Chân dung nữ sĩ, nữ chủ bút Sương Nguyệt Anh (Nguồn: Google.com)
I. Cuộc đời thanh cao, dung dị và nhiều huyền thoại
Xung quanh tên tuổi Sương Nguyệt Anh là một câu chuyện dài về chữ nghĩa, giai thoại lẫn những nghi vấn được đặt lại rất nhiều lần.
Bà là Sương Nguyệt Anh hay Sương Nguyệt Ánh?
Tên thật của bà là Nguyễn Ngọc Khuê, hay Nguyễn Thị Ngọc Khuê, hay Nguyễn Thị Khuê, hay Nguyễn Xuân Hạnh? (Thậm chí có bản còn ghi Nguyễn Ngọc Anh)
Nguyễn Xuân Khuê là tên thật của bà hay bút danh?
Bà sinh ngày 8-3-1864, hay ngày 1-2-1863?
Bà mất ngày 12-2-1922 hay ngày 20-1-1921?
Cuộc đời bà gợi cảm hứng đến nỗi được chuyển thành tiểu thuyết. Bà là một trong số hiếm hoi tác gia văn học hiện đại được tiểu thuyết hóa.
Căn cứ trên các cứ liệu viết về bà như Nữ sĩ tiền phong Sương Nguyệt Anh, Nam Xuân Thọ, Tủ sách Những mảnh gương Tân Việt xuất bản, Sài Gòn, 1957; Úc viên thi thoại, Đông Hồ, Mặc Lâm xuất bản, Sài Gòn, 1969,; Nữ thi sĩ Việt Nam, Ngô Lăng Vân, Sống Mới xuất bản, Sài Gòn, 1972; Địa chí Bến Tre, Nhiều tác giả, NXB KHXH, Hà Nội, 2001, Thơ văn nữ Nam Bộ đầu thế kỷ XX, Nguyễn Kim Anh chủ biên, NXB TP Hồ Chí Minh, 2002, v.v… cùng nhiều bài báo, tạp chí viết riêng về cuộc đời và sự nghiệp Sương Nguyệt Anh từ 1945 đến nay, chúng tôi tạm hình dung tiểu sử và văn nghiệp của nữ tác giả quan trọng qua các luận điểm chính như sau:
Sương Nguyệt Anh tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Khuê, bút hiệu Nguyệt Nga, Xuân Khuê, Nguyệt Anh, Nguyệt Anh thị, Sương Nguyệt Anh. Sinh thời, bà còn có tên Năm Hạnh, có sách ghi là “tộc danh”. Bà sinh ngày 8 tháng 3 năm 1864, và mất ngày 20-1-1921, thọ 58 tuổi.[1]
Sương Nguyệt Anh là con thứ tư (theo cách gọi của người Nam bộ là thứ năm) của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, sinh tại làng Bình Đông, tổng Bảo An, phủ Hoằng Đạo, tỉnh Vĩnh Long, nay là xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Thân mẫu Sương Nguyệt Anh là bà Lê Thị Điền, em của ông Lê Văn Quýnh vốn là bạn của Nguyễn Đình Chiểu.
Sinh ra trong một gia đình nhà nho thanh bạch, lại được sự giáo dục kỹ lưỡng của người cha danh tiếng lẫy lừng Gia Định, bà không chỉ được yêu mến bởi tính tình điềm đạm, đôn hậu mà còn nổi tiếng thông minh, sắc sảo. Thuở nhỏ bà được học chữ Nho, làm thơ Nôm, giỏi quốc ngữ. Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định bà đã diễn ra lục bát cả cuốn tiểu thuyết Trung Hoa Yên sơn ngoại sử dù tác phẩm này hiện nay đã tuyệt bản. Ngoài ra, bà còn biết cả tiếng Pháp.
Suốt thời thanh xuân, bà nổi danh cả về tài sắc lẫn đức hạnh, song cốt cách lại “giản dị, tự nhiên, không bao giờ hiếu danh, kiêu ngạo”[2]. Gặp lúc gia đình rơi vào cảnh khó khăn, bà nghỉ học để vừa chăm lo việc gia đình, vừa giúp đỡ cha già bốc thuốc chữa bệnh. Vì thế, bà còn được ca ngợi là người con gái hiếu đễ của gia đình cụ Đồ Chiểu. Bà được rất nhiều người mến mộ. Đó là ông Bảy Nguyện ở Mỏ Cày, ông Bái Liễu ở Mỹ Tho, ông phủ Ba Tường… Riêng ông Phủ Xuyên theo đuổi bà từ lâu mà không được nên sinh lòng oán hận, tìm nhiều cách gây hại cho bà. Sau khi cha mẹ qua đời, bà chuyển đến Mỹ Tho cùng người em trai Nguyễn Đình Chiêm để tránh sự quấy phá của ông Phủ Xuyên. Nhưng rồi một đêm, bà bị ông Phủ Xuyên toan làm nhục. Khi ấy, ông Nguyễn Công Tính (có sách ghi Nguyễn Công Trinh, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Công Tín) biết chuyện nên đã cứu bà thoát khỏi hoạn nạn. Sau “mối kỳ duyên” này, bà đã kết hôn với ông Tính (lúc bấy giờ còn gọi là cai Tính, thầy phó tổng Tính); trước là vì cảm kích tấm lòng nghĩa hiệp của ông, sau là thương cảm cảnh ông góa vợ nuôi con. Bà theo chồng về ở chợ Rạch Miễu, tỉnh Mỹ Tho. Sau đó ít lâu, bà hạ sinh bé gái tên là Nguyễn Thị Vinh. Cuộc hôn nhân đẹp đẽ đã sớm kết thúc bi thảm khi ông Tính bị Phủ Xuyên âm mưu sát hại. Chồng chết khi con gái vừa tròn 2 tuổi, bà tuy mới 30 nhưng quyết không đi thêm bước nữa, thủ tiết nuôi con. Vì lý do này, rất nhiều nhà nghiên cứu cho rằng chính bà đã thêm chữ Sương vào bút hiệu Nguyệt Anh thành Sương Nguyệt Anh để tỏ rõ tâm tình và ý nguyện sống tròn đạo nghĩa thủy chung.
Cuộc sống sớm bất hạnh vẫn không dập tắt được ý chí của nữ sĩ. Khoảng năm 1917, con rể của bà là giáo sư Mai Bạch Ngọc giới thiệu bà với ông tổng lý báo Trần Văn Chim và ông Henry Blaquière chủ nhiệm báo Le Courrier Saigonnais để vận động thực dân Pháp xin ra tờ tuần báo cho phụ nữ. Tờ báo có tên Nữ Giới Chung (Fémina Annamite) phát hành thứ sáu hàng tuần đã ra đời, trụ sở đặt tại số 15 đường Taberd (nay là Nguyễn Du) do chính Sương Nguyệt Anh làm chủ bút. Ngay khi xuất hiện, tờ báo đã được đón tiếp nồng nhiệt. Nhưng chỉ sau 22 số, kéo dài khoảng 5 tháng, Nữ Giới Chung bị đình bản. Theo Thanh Việt Thanh, chính quyền thực dân Pháp ra lệnh đóng cửa tờ báo này vì “nhận thấy ảnh hưởng của Nữ Giới Chung ngày càng to lớn”[3]. Tuy nhiên, tác giả không nói rõ đó là ảnh hưởng về vấn đề gì. Một số tác giả khác lại giải thích nguyên nhân đình bản của tờ báo là do bệnh tình của chủ bút Sương Nguyệt Anh. Thời gian này bà bị đau mắt và theo lời khuyên của bác sĩ, bà không tiếp tục làm việc giấy tờ được. Vì vậy, bà đã chấm dứt hoạt động báo chí để trở về Ba Tri ở với người em là Nguyễn Đình Chiêm. Mặc dù rất sợ và bị ám ảnh cảnh mù lòa của cha nhưng rồi cuối đời, bà cũng chịu chung số phận với thân phụ Nguyễn Đình Chiểu. Bà mất ngày 20 tháng 1 năm 1921 sau một thời gian dài bệnh tình không thuyên giảm. Mộ bà lúc đầu đặt tại Mỹ Nhơn, sau được người nhà dời về Bà Tri, nằm cạnh mộ song thân.
Các tác phẩm chính: 1. Thơ:
1.1. Thơ chữ Hán:
- Đoan dương tiết cảm (Đoan Ngọ nhật điếu Khuất Nguyên)
- Linh sơn nhất thụ mai
- Một bài thơ tứ tuyệt không rõ tựa trong sách Nam Xuân Thọ
1.2. Thơ quốc âm:
- Cây mai (họa thơ ông Bái Liễu)
- Nhân vua Thành Thái vào Nam
- Cái lọng (chùm hai bài tứ tuyệt họa thơ Bảy Nguyện)
- Tiễn ông Trần Khải đi Sa Đéc (Tiễn bạn, Tiễn ông kinh hối nhậm chức kinh lịch ở Sa Đéc)
- Tiết chẳng dời (Chùm hai bài họa thơ ông Phủ Học)
- Thơ gửi chồng của vợ ông thầy thuốc
- Thưởng Bạch Mai (Thưởng Bạch Mai cảm đề)
- Vịnh ni cô
- Thơ cho con rể góa vợ
- Bài thơ không có tựa, trích trong bài báo Khuyến vụ tàm chức của Sương Nguyệt Anh đăng trên Nữ Giới chung
- Thơ Khai bút (Vị định thảo)
- Thơ khuyến học
- Thơ vịnh
2. Văn tế (văn tế chồng làm thầy thuốc bị ăn cướp té sông chết)
3. Văn báo chí- Thế lực người đờn bà- Nghĩa nam nữ bình quyền là gì?- Nghĩa tiện tặn- Cách ăn mặc của đờn bà nước ta- Đờn bà không nên chuyên về văn thơ- Bàn về sách dạy đờn bà con gái- Thương nhau xin nhớ lời nhau- Lai Kiễu- Xuất u ư cốc - Thiên du kiểu mộc luận- Nghề làm trà tàu - Thơ văn Bắc kỳ
- Mộng thạch văn tập
4. Tồn nghi
- Một bài thơ không có nhan đề đăng trong sách Nữ sĩ tiền phong Sương Nguyệt Anh của Nam Xuân Thọ, mục “Công luận phẩm bình”.
- Vè theo thể lục bát (Vè thầy Hỷ)
- Một bài thơ họa không có nhan đề đăng trong bài báo Người không hờn, kẻ chẳng biết, Lương Khắc Ninh, Nông cổ mín đàm số 55, 11.9.1902. Sau lại được đăng trong sách Nữ sĩ tiền phong Sương Nguyệt Anh của Nam Xuân Thọ.
- Tân chinh phụ thán (Chinh phụ thi)
Tác phẩm chính còn lưu giữ hiện nay trong nhiều tư liệu về bà gồm 3 bài thơ chữ Hán, khoảng 15 bài thơ chữ Nôm. Trên thực tế, các sách viết về bà hầu như không trùng khớp khi giới thiệu các bài thơ bà viết lúc sinh thời. Tác giả Như Hiên Nguyễn Ngọc Hiền trong Nữ sĩ Việt Nam, tiểu sử và giai thoại cổ-cận-hiện đại cho biết Sương Nguyệt Anh còn có một số bài thơ khác như: Tức sự, Cảm tác khi lính Việt đi Âu chiến (1914-1918), nay đã tuyệt bản. Người biên soạn không nói rõ đó là những bài thơ chữ Hán, chữ Nôm hay quốc ngữ, mà chỉ nói chung chung là “bà sáng tác, xướng họa rất nhiều nhưng không gom thành tập. Nay chỉ còn tản mác mươi bài bài thơ của bà đăng trên báo xưa”. “Báo xưa” mà Như Hiên nhắc đến có thể là Nữ Giới Chung và một số tờ báo quốc ngữ khác hồi đầu thế kỷ XX, trong đó có Nông cổ mín đàm (trường hợp bài của Lương Khắc Ninh viết về giai thoại họa thơ của một nhân sĩ Sài Gòn). Tuy nhiên, khảo sát 20 số báo Nữ Giới Chung, chúng tôi không tìm thấy bài nào trong số các bài được trích từ các tập khảo cứu hoặc tuyển giới thiệu tác giả trước đây. Số bài tìm được lại khá mới, không thấy Nam Xuân Thọ hoặc các tác giả biên soạn khảo cứu về sau nói đến.
Ngoài ra, trong vai trò nữ nhà báo, bà viết khoảng trên 17 bài (nhiều thể loại trong các chuyên mục, kể cả thơ quốc ngữ) trên báo Nữ Giới Chung. Tên tuổi của bà lưu lại còn nhờ bài văn tế chồng rất độc đáo và gợi nhiều xúc cảm.
II. Nữ sĩ tài danh bậc nhất xứ Nam Bộ 1. Thơ từ cuộc đời sầu muộn, thanh cao
“Mỗi lần nói đến văn học sử Nam phần, người ta lại nghĩ tới bà, ngâm những câu thơ tế nhị của bà, nhớ đến tinh thần và chí khí thanh cao mà bà đã nêu gương cho hậu thế. Bà là nữ sĩ Thanh Quan của miền Nam”. Phạm Xuân Độ trong Nữ thi hào Việt Nam đã viết những dòng trân trọng như vậy về thi nghiệp của nữ sĩ Sương Nguyệt Anh.
Thơ của bà phần lớn là tiếng thơ của khí tiết. Hầu như bài thơ nào cũng ký thác những tâm sự nữ nhi giữa thời truân chuyên và loạn lạc. Điều khiến cho thơ bà trở nên sâu lắng và có sức gợi qua thời gian chính là tấm lòng chân thành trước cuộc đời. Tuy lời thơ rắn rỏi nhưng hơi thơ vẫn chứa đựng nỗi ngậm ngùi riêng, kín đáo và cảm động.
Bên cạnh những lời thơ khảng khái hiếm có ở một nữ sĩ:
Ngọc ánh chi nài son phấn đượmVàng ròng há sợ mất màu phai
(Cây mai)
hay:
Dòm thấy bụi trần toan đóng cửa,Ngọc lành chi để thẹn danh ô.
(Cái lọng)
hay:
Đứng giữa trời xanh tiết chẳng dời.
(Tiết chẳng dời)
là những câu thơ tha thiết âu lo:
Biển ái sóng ân còn lắm lúc,Mây ngàn hạc nội biết là nơi. Một dây oan trái rồi vay trả,Mấy cuộc tang thương dễ đổi dời.
(Tiết chẳng dời)
Hay:
Bơ phờ nắng rọi hoa nghiêng nhụyLây lất mưa qua bướm dấu mình
(Thơ cho con rể góa vợ)
Góa chồng ở tuổi 30, rồi mất đi con gái khi vừa bước vào nghiệp làm báo muộn màng, thơ bà ẩn chứa tiếng khóc thầm không nguôi của một trái tim đa cảm, sầu muộn. Tâm sự về ý chí “sương cư thủ tiết” của bà không đơn giản chỉ là những lời “tuyên bố” trong các bài thơ xướng họa hoặc việc bà lấy chữ Sương thêm vào đầu bút danh Nguyệt Anh. Điều hệ trọng hơn là nữ sĩ vẫn chứng tỏ tấm lòng thẳng ngay trong sạch của mình ngay ở những câu thơ đau xót nhất, ngay ở những dự cảm buồn bã nhất. Chung thủy với người chồng quá cố cũng là một minh chứng trong toàn bộ tinh thần và lẽ sống của bà: tấm lòng trước sau như một đối với tình đời tình người. Vì thế mà không chỉ dừng lại ở những bài thơ tình tứ, bày tỏ khí tiết, bà còn viết một bài thơ về thời cuộc mà dư âm của nó hẳn không thua kém những bài thơ yêu nước thương dân của thân phụ bà:
Vui lòng thánh đế nơi xe ngựa,Xót dạ thần dân chốn lửa than. Nước mắt cơ cùng trời đất biết,Biển dâu một cuộc thấy mà thương.
(Nhân vua Thành Thái vào Nam)
Trí tuệ và tài hoa của người con đất phương Nam vẫn không bị chìm lấp trong dòng chảy buồn thương của niềm riêng tư. Sương Nguyệt Anh vẫn hướng đôi mắt âu lo về những người dân mất nước. Lời thơ chân thành gắn với thời cuộc đã khiến bà được xưng tụng là người phụ nữ “làm rạng danh thêm một gia đình trí thức yêu nước và trở thành tấm gương nữ sĩ trong thời ly loạn”[4].
Loạt thơ chữ Hán của Sương Nguyệt Anh hầu hết tập trung vào các chủ đề của thơ cổ. Đó là các bài Đoan dương tiết cảm, Tân chinh phụ thán, Linh sơn nhất thụ mai, và một bài thơ tứ tuyệt không rõ nhan đề. Ngoại trừ bài Tân chinh phụ thán còn nhiều nghi vấn về tác giả, ba bài thơ chữ Hán còn lại của bà đều mang phong vị thơ cổ. Tuy không có nét hiện đại hay phá cách nhưng các bài thơ này vẫn chứng tỏ ngòi bút có thần của bà khi viết về những trăn trở nghiêm trọng mà các nhà nho xưa thường gửi gắm:
Vãng lai thùy lữ điếu trung hồn?Cạnh cạnh yên ba hoành cổ độ
(Khách qua sông có ai thương xót một linh hồn trung chính không?
Khói sóng dậy lên mãi nơi bến xưa)
Viết về Khuất Nguyên như thế là có hồn lắm.
Chủ đề tri âm của người xưa cũng được bà nói đến trong Linh Sơn nhất thụ maiTùy duyên nhược ngộ tri âm khách Thiên lý tình thâm tá nhất chi
(Dặm ngàn tri kỷ duyên may gặp
Một nhánh tình sâu gởi gắm ai)
Hy Đạm dịch
Thơ bà để lại không nhiều, nhưng giọng thơ đầy duyên ngầm với hồn thơ chân thật, thanh cao vẫn mang đến cho những bài thơ ngắn ngủi ấy một đời sống rất dài trong lịch sử văn học dân tộc.
2. Văn tế chồng - mối thành tâm và bản lĩnh văn chương
Nếu tên tuổi Nguyễn Đình Chiểu gắn với những bài văn tế các nghĩa sĩ hy sinh vì nước, Sương Nguyệt Anh cũng được nhắc đến với bài văn tế chồng rất đặc biệt. Ông phó tổng Tính chồng bà hiền lành, tốt bụng; sinh thời còn làm nghề thầy thuốc. Bản thân nữ sĩ về cuối đời cũng bốc thuốc cứu người như cha và chồng. Am hiểu đông y, bà đã dùng tên các vị thuốc để viết một bài văn tế vừa tài hoa vừa thành tâm đến kỳ lạ.
Hỡi ôiVườn bắc quyển mây cheSao nam tinh gió tạtCửa thiên môn lồng lộngOan tình này khó nỗi nhân trần Miền hải thảo minh mangThảm thân đó khôn tròn chỉ xácNhớ quân tử xưaTường mạo thung dungTánh tình hậu phát…
Riêng về giọng điệu, bài văn tế chất chứa niềm tiếc thương sâu sắc của một người vợ đối với một người chồng. Niềm tiếc thương ấy tràn ra thành từng lời văn đau xót. Mỗi tên thuốc bà dùng đều gợi cảm xúc và linh động một cách đặc biệt:
Những tưởng bốn phương trời viên chí, sách thanh mong ước đặng mở màyNào hay chín suối số đương qui, tờ bạch chỉ phá đà che mặtCả thương thayTrướng hiệp quản rời rã a dao, tiết phụ tử chia lìa…Chẳng hay đâu thảo khấu lăng loànPhải dự chi mà thấu lý quyền minh Sao đến nơi cốt bì tan nát
Với bài văn tế chồng độc đáo phảng phất nỗi niềm xưa cổ lồng trong một tâm sự riêng tư đầy cá tính này, Sương Nguyệt Anh cũng xứng đáng là nhà thơ nữ tiêu biểu của buổi giao thời mới - cũ. Phải chăng, bà không chỉ là Thanh Quan của miền Nam, bà còn là Tản Đà của dòng văn học nữ đầu thế kỷ XX.
III. Nữ chủ bút đầu tiên của lịch sử báo chí Việt Nam
Như đã giới thiệu, Nữ Giới Chung (tiếng chuông nữ giới) là tờ báo phụ nữ đầu tiên của Việt Nam ra đời ngày 1 tháng 2 năm 1918. Sự kiện tờ báo đầu tiên dành cho phụ nữ xuất hiện và người chủ bút đầu tiên là nữ giới đã đưa tên tuổi Sương Nguyệt Anh vào lịch sử báo chí và văn học Việt Nam.
Những tờ báo do phụ nữ làm chủ bút và quản lý những năm 20 đầu thế kỷ XX không phải ít. Danh sách các nữ chủ bút Nam bộ bắt đầu từ năm 1929 trở đi gồm: bà Nguyễn Đức Nhuận chủ bút tờ Phụ Nữ Tân Văn, bà Trần Thiện Quý quản lý báo Trung Lập, bà Phan Văn Thiết quản lý báo Việt Dân, Tân Văn và Thế giới Tân Văn, bà Bút Trà Nguyễn Đức Nhuận chủ bút báo Sài Gòn… Như vậy, Sương Nguyệt Anh cùng với tờ báo Nữ Giới Chung thật sự là tiếng chuông rung đầu tiên cho trào lưu phụ nữ làm báo của Sài Gòn, Nam Bộ. Nói như Nguyễn Thế Truật, “tiếng chuông của nó vẫn còn vang vọng đến ngày nay”. Vị trí độc nhất vô nhị mà lịch sử sắp đặt cho nữ sĩ Sương Nguyệt Anh như thế khiến bà trở thành nhân vật không thể bỏ quên trong các cuốn sách văn học sử Nam bộ, sách lịch sử báo chí, văn hóa và phong trào nữ quyền đầu thế kỷ XX ở Sài Gòn.
Lời tựa đầu của Nữ Giới Chung còn ghi rất rõ tâm huyết và cốt cách của vị nữ sĩ làm báo:
“…Bổn báo sự nghiệp thiệt mỏng như tờ giấy, trách nhiệm lại chuyên về đờn bà… đâu dám tự nhận là cô giáo sư mà theo trong qui củ, chương trình như trường học.
(…) Người xưa có câu thơ đề chuông rằng: “Một tiếng khua vang năm hồ bốn biển”… Nghĩa chỉ có ý muốn tỷ mình như chuông báo thức, kề tai mấy tiếng, kêu nhau trong chị em nhà. Bởi thế nên lấy tên Nữ Giới chung mà đặt hiệu báo” (NGC, số 1, 1-2-1918).
Cốt cách giản dị của bà chủ bút thể hiện rất rõ trong lời tựa đầu tờ báo. Tiếng chuông ở đây được ví như tiếng “kề tai” của nữ giới chứ không tham muốn làm tiếng chuông danh vọng hay đánh thức điều gì lớn lao. Nhưng điều mà Sương Nguyệt Anh khiêm nhường từ chối lại chính là dư vang của tờ báo. Cũng ngắn ngủi như những bài thơ của bà, tờ Nữ Giới Chung với 5 tháng tồn tại nhưng cũng đủ khuấy động tinh thần xã hội và các bậc nữ lưu trí thức đương thời. Tác giả Huỳnh Văn Tòng trong cuốn Lịch sử báo chí Việt Nam ghi nhận: “sự xuất hiện của nó (tức Nữ Giới Chung) là một biến cố quan trọng đối với dân chúng lúc bấy giờ”. Theo bà chủ bút, tờ báo có bốn tính chất:
- Vun trồng gốc luân lý
- Trau dồi lẽ biết thường
- Gây dựng cuộc công thương
- Liên lạc mối cảm tình
Tôn chỉ báo chí mà lời lẽ thi vị đăng đối, đấy là nét rất riêng của một nữ sĩ tài hoa và trí tuệ. Bốn tính chất vừa nêu thực chất là giúp nữ giới chọn lọc tinh hoa truyền thống, hiểu biết và ứng xử xã hội như nam giới, tham gia cạnh tranh kinh tế và liên hiệp phụ nữ các miền để cùng tiến bộ. Ở những năm 20 của thế kỷ XX, tư tưởng tiến bộ và sắc sảo này không chỉ “đánh động cho nhân dân cả nước biết được giới quần thoa yếm vận cũng vượt qua cửa buồng, tham gia hoạt động kinh tế - văn hóa - xã hội - khoa học kỹ thuật cùng nam giới”[5] mà còn chứng thực cho tài năng và sức ảnh hưởng của nữ sĩ đối với nền học thuật nước nhà.
Nữ Giới Chung được thiết kế thành 8 mục:
- Xã thuyết
- Học nghệ
- Gia chánh
- Văn uyển
- Tạp trở
- Thời đàm
- Truyện ký
- Tiểu thuyết
Với các đề mục trên, nữ sĩ tham gia viết trực tiếp ba mục là xã thuyết, văn uyển và tạp trở. Nữ Giới Chung chỉ ghi lại một bài thơ Khai bút của bà ở mục Văn uyển. Bài thơ dài, từ ngữ và hình ảnh có vẻ tươi vui, mang phong cách thơ cổ động, tuy nhiên, nỗi ám ảnh về “vận nước”, “non sông” vẫn thoáng hiện đâu đó qua các câu thơ kín đáo như: “nước nhà đang lúc dạy nuôi”; “non sông còn đó non sông”; “non sông còn đó người tư tưởng”…
Điều đặc biệt là với thiên hướng thơ ca, Sương Nguyệt Anh lại không thật mặn mòi với trang thơ của mục Văn Uyển. Diễn đàn bà quan tâm nhiều hơn lại là Xã thuyết: “Ngụ cái tinh thần của bổn báo thì ở mục Xã thuyết”. Trong mỗi bài báo, lời lẽ chân phương nhưng tinh tế, Sương Nguyệt Anh với vai trò mới (vừa là chủ bút, vừa viết báo) vẫn tiếp tục hồn văn chương chân thành cảm động của mình. Bà phân tích rất đúng mực về “nghĩa nam nữ bình quyền”, không hề mắc phải sự quá khích cực đoan: “Ở phương Tây, vì đờn bà cũng có học hành, có tài giỏi, có công án với xã hội, chẳng thua gì đờn ông. Nên mới vượt bổn phận gái, xướng cái chủ nghĩa riêng ấy. Vậy mà người thức giả còn lắm kẻ phản đối thay. Huống chi đờn bà nước ta ngoài ba ông táo chưa biết xứ Nam xứ Bắc ở về đâu, nhà Trần nhà Lê ở triều nào, lựa là việc cả thể. Trông người mà ngẫm đến ta, một già một mỏng biết là có nên (…) Vốn đờn bà như cái đèn để trong nhà thì sáng, đem ra đường thì lụi. Đờn bà ta quyết định đã chưa có, việc nhà còn không rành, mà vội nói bao lao những tiếng “Bình Đẳng Tự Do” khác gì đương mùa nắng mà mặc áo lông cừu, ở xứ lạnh lại dùng hàng lụa mỏng, trái thời tiết chỉ hại ích gì đâu… Tôi tưởng cái tình thế nước ta bây giờ, chẳng có chi bằng cứ một phương châm, giữ gìn luân lý xưa, mở mang học hành mới, dẫu cách sông trở núi cũng vững một tay co, đường tấn hóa nước ta mai sau ở đấy”(Nữ Giới Chung, số 2, ngày 22-2-1918). Đoạn trích dài này giữ đúng tinh thần của Sương Nguyệt Anh, nuôi một niềm “tiên ưu” song cũng rất tỉnh táo trước thế cuộc. Tinh thần nho nhã và điềm đạm của bà chủ bút đưa tờ báo đi theo tôn chỉ “trò chuyện về luân lý”. Thành ra mỗi bài xã thuyết của bà đều mang dáng dấp một cuộc đối thoại nhẹ nhàng về con người và xã hội đương thời.
Bàn về sự tiêu xài hoang phí, bà viết: “Giá mà mở trường học, lập xưởng công, phàm những điều lợi dân ích nước, dẫu tổn hao cách mấy đi nữa thì chẳng nói chi. Nhưng tiến hóa chưa mấy mà lãng phí quá nhiều, tưởng không phải là cái hạnh phước của xã hội. Vậy xa xỉ hay cần kiệm ta nên lấy cái địa vị của ta làm cao thấp, chớ không nên theo người mà truyền đi (…) Nước ta vốn đã nghèo dân yếu, hễ mất đồng nào là hết đồng nấy, giết hồn người chi phải đến gươm đao”(Nữ Giới Chung, số 4, ngày 1-3-1918). Có thể nhận thấy cách viết xã thuyết của bà rất giản dị mà hiệu quả. Lời lẽ không nặng nề, rối rắm, ý tình rõ ràng, tranh luận mà như nói “kề tai”, “dỗ ngọt”. Đó là giọng văn mang đậm tư chất nhà thơ, được chắt lọc từ một kiến thức văn hóa chắc chắn, cụ thể. Những bài xã thuyết khác của bà như Cách ăn mặc của đàn bà nước ta, Đàn bà không nên chuyên về văn thơ, Bàn về sách dạy đàn bà con gái cũng đều có một cái tứ xuyên suốt là sẵn sàng học hỏi và điềm tĩnh đón nhận cách tân. Giải thích vì sao đàn bà không nên chuyên về thơ văn, bà thẳng thắn: “Thuở xưa tài nữ nước ta như bà Đoàn Thị Điểm, bà Hồ Xuân Hương, bà phủ Thanh Quan, bà Diệu Liên công chúa, là đương buổi thời khoa cử nhất sĩ nhì nông. Ngày nay ngón sóng Âu tràn qua Nam hải, các khoa học mênh mông, công nghệ thế ấy, học thuật thế kia, trông người mà ngẫm đến ta, tình buồn, cảnh buồn, lại buồn cảnh bông tàn trăng khuyết, lý tưởng sao mà lạ vậy?” (Nữ Giới Chung, số 8, ngày 29-3-1918). Cái duyên ngầm trong mỗi bài xã thuyết của Sương Nguyệt Anh thể hiện ở nhiều khía cạnh, trong đó có sự hiểu biết trung dung và khích lệ kín đáo. Bà khuyên nữ giới đừng chuyên về văn chương bởi vì thời cuộc đã khác, và tri thức không chỉ có văn chương. Tư tưởng hết sức mới mẻ này được trình bày trong một bài viết tao nhã, đúng mực, văn phong rắn rỏi nhiệt thành, không bao giờ quá khích, lộ liễu.
Nhìn chung, mối quan tâm của Nữ Giới Chung gồm ba mảng: nữ hạnh, nữ học và nữ quyền. Đó cũng là quan điểm nhất quán ngay từ đầu của Sương Nguyệt Anh: giữ gìn luân lý, học hỏi cái mới và vững vàng cách tân. Bài toán nữ quyền được bà giải quyết trên hai mặt: đức hạnh và tri thức. Đường đi của Nữ Giới Chung rõ ràng hứa hẹn một sự trưởng thành tận gốc của nữ giới trong nước. Và sự trưởng thành ấy có thể nào không dẫn đến cuộc đấu tranh lâu dài về quyền lợi phụ nữ, trong đó, cuộc đấu tranh chống thực dân cũng không nằm ngoài mục tiêu chính trị kín đáo của “bổn báo”. Phải chăng vì thế mà tờ báo đã bị đình bản cùng lúc với những khó khăn về sức khỏe của nữ sĩ?
Tháng 7 năm 1918, Nữ Giới Chung bị đóng cửa, khép lại một trang văn hóa mới mẻ chưa từng thấy trong lịch sử tinh thần dân tộc. Nữ sĩ kiêm chủ bút Sương Nguyệt Anh phải chấm dứt sự nghiệp báo chí của mình ở tuổi đời hơn 50 với nỗi buồn về bệnh tật, cô đơn và bao dự định không thành.
***
Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh đã sống một cuộc đời xứng đáng với vị thế con gái của thi hào yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Toàn bộ sự nghiệp của bà, từ văn học đến báo chí, từ thơ ca đến luận thuyết, đều toát lên vẻ đẹp tài hoa và trí tuệ của một nữ trí thức hiếm hoi của đất Nam Bộ. Rất có thể, từ cái tên báo Nữ giới chung (tiếng chuông nữ giới) mà giới nghiên cứu đã hình dung ra cả một chặng đường thức tỉnh của văn học nữ giới Nam Bộ. Tiếng nói khẽ khiêm nhường trong nữ lưu mà bà khởi xướng đã trở thành tiếng chuông lớn về nữ quyền trong lòng một xã hội thuộc địa cách đây hàng thế kỷ. Sự thật ấy cũng là phần thưởng đẹp đẽ của lịch sử dành cho người phụ nữ bất hạnh mà tài hoa này.
Cuối cùng, có thể nói, cuộc đời và sự nghiệp nữ sĩ Sương Nguyệt Anh là niềm tự hào của văn học nữ giới Việt Nam ở buổi đầu của nền học thuật non trẻ.
TP. Hồ Chí Minh,8 - 2007Lê Tâm