. Bằng công trình Quốc âm thi hiệp tuyển (1903) lần đầu tiên Lê Quang Chiểu đã giới thiệu thơ Phan Văn Trị với số lượng lớn gồm 28 bài cả có tên và không đề tên ông. Sau đó là các nghiên cứu, sưu tập của Huỳnh Tịnh Của (Quốc âm thi tập, 1907), Võ Sâm (Thi phú văn từ, 1912), Chương Dân - Lâm Tấn Phác trên Nam Phong tạp chí từ năm 1919 đến 1926, Nguyễn Văn Kinh (Nam âm, 1925), Trần Trung Viên (Văn đàn bảo giám, 1926), Vũ Ngọc Phan (Thi sĩ Trung Nam, 1943), Nhất Tâm (Phan Văn Trị (1830-1910), 1956), Thuần Phong - Đoàn Văn (Phan Văn Trị thi tập, 1959), Thái Bạch (Cuộc bút chiến giữa Phan Văn Trị - Tôn Thọ Tường, 1957), Ca Văn Thỉnh, Bảo Định Giang (Thơ văn yêu nước Nam Bộ nửa sau thế kỷ XIX, 1962). Hội thảo Nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị (1830 - 1910) kỷ niệm 155 ngày sinh và 75 năm ngày mất của ông tổ chức từ ngày 31/10 đến 2/11/1985 tại Cần Thơ đánh dấu mốc quan trọng trong việc nghiên cứu, giới thiệu thơ văn Phan Văn Trị. Sau Hội thảo, một tập kỷ yếu hội thảo cùng hàng loạt các sách về Phan Văn Trị của các nhà nghiên cứu ra đời (Văn nghệ Cần Thơ, Nghĩ và viết về Phan Văn Trị ,1985; Nguyễn Khắc Thuần, Nguyễn Quảng Tuân, Phan Văn Trị - cuộc đời và tác phẩm, 1986; Ban chủ nhiệm hội thảo Phan Văn Trị, Tác phẩm Phan Văn Trị, 1987)
Nhiều vấn đề về tiểu sử và văn bản tác phẩm Phan Văn Trị đã được đặt ra và giải quyết như quê quán Phan Văn Trị, tiểu sử và các mối liên hệ của Phan Văn Trị ở làng Hanh Thông (Gia Định), Bình Thủy (Cần Thơ) v.v…
Theo tôi vẫn còn một số vấn đề cần đặt ra: quan trọng nhất là năm mất của Phan Văn Trị: có chắc chắn là 1910 như đa số các tài liệu viết về Phan Văn Trị không? Phan Văn Trị về Phong Điền, Cần Thơ năm nào? Ông kết hôn với bà Đinh Thị Thanh năm nào: thập niên 1870 khi ông 40, hay 1880 khi ông 50? Bà Thanh sinh thập niên 1840, 1850 hay 1860? Bà còn tái giá sau khi Phan Văn Trị mất. Nếu Phan Văn Trị mất 1910 thì lúc ấy bà cũng khoảng 50-70 tuổi, vậy có hợp không? Trong Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca của Nguyễn Liên Phong xuất bản năm 1909 có đoạn viết về Phan Văn Trị thế này: “Cử Trị ăn ở lạ lùng/ Áo quần xịt xạt điên khùng quá tay/ Gặp Tường thời Trị mắng ngay/ Bởi vì tà tửu ít hay kiêng dè (..) Đều là tương trợ thành danh/ Đã lâu về cõi âm minh xa miền” (Nguyễn Liên Phong, 1909, tr.172). Năm 1909 mà Nguyễn Liêng Phong cho biết Cử Trị và Tôn Thọ Tường mất đã lâu, thế thì chắc chắn ông không thể mất 1910 như nhiều sách lâu nay ghi. Ông mất khi nào? Nguyễn Khuê-Cao Tự Thanh căn cứ vào bài Khóc đầu Hạng Võ tương truyền là Tôn Thọ Tường khóc Cử Trị để khẳng định Cử Trị mất trước 1875 (năm Tôn Thọ Tường chết), có thể là năm 1874. (Nguyễn Khuê-Cao Tự Thanh, 2011, tr.300).
Trong tiểu sử Phan Văn Trị vẫn có chỗ chưa rõ là tại sao ông không ra làm quan. Ông thi đậu Cử nhân năm 1849 cùng khoa với Nguyễn Thông (1827-1884), khi ấy Nguyễn Thông 22 tuổi, còn ông mới 19. Sau đó Nguyễn Thông làm quan nhiều nơi, lên đến chức Bố chánh Quảng Ngãi. Sao Cử Trị không làm quan? Nếu nói lý do ông chán quan trường thì không có căn cứ vì ông không chọn làm xử sĩ như Võ Trường Toản mà đi thi, tức là có ý định ra làm quan. Liệu có phải do lý lịch của ông “có vấn đề” như trong bài thơ điếu ông của tác giả khuyết danh có nói xa gần: “Một đời oan chịu đã mòn hơi/ Hà huống oan oan đến chín đời” (Nhất Tâm, 1956, tr.45) và ông cũng có nói về thân thế nhà mình trong bài Hột lúa: “Ông cha giúp nước đà ghe thuở/ Dòng giống nuôi dân biết mấy đời”? Vấn đề lý lịch ấy nếu có là vấn đề gì? Và gia thế mấy đời trước của ông thế nào? Chúng ta chưa biết rõ.
Về vấn đề văn bản, nếu Phan Văn Trị không mất vào năm 1910 mà trước đó, hoặc vì một lý do nào khác, thì không chắc là Phan Văn Trị đã được xem Quốc âm thi hiệp tuyển của Lê Quang Chiều xuất bản năm 1903. Và như vậy thì văn bản tác phẩm Phan Văn Trị mà chỉ dựa vào Lê Quang Chiểu để xác định đâu là tác phẩm của ông đâu là tồn nghi, tôi e rằng không thuyết phục. Vì vậy tôi cho rằng: để xác định văn bản tác phẩm của Phan Văn Trị cần lập ra lịch sử văn bản Phan Văn Trị qua các sưu tuyển chủ yếu trước 1945, rồi gạt ra những bài có tên tác giả khác, thì chúng ta sẽ có một danh mục các tác phẩm của Phan Văn Trị có thể tin được. Chúng tôi đã tiến hành công việc ấy, và thấy danh mục ấy gần giống với danh mục tác phẩm Phan Văn Trị trên Nam phong tạp chí do Chương Dân (1919), Lâm Tấn Phác sưu tập (1923-1926), hay các tập của Nhất Tâm (1956), Ca Văn Thỉnh, Bảo Định Giang (1962). Theo đó thì các tác phẩm của Phan Văn Trị gồm có 45 bài, chia thành 3 loại: Thơ vịnh vật, Thơ bút chiến (xướng họa), Thơ tức cảnh - cảm hoài:
- Thơ vịnh vật (19 bài): Hột lúa, Con mèo, Cá thia thia (2 bài), Cối xay, Con cóc, Thú đi câu, Câu cá, Thợ may, Quán nước, Chùa hư, Cào cào, Con rận, Kiến hôi cắn kiến vàng, Con muỗi, Con cua, Ông táo, Cục cứt.
- Thơ bút chiến (13 bài): Họa Tự thuật (10 bài), Tôn Phu nhân quy Thục, Từ Thứ quy Tào, Hát bội.
- Thơ tức cảnh, cảm hoài (13 bài): Mất Vĩnh Long, Cám cảnh An Giang, Cảm hoài (10 bài), Câu đối điếu Cai tổng Vĩnh,
- Tồn nghi: Làm khi đỗ cử nhân, Cảm thuật, Đồn lính trong làng, Than thời sự (2 bài), Vịnh Kiều, Gia Định thất thủ phú.
2. THƠ VỊNH VẬT CỦA PHAN VĂN TRỊ
Thơ vịnh vật của Phan Văn Trị là một mảng quan trọng trong thơ ông, nó chiếm đến 19 bài. Trong 19 bài ấy lại có thể chia ra thành 3 loại đề tài:
(1) Thơ vịnh vật thể hiện khẩu khí quân tử;
(2) Thơ vịnh cảnh vật, tả sự để thể hiện chí của tác giả;
(3) Thơ phúng thích: châm biếm, đả kích bọn sâu dân mọt nước, bọn phản bội hại dân.
Trong số đó có nhiều bài thơ được hiểu khá khác nhau, có khi đối lập nhau vì tính chất mờ về nghĩa, tính đa nghĩa của hình tượng văn học. Tuy nhiên nếu đọc kỹ ta vẫn có thể có cách hiểu đúng.
Bài Cá thia thia là ví dụ nổi bật.
Bài 1
Đồng loại sao ngươi chẳng ngỡ ngàng,
Hay là một lứa phải nung gan?
Trương vi so đọ vài gang nước,
Đâu miệng hơn thua nửa tấc nhang.
Ráng sức giây lâu đà tróc vảy,
Nín hơi trót buổi lại phùng mang.
Ra tài cửa võ([1])chưa nên mặt,
Cắc cớ khen cho khéo nhộn nhàng.
Bài 2
Đằm thắm mưa xuân trổ mấy màu,
Vì tài vì sắc mới kình nhau.
Đua chen hai nước toan giành trước,
Lừng lẫy đua hơi chẳng chịu sau.
Mường tượng rồng đua nơi biển thẳm,
Mỉa mai cù dậy dưới sông sâu.
Thở hơi sóng dợn nhăn lòng nước,
Mắt thấy ai ai cũng cúi đầu.
Bài thơ có ý tứ khá mâu thuẫn giữa bài 1 và bài 2. Bài 1 hình ảnh con cá thia thia khá xấu (Đồng loại sao ngươi chẳng ngỡ ngàng, Đâu miệng hơn thua, Cắc cớ khen cho…), phải chăng Phan Văn Trị muốn đả kích bọn người hay tranh luận, đấu đá với bạn bè. Câu: “Ra tài cửa võ chưa nên mặt”, lấy tích cá chưa vượt vũ môn, chưa thi đỗ, phải chăng là ám chỉ Tôn Thọ Tường, và vì vậy việc đá cá thia thia chính là chỉ việc Tường tranh luận bút chiến dữ dội với sĩ phu Lục tỉnh để bảo vệ cho con đường đầu hàng phản bội cho mình?
Bài 2 hình ảnh con cá thia thia lại hiện lên rất đẹp. Cũng là cá đá, nhưng cá này thì: Đằm thắm mưa xuân trổ mấy màu, rồng đua, cù dậy…Với 2 câu cuối: “Thở hơi sóng dợn nhăn lòng nước/ Mắt thấy ai ai cũng cúi đầu.” thì chỉ có thể chỉ những người yêu nước. Vậy có thể hiểu cá thia thia bài 2 là chỉ những người bút chiến, tranh luận với Tường như Phan Văn Trị và những người bạn của ông. Chúng ta không nên hiểu Cá thia thia là một bài để rồi yêu cầu bài thơ phải “nhất khí quán hạ”, mà nên hiểu đây là hai bài, bài đầu ám chỉ phe đầu hàng giặc của Tôn Thọ Tường, bài 2 ẩn dụ phe những người yêu nước như Phan Văn Trị, hai phe đấu tranh với nhau như hai con cá thia thia đang đá nhau.
Bài Con mèo cũng là bài hay về ngôn từ, thú vị về ý tứ, lại bị hiểu khá khác nhau: người thì nói bài này chê cười bọn quan lại (trực tiếp là Phan Thanh Giản), người thì nói ngược lại là khen. Chúng ta đọc kỹ xem thực tế thế nào:
Mấy tầng đài các sải chơn leo,
Nhảy lẹ chi cho bẵng([2]) giống mèo.
Chợt ngoảnh mặt hùm nhìn trực thị,
Chi cho lũ chuột dám vang reo.
Vuốt nanh sẵn có vàng khoe sắc,
Vằn vện đành không bụi đóng meo.
Trăm tuổi hồn dầu về chín suối,
Nhúm lông để lại giúp trò nghèo.
Bài thơ này được nói gắn với cuộc gặp gỡ giữa Phan Văn Trị và Phan Thanh Giản khoảng đầu những năm 1850. Khi ấy Phan Văn Trị hơn 20 tuổi, là cậu Cử trẻ tuổi tài cao, nhưng còn “bạch diện thư sinh”, còn Phan Thanh Giản (1796 - 1867) thì hàng cha chú, khoảng gần 60 tuổi, đang là Thượng thư bộ Lại, Cơ mật viện đại thần, Kinh lược sứ Nam Kỳ. Con mèo tất nhiên là ám chỉ quan Kinh lược: đúng là nhảy rất nhanh, từ con nhà bình dân ở góc biển Ba Tri hẻo lánh lên đến tột đỉnh quyền lực dành cho bề tôi dưới triều Nguyễn. Nhưng Phan Thanh Giản nổi tiếng là cương trực, nghĩa khí, thanh liêm, ông từng can gián vua, đàn hặc bao quan tham, hai câu thực của bài thơ nhắc đến chuyện đó: “Chợt ngoảnh mặt hùm nhìn trực thị/ Chi cho lũ chuột dám vang reo.” Lúc bấy giờ Pháp chưa chiếm Nam Kỳ, danh tiếng quan Phan còn sáng chói, nên vuốt nanh sắc bén mà lấp lánh như vàng, vằn vện rất đẹp, không một chút bụi bặm vấy bẩn (Vuốt nanh sẵn có vàng khoe sắc/ Vằn vện đành không bụi đóng meo). Mai mốt ông về nơi chín suối, thì cái uy quyền, cái ân đức của ông còn có thể giúp đám nho sĩ hậu sinh như nhúm lông mèo làm bút học trò vậy. Bài thơ hay ở chỗ nói rất trúng về Phan Thanh Giản, thái độ chung là ngợi ca chứ không hề mỉa mai châm biếm, nhưng rõ ràng có cái trào tiếu, cái đùa nghịch với quyền lực, chứ không thấy cái khiếp sợ, hèn yếu, bợ đỡ quyền lực - đúng như tính cách Phan Văn Trị.
Thơ vịnh vật quốc âm có từ thời Nguyễn Trãi với các bài vịnh tùng cúc trúc mai, thiên tuế, hoa sen, hoa mộc nói về chí người quân tử, đôi bài có tính chất răn dạy như vịnh hoa nhài. Đến Lê Thánh Tông, vị hoàng đế văn võ song toàn này thường vịnh những vật tầm thường như con cóc, bù nhìn rơm, cái chổi… nhưng thể hiện khẩu khí đế vương. Thơ vịnh vật của Nguyễn Công Trứ vừa có tính ngôn chí, vừa có tính châm biếm bọn quan lại bất tài, xiểm nịnh. Thơ vịnh vật của Hồ Xuân Hương thì chơi đùa giữa thanh và tục - đố tục giảng thanh, đố thanh giảng tục, độc đáo nhất trong thơ vịnh vật Việt Nam. Thơ vịnh vật của Phan Văn Trị khá phong phú đa dạng về chủ đề và giọng điệu: có những bài thể hiện khẩu khí giống như quân tử mà thực ra là “khẩu khí” của những người yêu nước, thương dân (Hột lúa, Cá thia thia (bài 2), Cối xay, Con cóc); có những bài vịnh cảnh vật để “ngôn chí” giúp nước như: Thú đi câu, Câu cá, Thợ may, Quán nước; và có khá nhiều bài phúng thích, châm biếm, đả kích bọn sâu dân mọt nước, bọn phản bội hại dân: Cào cào, Con rận, Kiến hôi cắn kiến vàng, Cá thia thia (bài 1), Con muỗi, Con cua, Ông táo, Cục cứt.
Phan Văn Trị xứng đáng là người đứng đầu trong những nhà thơ Nam Kỳ nửa cuối thế kỷ XIX về thể tài thơ vịnh vật.
3. THƠ BÚT CHIẾN CỦA PHAN VĂN TRỊ
Phan Văn Trị được nhắc đến nhiều nhất là những bài thơ xướng họa có tính chất bút chiến. Đó là bài họa bài Tự thuật (10 bài), Tôn Phu nhân quy Thục, Từ Thứ quy Tào, Hát bội. Để thấy được diễn tiến của cuộc tranh luận, ta phải sắp xếp thứ tự như sau:
- Ban đầu Tôn Thọ Tường viết 10 bài Tự thuật để thanh minh và chứng minh là mình theo Pháp là đúng đắn. Phan Văn Trị họa lại 10 bài tranh luận. Bùi Hữu Nghĩa, Lê Quang Chiểu cũng tiếp sức.
- Núng thế, Tôn Thọ Tường hạ bớt mình xuống, ví mình như con gái phải theo chồng trong bài Tôn Phu nhân quy Thục. Phan Văn Trị họa lại, bóc trần sự trí trá của Tường.
- Tôn Thọ Tường hạ xuống nữa bằng bài Từ Thứ quy Tào, ý nói tôi chỉ như Từ Thứ vì cứu mẹ mà phải theo Tào Tháo, đội ngũ kháng chiến còn bao người tài. Tôi hứa về Tào tôi sẽ ngậm miệng im tiếng, không nói năng gì giúp cho Tào cả. Phan Văn Trị họa lại bài này, nhắc lại lời hứa đó.
- Tôn Thọ Tường lùi thêm nữa, giờ tôi chỉ là đĩ già đi tu thôi (Lão kỹ quy y). Phan Văn Trị và những người yêu nước chiến thắng. Với tinh thần mã thượng, ông không thèm tranh luận nữa mà chỉ làm bài Hát bội bằng bộ vần Từ Thứ rất khó để cười mỉa Tường và phe nhóm thôi.
Trước hết là cuộc tranh luận đầu tiên qua 10 bài Tự thuật của Tôn Thọ Tường và Phan Văn Trị.
Tôn Thọ Tường giao đấu bằng tài văn chương của mình: ông ta làm một mạch 10 bài thơ Nôm liên hoàn thủ vĩ ngâm. Thơ Nôm họ Tôn nổi danh Bạch Mai thi xã, khiến ông được truyền tụng như hạng thượng thừa về chữ nghĩa. Lập luận của Tôn Thọ Tường có thể quy lại mấy vấn đề sau:
Bài 1: Đánh giá sức mạnh của người Pháp: người Pháp có vũ khí hiện đại, có sức mạnh hùm beo không thể đánh bại. Suy nghĩ tình cảm của Tường: thương dân thương nước, lo lắng cho vận mệnh đất nước, nên khuyên những người kháng chiến buông vũ khí.
Bài 2: Tình cảnh của Tường: Bị mang tiếng xấu, thực ra thì lòng hướng thiện. Thời gian không còn nhiều, nhận chức tước của Pháp là để lo cho nước. Cho nên thái độ của Tường là kệ thây những lời chửi rủa của sĩ dân kháng chiến.
Bài 3: Tình cảnh đất nước sụp đổ hết cả rồi, đạo lý tan vỡ hết. Mình vẫn gánh vác cương thường đạo nghĩa, nên ai kêu mình là gì mình cũng chịu - “Thân còn chẳng kể kể chi danh”.
Bài 4: Lúc đất nước tan hoang thế này thì làm gì còn danh phận. Thực ra mình đang có những kế hoạch “bắt hùm”, “đánh cá” lớn; còn các phong trào kháng chiến bị đàn áp rồi, dân như gà con mất mẹ.
Bài 5, 6, 7, 8: Tường thương những người anh hùng thất bại như cha con Phan Thanh Giản, không muốn đi theo con đường ấy. Tường phải tính trước, lo cho thân mình. Lòng trong sạch của mình chỉ mình mình biết mà thôi.
Bài 9: Thời thế thay đổi, nước mất, tân trào lập nên. Chống Pháp chỉ hoài công, nên thời thế đưa đẩy cho Tường làm việc cho “tân trào”, Tường chấp nhận “nhắm mắt đưa chân lỗi đạo hằng”.
Bài 10: Tường thanh minh tôi vẫn giữ được lòng thảo ngay (trung hiếu). Thời cuộc không cứu vãn được, tương lai, họa phúc không biết đâu mà tính. Tường chỉ mong làm sao cho đến ngày “giang sơn ba tỉnh vẫn còn đây.”
Phan Văn Trị đã trả lời đanh thép, lý luận sắc bén, bút lực dồi dào, chữ nghĩa tuôn chảy từ sự uất nghẹn đã lâu, như sông như suối không gì ngăn được.
Về mặt đánh giá tình hình: Pháp mạnh không ai có thể thắng được, đương đầu với Pháp thì chỉ thất bại, với Pháp có thể đánh bại - lập luận của Tường và Phan chưa hẳn ai đã hơn ai, nhưng về thái độ sống, việc chọn đường của kẻ sĩ thì chân lý thuộc về Phan Văn Trị. Họ Phan đứng ở đỉnh cao vòi vòi của đạo lý làm người, đạo lý dân tộc để phê phán, mắng nhiếc Tường nặng nề, khiến Tường vuốt mặt không kịp:
- Bảo Tường là “mang nhơ”, “nói vơ”, là “đứa ngu”: “Người trí mảng lo danh chẳng chói/ Đứa ngu luống sợ tuổi không chờ” (bài 2)
- Nói Tường là: “Đứa dại trót đời già cũng dại.” (bài 8)
- Gọi Tường là “thằng hoang”, đạp đổ danh dự tổ tiên, là “con buôn”: “Thân danh chẳng kể thiệt thằng hoang”, “Hai cửa trâm anh xô sấp ngửa/ Một nhà danh giáo xáo tan hoang”, “Con buôn khấp khởi chưa từng ngọc”…(bài 4).
Tường phải lùi chính là vì con đường của mình sai, thái độ của mình hèn và tham, mà lý luận quanh co, dối trá không thể nào biện minh được.
Sau cuộc tranh luận đầu, Tôn Thọ Tường thấy mình kém thế, ông ta bèn rút vào hình dáng của người đàn bà là Tôn Phu nhân trong truyện Tam quốc. Truyện kể rằng Tôn Quyền vua nước Đông Ngô nghe theo kế Chu Công Cẩn: giả vờ gả em gái là Tôn Phu nhân cho cho Lưu Bị để mời Lưu sang rồi tìm cách mà giết đi. Khổng Minh đoán được ý định đã tương kế tựu kế: nói Lưu Bị cứ sang, trên đường đi thì phao tin cho mọi người biết là sẽ sang Ngô cưới vợ theo lời hứa của Tôn Quyền.Chuyện vỡ lở, Ngô Quốc thái, mẹ của Tôn Quyền không cho con mình giết Lưu Bị vì sợ mang tiếng bất nghĩa, và bắt phải gả Tôn phu nhân cho. Nhờ thế mà có cuộc hôn nhân này.
Tôn Thọ Tường mượn tích này để nói tình cảnh của mình cũng giống như Tôn Phu nhân, phải theo “Tân trào” vì đó là đạo lý phải theo:
Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng,
Ngàn thu rạng tiết gái Giang Đông.
Lìa Ngô bịn rịn chòm mây bạc,
Về Hán trau tria mảnh má hồng.
Son phấn thà cam dày gió bụi,
Đá vàng chi để thẹn non sông?
Ai về nhắn với Châu Công Cẩn,
Thà mất lòng anh đặng bụng chồng.
Lý luận của Tường rất khó bắt bẻ, vì nhà nho ai cũng thừa nhận Tôn phu nhân hành xử hợp đạo, và như thế thì Tường cũng đúng sao? Phan Văn Trị đã họa lại:
Cài trâm sửa trấp([3]) vẹn câu tòng,
Mặt giã trời chiều biệt cõi đông.
Ngút toả vầng Ngô in sắc trắng,
Duyên về đất Thục đượm màu hồng.
Hai vai tơ tóc bền trời đất,
Một gánh cang thường nặng núi sông.
Anh hỡi Tôn Quyền, anh có biết,
Trai ngay thờ chúa gái thờ chồng!
Phan Văn Trị bắt đầu bài họa không tranh cãi với Tường, có vẻ cũng thuận theo ý Tường. Nhưng để ý kỹ thì thấy hình ảnh Tôn phu nhân trong hai bài không giống nhau. Trong câu Đề, Phu nhân của Tường thì hiên ngang, văn võ song toàn, lên đường làm rạng rỡ khí tiết gái Giang Đông; Phu nhân của Phan thì yếu đuối hơn, đàn bà hơn, khung cảnh lên đường thảm đạm hơn. Trong câu Thực, Phu nhân của Tường chia tay nước Ngô có vẻ bịn rịn, về Thục có vẻ miển cưỡng; nhưng Phu nhân trong bài họa thì chia tay nước cũ dứt khoát hơn, nước cũ “ngút tỏa vầng Ngô un sắc trắng” không còn có vẻ gì quyến luyến nữa, còn duyên mới “đượm màu hồng”, Phu nhân lòng khấp khởi hơn, mong mỏi tương lai tươi đẹp đang chờ mình. Vì vậy Phu nhân có vẻ nữ nhi thường tình hơn. Trong câu luận và câu Thực, Phu nhân của Tường có vẻ kiên cường, chấp nhận hy sinh để làm tròn đạo nghĩa. Trong bài họa, đến đây họ Phan không nói về Tôn phu nhân nữa, mà bàn chung về đạo nghĩa ở đời: làm người ai cũng phải gánh nặng trên vai những nghĩa vụ đạo đức hiếu trung, cương thường, trong đó đạo lý lớn nhất là “Trai ngay thờ chúa gái thờ chồng!”. Đến đây câu kết thật bất ngờ, Tường bị lôi ra ánh sáng, anh chỉ là kẻ bất trung, anh không thể trốn trong áo váy của Tôn Phu nhân để lẩn tránh trách nhiệm của mình. Bài họa thật xuất sắc, lý luận rất thuyết phục. Người ta bấy giờ mới hiểu cái “thâm nho” của Cử Trị, khi nói: “duyên về đất Thục” là ám chỉ Tường theo Tây vì Ba Thục ở phía Tây, đồng thời dùng “cài trâm sửa trấp” trong câu Đề như thể Khổng Minh tặng khăn yếm đàn bà cho Tư Mã Ý.
Bài họa Tôn Phu nhân quy Thục của Phan Văn Trị là bài họa xuất sắc, thể hiện cái trí, cái tâm, cái đạo của Phan Văn Trị, bài thơ trở thành mẫu mực cho thơ xướng họa mà cách sách giáo khoa, sách dạy làm thơ hay dùng.
4. THƠ PHÚ TỨC CẢNH CỦA PHAN VĂN TRỊ
Thơ tức cảnh, cảm hoài có lẽ là nhóm thơ ca Phan Văn Trị làm vào cuối đời, sau hết so với 2 nhóm thơ trên. Bài Mất Vĩnh Long làm sau khi Vĩnh Long bị thất thủ lần thứ nhất vào tháng 3 năm 1862; Bài Cám cảnh An Giang làm sau khi 3 tỉnh miền Tây rơi vào tay Pháp, Phan Văn Trị đi lang thang khắp các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Hà Tiên. Bài Cảm hoài (10 bài) có thể cũng làm vào dịp đó, hoặc có thể muộn hơn nữa. Các bài thơ này không phải thuộc loại “ngôn chí”, “khẩu khí” mà là thơ tức cảnh, tả tình. Bài Mất Vĩnh Long tâm trạng thật đau xót. Bài thơ bắt đầu bằng tiếng kèn đồng của quân Pháp: tiếng kèn thúc quân, tiếng kèn thu quân. Tiếng kèn ấy không thật hãi hùng, chỉ là “tiếng năm ba” thôi, nhưng nó luôn luôn gợi những ký ức đau xót: trận Mỹ Tho (4/1861), trận Gia Định (2/1859), quân địch thắng dễ, quân ta toàn thua. Tiếng kèn gây tan nhà nát cửa, tiếng kèn thúc cho quan ta cắt đầu cầu hòa. Bao đắng cay, tủi nhục, cười ra nước mắt vì quân ta, quan ta:
Tò le kèn thổi tiếng năm ba,
Nghe lọt vào tai, dạ xót xa.
Uốn khúc sông Rồng mù mịt khói,
Vắng hoe thành Phụng ủ sầu hoa.
Tan nhà cám nỗi câu li hận,
Cắt đất thương thay cuộc giảng hoà(4).
Gió bụi đòi(5) cơn xiêu ngã cỏ,
Ngậm cười hết nói nỗi quan ta.
Cuối đời Cử Trị giả điên hay gần như thế - nước mất nhà tan, “bờ cõi xưa đà chia đất khác” như câu thơ Đồ Chiểu. Sự thất bại trước tàu sắt tàu đồng của giặc Pháp là sự thất bại của đất nước ông, của nhân dân ông, của thế hệ trí thức như ông. Nước mất, biết bao giờ mới khôi phục lại được? Chỉ có lòng trung trinh sắt son với nước cho đến khi xương tan thịt nát cũng không phai mờ:
Trung trinh dốc trọn đạo tôi dân,
Nạn khổ xưa nay biết mấy lần.
Ở Hớn đành lòng phò lợn Hớn,
Oán Tần ra sức đuổi hươu Tần([4]).
Nhìn Nam chạnh tủi nhành hoa ủ,
Ngó Bắc ngùi thương đám bạch vân.
Cái nợ tang bồng than thở phận,
Đành đem dập dã giữa phong trần.
(Cảm hoài, bài 2)
KẾT LUẬN
Phan Văn Trị là gương mặt trí thức nổi bật của nước ta vào những năm tháng thực dân Pháp tấn công nước ta lần thứ nhất. Sự nghiệp thơ ca của ông để lại không nhiều, chỉ non 50 bài thất ngôn bát cú, và có thể có một bài phú. Vậy thôi. Điều đặc biệt là tất cả đều viết bằng tiếng Việt, dù ông học giỏi, đậu Cử nhân từ rất sớm, nhưng không thấy ông có tập thơ chữ Hán nào. Có lẽ ông cũng tương tự như Nguyễn Đình Chiểu, sống giữa nhân dân, viết cho nhân dân, nên ông đã lựa chọ tiếng nói của dân tộc cho dễ lưu truyền, dễ chia sẻ. Phan Văn Trị đi sang thế giới bên kia hơn 100 năm rồi. Ông đã để lại cho hậu thế một bài học sống, sáng tác quý giá. Đó là lòng yêu nước vô bờ bến, là sự gắn bó sinh mệnh của mình đối với sự tồn vong của đất nước. Đó là thái độ sống dứt khoát: đất nước lâm nguy thì vẫn quyết không thỏa hiệp đầu hàng. Đó là chọn cách sống thanh cao, không quỵ lụy trước cường quyền. Bài học sáng tác của ông là dùng sáng tác của mình để phục vụ cuộc đấu tranh của nhân dân, bảo vệ đất nước, chống thái độ phản bội đầu hàng. Dù Phan Văn Trị và thế hệ ông thất bại, nhưng bài học sống, bài học sáng tác của ông vẫn còn là niềm tự hào cho mỗi chúng ta, vẫn thôi thúc chúng ta sống một cuộc sống xứng đáng hơn, đem tài sức của mình phụng sự công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh và trường tồn.
(*) Nghiên cứu này được tài trợ bởi Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) trong khuôn khổ đề tài mã số C2019-18b-03
THƯ MỤC THAM KHẢO
Ban chủ nhiệm đề tài nghiên cứu về nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị. (1990). Kỷ yếu hội thảo về Nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị (1830 - 1910) nhân dịp kỷ niệm lần thứ 155 ngày sinh và 75 năm ngày mất, tổ chức vào ngày 31/10/1985 đến ngày 2/11/1985. Cần Thơ
Ban chủ nhiệm hội thảo khoa học về nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị. (1987). Tác phẩm Phan Văn Trị. NXB Tổng hợp Hậu Giang
Ca Văn Thỉnh, Bảo Định Giang (1962). Thơ văn yêu nước Nam Bộ nửa sau thế kỷ XIX. NXB.Văn hóa. Hà Nội 1962. NXB.Văn học tái bản 1977:
Cao Tự Thanh. (1999). Nghiên bút mười năm. NXB. Tổng hợp TP.HCM
Lâm Tấn Phác. (1926). Thơ văn cũ Nam Kỳ. Nam phong tạp chí từ 12/1923 đến tháng 5/1926
Lê Quang Chiểu. (1903). Quốc âm thi hiệp tuyển. Sài Gòn. Claude & Cie Imprimieurs Éditeurs
Nguyễn Khắc Thuần, Nguyễn Quảng Tuân. (1986). Phan Văn Trị - cuộc đời và tác phẩm. NXB.TP.HCM; NXB. Trẻ TP.HCM . 2001
Nguyễn Khuê-Cao Tự Thanh. (2011). Văn học Hán Nôm ở Gia Định- Sài Gòn. NXB.Văn hóa-Văn nghệ. TP.HCM. 2011
Nguyễn Liên Phong. (1909). Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca. Cao Tự Thanh. Trương Ngọc Tường chỉnh lý, chú thích và giới thiệu, NXB.Văn hóa-Văn nghệ. TP.HCM. 2014
Nhất Tâm (1956). Phan Văn Trị (1830-1910), phụ Học Lạc-Nhiêu Tâm. Tủ sách “Những mảnh gương” Tân Việt xb. Sài Gòn
Nhiều tác giả. (1887). Tác phẩm Phan Văn Trị. NXB.Tổng hợp Hậu Giang. Hậu Giang
Thái Bạch. (1957). Cuộc bút chiến giữa Phan Văn Trị - Tôn Thọ Tường. NXB. Sống Mới. Sài Gòn
Trương Vĩnh Ký. (1889). Thông loại khóa trình/ Miscellanées. Số 2. tháng 6/1889
Văn nghệ Cần Thơ. (1985). Nghĩ và viết về Phan Văn Trị. NXB Tổng hợp Hậu Giang.
(Nguồn: “Văn học và Ngôn ngữ trong thế giới đương đại - Bản sắc và Hội nhập”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học cấp Quốc gia, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, NXB.Giáo dục, 2022, tr.137-146)
[1] Vũ môn: Dãy đá nằm chắn ngang thượng lưu sông Trường Giang (Tứ Xuyên, Trung Quốc). Tích “cá vượt vũ môn” nói rằng vào mùa nước lớn, cá đua nhau nhảy qua dãy đá ấy, con nào nhảy khỏi thì hóa rồng.
[2] Bẵng: Bằng, biến âm cho hợp thanh luật.
[3] Trấp: có văn bản viết là “trắp”, nhìn chung các bản đều không giải thích được từ này, nhiều bản đã chọn giải pháp an toàn là dùng cách nói “Cài trâm sửa áo”, nhưng cách này rất gượng ép, vì áo thường đi với xiêm (áo xiêm), váy (áo váy/ y thường), khăn (áo khăn)… chứ không đi với trâm. Chúng tôi cho rằng “Trấp” chính là biến ấm từ chữ Trất 櫛 (cái lược cài đầu, chải đầu) mà ra (nguyên tắc chuyển đổi -p/-t). Vậy là: Cài trâm sửa lược gài đầu, nghĩa rất thông suốt.
[4] Hươu Tần: Hán sử có tích: Nhà Tần đánh sổng mất con hươu, hào kiệt trong thiên hạ cùng đuổi bắt, ai là người tài cao nhanh chân thì bắt được.