42 năm ngày mất Đông Hồ
Đông Hồ (1906 – 1969) là một tác gia lớn ở miền Nam, đã làm thơ từ những năm 20 cho đến những năm 60 của thế kỷ 20. Ở Nam kỳ, nói đến thơ người ta nghĩ đến Đông Hồ, cũng như nói đến tiểu thuyết người ta nghĩ ngay đến Hồ Biểu Chánh (1885 – 1958). Không chỉ sáng tác thơ, Đông Hồ còn viết văn xuôi và nghiên cứu văn học. Ngoài ra ông lại là nhà thư pháp chữ quốc ngữ và là nhà giáo. Ông từng làm giáo học, từng lập Trí Đức học xá để dạy quốc văn và vào cuối đời dạy văn học Hà Tiên ở trường Đại học Văn khoa Sài Gòn. Ở mỗi lĩnh vực, Đông Hồ đều có những điểm đáng nói. Nhân kỷ niệm 95 năm ngày sinh của Đông Hồ, tôi muốn nhìn lại ông như là nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học.
Trước hết, về thơ, cũng như các nhà thơ khác trước 1932, Đông Hồ làm thơ Đường luật. Bài lệ ký Linh Phượng khóc vợ của ông đăng trong tạp chí Nam Phong số 128 tháng 4 năm 1928, có nhiều bài thơ, đáng kể là bài Khóc Linh Phượng:
Chăn gối cùng nhau những ấm êm
Bỗng làm ngọc nát bỗng châu chìm.
Đầm đìa giọt thảm khăn hồng thấm
Lạnh lẽo đêm xuân giấc mộng tìm
Hình dạng mơ màng khi thức ngủ
Tiếng hơi quanh quẩn nét y xiêm.
Bảy năm vui khổ nghìn năm biệt
Sớm gió chiều mưa lắm nỗi niềm.
Đối với chúng ta ngày nay, những dụng ngữ xưa cũ như chăn gối, ngọc nát, châu chìm, đầm đìa giọt thảm, khi thức ngủ, nếp y xiêm, sớm gió, chiều mưa làm cho bài thơ có tính sáo mòn và ước lệ. Tuy nhiên, trong lề lối ràng buộc của thơ cũ và ở thời điểm sáng tác của nó, bài này có lời thơ lâm ly và trang nhã, làm cảm động lòng người. Nhà văn Thượng Chi đã so sánh Linh Phượng ký khóc vợ của Lâm Trác Chi với Tế thập nhị lang văn khóc cháu của Hàn Thoái Chi tức Hàn Dũ đời Đường. So sánh như vậy không tương xứng, nên ít ai tán đồng. Thường thì người ta so sánh bài lệ ký Linh Phượng của Đông Hồ với một tác phẩm ra đời xấp xỉ đồng thời là bài văn xuôi pha biền ngẫu Giọt lệ thu (viết năm 1923, đăng báo Nam Phong số 131 tháng 7 – 1928) khóc chồng của nữ sĩ Tương Phố.
Năm 1932, năm khởi đầu của phong trào thơ mới, ông xuất bản tập Thơ Đông Hồ, trong đó có nhiều bài đã đăng ở tạp chí Nam Phong. Nói chung, những bài trong tập này vẫn giữ đặc điểm cố hữu là lời trang nhã với chữ sáo và ý cổ. Đông Hồ đã có người bạn đời mới, nhưng bài Tục huyền cảm tác của ông vẫn nhuốm màu sắc ảm đạm với giọng thơ ai oán như trong Linh Phượng ký:
Chim Linh Phượng một bay chẳng lại,
Nhà độc thê mực vẩy lệ sầu
Gió mưa hai độ xuân thu,
Khắp trông non nước toàn màu thê lương.
Thế mới hay con tim nhà thơ vẫn còn chỗ dành cho người vợ cũ vắn số.
Bài hay nhất trong tập Thơ Đông Hồ là Tuổi xuân, sau tác giả lại đưa vào tập Cô gái xuân. Đây là bài thơ ngũ ngôn tự sự, có cả đối thoại, dài 100 câu, nhiều đoạn rất đặc sắc:
Này anh: buổi thư nhàn
Em dạy anh học đàn.
- Học đàn khó! – Đâu khó!
- Chỉ đôi tiếng nhặt khoan!…”
Khoan nhặt đôi đường thơ
Lay động đôi lòng tơ
Gảy nên khúc Tình ái
Khúc dứt, lòng ngẩn ngơ
Buông bắt trên tơ trúc
Nhìn em năm ngón ngọc
Năm búp măng nõn nà
Mãi nhìn, đàn chửa thuộc…
Có thể nói, Tuổi xuân là một bài thơ mới lạc bước vào vườn thơ cũ. Đọc bài này, người ta không thể không liên tưởng đến những bài ngũ ngôn tự sự Giận nhau, Em đương thêu của Nguyễn Xuân Huy (1).
Sau tập Thơ Đông Hồ là Cô gái xuân (1935). Tập thơ này tuy vẫn giữ vần điệu trang nhã của thơ cũ, nhưng đã chịu ảnh hưởng nhiều của thơ mới. Bài Cô gái xuân có những đoạn cực tả sự hồn nhiên, ngây thơ của một thiếu nữ xuân thì, chẳng hạn:
Đàn bướm bay qua bãi cỏ xanh,
Lòng cô phất phới biết bao tình.
Vội vàng để vở bên bờ cỏ
Thoăn thoắt theo liền đàn bướm xinh.
Áo trắng khăn hồng gió phất phơ,
Nhẹ nhàng vui vẻ nét ngây thơ.
Trông cô hớn hở như đàn bướm
Thong thả trời xuân mặc nhởn nhơ.
Bài Mua áo có những câu tả tình yêu một cách bóng bẩy mà táo bạo. Nàng nhờ chàng mua áo, chàng hỏi kích thước. Nàng trả lời vừa ý nhị vừa âu yếm, không giữ gìn, cũng không e thẹn:
Ô hay! Nghe hỏi mà yêu nhỉ!
Thước tấc anh còn lựa hỏi ai.
Rộng hẹp, tay anh bồng ẵm đó,
Ngắn dài, người mới tựa bên vai!
Một bài khác nữa cũng rất tình tứ là bài Bốn cái hôn. Đây là lời một cô gái xuân nói lên cảm giác của nàng về cái hôn của mẹ, của cha, của cô giáo và của người yêu. Trong khung cảnh trăng nước thơ mộng, cái hôn của người yêu khiến cô gái xuân rung động đến tột độ. Cảnh ấy, tình ấy được nói bằng thứ ngôn ngữ tình tự, lãng mạn, có chiều lả lơi mà vẫn trong sáng:
Nay em đang giữa cảnh đêm xuân,
Gió trăng tình tứ đêm thanh tân.
Trước vùng trời biển cảnh lồng lộng,
Cùng anh trao đổi tình ái ân.
Khoác tay anh đi trên bãi cát
Cát bãi trăng soi màu trắng mát.
Nghiêng đầu lơi lả tựa vai anh,
Lặng nghe sóng bãi đưa rào rạt.
Nước mây êm ái bóng trăng sao,
Say sưa em nhìn lên trời cao,
Buông khúc đàn lòng theo nhịp gió.
Giờ phút thần tiên, hồn phiêu dao.
Một hơi thở mát qua, dịu dàng,
Như cơn gió biển thoảng bay ngang,
Rồi luồng điện ấm chạm trên má:
Ân ái môi anh kề nhẹ nhàng.
Nũng nịu, em ngả vào lòng anh
Đọc bài này, Hoài Thanh nhận định: “Đông Hồ là người thứ nhất đã đưa vào thi ca Việt Nam cái vị bát ngát của tình yêu dưới trăng thanh, trong tiếng sóng” (2).
Đông Hồ còn tiếp tục sáng tác thơ cho đến những năm cuối cùng của đời ông và vẫn giữ lề lối cũ: tứ thơ cổ kính được chuyển tải bằng những lời trang nhã, trau chuốt. Chúng ta thử đọc thêm một đoạn trong bài Lòng quỳ hoa cúc, một trong những bài thơ cuối cùng của thi sĩ, làm năm 1968:
Ngày xuân vắng ánh trời hồng
Còn đây hoa cúc thay lòng hướng dương
Mỹ nhân hề thiên nhất phương
Gặp nhau đây tám nẻo đường chiêm bao
Mây êm nước lặng nhàn phiêu lãng
Hoa rụng chim kêu bướm cảm hoài
Khi biệt dễ dàng khi gặp khó
Chốn vui ai nhớ chốn sầu ai.
Ngoài sự nghiệp sáng tác, Đông Hồ còn để lại vài công trình nghiên cứu: Hà Tiên Mạc thị sử (Nam Phong 107 tháng 7/1926, số 143 tháng 10/1929), Văn học miền Nam – Văn học Hà Tiên (Nhà xuất bản Quình Lâm, Sài Gòn, 1970).
Hà Tiên Mạc thị sử là một tập biên khảo lịch sử, địa chí, văn học rất công phu về họ Mạc ở Hà Tiên, những người đã có công khai phá, mở mang và xây dựng vùng cực nam của đất nước thành một nơi trù phú, văn vật. Mặt khác, tập biên khảo này còn cung cấp cho chúng ta những tài liệu văn học quí báu về nhóm Chiêu Anh Các ở Hà Tiên. Đánh giá công trình này, Lê Chí Dũng viết: “Có thể ghi công cho Đông Hồ về mặt sưu tầm, khảo cứu văn liệu: tập Hà Tiên Mạc thị sử nói về nhóm Chiêu Anh Các và thơ của nhóm này giúp người nghiên cứu có tài liệu về văn học buổi sơ khai tận cùng phía Nam đất nước, khẳng định sự thống nhất của văn học và văn hóa dân tộc Việt Nam” (3).
Năm 1970, để tưởng niệm Đông Hồ nhân lễ giỗ đầu của nhà thơ, nữ sĩ Mộng Tuyết đã làm một việc rất có ý nghĩa là tập hợp những bài giảng của Đông Hồ ở trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, nơi ông đã ngã xuống trong lúc đang giảng dạy, cho ấn hành thành tập Văn học miền Nam – Văn học Hà Tiên. Có thể nói công trình biên khảo này là kết quả của việc tiếp tục nghiên cứu tường tế hơn vấn đề ông đã làm với Hà Tiên Mạc thị sử 40 năm trước. Nhan đề là “Văn học miền Nam” nhưng thực ra chỉ là văn học Hà Tiên, và nói cho chính xác thì chỉ là văn học của thi phái Chiêu Anh Các. Phần nghiên cứu tính cách đặc thù của văn học miền Nam, đất nước Hà Tiên, các tác phẩm chữ Hán và chữ Nôm của thi phái Chiêu Anh Các rất công phu. Phần dịch thơ chữ Hán ra văn xuôi sát nghĩa, chú thích thành ngữ, điển tích rõ ràng, những bài dịch thơ lột tả được tình ý nguyên tác, đúng niêm luật, đối rất chỉnh, lời thật đẹp.
Hai công trình sưu tầm, nghiên cứu kể trên là những cống hiến quí báu của Đông Hồ vào việc tìm hiểu lịch sử, đất nước và văn học Hà Tiên buổi đầu mới khai phá, mở mang, đồng thời cũng biểu lộ tình yêu quê hương sâu đậm của tác giả.
Là nhà nghiên cứu, Đông Hồ làm việc cẩn thận, nghiêm túc và hoàn thành được những công trình có giá trị. Nhưng con người nghiên cứu của ông lu mờ bên cạnh con người thơ. Đông Hồ trước sau vẫn là một thi nhân, hay đúng hơn, một thi gia tài hoa, giàu tình cảm, nhất là tình cảm uỷ mị. Ngay cả lúc ông ngã xuống trong một giảng đường đại học, ông cũng đang ngâm dang dở một bài thơ. Thơ ông và con người ông là một. Ông trau chuốt lời thơ cũng như ông cẩn thận trong cách ăn mặc. Thơ ông thanh tao, người ông nho nhã và có dáng vẻ một tao nhân mặc khách, dù ông mặc complet hay quốc phục. Một đời làm thơ, Đông Hồ có một vị trí quan trọng, nổi bật trên thi đàn.
CHÚ THÍCH
1. Hoài Thanh và Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, Nxb. Thiều Quang, Sàigòn, 1967, tr. 351- 353.
2. Hoài Thanh và Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, sđd, tr.337.
3. Từ điển văn học, Tập I, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1983, tr 26.