Văn học cổ điển Việt Nam trong thế giới Đông Á

20170930a

Từ đầu Công nguyên nước ta đã bắt đầu tách ra khỏi khu vực văn hóa Đông Nam Á, đi vào quỹ đạo của văn hóa Đông Á, hay còn gọi là khu vực văn hóa chịu ảnh hưởng Trung Hoa, “Vùng văn hóa chữ Hán” (Hán tự văn hóa quyển/ Kanji bunkaken) cùng với Triều Tiên – Hàn Quốc và Nhật Bản. Tìm hiểu vùng văn hoá này chúng ta thấy văn học các nước có những bước đi giống nhau một cách kỳ lạ. Sự giống nhau ấy là do những vấn đề lịch sử – xã hội tương đồng và do cùng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ những tác động từ Trung Hoa tới. Trong bài viết này chúng tôi thử đưa ra một diễn trình chung của văn học Triều Tiên-Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, từ đó có thể thấy được quá trình phát triển, những điểm chung có tính  quy luật và những điểm đặc thù của văn học các nước.

Có nhiều cách để miêu tả diễn trình văn học Đông Á. Cách thức cổ điển nhất là miêu tả diễn trình ấy theo các triều đại. Như vậy thì văn học Trung Quốc  có thể chia ra thành triều đại như: Hạ, Ân- Thương, Tây Chu, Đông Chu, Tần, Hán… cho đến Minh, Thanh.

Văn học Triều Tiên – Hàn Quốc có thể chia ra thành các thời:

-       Triều Tiên/ Choson cổ đại: từ đầu đến TK.1 tr.CN

-       Tam quốc: 57 tr.CN-TK.7

-       Tân La/ Silla thống nhất: TK.7-TK.10

-       Thời Cao Ly/ Koryo: TK.10-TK.14

-       Thời Triều Tiên/ Choson (vương triều Lý/ Yi): TK.15-đầu TK.20

Văn học Nhật Bản: 

-       Yamato / Đại Hoà: TK.4 – đầu TK.8

-       Nara/ Nại Lương: TK.8

-       Heian/ Bình An: cuối TK.8 – cuối TK.12

-       Mạc phủ Kamakura/ Liêm Thương: cuối TK.12 - giữa TK.14

-       Mạc phủ Muromachi/ Thất Đinh: giữa TK.14- cuối TK.16

-       Azuchi-Momoyama/ An Thổ Đào Sơn: cuối TK.16- đầu TK.17

-       Edo/ Giang Hộ: đầu TK.17-giữa TK.19

-       Nhật Bản cận đại (Minh Trị, Đại Chính, Chiêu Hòa): 1868 – 1945…

Còn văn học Việt Nam thì như chúng ta đều biết: thời Hùng vương, thời Bắc thuộc (và chống Bắc thuộc), rồi Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ v.v.

Tuy nhiên miêu tả như thế sẽ thấy chúng rời rạc, mà không thấy được những đặc tính chung, cũng như quá trình phát triển của chúng. Vì vậy chúng tôi thấy cần thiết phải sử dụng một mô hình chung, phổ quát cho các nước. Mô hình này đối với từng nước cũng có rất nhiều tranh cãi, để trình bày về những quan niệm ấy cũng phải có một bài viết riêng, ở đây chúng tôi xin bỏ qua việc thuật lại những tranh cãi ấy, trên cơ sở những tư liệu tham khảo được, xin đưa ra mô hình như sau:

-       Văn học thời kỳ cổ đại:

Triều Tiên-Hàn Quốc: gồm các thời Triều Tiên cổ đại, Tam quốc, Tân La/ Silla thống nhất (từ đầu – cuối TK.10).

Nhật Bản: thời Yamato (TK.4 - đầu TK.8).

Việt Nam: thời Hùng Vương và thời Bắc thuộc (từ đầu – TK.10).

Đây là thời kỳ phôi thai của văn học viết, văn học đi những bước đầu tiên chuẩn bị cho sự ra đời của nền văn học dân tộc. Văn học còn gắn bó chặt chẽ với tôn giáo,  các thể loại văn học chức năng chiếm địa vị quan trọng.

-       Văn học thời kỳ trung đại:

Triều Tiên-Hàn Quốc: Từ đầu thời Cao Ly/ Koryo cho đến cuối thời Triều Tiên/ Choson (TK.10- cuối TK.19).

Nhật Bản: Từ thời Nara đến Minh Trị duy tân (TK.8- 1867).

Việt Nam: Từ thời Ngô (năm 938) đến cuối TK.19.

Đây là thời kỳ thời văn học gắn với xã hội phong kiến. Thời kỳ này có thể chia ra thanh ba giai đoạn:

Sơ kỳ trung đại:

Triều Tiên-Hàn Quốc: Thời Cao Ly (TK.10 - TK.14)

Nhật Bản: Hai thời Nara và Heian (TK.8- cuối TK.12)

Việt Nam: Từ Ngô đến hết đời Trần (TK.10 – TK.14)

Đây là giai đoạn đầu tiên của văn học thời kỳ trung đại. Văn học viết các nước đều quan tâm đến vấn đề khẳng định độc lập dân tộc. Tư tưởng, nghệ thuật  đều chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng Phật giáo.

Trung kỳ trung đại:

Triều Tiên-Hàn Quốc: Nửa đầu thời Triều Tiên/ Choson của vương triều Lý (TK.15- cuối TK.17).

Nhật Bản: Thời Mạc phủ Kamakura/ Liêm Thương và Muromachi/ Thất Đinh (cuối TK.12 - cuối TK.16).

Việt Nam: Lê sơ đến đầu thời Trịnh Nguyễn phân tranh (TK.15 - cuối TK.17).

Đây là giai đoạn phát triển tiếp theo của văn học trung đại với những tính chất đặc trưng, điển hình nhất của thời trung đại.

Hậu kỳ trung đại:

Triều Tiên-Hàn Quốc: Nửa cuối thời Triều Tiên của vương triều Lý (TK.18 - cuối TK.19)

Nhật Bản: Thời Azuchi-Momoyama và Edo (cuối TK.16-1867)

Việt Nam: Lê mạt đến khi phong trào Cần vương bị dập tắt (TK.18-cuối TK.19)

Đây là giai đoạn cuối cùng của thời trung đại - giai đoạn khủng hoảng sâu sắc của chế độ phong kiến, cũng là giai đoạn phát triển mạnh của đô thị phong kiến, chuẩn bị bước sang thời cận đại. Tính chất nổi bật của văn học giai đoạn này là việc tăng cường tính hiện thực, tính chất bình dân, ý thức về cái tôi (tự ngã) càng ngày càng rõ nét.

-       Văn học thời kỳ cận đại:

Triều Tiên-Hàn Quốc: Phong trào Khai hoá cho đến Thế chiến II kết thúc (cuối TK.19-1945)

Nhật Bản: Minh Trị Duy tân cho đến Thế chiến II kết thúc (1868 – 1945)

Việt Nam: Phong trào Duy tân cho đến Thế chiến II kết thúc (đầu TK.20 – 1945)

Đây là thời kỳ gắn với quá trình phát triển tư bản chủ nghĩa giai đoạn đầu ở các nước.

Cách chia như trên căn cứ vào nhiều công trình viết về lịch sử, văn hoá, văn học các nước ấy như: Tìm hiểu văn hoá Hàn Quốc (NXB.Giáo dục, Hà Nội, 2000), Nihon bungakushi (Lịch sử văn học Nhật Bản, Konishi Jinichi, Kodansha gakujutsu bunko 1090,  Tokyo, 1993) Nihon shisoshi gairon (Khái luận về lịch sử tư tưởng Nhật Bản, Ishida Ichiro, Yoshikawa Kobunkan xb, Tokyo, 1993)… Nói chung với Triều Tiên-Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam việc phân chia các thời kỳ, các giai đoạn như trên không gây tranh cãi nhiều lắm. Riêng với Trung Quốc, cách chia trung đại ra thành 3 giai đoạn: Sơ kỳ, Trung kỳ, Hậu kỳ và thời điểm mở đầu và kết thúc của mỗi giai đoạn như thế nào chắc chắn sẽ gây ra nhiều tranh luận.

Vì lịch sử của văn học Trung Quốc rất dài, nên để cho cân đối, sách Trung Quốc văn học phê bình sử của Quách Thiệu Ngu (Hoằng Trí thư điếm, Hongkong xuất bản)  đã chia lịch sử văn học Trung Quốc ra thành:

-       Thượng cổ : từ thượng cổ đến hết Đông Hán (từ đầu - TK.2)

-       Trung cổ: từ thời Kiến An (Tam Quốc) đến Ngũ đại (TK.2 - giữa TK.10)

-       Cận cổ: từ Bắc Tống đến giữa đời Thanh (TK.10 - 1839)

Tuy nhiên xét về mặt loại hình thì cách chia trên đã không thể hiện được tính chất phục hưng (chính xác hơn là tiền phục hưng) của đời Đường mà Konrad đã phát hiện ra trong công trình Phương Đông và Phương Tây. Cũng có sách như Trung Quốc tư tưởng sử cương của Hầu Ngoại Lư (Thượng Hải thư điếm xuất bản xã, tái bản 2004) lại đưa ra cách chia khác về thời trung đại của Trung Quốc: 

-       Tiền kỳ trung đại: từ Tần Hán  đến hết Nam Bắc triều (TK.3 tr.CN-TK.6)

-       Hậu kỳ trung đại: từ Tuỳ Đường đến Thanh, trong đó lại chia ra:

Giai đoạn 1: từ Tuỳ đến Nguyên (TK.7-TK.14)

Giai đoạn 2: Minh, Thanh (TK.14 - đầu TK.20)

Nếu chia lịch sử văn học Trung quốc như vậy sẽ thấy được rõ tính chất Hậu trung đại - tiền phục hưng của đời Đường. Trong đó văn học triều Hán được coi như mang tính chất điển hình cho thời kỳ trung đại.

Theo cách gọi phổ biến của nhiều bộ văn học sử trong khu vực, nhất là Nhật Bản, Triều Tiên, chúng tôi sử dụng khái niệm: “Văn học cổ điển”, “Văn học hiện đại” để chỉ toàn bộ văn học các nước trước và sau khi chịu ảnh hưởng Phương Tây. Cách chia này có tính đại lược căn cứ chủ yếu vào ngôn ngữ, không loại trừ các cách gọi Cổ đại, Trung đại, Hiện đại… với tư cách là thuật ngữ của phân kỳ văn học.

Ở mỗi mục chúng tôi đều bắt đầu bằng những ảnh hưởng của Trung Quốc, tình hình cụ thể của mỗi nước, rồi mới đến phần văn học. Trong bối cảnh như thế chúng ta sẽ thấy rất rõ quá trình phát triển, những điểm chung có tính  quy luật và những điểm đặc thù của văn học cổ điển Việt Nam.

I.              VĂN HỌC ĐÔNG Á THỜI CỔ ĐẠI

-       Thời cổ đại của Triều Tiên: gồm các thời Triều Tiên cổ đại, Tam quốc, Tân La/ Silla thống nhất (từ đầu – cuối TK.10)

-       Nhật Bản: thời Yamato (TK.4-đầu TK.8)

-       Việt Nam: từ cuối thời Hùng Vương đến hết thời Bắc thuộc (đầu – TK.10)

1.    Văn hóa đời Hán và việc hình thành thế giới Đông Á

Trước đời Hán có thể nói chưa có vùng văn hóa Đông Á, hiểu theo nghĩa là khu vực văn hóa chịu ảnh hưởng của Trung Hoa như giới nghiên cứu thường gọi: khu vực văn hóa chữ Hán / Hán tự văn hóa quyển (tiếng Nhật: Kanji bunka ken) bao gồm các nước: Trung Quốc, Triều Tiên – Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam.  Cho đến thế kỷ 2 tr.CN, quần đảo Nhật Bản vẫn còn tồn tại hàng trăm “tiểu quốc” – tức là các thị tộc, có nguồn gốc rất khác nhau: gốc du mục Bắc Á liên quan đến ngữ hệ Uran – Altai, gốc Siberi của người da trắng nguyên thủy (người Ainu ở phía bắc Nhật Bản), gốc Đông Nam Á lục địa và hải đảo… Bán đảo Triều Tiên cũng tồn tại cả hai bộ phận như vậy: Đông Nam Á (lục địa và hải đảo) và Bắc Á (người Mãn Châu, chủ nhân của nền văn minh Triều Tiên/ Choson cổ đại[i]). Việt Nam lúc bấy giờ vẫn gắn bó chặt chẽ với vùng văn hóa Đông Nam Á, việc liên kết giữa các thị tộc ở lưu vực sông Hồng và sông Mã đã có từ sớm nhưng còn chưa thật chặt chẽ. Vào thời gian ấy vùng văn hóa Đông Á, hiểu theo nghĩa văn hóa chịu ảnh hưởng Trung Hoa chưa ra đời.

Công cuộc thống nhất Trung Quốc của nhà Tần (221 – 206 tr.CN) đã tạo tiền đề cho văn hóa Trung Hoa ảnh hưởng ra các nước xung quanh. Nhà Tần sụp đổ, nhưng nền thống nhất mà nó đã tạo nên bằng thanh gươm vẫn còn đó, nhà Hán tiếp tục kế thừa. Triều đại nhà Hán (206 tr.CN – 220 sau CN) là triều đại hưng thịnh nhất so với các triều đại từ trước đến bấy giờ, đế quốc Hán là đế quốc hùng mạnh nhất thế giới đương thời. Sự bùng nổ của nền văn minh triều Hán đã tạo điều kiện cho vùng văn hóa Đông Á – “Vùng văn hóa chữ Hán” ra đời.

Vào cuối thế kỷ 4 – đầu TK.3 tr.CN, nước Yên, rồi nhà Tần xâm chiếm  các vùng đất phía bắc của nhà nước Triều Tiên cổ đại. Sau đó Vệ Mãn/ Wiman thành lập nhà nước Vệ Mãn Triều Tiên/ Wiman Choson độc lập, tổ chức theo mô hình Trung Hoa. Năm 108 tr.CN nhà Hán chinh phục quốc gia Vệ Mãn Triều Tiên do cháu nội của Vệ Mãn cầm quyền, rồi chia quốc gia ấy thành ba quận: Lạc Lãng/ Lolang, Chân Phiên/ Chenfan, Lâm Đồn/ Lintun, năm sau, lại đặt thêm một quận nữa là Huyền Thổ/ Hsuantu.

Trước khi tiếp xúc với nhà Hán, Nhật Bản có hơn 100 tiểu quốc, thường xuyên giao thiệp với quận Lạc Lãng phía bắc bán đảo Triều Tiên. Trong nhiều thế kỷ, rất nhiều người Triều Tiên đã di cư đến Nhật Bản, một số người bị bắt về theo các đội quân đánh phá các vùng duyên hải bán đảo Triều Tiên. Người Nhật gọi họ là các “Quy hóa nhân/ Kikajin”. Thông qua các “Quy hóa nhân” mà kỹ thuật chế tác đồ đồng đồ sắt, chữ viết và văn hóa Trung Hoa từ Triều Tiên truyền đến Nhật Bản. Tiểu quốc Yamatai/ Da Mã Đài ở bắc đảo Kyushu/ Cửu Châu, rồi Yamato/ Đại Hoà đều có quan hệ trực tiếp với nước Nguỵ thời Tam Quốc, nước Tống thời Nam Bắc triều. Vào thế kỷ 3 vua nước Bách Tế/ Paeckche (một trong ba nước tồn tại ở bán đảo Triều Tiên từ TK.3 - TK.7, nằm ở phía tây nam bán đảo này) dâng nhà nho Vương Nhân cùng với 10 cuốn Luận ngữ Thiên tự văn cho Ứng Thần thiên hoàng. Việc ấy thường được người Nhật cho là sự kiện đánh dấu Nho giáo chính thức truyền vào Nhật Bản.

Trường hợp Việt Nam, nước ta cũng bắt đầu tiếp xúc với Trung Hoa kể từ cuộc xâm lược của quân đội nhà Tần do Hiệu úy Đồ Thư chỉ huy. Từ chiến thắng của người Au Việt và Lạc Việt trước đội quân xâm lược nhà Tần mà hai nước này đã thống nhất lại thành nước Au Lạc đứng đầu là Thục Phán-An Dương Vương. Sau đó ít lâu An Dương Vương để nước Au Lạc  rơi vào tay vua nước Nam Việt là Triệu Đà. Năm 111 tr.CN, nhà Hán sai Vệ úy Lộ Bác Đức đem hơn 10 vạn binh đến xâm lược nước Nam Việt của con cháu Triệu Đà, chia đất Au Lạc cũ thành 3 quận: Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam. Sự kiện ấy đã mở ra một thời kỳ dài trong lịch sử Việt Nam: 1000 năm Bắc thuộc và chống Bắc thuộc. Trong suốt  thời kỳ ấy, văn hóa Trung Hoa ồ ạt truyền vào nước ta, tách nước ta ra khỏi vùng văn hóa Đông Nam Á cũ, cuốn vào vùng văn hóa chữ Hán mà trung tâm là Trung Hoa.

Như vậy kể từ đời Hán, khu vực văn hóa Đông Á với Trung Hoa, Triều Tiên – Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam đã hình thành. Về văn học, các xứ sở này trước đây đều đã có một nền văn học dân gian phong phú và đặc sắc, nhất là thần thoại truyền thuyết, nhưng văn học viết thì chưa. Số phận lịch sử đã đưa các dân tộc này gắn bó với nhau trong vùng văn hóa chữ Hán, từ đó đã tạo nên nền văn học viết của mỗi dân tộc với thơ văn phú lục theo mô hình Trung Hoa viết bằng Hán văn, sau đó hình thành nền văn học viết bằng tiếng nói của mỗi dân tộc.

2.    Phật giáo Trung Hoa và việc hình thành khuynh hướng văn học Phật giáo Bắc tông ở Việt Nam, Triều Tiên-Hàn Quốc, Nhật Bản

Thế kỷ 3 tr.CN, ở Ấn Độ đã diễn ra cuộc kết tập kinh điển lần thứ 3 với 1000 vị A La Hán do Hoàng đế A Dục khởi xướng và bảo trợ. Sau cuộc kết tập này, hoàng đế A Dục lệnh cho các phái đoàn tăng lữ đi ra các nước để truyền bá đạo Phật. Trước hết Phật giáo truyền vào Tích Lan (TK.3 tr.CN), sau đó truyền vào Trung Á, Trung Hoa (TK.1).

Năm 67 thời Đông Hán, Hán Minh Đế sai Vương Tuân, Thái Hâm và 15 người khác sang nước Đại Nhục Chi (giáp ranh Ấn Độ) để rước tượng Phật về thờ và mời hai vị sư là Ca Diếp Ma Đằng (Kerssoapa Matanga) và Trúc Pháp Lan (Falan) qua Trung Hoa thuyết pháp.

Thời Tam Quốc (TK.3) Phật giáo phát triển mạnh ở cả ba nước: Ngụy, Thục, Ngô, mỗi nước đều có nhiều vị tăng từ Tây Vực sang truyền đạo. Nước Ngô có Khương Tăng Hội, Ngụy có Đàm Ma Ca La, Thục có Châu Tử Hàng. Khương Tăng Hội (229-280) sinh trưởng ở Giao Chỉ, là dịch giả bộ Lục độ tập kinh sang Hán văn. Năm 247 Khương Tăng Hội từ Giao Chỉ sang Kiến Nghiệp, kinh đô nước Ngô (nay là Nam Kinh) truyền đạo và sống ở đó 33 năm cho đến khi mất.

Thời Tấn (265-316), Phật Giáo Trung Hoa bước vào giai đoạn phát triển rực rỡ, gọi là “Thời kỳ hưng thịnh thứ nhất”. Có cao tăng Tây Vực là Phật Độ Trừng sang truyền đạo, được hàng vạn người quy ngưỡng. Ông đã đào tạo ra được đệ tử nổi tiếng là Đạo An Pháp Hoa. Sau đó Cưu Ma La Thập dịch rất nhiều kinh Phật: Kinh A Di Đà, Kinh Pháp hoa, Kinh Duy Ma Cật, Kinh Kim Cương… đưa đạo Phật lên vị trí cao trong đời sống tinh thần Trung Hoa. Các phái Tam luận tông và Thành thực tông ra đời trong giai đoạn này.

Thời Nam Bắc triều (420-589) được coi là “Thời kỳ hưng thịnh thứ hai” của Phật giáo Trung Hoa. Sư Huệ Viễn lập ra Bạch Liên Xã để xiển dương pháp môn Tịnh Độ. Bồ Đề Đạt Ma từ Thiên Trúc sang mở ra phái Thiền tông Trung Hoa. Đây là tông phái phát triển mạnh mẽ nhất ở Đông Á sau này, và là tông phái chủ yếu của Phật giáo Việt Nam. Sư Nam Nhạc lập ra phái Thiên Thai Tông. Lương Chiêu Minh thái tử tổ chức việc san định và chú giải kinh Phật. Kinh Phật thông qua Huyền học mà thâm nhập sâu vào đời sông tinh thần Trung Hoa.

Đời Đường (618-907) được coi là “Thời kỳ hưng thịnh thứ ba” của Phật giáo Trung Hoa. Sư Huyền Trang sang An Độ học đạo 15 năm, sau đó mang về rất nhiều kinh sách. Ông là người có công đầu làm sáng tỏ giáo lý Pháp tướng tông Trung Hoa. Năm 676 Lục tổ Huệ Năng bắt đầu thuyết giảng về Thiền tông, tông phái ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong khu vực([ii]).

Với Triều Tiên, ngưòi ta thường lấy sự kiện năm 372 sư Thuận Đạo từ đông bắc Trung Quốc đến Cao Câu Ly/ Koguryo truyền giảng kinh Phật làm sự kiện mở đầu cho việc Phật giáo đến nơi này. 12 năm sau sư Ma La Nan Đà từ Đông Tấn sang Bách Tế/ Paeckche truyền bá đạo Phật. Khoảng giữa TK.5, Phật giáo đến Tân La/ Silla. Ngay từ đầu, triều đình các tiểu quốc này đã nhận ra giá trị của đạo Phât đối với đời sống tâm linh và nhất là đối với việc thống nhất đất nước, đoàn kết dân tộc. Tông phái quan trọng nhất ở bán đảo Triều Tiên giai đoạn đầu là Luật tông với vai trò đứng đầu của các sư Khiêm Ích ở Bách Tế, Từ Tàng ở Tân La. Bên cạnh Luật tông thì Mật tông cũng được truyền vào do các nhà sư từ Trung Á tới.

Đối với Nhật Bản. Phật giáo du nhập vào muộn hơn. Năm 538 được coi là năm chính thức đánh dấu việc Phật giáo du nhập vào quần đảo này với sự kiện vua nước Bách Tế/ Paeckche đến Nhật Bản dâng tượng Phật và kinh luận. Đạo Phật lúc mới vào đã đụng độ khá mạnh với tín ngưỡng thờ thần bản địa được các hào tộc địa phương bảo trợ, sau đó thì phát triển nhanh chóng nhờ sự ủng hộ của nhân vật có quyền uy nhất quần đảo lúc bấy giờ là thái tử nhiếp chính: Thánh đức thái tử/ Shotoku taishi.

Năm 754 sư Giám Chân đến thuyết pháp ở triều đình Nhật Bản (thời Nara).

Tông phái mạnh nhất Nhật Bản thời kỳ đầu là Pháp tướng tông, tông phái  này được triều đình ủng hộ, nó mang tính chất “hộ quốc”, “hộ vương” rất rõ nét. Đầu TK.9 các nhà sư Nhật Bản sau khi du học ở Trung Hoa đời Đường đã đem những tông phái Phật giáo mới về truyền bá ở Nhật Bản: Tối Trừng  đại sư (Saichô daishi, tức Truyền Giáo đại sư/ Dengyô) truyền Thiên Thai tông, Không Hải đại sư (Kukai daishi) truyền Chân Ngôn tông. Giữa TK.10, Không Dã đại sư/ Kuya daishi truyền Tịnh Độ tông.

Đối với Việt Nam, thông thường người ta cho rằng Phật giáo truyền vào nước ta khoảng đầu công nguyên, bằng cả hai con đường: từ An Độ lên bằng đường biển, từ Trung Hoa xuống bằng đường bộ. Có những nhà nghiên cứu cho thời điểm lưu truyền sớm hơn nữa. Nhà nghiên cứu Lê Mạnh Thát cho rằng: Phật giáo truyền vào nước ta từ thời Hùng Vương (khoảng TK.3 – 2 tr.CN) thông qua con đường Chiêm Thành, và người Phật tử Việt Nam đầu tiên là Chử Đồng Tử, học trò của nhà sư Phật Quang như huyền thoại Chử Đồng Tử  và Tiên Dung có nói đến([iii]). Mặc dầu con đường truyền bá Phật giáo sớm nhất là từ phía Nam lên, nhưng Phật giáo nước ta chủ yếu là Phật giáo Đại thừa truyền từ Trung Quốc xuống. Đó cũng là Phật giáo chung của các nước Đông Á: Triều Tiên – Hàn Quốc, Nhật Bản, khác với Phật giáo Tiểu thừa của các nước Nam Á và Đông Nam Á. Những sự kiện sau đây cho thấy điều ấy:

Năm 580 theo lời khuyên của Tam tổ Tăng Xán([iv]), Thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi đi về phương Nam truyền đạo, đến nước ta, và sư đã trở thành vị khai tổ dòng Thiền Việt Nam.

Năm 820 Thiền sư Vô Ngôn Thông sang Việt Nam mở ra dòng Thiền thứ hai tại nước ta, tức là dòng Quan Bích hay còn gọi là dòng Vô Ngôn Thông.

Thời cổ đại có thể coi là thời kỳ manh nha của văn học Triều Tiên-Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, manh nha về thể loại, về ngôn ngữ và về những vấn đề đặt ra trong tác phẩm.

Vào thế kỷ 3, trên bán đảo Triều Tiên người ta đã bắt đầu sử dụng chữ Hán. Từ chữ Hán người ta đã sáng tạo ra loại chữ Idu, tức là loại chữ Hán dùng để ghi âm Hàn theo kiểu giả tá âm. Các tác phẩm văn học đầu tiên được viết bằng chữ Hán và chữ Idu như thế.

Vào thời kỳ đầu tiên người ta thấy xuất hiện những tác phẩm hương ca/ hyangga mà nguồn gốc của nó có thể thấy khá rõ từ các bài chúc từ của saman giáo, các bài cầu nguyện của Phật giáo. Hyangga là thể thơ ngắn, có thể chia hyangga ra thành 3 loại: 10 dòng, 8 dòng và 4 dòng. Hiện nay còn tất cả 25 bài hyangga,  trong đó 17 bài của các nhà sư, 3 bài của giới nho sĩ, và 2 bài do phụ nữ viết, còn lại thì khuyết danh. Bài Tuệ tinh ca/ Hyesseong-ga của sư Dung Thiên/ Yungchon tương truyền là khi hát lên có thể xua tan được sao chổi và đẩy lui được đội quân xâm lược Nhật Bản.

Vào thế kỷ 7, một nhà sư Silla đã viết cuốn Chú giải Tam tạng kinh pháp rất được chú ý.

Nước Nhật Bản thống nhất ra đời vào khoảng thế kỷ 4 sau CN với triều Yamato/ Đại Hoà, thời đại này tồn tại đến TK.8, tức là đến trước thời Nara/ Nại Lương- thời định đô của Nhật Bản([v]). Thời Yamato cũng là thời cổ đại – thời kỳ manh nha của văn học viết Nhật Bản. Tác phẩm văn học viết đầu tiên còn lại đến nay là bộ sách Tam kinh nghĩa sớ, giải thích ba bộ kinh: Duy ma, Pháp hoa, Thắng man do Thánh Đức Thái tử/ Shotoku taishi biên soạn vào năm 618. Như đã nói ở trên, Thánh Đức Thái tử là nhà chính trị, văn hoá lớn của Nhật Bản thời cổ đại, ông cũng là người có công lớn nhất trong việc truyền bá đạo Phật vào Nhật Bản. Bên cạnh bộ sách Phật giáo trên, văn học viết còn lưu lại một số bài ca chủ yếu là của giới quý tộc Yamato, sau này được chép trong Cổ sự ký/ Kojiki, Nhật Bản thư kỷ/ Nihonshoki, Vạn diệp tập/ Man’yoshu – những bộ lịch sử và thi tuyển đầu tiên của Nhật Bản, hoàn thành vào đầu thời trung đại (thời Nara). Các tác giả tiêu biểu của nó là: Hoàng hậu Iwanohime, Thái tử Shotoku, Thiên hoàng Jomei, Thiên hoàng Saime, Hoàng tử Arima, Hoàng tử Otsu, đặc biệt là thi sĩ trứ danh Hitomaro, nhà thơ tiêu biểu nhất cho thời “Vạn Diệp tập tiền kỳ” (từ TK.4 đến đầu thời Nara) v.v. Những bài ca của họ được viết bằng tiếng Nhật, nói lên cảm xúc của con người trước thiên nhiên, suy nghĩ và tâm tình của họ về chiến tranh, thể hiện lòng sùng kính thiên hoàng, coi thiên hoàng như hiện thân của thần Nhật Bản.

Xin dẫn ra đây bài thơ được coi là cổ nhất của nền văn chương Nhật Bản. Bài thơ được ghi lại trong Kojiki/ Cổ sự ký, theo như trong sách ấy ghi, tác giả của nó là thần Susanoo-Thần Giông Bão, tất nhiên là sống ở thời đại các thần. Câu chuyện kể là, Thần bị đuổi khỏi Cánh Đồng Trời (Takama ga hara), bèn đi lang thang bên bờ sông Hi ở xứ Izumo. Ở đó Thần gặp một bà lão đang ngồi khóc. Hỏi nguyên do, bà lão kể: bà có 8 người con gái lần lượt bị một con mãng xà hung ác ăn thịt hết bảy cô, chỉ còn lại một là nàng Kushinada. Nghe thế Thần bèn dựng lên hàng rào bao bọc lấy căn nhà cô gái, rồi trổ ra tám cửa, mỗi cửa đặt một thùng rượu rồi chờ đợi. Mãng xà Yamata đến, thấy rượu, nó bèn vục đầu vào uống no say, không chừa một giọt. Chỉ chờ có thế, Thần bèn rút kiếm ra và chém chết nó. Nàng Kushinada được cứu thoát, vui mừng nhận lời cầu hôn của Thần. Thần Susanoo làm bài ca 31 âm tiết theo điệu 5-7-5-7-7 để nói về sự kiện này. Bài ca ấy chính là bài mở đầu cho thể loại tanka/ đoản ca, hay còn gọi là Hoà ca, cũng là mở đầu cho thơ ca Nhật Bản. Bài ca ấy như sau:

Yakumo tatsu                              Tám tầng mây dựng

Izumo yaegaki                             Ở xứ Izumo

Tsuma gomi ni                            Ta làm tám tầng mây xa

Yaegaki tsukuru                          Tám tầng mây ấy

Sono yaegaki wo                          Che chở người vợ ta.([vi])

Trong những bài ca thời Yamato còn lại, có khá nhiều bài tanka/ đoản ca về tình yêu thật là ý nhị và mãnh liệt, nó thể hiện cái tinh tế trong tình cảm, cái mãnh liệt trong tình yêu và cái đa tình trong sinh hoạt cung đình thời bấy giờ. Đây là cuộc xướng hoạ thơ trong dạ tiệc sau một buổi săn bắn. Người khởi đầu là Hoàng tử Oama, chàng làm thơ để tặng cho nữ ca nhân của hoàng tộc - nàng Nukata:

Tử thảo tím ngoài đồng,

Em phất tay áo gọi.

Gặp người đang canh giữ,

Tôi chẳng để mắt trông.

Người canh giữ cánh đồng cỏ murasaki/ tử thảo (cỏ tím) ở đây có lẽ ám chỉ thiên hoàng hoặc triều thần đang canh giữ nàng, không cho nàng đi theo tiếng gọi của tình yêu. Nàng Nukata không còn trẻ nữa, khoảng 40 tuổi, và nàng đang được thiên hoàng sủng ái, nhưng điều ấy có là gì trước tiếng gọi ái tình. Nàng trả lời bằng một bài tanka thật tình tứ:

Chàng đẹp như cỏ tím

Xin chàng đừng ghét em

Em dù có nơi chốn

Gặp người sao khó quên.

      Thơ ca Nhật đã khởi đầu bằng những bài ca như thế.

Đối với văn học Việt Nam, thời kỳ văn học cổ đại là thời kỳ Bắc thuộc. Mặc dù văn học dân gian với thần thoại, truyền thuyết đã có từ lâu đời và rất phong phú, nhưng văn học viết vẫn còn đang trong thời kỳ phôi thai. Tương tự như Nhật Bản và Hàn Quốc, thành tựu văn học chủ yếu trong thời kỳ này là văn học Phật giáo, bên cạnh đó cũng còn sót lại một số thơ phú. Có thể kể ra đây những tác phẩm tiêu biểu của người Việt mà nhiều người cũng đã biết đến:

-       TK.3 bản dịch Lục độ tập kinh, Cựu tạp thí dụ kinh, bản chú giải An ban thủ ý kinh, Pháp kính kinh của Khương Tăng Hội (người gốc Khương Cư, cha mẹ ông đến Giao Chỉ, ông được sinh ra và lớn lên ở đây)

-       Giữa TK.5: Sáu bức thư của Đạo Cao, Pháp Minh gửi Lý Miễu

-       580-600: những bài thơ của Tì Ni Đa Lưu Chi và Pháp Hiền

-       Năm 675 : bài thơ Điếu Đạo Hy pháp sư của Đại Thừa Đăng

-       766 Khương Công Phụ viết bài phú Bạch vân chiếu xuân hải, bài văn sách Đối trực ngôn cực gián sách trong kỳ thi tiến sĩ đời Đường Đức Tông

-       Cuối TK.8- đầu TK.9: Thơ sấm vĩ của Thiền sư Định Không, bài minh chùa Thanh Mai

-       815: Bài thơ Đề lữ sấn của Liêu Hữu Phương

-       850: Bài kệ của Thiền sư Cảm Thành

-       Cuối thế kỷ 9 xuất hiện bài Tống Mã Thực của một nho sĩ khuyết danh

-       900: Những bài thơ của sư La Quý An ([vii])

 Như trên ta thấy, trước thế kỷ 8, ngoài việc chú dịch kinh Phật và thư từ trao đổi về Phật học ra, văn học viết của người Việt hầu như chưa có gì. Từ TK.7 đến TK.10, dưới tác động của chế độ giáo dục và những thành tựu rực rỡ của thơ ca đời Đường, cũng như sự phát triển của xã hội và tinh thần dân tộc mà văn học viết bắt đầu một giai đoạn tăng tốc. Mặc dù chỉ còn sót lại những mảnh vụn, nhưng qua những mảnh vụn ấy, người ta cũng có thể mường tượng ra ngôi nhà văn học viết của người Việt thời cổ đại cũng đã khá khang trang. GS.Trần Nghĩa thống kê trong giai đoạn ấy đã có ít nhất 24 người viết văn có tên tuổi: Pháp sư Định Không từng giảng kinh Phật ở tại Trường An và được thi sĩ Dương Cự Nguyên tặng thơ, Thượng nhân Vô Ngại có thơ xướng hoạ với thi sĩ Thẩm Thuyên Kỳ, một nhà sư Nhật Nam khuyết danh  xướng hoạ với Trương Tịch, Thiền sư Duy Giám xướng hoạ với Giả Đảo… Tiếc rằng điều ấy ta chỉ biết được qua những bài thơ của các thi sĩ đời Đường chép trong Toàn Đường thi, còn bản thân các sáng tác của tác giả người Việt thì không còn nữa. 

So với các nước trong khu vực, tình hình Việt Nam khá giống với Triều Tiên: văn học viết ra đời muộn, bị mất mát gần hết, văn học viết bằng tiếng nói dân tộc gần như chưa có. Trong khi đó văn học Nhật Bản còn lưu lại một số bài bằng ngôn ngữ và thể loại dân tộc.

II.            VĂN HỌC ĐÔNG Á GIAI ĐOẠN  SƠ KỲ TRUNG ĐẠI

          Các triều đại Trung Quốc lúc thịnh lúc suy, nhưng vẫn không ngừng xu thế  bành trướng ra xung quanh. Điều ấy đặt ra cho các dân tộc Đông Á một thách thức lớn: muốn tồn tại được thì không có cách nào khác là phải tự cường tự trị và hấp thu mau chóng những thành quả tiên tiến của chính đất nước lân bang to lớn  của mình. Chỉ cần nghe tên gọi của các nước cũng đủ thấy khuynh hướng muốn khẳng định sức mạnh của mình trước Trung Hoa: Đại Hàn, Đại Hoà (Yamato), Đại Việt, Đại Nam.

          Thời trung đại trong văn học là thời kỳ gắn với chế độ phong kiến của mỗi nước, từ khi chế độ đó bắt đầu đi vào ổn định (Sơ kỳ trung đại), phát triển lên đến đỉnh cao (Trung kỳ trung đại),  rồi lâm vào khủng hoảng do sự suy yếu của triều đình trung ương và do sự phát triển của các đô thị phong kiến (Hậu kỳ trung đại). Thời trung đại đều kết thúc bằng cuộc xâm lược của phương Tây đối với các nước phương Đông. Thời cận đại mở ra khi xã hội các nước chuyển sang mô hình tư bản chủ nghĩa, văn học bắt đầu hiện đại hoá theo mô hình văn học phương Tây.

-   Văn học trung đại của Trung Quốc có thể kể từ đời Tần cho đến cuối đời Thanh (từ TK.3 tr.CN đến cuối TK.19, trước khi Khang-Lương xuất hiện)

-   Văn học trung đại Triều Tiên bắt đầu từ thời Cao Ly/ Koryo cho đến cuối thời Triều Tiên của vương triều Lý (từ TK.10 đến cuối TK.19, trước khi Phong trào Khai hoá nổ ra)

-   Văn học trung đại Việt Nam bắt đầu từ các triều đại phong kiến độc lập: Ngô, Đinh, Tiền Lê cho đến cuối vương triều Nguyễn (từ TK.10 đến đầu TK.20, trứơc khi Phong trào Duy tân xuất hiện - 1905).

          Sơ kỳ trung đại, các nước Đông Á đều chịu ảnh hưởng Tam giáo ở những mức độ khác nhau: Nho, Phật, Đạo. Nho chủ yếu ở việc tổ chức chính quyền, Phật ở đời sống tinh thần, tín ngưỡng. Đạo giáo tồn tại dưới những hình thức khác nhau: ở Nhật Bản Đạo giáo xâm nhập vào Thần đạo, một tôn giáo/ tín ngưỡng phát triển từ tín ngưỡng thờ thần bản địa, nhưng Thần đạo có vẻ nổi bật hơn; ở Triều Tiên và Việt Nam, Đạo giáo kết hợp với tín ngưỡng thờ thần bản địa (ở Triều Tiên là Saman giáo) trong đó yếu tố Đạo giáo có vẻ nổi trội hơn.

          Sơ kỳ trung đại của Nhật Bản là hai thời Nara (TK.8) và Heian (TK.9- TK.12). Năm 710 triều đình thiên đô về Nara/ Nại Lương, bắt đầu thời kỳ định đô, tức là xây dựng chế độ phong kiến tập quyền mạnh mẽ. Triều đình liên tục cử nhiều đoàn “Khiển Đường sứ” (Sứ thần phái sang nhà Đường), tức là lưu học sinh sang Trung Quốc học tập.  Văn học Trung Quốc được giới quý tộc cung đình rất hâm mộ, trong các nhà thơ Đường người Nhật thích nhất là Bạch Cư Dị. Bộ tuyển tập thơ văn đồ sộ Bạch thị văn tập với 710 quyển trở thành sách gối đầu giường của giới trí thức quý tộc Nhật Bản. Đây là thời kỳ phát triển rực rỡ của Phật giáo. Uy thế của Phật giáo cao tới mức có vị pháp vương tính rông rỡ ép nữ hoàng nhường ngôi. Để thoát khỏi bóng tháp nhà chùa, năm 794, triều đình thiên đô đến Bình An kinh/ Heian-kyô, xây dựng một kinh đô tráng lệ theo mô hình Trường An (Trung Quốc). Trong thời Heian, giai đoạn thiên hoàng có quyền lực thực sự rất ngắn ngủi, chừng nửa thế kỷ, còn lại 250 năm quyền lực rơi vào tay dòng họ quý tộc nhiếp chính Fujiwara/ Đằng Nguyên. Nền văn minh Nhật Bản thời này chỉ dường như tập trung ở Kyoto/ Kinh đô, và cụ thể hơn là ở cung đình.

Sơ kỳ trung đại của Triều Tiên là thời Cao Ly (TK.10 - cuối TK.14). Năm 918 Vương Kiến/ Wang Kon, vị chỉ huy phó trong cuộc nổi dậy cuối thời Silla được các tuỳ tướng tôn lên làm vua, đã mở ra một thời đại mới trên bán đảo Triều Tiên: thời đại thống nhất dưới chế độ phong kiến tập quyền. Vương Kiến đặt tên nước là Cao Ly/ Koryo và dời đô về Kaesong/ Khai Thành. Nhà nươc Cao Ly xây dựng trên cơ sở quyền lợi của giới quý tộc, bao gồm hoàng tộc (họ Vương, quý tộc cũ của Silla), các dòng họ ngoại thích như họ Kim ở An Sơn, họ Lý ở Nhân Xuyên, và nhiều dòng quý tộc nhỏ ở địa phương nữa. Văn hoá Cao Ly nhìn chung có tính chất quý tộc và chịu ảnh hưởng sâu sắc Phật giáo. Vua Thái Tổ/ Taejo cho xây dựng các chùa Pháp vương Tự, Hưng Quốc Tự, Hưng Vưong tự… với quy mô khổng lồ ở Kaesong/ Khai Thành. Việc ấy cho thấy Phật giáo được hâm mộ rất rộng rãi. Phật giáo cũng trở thành thế lực “hộ quốc”, “hộ vương” rất rõ. Phật giáo phát triển mạnh, nhưng nhà chùa lại không kiềm chế được tham vọng của mình, số ruộng đất và của cải nhà chùa càng ngày càng lơn, thậm chí nhà chùa còn phải tổ chức cả những đội “tăng binh” để bảo vệ chùa hay tranh giành quyền lợi với giới quý tộc. Triều Tiên đã áp dụng chế độ khoa cử như đời Đường từ đầu thời Cao Ly (năm 958 thời Quang Tông/ Kwangjong), tuy nhiên phải đến cuối thời Cao Ly (TK.14), Nho giáo mới thực sự trở thành một lực lượng mạnh, lấn át dần Phật giáo.

          Sơ kỳ trung đại của Việt Nam là từ Ngô đến cuối vương triều Trần (TK.10- cuối TK.14). Cơ sở xã hội của các triều đại này là tầng lớp quý tộc trang viên. Phật giáo được triều đình ủng hộ, có vai trò hết sức quan trọng đối với triều đình trong giai đoạn đầu. Từ cuối đời Trần trở đi, tầng lớp nho sĩ lớn mạnh dần lên và trở thành trụ cột của triều đình. Vấn đề đặc biệt của Việt Nam là trong thời Sơ kỳ trung đại, nước ta phải liên tiếp đối đầu với các cuộc xâm lược lớn từ phương bắc xuống: nhà Ngô chống quân Nam Hán, nhà Tiền Lê, nhà Lý chống quân Tống, nhà Trần ba lần chống quân Nguyên.

          Về văn học, văn học sơ kỳ trung đại của Nhật Bản có hai dòng chính: Thứ nhất là dòng văn học khẳng định độc lập dân tộc, khẳng định giá trị và bản sắc văn hóa Nhật Bản; Thứ hai là là dòng văn học viết về vẻ đẹp thiên nhiên và đời sống, tâm lý của người Nhật, nhất là tầng lớp quý tộc cung đình. Thành tựu của nó rất rực rỡ, có thể kể ra đây một số tác phẩm tiêu biểu:

-       Cổ sự ký (Kojiki), bộ sử đầu tiên của Nhật Bản bắt đầu từ các huyền thoại hình thành dân tộc cho đến các đời Suy Cổ thiên hoàng/ Suiko tenno (đầu TK.7), hoàn thành năm 712.

-       Nhật Bản thư kỷ (Nihonshoki), bộ sử thứ hai của Nhật Bản, cũng ghi chép từ đời các thần cho đến đầu TK.8, do nhóm thân vương Towari thực hiện, hoàn thành năm 720.

-       Vạn diệp tập (Manyôshù), thi tuyển đầu tiên của Nhật Bản hiện còn, gồm có 20 quyển, với gần 5000 bài ca bằng ngôn ngữ dân tộc của nhiều người xuất thân từ các tầng lớp khác nhau: từ thiên hoàng, hoàng hậu, hoàng tử, quan lại, tăng lữ… thuộc giai tầng cấp cao cho đến thứ dân, trải dài suốt 300 năm từ TK.5, 6 đến TK.8.

-       Các tập thơ chữ Hán bắt đầu xuất hiện: Hoài phong tảo (Kaifùsô) do Oumi no Mifune tuyển, hoàn thành vào giữa TK.8; Lăng vân tập (Ryôunshù) do nhóm Minemori tuyển, hoàn thành vào đầu TK.9…

Trong số Khiển Đường sứ thành tài có nhà thơ Abe no Nakamaro. Abe là quý tộc thời Nara (TK.VIII), du học Trung Quốc, rồi làm quan đời Đường, trở thành bạn thơ của Lý Bạch, Vương Duy, Hạ Tri Chương… Cuối đời trở về Nhật, trên đường đi gặp bão, lưu lạc đến tận vùng Hoan Châu của An Nam. Ông còn để lại bài thơ tanka nổi tiếng nói lên tâm sự thương nhớ quê hương, được sáng tác  khi vừa dời khỏi Trường An:

Bầu trời bát ngát

Ngẩng đầu lên ngắm nhìn

Mảnh trăng kia có phải

Từ núi Mitaka, Kasuga quê ta

Mọc lên. ([viii])

Các bộ sử đầu tiên ra đời: Cổ sự ký (Kojiki) là bộ sử viết bằng thứ chữ Hán và Nhật hỗn hợp, ghi lại những huyền thoại và những trang sử đầu tiên hình thành triều đình Nhật Bản; Nhật Bản thư kỷ (Nihon shoki), bộ sử bằng chữ Hán tiếp theo bộ sử trên.

Văn học bằng tiếng Nhật phát triển mạnh mẽ tới mức không ít người cho rằng đây là gia đoạn phát triển cao nhất của văn học Nhật Bản. Trong loại văn chương viết bằng tiếng Nhật thì vai trò nổi bật thuộc về các phụ nữ quí tộc. Họ đã mang đến những xúc cảm tinh tế về thiên nhiên, về nỗi buồn và cái đẹp. Xúc cảm ấy người Nhật gọi là “Mono no aware” (bi cảm Nhật Bản), đã trở thành đặc trưng truyền thống của mỹ cảm Nhật Bản. Dưới đây là những tác phẩm nổi bật:

Tập thi tuyển Cổ kim Hòa ca tập (Kokin waka shù) do Ki no Tsurayuki biên soạn dưới chỉ thị của thiên hoàng, được hoàn thành vào năm 922. Tập thơ gồm trên 1000 bài thơ ngắn, chủ yếu là loại tanka (đoản ca) gồm 31 âm tiết được ngắt nhịp: 5- 7- 5- 7- 7 âm tiết. Những bài thơ này là những sáng tác làm từ sau bộ thi tuyển đầu tiên Manyôshù (Vạn Diệp tập) cho đến bấy giờ. Bài tựa của tập thơ do Ki no Tsurayuki viết thể hiện ý định xây dựng nền văn học riêng độc lập với Trung Hoa và sự trưởng thành về ý thức thơ ca Nhật Bản. Các tuyển tập thơ ca “sắc tuyển” tiếp theo là: Hậu soạn Hòa ca tập (Gosen waka shù); Tân cổ kim Hoà ca tập (Shin kokinshu)…

Cuối TK.10 xuất hiện tác phẩm tự sự đồ sộ Truyện chàng Genji (Genji monogatari- Nguyên thị vật ngữ) của nữ sĩ Murasaki Shikibu. Truyện miêu tả cuộc sống cung đình lúc bấy giờ, trung tâm là hoàng tử Genji đa tình với rất nhiều mối tình với các phụ nữ quý tộc. Toàn bộ tác phẩm có 54 chương dày hàng ngàn trang. Có ý kiến cho rằng Truyện Genji là bộ tiểu thuyết trường thiên đầu tiên trong văn học thế giới. Tác phẩm này đã đi trươc thời đại khá xa, phải đến 700 năm sau thì thời đại của tiểu thuyết Nhật Bản mới thực sự bắt đầu (TK.17). Nó là ngôi sao chổi mọc lên rồi vụt tắt, không có gì đồng hành hay đi sau nó cả. Tất nhiên cũng phải kể đến truyền thống viết “truyện kể” (vật ngữ/ monogatari) đã bắt đầu từ trước đó một thời gian với truyện Trúc thủ vật ngữ (Taketori monogatari) và nhất là phải kể đến truyền thống viết nhật ký, tuỳ bút của giới quý tộc, đặc biệt là phụ nữ quý tộc trong cung đình Heian bấy giờ như các tập: Thổ tá nhật ký (Tosa nikki), Tinh linh nhật ký (Nhật ký phù du/ Kagero nikki), Nhật ký của Murasaki Shikibu (Murasaki Shikibu nikki), Nhật ký 16 đêm (Thập lục dạ nhật ký) v.v., tác phẩm từng được một số nhà nghiên cứu cho là tiểu thuyết đầu tiên trên thế giới. Khi nói đến Truyện Genji người ta thường ít nói đến ảnh hưởng của văn xuôi Trung Quốc, nhưng cũng phải thấy rằng trước Truyện Genji một hai trăm năm, từ thời Trung Đường (TK.8-9) đã xuất hiện những  truyện truyền kỳ diễm tình rất hay, đó là những truyện thế tục hoàn toàn, vắng bóng thần linh như: Hội chân ký (Oanh Oanh truyện) của Nguyên Chẩn, Lý Oa truyện của Bạch Hành Giản, Liễu thị truyện của Hứa Nghiêu Tá, Trường hận ca truyện của Trần Hồng…

Vào thế kỷ 11 xuất hiện bộ tuỳ bút nổi tiếng Chẩm thảo tử (Makura no soshi/ Ghi chép để dưới gối) của Sei Shonagon ghi chép những suy nghĩ của tác giả về thế giới xung quanh mình, trung tâm cuộc sống của giới quý tộc cung đình lúc bấy giờ.

Tầng lớp quý tộc ngày càng mất vai trò lịch sử của nó, thực tế ấy đã dẫn đến sự hình thành các truyện lịch sử vào cuối thời Sơ kỳ trung đại (TK.12) để ghi lại những hồi quang của giới quý tộc: Vinh hoa vật ngữ của Fujiwara no Michinaga viết theo thể biên niên, Đại kính (Tấm gương lớn, tác giả khuyết danh) viết theo thể liệt truyện v.v.

Việc sưu tầm truyện kể trong dân gian bắt đầu được chú ý tới, thành quả của nó là các tập truyền thuyết Phật giáo Nhật Bản linh dị ký của sư Keikai/ Cảnh Giới, bộ truyền thuyết Phật giáo và thế tục lớn nhất Nhật Bản Kim tích vật ngữ của các nhà sư vùng Nara (trung tâm là chùa Đông Đại tự).

Văn học sơ kỳ trung đại Triều Tiên thực sự chỉ còn lưu giữ được những tác phẩm từ khoảng TK.12 trở đi. Chủ đề đất nước và thiên nhiên, con người là hai chủ đề chính trong giai đoạn này.

Trước hết phải kể đến bộ ghi chép lịch sử: Tam quốc sử ký (Samguku sagi) của Kim Pu-sik viết về thời Tam quốc của Triều Tiên hồi đầu công nguyên, hoàn thành năm 1145. Tiếp theo là bộ ghi chép dã sử- truyền thuyết lịch sử Tam quốc di sử (Samgoku Yusa) của sư Ilyon, hoàn thành vào cuối TK.13.

Nền văn chương chủ đạo vẫn là văn chương viết bằng Hán văn. Thơ chữ Hán được sử dụng rất phổ biến. Lý Khuê Báo/ Yi Kyu-po là nhà thơ lớn nhất cuối thời Cao Ly, ông nổi danh với bài trường ca về người anh hùng dựng nước Cao Câu Ly: Đông Minh vương thiên / Tongmyong wang p’yon và nhiều bài thơ nói lên nỗi thống cổ của nhân dân dưới ách thống trị của quân Mông Cổ. Văn xuôi Hán văn phát triển mạnh từ cuối thời Cao Ly với các truyện như: Khổng Phương truyện của Lâm Xuân/ Im Chun, Khúc tiên sinh truyện của Lý Khuê Báo/ Yi Kyu-bo, Trúc phu nhân truyện của Lý Cốc/ Yi Kok, và các tập tạp văn, nhàn đàm như: Phá nhàn tập của Lý Nhân Lão/ Yi Il-lo, Bạch Vân tiểu thuyết của Lý Khuê Báo/ Yi Kyu-bo…

Văn học sơ kỳ trung đại của Việt Nam có hai bộ phận: một là văn học khẳng định nền độc lập dân tộc của các nhà sư và quý tộc Lý-Trần, một nữa là văn học Thiền tông. Đến cuối đời Trần có thêm mảng thơ văn của các nho sĩ “ưu thời mẫn thế”. Ở bộ phận thứ nhất là các bài thơ: Thần (khuyết danh, Lý Thường Kiệt nhuận sắc), Quốc tộ của Đỗ Pháp Thuận, Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn, Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, thơ Trần Quang Khải, Trần Nhân Tông…Văn học Thiền tông đạt được thành tựu nổi bật với thơ của các thiền sư thời Lý- Trần: Vạn Hạnh, Không Lộ, Mãn Giác, Quảng Nghiêm, Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Tung, Huyền Quang… Văn xuôi Hán văn có: Thiền uyển tập anh, tập truyện về các nhà sư theo từng dòng truyền thừa, có tính chất “truyền đăng” rất rõ nét; Tam tổ thực lục là truyện về các nhà sư thuộc phái Trúc Lâm của Việt Nam; Việt điện u linh, sách ghi về sự tích các thần nổi tiếng của nước ta, có thể coi như một loại sưu tập “thần phả, thần tích”  của đạo thờ thần của người Việt; Lĩnh Nam chích quái, sưu tập về các chuyện thần quái của nước ta, tương tự như sách Sưu thần ký của Trung Quốc, Kim tích vật ngữ của Nhật Bản.

Cuối đời Trần có sự xuất hiện của các nho sĩ: Chu Văn An, Phạm Sư Mạnh, Trần Nguyên Đán, Nguyễn Phi Khanh…Thơ văn của họ đem đến một tính chất khác hẳn trước, gần với tính chất Trung kỳ trung đại hơn là Sơ kỳ trung đại. Chúng ta sẽ nhắc lại họ ở giai đoạn văn học sau.

III.         VĂN HỌC ĐÔNG Á GIAI ĐOẠN TRUNG KỲ TRUNG ĐẠI

Nhà Tống tồn tại hơn 300 năm từ năm 960 đến 1278. Thành tựu to lớn nhất  về học thuật của nó là sự ra đời của phái Đạo học, còn gọi là Lý học vơí Chu Đôn Di, Chu Hy, Trình Hạo, Trình Di. Tống Nho công khai chống đối các loại tư tưởng học thuật khác với chủ trương  “Độc tôn Nho học, bài trừ dị học”. Khuynh hướng đề cao “Đạo thống” (dòng chính thống của Đạo), bài trừ Phật Lão đã có từ cuối đời Đường, nhưng phải đến các học giả đời Tống mới thật mạnh mẽ. Tống học đạt đến giai đoạn đại hưng thịnh vào cuối thế kỷ 12. Giữa thế kỷ 14, nhà Minh lên thay nhà Nguyên, một vương triều ngoại tộc, đã mở ra thời đại phục hưng những giá trị văn hoá Hán tộc, đồng thời cũng tạo điều kiện cho Nho giáo phát triển mạnh mẽ. Điều ấy đã tác động đến Việt Nam và Triều Tiên, góp phần đưa Nho giáo lên địa vị quốc giáo ở các nước này. Giai tầng sĩ phu cuối thời Cao Ly (Triều Tiên) và cuối thời Trần (Việt Nam) đã khẳng định được vị trí của mình nhờ năng lực của họ tỏ ra hơn hẳn giới quý tộc già cỗi đang sa vào hưởng lạc, và cả tầng lớp tăng lữ suy thoái đang vui hưởng những quyền lợi thế tục.

Triều Tiên, từ sự bất lực của triều đình Cao Ly trong việc giải quyết những vấn đề nội trị, Lý Thành Quế/ Yi Song-gye nổi lên như một thế lực mới, và ông ta đã thành công trong một cuộc chính biến để nắm lấy quyền lực tối cao của đất nước. Năm 1392 Lý Thành Quế chính thức lên ngôi, đổi tên triều đại của mình là Choson/ Triều Tiên theo tên cổ và dời đô về Hanyang/ Hán Dương (tức Seoul ngày nay). Trụ cột của triều Lý là tầng lớp “lưỡng ban”, tức hai ban văn võ, là những dòng họ công thần đối với triều đình. Tuy nhiên trong đó văn được trọng hơn võ, và văn thì chủ yếu là những nho sĩ cấp cao theo Tân nho giáo của Chu-Trình, người ta gọi là “Sĩ đại phu/ Sadaebu”. Người đầu tiên đưa Tống nho vào Triều Tiên là An Dụ/ An Yu (1243-1306), kế đó là Bạch Di Chính/ Paek I-jong (1275-1325), Lý Tề Hiền/ Yi Che-hyon (1287-1367), Trịnh Đạo Truyền/ Chong To-jong (1337-1392)… Những môn đệ Tống nho của Triều Tiên đã làm dấy lên làn sóng bài xích Phật giáo khá mạnh mẽ. Những nhà tư tưởng danh tiếng nhất của Triều Tiên là: Lý Hoảng/ Yo Hwang (tức Lý Thoái Khê/ Yi Toegye, 1501-1570) được coi là Chu Hy của Triều Tiên và Lý Nhĩ/ Yi I ( tức Lý Lật Cốc/ Yi Yulgok, 1536-1584), triết gia đứng đầu trường phái “trọng Khí”. Cùng với sự phát triển của giáo dục và chế độ khoa cử, tầng lớp nho sĩ càng trở nên đông đảo với sự bổ sung của giới “Sĩ lâm/ Sarim ” xuất thân từ làng quê.

Việt Nam tình hình cũng diễn ra tương tự. Cuối đời Trần, từ khoảng giữa TK.14 trở đi, tầng lớp nho sĩ đã trưởng thành nhanh chóng, Nho giáo của Chu văn An và các học trò trung thành của ông là một thứ nho giáo hoàn toàn khác với Nho giáo trong Tam giáo trước đó. Nho giáo trong Tam giáo là một học thuật tự do, tương tự như Nho giáo đời Đường, còn Nho giáo của Chu Văn An là Tân Nho giáo, tức Tống nho. Với bộ sách Tứ thư thuyết ước của mình, Chu Văn An thực sự là người đầu tiên đưa cái học của Chu Hy, tức Tống Nho vào Việt Nam. Tinh thần Tống Nho ấy còn được thể hiện ở thái độ cứng cỏi “Văn Trinh ngạnh trực” dâng Thất trảm sớ xin chém bảy kẻ lộng thần, và ở trong những lời lẽ cứng rắn phê phán giới tăng lữ của các học trò của ông: Phạm Sư Mạnh, Lê Quát… Như mọi người đều biết việc đề cao Tứ thư là công của Chu Hy, ông ta đã bỏ ra hơn 20 năm để hoàn thành bộ sách chú giải Tứ thư tập chú. Đồng thời Tống Nho cũng chủ trương Tôn sùng Nho học, bài trừ dị học. Kẻ sĩ Tống Nho chú trọng vào phẩm chất, bản lĩnh cá nhân, không khuất phục trước cường quyền. Nho học phát triển mạnh mẽ vào thời Lê sơ và rực rỡ nhất vào thời Lê Thánh Tông. Những kẻ sĩ đại phu làm vang danh cho nền Nho học Việt Nam là Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan.

          Tình hình Nhật Bản hơi khác. Trung kỳ trung đại của Nhật Bản có thể kể từ thời giới quân sự lên nắm chính quyền: dòng họ Minamoto trở thành Tướng quân/ Shogun, mở Mạc phủ ở Kamakura/ Liêm Thương từ năm 1192 cho đến hết thời Chiến quốc/ Sengoku (năm 1573). Nhân vật trung tâm của xã hội không phải là quý tộc như trước nữa mà là tầng lớp vũ sĩ. Chiến tranh, loạn lạc xảy ra liên miên: Loạn Thừa Cửu (cuối TK.12), cuộc phân tranh Nam Bắc triều, Loạn Ứng Nhân (cuối TK.15), thời Chiến quốc (cuối TK.15-16). Do sống biệt lập ngoài quần đảo, nên Nhật Bản không bị sức ép của Trung Hoa thường xuyên. Nhật Bản không áp dụng chế độ khoa cử để tuyển dụng quan lại mà vẫn theo chế độ thế tập với quyền lực nằm trong tay giới quân sự ở trung ương và các lãnh chúa địa phương, nên tầng lớp nho sĩ không phát triển được. Trụ cột tinh thần của đất nứơc vẫn nằm trong tay các trí thức Phật giáo. Các tông phái Tịnh Độ tông, Tịnh độ chân tông, Nhật Liên tông và Thiền tông phát triển mạnh, thu hút giới võ sĩ và thứ dân.

Văn học trung kỳ trung đại ở Nhật Bản vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng Phật giáo, bên cạnh đó văn học viết về đạo đức của giới quân nhân cũng được chú ý, trong đó lòng trung thành, cốt lõi tinh thần của chế độ mạc phủ được quan tâm đặc biệt.

Thể loại thơ ngắn của dân tộc - thể tanka/ đoản ca bắt đầu suy thoái, thàh quả đáng kể nhất của nó là bộ thi tuyển Tân cổ kim Hòa ca tập (Shin kokin waka shù) hoàn thành vào năm 1205. Thể thơ liên ca/ renka (gọi đầy đủ là “Bài hài liên ca”/ Haikai no renka) mới xuất hiện được tầng lớp võ sĩ và trí thức bình dân đón nhận nhiệt liệt, thành tựu đáng chú ý nhất của nó là tập: Bài hài chi liên ca độc ngâm thiên cú (Một ngàn bài thơ bài hài liên ca) của Arakida Moritake.

Đặc biệt có hiện tượng mới nổi lên, đó là các bộ tiểu thuyết viết về chiến tranh gọi là các tiểu thuyết “quân ký”, có thể coi nó như những anh hùng ca chiến trận, được võ sĩ và thứ dân yêu thích :

-       Bình gia vật ngữ (Heike monogatari) là cuốn tiểu thuyết viết về cuộc tranh chấp quyền lực giữa hai dòng họ Taira (Bình thị) và Minamoto (Nguyên thị) cuối thời kỳ Heian.

-       Bình Trị vật ngữ (Heiji monogatari) viết về cuộc loạn tranh thời Bình Trị.

-       Thái bình ký (Taiheiki) viết về cuộc loạn tranh thời Kiến Vũ trung hưng.

Cảm hứng chung của loại tiểu thuyết quân ký này là cảm hứng về cái vô thường của vinh hoa và quyền lực, một cảm quan có tính cách Phật giáo.

Tuồng (chữ Hán viết là Năng), một loại hình sân khấu truyền thống của Nhật Bản phát triển rất mạnh vào thời kỳ này. Tuồng lấy cảm hứng từ cái vô thường của Phật giáo. Zeami/ Thế A Di là người có công đầu về , ông cũng  là người đặt nền móng lý luận về tuồng với cuốn Phong tư hoa truyện (Fùshikaden) viết vào đầu thế kỷ 15, cuốn sách lý luận bậc nhất về loại hình nghệ thuật này.

Loại truyện thần quái có tên gọi “Ngự già thảo tử” (Otogi zoshi) có tính giáo huấn cao, được yêu thích. Bên cạnh đó còn có các tập truyền thuyết Phật giáo và thế tục: Vũ Trị thập di vật ngữ, Cổ kim trứ văn tập, Phát tâm tập…

Các thể loại văn học nhật ký, nhật ký đi đường (kỷ hành), tuỳ bút vẫn tiếp tục phát triển, thành quả đáng chú ý là các bộ: Hải đạo ký, Quan Đông kỷ hành (TK.13) tác giả khuyết danh, Phương Trượng ký của  Kamo no Chomei viết bằng thể “Hoà Hán hỗn hào”- vừa Nhật ngữ vừa Hán ngữ, tập tuỳ bút trứ danh Đồ nhiên thảo của Pháp sư Kenko…

Thế kỷ 13 xuất hiện các nhóm nghiên cứu và sáng tác thơ văn chữ Hán gọi là “Ngũ Sơn văn học”([ix]) do các nhà sư ở Kamakura và Kyoto chủ trương. Các thể loại chủ yếu của họ là: nhật ký, ngữ lục, văn chữ Hán, thơ chữ Hán. Việc nghiên cứu về văn học Trung Quốc và Nho giáo giúp cho Nho giáo phát triển mạnh mẽ ở thời Edo tiếp theo.

Thời trung kỳ trung đại trong văn học Triều Tiên có thể nói là thời của tầng lớp Sĩ đại phu/ Sadaebu. Tư tưởng Tống nho được đề cao trong sáng tác của họ. Hàng loạt các bộ sử được viết ra để ca tụng triều đại Lý và củng cố lòng trung thành của sĩ dân đối với triều đình: Thái Tổ thực lục, Triều Tiên vương triều thực lục, Xuân thu quán, Cao Ly sử… Loại ca nhạc gắn với thơ gọi là “Nhạc chương” thể hiện rõ tính chất tụng ca của thể loại này, nổi bật là các tác phẩm: Tân đô ca/ Sindo ka của Trịnh Đạo Truyền/ Chong To-jon, Long phi ngự thiên ca/ Yongbi ochon ka của Trịnh Lân Chỉ/ Chong In-ji v.v. Tuyển tập vĩ đại nhất về thơ văn chữ Hán của người Triều Tiên là bộ Đông  văn tuyển / Dongmun son do Từ Cư Chính/ So Ko-jong biên tập hoàn thành vào năm 1478. 

Văn tạp ký, nhàn đàm của các nhà nho phát triển mạnh, đáng chú ý là các tác phẩm: Bút uyển tạp ký của Từ Cư Chính/ So Ko-jong, Dung Trai tùng thoại của Thành Hiện/ Song Hyon, Bại quan tạp ký của Ngư Thúc Quyền/ O Suk-kwon. Tập truyện truyền kỳ Tiễn đăng tân thoại của Cù Hựu đời Minh được truyền đến Triều Tiên từ rất sớm, từ đó Kim Thời Tập/ Kim Si-sup đã phóng tác ra thành tập truyện truyền kỳ Triều Tiên: Kim Ngao tân thoại/ Kum o sinhwa. Tác phẩm này cũng được coi là tiểu thuyết Hán văn đầu tiên của Nhật Bản.

Sự kiện văn hoá quan trọng vào đầu triều Lý là việc vua Lý Thế Tông/ Yi Se-jong và các cộng sự của ông đã phát minh ra hệ thống chữ viết Hàn ngữ/ Hangul (gọi đầy đủ là “Huấn dân chính âm/ Hunmin chongum, ban hành năm 1446) để ghi âm Triều Tiên. Hệ thống chữ viết Hangul không được tầng lớp “lưỡng ban” là các sĩ đại phu và võ quan cao cấp ủng hộ, nhưng lại rất được dân chúng, nhất là phụ nữ quý tộc, con gái các gia đình “lưỡng ban” yêu thích, dùng để viết thư từ và sáng tác thơ ca, tạo tiền đề cho thời kỳ khai hoa của văn học viết bằng ngôn ngữ dân tộc.

          Hai thể thơ dân tộc là Sijo/ Thời điệu và Kasa/ Ca từ đều xuất hiện vào cuối giai đoạn Cao Ly/ Koryo (Sơ kỳ trung đại), nhưng phải đến giai đoạn Triều Tiên/ Choson (Trung kỳ trung đại) mới thực sự phát triển. Kasa/ ca từ có thể coi như một loại từ khúc của người Triều Tiên. Nhà thơ kasa nổi danh nhất giai đoạn này là Trịnh Triệt/ Chong Chol (1536-1593), tác giả của những bài kasa bất hủ: Quan Đông biệt khúc, Tư mỹ nhân khúc, Tục mỹ nhân khúc… Thể thơ tiêu biểu nhất cho tâm hồn dân tộc Triều Tiên là sijo/ thời điệu, với tên tuổi của các nhà thơ: Lý Hoảng/ Yo Hwang (1501-1570), Lý Nhĩ/ Yi I (1536-1584), Phác Nhân Lão/ Pak Il-lo (1561-1643), Thân Khâm/ Sin Hum (1566-1628), và nhất là nữ sĩ Hoàng Chân Y/ Hwang Chin Y(1506-1544) và Doãn Thiện Đạo/ Yun Son-do (1587-1671), hai thi sĩ đã đưa thể thơ này lên đến đỉnh cao. Kasa và sijo giai đoạn này thường đề cao lòng trung quân, có ý khuyên răn đạo đức, hay thể hiện nỗi thống khổ của nhân dân trong  cuộc chiến tranh xâm lược của Mãn Châu và Nhật Bản. Bên cạnh đó là những bài thơ ca ngợi vẻ đẹp bất tuyệt của thiên nhiên và khát khao muốn tìm nơi an trú trong ấy.

Văn học trung kỳ trung đại ở Việt Nam  là giai đoạn văn học của các nhà nho. Có thể gọi các nhà nho như Nguyễn Trãi, Nguyễn Mộng Tuân, Lý Tử Tấn, các nhà thơ trong Tao đàn thời Hồng Đức, rồi Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan…là các “sĩ đại phu” tương tự như sĩ đại phu thuộc tầng lớp “lưỡng ban” dưới thời Choson của Hàn Quốc. Tính chất tụng ca là tính chất nổi bật của văn học TK.15 với vai trò không thể thiếu được của thể phú, ca ngợi cuộc kháng chiến chống quân Minh, ca ngợi dân tộc, ca ngợi hoàng đế anh minh. Đó là các bài: Chí Linh sơn phú của Nguyễn Trãi; Chí Linh sơn phú, Lam Sơn giai khí phú, Tẩy binh vũ phú, Nghĩa kỳ phú, Hậu Bạch Đằng giang phú, Bút trận phú, Huân phong cầm phú, Xuân đài phú…của Nguyễn Mộng Tuân; Chí Linh sơn phú, Xương giang phú, Quảng cư phú… của Lý Tử Tấn, và cả bài “đại phú” Lam Sơn Lương Thuỷ phú của Hoàng đế Lê Thánh Tông.

Văn chương ca tụng thú điền viên, ẩn dật thì phải nói đến thơ Nguyễn Trãi,  Nguyễn Bỉnh khiêm, phú của Nguyễn Công Hãng (Tịch cư ninh thể phú)… Thể thơ Hàn luật (hay còn gọi là Thất ngôn xen lục ngôn) của kẻ sĩ quân tử là thể loại phát triển lên đến đỉnh cao trong giai đoạn này. Chữ Nôm được dùng trong sáng tác văn học với những tác phẩm đạt đến trình độ mẫu mực như Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, Bạch Vân quốc ngữ thi của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Hai thể thơ dân tộc khác hình thành vào giai đoạn sau của Trung kỳ trung đại cũng đã có thành quả với Thiên Nam ngữ lục bằng thể lục bát và Thiên Nam minh giám bằng thể song thất lục bát.

Truyện truyền kỳ được mở đầu bằng tác phẩm “thiên cổ kỳ bút” Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, mà chúng ta còn thấy rất giống với những người anh em của nó ở Trung Quốc và Triều Tiên: Tiễn đăng tân thoại Kim Ngao tân thoại. Sau khi Truyền kỳ mạn lục ra đời được  ít lâu, Nguyễn Thế Nghi đã dịch tập truyện này ra tiếng Việt với tên gọi Tân biên Truyền kỳ mạn lục. Triều Tiên thường có tiểu thuyết bằng Hán văn, sau đó lại dịch ra Hàn ngữ, và những tiểu thuyết đều được coi là tiếng thuyết bằng tiếng Hàn. Với cách nhìn ấy, có thể coi Tân biên Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Thế Nghi là tiểu thuyết tiếng Việt đầu tiên của nước ta.

Nói chung so với Nhật Bản và Triều Tiên-Hàn Quốc, tiểu thuyết Việt Nam ra đời muộn hơn và số lượng cũng ít hơn nhiều.

IV.          VĂN HỌC ĐÔNG Á HẬU KỲ TRUNG ĐẠI

Hậu kỳ trung đại ở Triều Tiên-Hàn Quốc thuộc về nửa cuối vương triều Lý (TK.18 - cuối TK.19), Nhật Bản là Azuchi-Momoyama và Edo (cuối TK.16-1867), Việt Nam là từ thời Lê mạt đến khi phong trào Cần vương bị dập tắt (TK.18-cuối TK.19).

          Từ thời Minh, Thanh trở đi, xã hội và văn hoá Trung Quốc có những thay đổi rõ nét mang tính chất Hậu kỳ trung đại với vai trò ngày càng quan trọng của tầng lớp thị dân (phong kiến). Những thay đổi chuẩn bị bước sang thời cận đại ấy có tác động rất mạnh đến các nước trong khu vực, đó là:

-       Khuynh hướng tài tử trong văn học Minh Thanh

-       Khảo chứng học đời Thanh

-       Khuynh hướng bảo thủ trong học thuật đời Thanh

-       Dương học Trung Quốc (ảnh hưởng rất lớn đến phái Dương học Triều Tiên, “Tây nho” Nhật Bản, và Lê Quý Đôn của Việt Nam)

-       Tư tưởng khải mông của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu (tác động mạnh mẽ đến các sĩ phu trong phong trào khai hoá Triều Tiên, phong trào duy tân Việt Nam)

v.v.

Hậu kỳ trung đại Nhật Bản được đánh dấu rõ ràng nhất là từ thời Edo. Tướng quân Tokugawa/ Đức Xuyên chiến thắng các thế lực khác, thống nhất đất nước, mở ra thời kỳ thái bình, ổn định lâu dài hơn 250 năm cho nước Nhật (từ 1602 đến giữa TK.19).

Đây là thời kỳ Nho giáo được suy tôn thay cho Phật giáo. Mạc phủ Tokugawa/ Đức Xuyên tìm thấy ở Nho giáo, đặc biệt là Tống nho không phải chỉ là kỹ thuật quản lý hành chính, mà còn ở khả năng tạo ra được một hệ thống “công chức” hết lòng trung thành với chính quyền của mình. Mạc phủ dùng Hayashi Razan/ Lâm La Sơn làm nho quan với chức Thị giảng của Tướng quân để khuếch trương tư tưởng của Chu Tử. Tuy nhiên, ngoài Chu Tử học phái có tính chất chính thống của Mạc phủ, Nho học thời kỳ Edo còn có nhiều học phái khác nữa mâu thuẫn rất gay gắt với tư tưởng Chu Tử, như Dương Minh học phái do Nakae Toju/ Trung Giang Đằng Thụ (1608 – 1648), Cổ học phái do Ito Ninsai/ Y Đằng Nhân Trai (1627 – 1705) và phái Công lợi do Ogiyu Sorai/ Địch Sinh Tồ Lai (1666-1728) đứng đầu.

Bên cạnh Nho giáo, một số học giả chủ trương nghiên cứu về học thuật riêng của Nhật Bản. Học phái này được gọi là phái Quốc học, đứng đầu là Motoori Norinaga/ Bản Cư Tuyên Trường. Norinaga chuyên nghiên cứu những tác phẩm cổ của Nhật Bản như Cổ sự ký, Nhật Bản thư kỷ, Truyện chàng Genji... để tìm ra những  giá trị thuần túy Nhật Bản, đối lập nó với các tư tưởng ngoại lai như Nho giáo, Phật giáo và các tư tưởng phương Tây.

Từ giữa thế kỷ 16 đạo Thiên chúa và văn minh phương Tây đã bắt đầu du nhập vào Nhật Bản. Các môn học mới mẻ về địa lý thế giới, thiên văn, kỹ thuật, y khoa... đã mau chóng lan truyền ở Nhật Bản, nhất là ở Nagasaki, thành phố cảng  phía nam, cửa ngõ duy nhất thông thương ra nước ngoài trong một đất nước  “tỏa quốc”, khóa cửa ngày càng nghiêm ngặt. Có nhiều tri thức Nhật Bản đã để tâm nghiên cứu những ngành học mới mẻ này. Người Nhật gọi ngành học này là “Lan học” (cái học của người Hà Lan, nước phương Tây duy nhất được ra vào Nhật Bản), và người nghiên cứu ngành này  là “Tây nho”. Người đứng đầu Lan học là Arai Hakuseki/ Tân Tỉnh Bạch Thạch.

Văn hóa thị dân (Đinh nhân văn hóa/ Chonin bunka) là điểm đặc sắc nhất của thời Edo. Đỉnh cao của văn hoá thị dân là văn hoá thời Nguyên Lộc/ Genroku (cuối TK.17-đầu TK.18) với tranh khắc gỗ ukiyo-e đầy màu sắc thế tục và tính dục, sân khấu kabuki/ ca vũ kỹ về tình yêu của người “đinh nhân” (kẻ chợ/ thị dân), tiểu thuyết, truyện tranh các loại vô cùng phong phú… Các đô thị lớn bấy giớ có Osaka, Kyoto, Nagasaki, và nhất là Edo với hơn 2 triệu dân, không thua kém gì thành phố Luân Đôn đương thời, cho thấy mức độ tập trung đô thị rất cao của Nhật Bản.

Triều Tiên, tầng lớp “Lưỡng ban” với sĩ đại phu và các võ quan cao cấp dần dần mất vai trò lịch sử, tầng lớp sĩ lâm chủ yếu là những nho sĩ bình dân càng ngày càng đông đảo và có vai trò ngày càng quan trọng hơn trong đời sống chính trị và văn hoá Triều Tiên. Xã hội ổn định lâu dài dẫn đến sự phát triển của kinh tế nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương nghiệp. Tầng lớp “cống nhân”, những người thu mua hàng hoá của các địa phương để cung cấp cho triều đình, dần dần phát triển thành những thương nhân giàu có kinh doanh từng mặt hàng chuyên biệt. Các hoạt động thương mại của tư thương buôn bán gạo, muối, cá, tơ lụa, vải bông, nhân sâm… diễn ra náo nhiệt ở các thành thị như Seoul, Kaesong/ Khai Thành. Theo chân các đoàn buôn chuyến,  văn hoá đô thị Trung Quốc thời Minh Thanh cũng truyền vào Triều Tiên.

Việt Nam, quá trình suy thoái của chế độ phong kiến Việt Nam có thể lấy dấu mốc từ thế kỷ 16, nhưng tình hình cũng chưa thật trầm trọng. Đến thế kỷ 18 trở đi không chỉ đánh dấu sự suy thoái, mà chính là sự suy sụp của chế độ phong kiến. Sự suy sụp ấy không chỉ biểu hiện ở sự thoái hóa năng lực và đạo đức của chính quyền trung ương mà chính là ở sự cùng khổ của dân chúng và cuộc đấu tranh của họ thông qua các cuộc khởi nghĩa nông dân. Điều đáng nói hơn nữa là sự phát triển của các đô thị như Thăng Long, Phố Hiến, Nghệ An, Hội An, Gia Định, Hà Tiên… đã dẫn đến sự hình thành ngày càng đông đảo tầng lớp thị dân. Sự tích lũy lâu dài những yếu tố tiêu cực đối với chế độ phong kiến Việt Nam từ cuối thế kỷ 15 đã dẫn đến sự thay đổi sâu sắc vào đầu thế kỷ 18, mà sự thành lập vương triều Nguyễn tập quyền cao độ cũng không đủ để cứu nguy cho nó được lâu dài. Bên cạnh đó, văn hoá Hậu kỳ trung đại của các đô thị Trung Quốc theo thuyền buôn và các đoàn đi sứ đã đẩy nhanh sự hình thành văn hoá thị dân ở Việt Nam.

Về văn học, hậu kỳ trung đại Nhật Bản là một giai đoạn phát triển rực rỡ của văn chương xứ  sở này.

Thơ ca : Thành tựu rực rỡ nhất là thơ haiku (hai-kư). Các nhà thơ haiku hàng đầu bấy giờ là : Matsuo Basho/ Tùng Vĩ Ba Tiêu, Yosa Buson/ Dữ Tạ Vu Thôn, Kobayashi Issa/ Tiểu Lâm Nhất Trà. Thể thơ haiku được hình thành từ nửa trên của một bài tanka. Thơ tanka đã ngắn, chỉ có 31 âm tiết, thơ haiku lại còn ngắn hơn nữa, chỉ có 17 âm tiết, ngắt thành 3  đoạn theo thứ tự : 5 – 7 – 5 âm tiết. Từ tiếng Nhật đa âm, cho nên một bài haiku có khi chỉ có mấy từ. Thế nhưng trong vỏ bọc ngôn từ ít ỏi ấy, sức lan tỏa của haiku lại vô cùng. Thơ haiku dành rất nhiều khoảng trống cho sự cảm nhận và tưởng tượng riêng của người đọc. Dường như nhà thơ chỉ làm có một nửa, còn một nửa thì để người đọc làm lấy. Thơ haiku cũng như tranh thuỷ mặc, nghệ thuật bonsai, thu gọn cả một vũ trụ trong nó. Xin đọc mấy bài haiku của Basho, nhà thơ lớn nhất mọi thời đại của Nhật Bản:

- Chim đỗ quyên hót

Ở Kinh đô

Mà nhớ Kinh đô.

- Trên cành khô

Quạ đậu

Chiều thu.

- Từ bốn phương trời xa

Cánh hoa đào lả tả

Gợn sóng hồ Bi-wa.

- Tiếng chuông chùa

Trôi trong sương sớm

Và bình minh lên.

Tiểu thuyết: nổi bật nhất là tiểu thuyết viết về cuộc sống của thị dân. Nhà văn tiêu biểu của văn hóa thị dân là Ihara Saikaku/ Tỉnh Nguyên Tây Hạc, tác giả của một loạt “tiểu thuyết phù thế” đa tình: Hiếu sắc nhất đại nam (Một chàng trai đa tình), Hiếu sắc ngũ nhân nữ (Năm cô gái đa tình), Hiếu sắc nhất đại nữ (Một cô gái đa tình)... Mặc dù tác phẩm của ông được người đương thời gọi là “tiểu thuyết phù thế”, nhưng chúng lại không liên quan gì đến những tư tưởng bi quan của Phật giáo. Ngược lại nó thể hiện những khát khao tận hưởng lạc thú cuộc đời trần thế của tầng lớp thị dân mới nổi lên – một tầng lớp có sức mạnh tiền bạc rất lớn, lấn áp cả địa vị và danh vọng võ sĩ. Bên cạnh Saikaku, còn có Santo Kyoden/ Sơn Đông Kinh Truyện (1761-1816), nhà văn đứng đầu của loại tiểu thuyết thông tục “sái lạc bản” (sharebon); Jippen Shaikku/ Thập Phản Xá Nhất Cửu (1765-1831) đứng đầu loại tiểu thuyết khôi hài “hoạt kê bản”…

Về truyện truyền kỳ, tập Tiễn đăng tân thoại ảnh hưởng đến Nhật Bản muộn hơn một chút so với Triều Tiên và Việt Nam, đến giữa TK.17 mới được tiếp nhận ở Nhật Bản, tức là sau Việt Nam và Triều Tiên khoảng 100- 150 năm. Năm 1666 ở Nhật Bản xuất hiện tác phẩm phóng tác Tiễn đăng tân thoại có tên là Già tì tử hay Ngự già tì tử (Otogiboko) của Asai Ryoi (A-sai Ryo-I, ?-1691), một võ sĩ lang thang đi tu, rồi trở thành nhà văn. Già tì tử có 68 truyện, trong đó có 18 truyện phóng tác từ Tiễnm đăng tân thoại của Cù Hựu, 2 truyện phóng tác từ Kim Ngao tân thoại  của Kim Thời Tập/ Kim Si-sup Triều Tiên. Đỉnh cao của truyện truyền kỳ Nhật Bản là tập Vũ nguyệt vật ngữ/ Ugetsu monogatari của Ueda Akinari (1734-1809), nhà văn, nhà nghiên cứu quốc học Nhật Bản. Vũ nguyệt vật ngữ có 9 truyện, chịu ảnh hưởng không chỉ Tiễn đăng tân thoại mà cả Cổ kim tiểu thuyết, Tỉnh thế hằng ngôn, Cảnh thế thông ngôn của Phùng Mộng Long và truyện cổ dân gian Nhật Bản. Những truyện ngắn trong tập truyện này mang đậm dấu ấn thời đại: bi kịch hơn và  tính chất thị dân rõ nét hơn.

Về sân khấu : Văn hóa thị dân hiện diện ở sân khấu là “kịch” kabuki (ca vũ kỹ). Nhà soạn kịch lớn nhất của sân khấu Edo là Chikamatsu Monzaemon/ Cận Tùng Môn Tả Vệ Môn (1653-1724), người từng được mệnh danh là Shakespeare của Nhật Bản. Ong tác giả của những vở kịch nổi tiếng: Xuất thế cảnh thanh, Quốc tính gia hợp chiến, Tăng Căn Kỳ tâm trung. Đề tài các vở kịch của ông thường là mâu thuẫn giữa nghĩa vụ(giri/ nghĩa lý) và tình cảm (ninjô/ nhân tình).

Cuối thời Edo nổi lên các loại tiểu thuyết xiển dương cho đạo đức nho giáo. Nổi tiếng nhất là tập truyện về các trung thần: Giả danh thủ bản Trung thần tàng của nhóm Izumo viết ra nhằm đề cao loại đạo đức mà Mạc phủ rất ưa thích là lòng trung thành (trung thành tâm). Các tiểu thuyết Trung Quốc được đón nhận nhiệt liệt ở Nhật Bản, tạo nên làn sóng dịch, phóng tác tiểu thuyết lịch sử và xã hội như : các bản dịch Tây du, Tam ngôn, Nhị phách, Kim cổ kỳ quan, Kim bình mai, Kim vân Kiều truyện…Đáng chú ý nhất là Nam Tổng Lý Kiến bát khuyển truyện của Kyokutei Bakin/ Khúc Đình Mã Cầm (1767-1848) phóng tác từ truyện Thuỷ hử của La Quán Trung. Bakin cũng là tác giả của Kim Ngư truyện, tiểu thuyết phóng tác từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Đó là những vận động cuối cùng có tính chất trung đại của văn học viết thời Edo.

Văn học Triều Tiên hậu kỳ trung đại diễn ra khá sôi nổi.

Các thể thơ sijo/ thời điệu và kasa/ ca từ thay đổi theo hướng tăng cường tính hiện thực, thể hiện những rung cảm chân thực trong lòng người, nhất là về tình yêu, và cả những khát khao tính dục. Các nhà thơ tiêu biểu là: Kim Thiên Trạch/ Kim Chon-taek, Kim Thọ Trường/ Kim Su-jang và cả một số xuất thân từ ca kỹ. Thành tựu tiêu biểu cho thơ sijo cách tân này là những bộ thi tuyển đồ sộ: Thanh khâu vĩnh ngôn do Kim Thiên Trạch/ Kim Chon-taek biên soạn hoàn thành năm 1728,  Hải Đông ca dao do Kim Thọ Trường/ Kim Su-jang biên soạn hoàn thành năm 1763, Ca khúc nguyên lưu do Phác Hiếu Khoan/ Pak Hyo-gwan và An Mai Anh/ An Ming-yong biên soạn, hoàn thành năm 1876.

Các tuyển tập văn học dân gian tiêu biểu nhất là Chiêu đại phong dao của Cao Thời Ngạn/ Ko Sin-on là bằng chứng rõ ràng nhất cho sự lên ngôi của người bình dân trong văn học.

Tiểu thuyết chữ Hán Hậu kỳ trung đại có những thay đổi quan trọng. Chịu ảnh hưởng của tư tưởng thực học (sirhak), tiểu thuyết chữ Hán tăng cường tính hiện thực, viết bằng một loại Hán văn giản dị, hướng chủ đề vào việc phê phán mạnh mẽ tính chất ăn bám của tầng lớp “lưỡng ban”, tiêu biểu là các truyện Hứa Sinh truyện, Hổ Sất Lưỡng ban truyện, Mẫn Ông truyện  của Phác Chi Nguyên/ Pak Chi-won.

Tiểu thuyết viết bằng chữ Hangul xuất hiện từ cuối thời Trung kỳ trung đại, tác phẩm đầu tiên có lẽ là Hồng Cát Đồng truyện/ Hong Kiltong chon của Hứa Quân/ Huh Gyun (1569-1618), tác phẩm gây được tiếng vang lớn là tiểu thuyết thần tiên Cửu vân mộng của Kim Vạn Trùng/ Kim Man-jung (1637-1692). Đến Hậu kỳ trung đại, tiểu thuyết bằng tiếng Hàn mới thực sự nở rộ, với những: Tường Hoa Hồng Liên truyện, Thẩm Thanh truyện, Ngọc lâu mộng, Thục Hương truyện …và được yêu thích nhất là tiểu thuyết kỹ nữ Xuân Hương truyện. Các truyện trên đều có chủ đề phê phán xã hội, phê phán sự kỳ thị giàu nghèo, sang hèn, ca ngợi tình yêu tự do.

Hậu kỳ trung đại của Triều Tiên chứng kiến sự lên ngôi của một thể loại văn học-sân khấu mới có tính chất đại chúng rõ nét là thể pansori, một loại truyện kể xen kẽ với thơ được ngâm kể kèm theo điệu bộ. Pansori có nguồn gốc lâu đời, nhưng thịnh hành vào nửa đầu TK.19. Hiện có 12 bản pansori, là những tác phẩm phỏng theo tiểu thuyết tiếng Hàn, truyện cổ dân gian. Người có công đầu đối với thể loại này là Thân Thái Hạo/ Sin Chae-hyo (1812-1884). Các bạn pansori thường phê phán những bất công đương thời, châm biếm tầng lớp lưỡng ban, ngợi ca cuộc đấu tranh của những người nghèo khổ trong xã hội cho tự do, tình yêu và hạnh phúc của mình. Tiêu biểu là các tác phẩm: Truyện nàng Xuân Hương (phỏng theo tiểu thuyết cùng tên), Truyện nàng Shim Cheong, Truyện Heung Boo.v.v.

Trong những thành tựu văn học Hậu kỳ trung đại Triều Tiên có thể kể thêm những công trình học thuật của các nhà thực học, đó là những bộ sách đồ sộ có tính bách khoa thư như: Chi phong loại thuyết của Lý Tối Quang/ Yi Su-gwang, Tinh hồ tạp thuyết của Lý Dực/ Yi Ik, và nhất là Đại điển hội thông của Triệu Đẩu Thuần/ Cho Tu-sun hoàn thành năm 1865, Tăng bổ văn hiến bị khảo của một nhóm học giả do Phác Dung Đại/ Pak Yong-dai đứng đầu hoàn thành vào năm 1908. Có thể thấy ở những công trình ấy ảnh hưởng của ngành Khảo chứng học đời Thanh.

Giai đoạn hậu kỳ trung đại trong văn học Việt Nam được đánh dấu bằng truyện nôm Truyện Song Tinh của Nguyễn Hữu Hào. Truyện Song Tinh là truyện thơ Nôm (lục bát trường thiên) có tên tác giả đầu tiên của văn học nước ta. Tác phẩm này mở đầu cho giai đoạn cực thịnh của văn học tiếng Việt thời kỳ Trung đại. Không phải ngẫu nhiên mà Truyện Song Tinh xuất hiện vào đầu thế kỷ 18. Tính chất tiểu thuyết (truyện thơ) và phổ cập rộng rãi (bình dân, thị dân) bằng ngôn ngữ dân tộc là những đặc trưng của văn học Hậu kỳ trung đại.

Hai thể thơ dân tộc là lục bát và song thất lục bát đều đạt đến trình độ mẫu mực. Song thất lục bát có các khúc ngâm nổi tiếng: Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm-Phan Huy Ích, Cung oán ngâm của Nguyễn Gia Thiều, Ai tư vãn của Ngọc Hân công chúa, Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du, Thu dạ lữ hoài ngâm của Đinh Nhật Thận, Tự tình khúc của Cao Bá Nhạ… Thành tựu của lục bát chủ yếu là các truyện thơ nôm. Trước hết là truyện thơ nôm bác học chịu ảnh  hưởng sâu sắc văn học đô thị Hậu kỳ trung đại của Trung Quốc: truyện Hoa tiên của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện, Truyện Nhị độ mai, Phan Trần, Sơ kính tân trang của Phạm Thái, Ngọc Kiều Lê của Lý Văn Phức, Truyện Tây Sương của Nguyễn Lê Quang và nhất là Truyện Kiều của Nguyễn Du. Bên cạnh đó là các truyện thơ nôm bình dân, thường là của các tác giả khuyết danh: Tống Trân Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa, Trinh thử… Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu mặc dù là của tác giả có danh, nhưng về mặt thi pháp, gần với truyện nôm bình dân hơn là truyện nôm bác học- tài tử giai nhân.

Thơ Đường luật bằng tiếng Việt phát triển lên đến đỉnh cao với Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quán, Nguyễn Khuyến, Tú Xương…Hậu kỳ trung đại chứng kiến sự lên ngôi của một thể thơ mới gắn liền với sinh hoạt đô thị: hát nói, với các nhà thơ tài tử: Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Dương Khuê, Chu Mạnh Trinh…

Phú và văn tế: thành tựu mới về thể loại này chủ yếu là những tác phẩm bằng chữ nôm. Tính chất đời thường, tính trào tiếu là những nét mới có tính hậu kỳ trung đại. Có thể kể: Ngã ba Hạc phú của Nguyễn Bá Lân, Hàn nho phong vị phú của Nguyễn Công Trứ, Tài tử đa cùng phú của Cao Bá Quát, rồi Văn tế Trương Quỳnh Như của Phạm Thái, Văn khóc chị của Nguyễn Hữu Chỉnh…

Tiểu thuyết chữ Hán đứng đầu là bộ Hoàng Lê nhất thống chí của nhóm Ngô gia văn phái. Thể ký có Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác. Bên cạnh đó là các tập ghi chép bằng Hán văn rất có giá trị như: Vũ trung tuỳ bút của Phạm Đình Hổ, Tang thương ngẫu lục của Trần Danh An…

Về học thuật, có thể kể ra đây những công trình đồ sộ có tính bách khoa thư của các học giả trứ danh: Vân đài loại ngữ, Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn;  Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, các công trình  được biên soạn theo  chủ trương của triều đình: Quốc triều thi lục, Đại Nam hội điển sự lệ, Đại Nam nhất thống chí…

Hậu kỳ trung đại khép lại bằng hai nhà nho thành thị là Tú Xương và Chu Mạnh Trinh, nhường chỗ cho nền văn học mới viết bằng chữ quốc ngữ khởi đầu bằng các trí thức Tây học ở Sài Gòn, rồi các sĩ phu duy tân khắp 3 miền Nam, Trung, Bắc.

 

KẾT LUẬN

1. Do điều kiện lịch sử xã hội tương đồng nên văn học cổ điển Việt Nam có những bước đi chung với văn học khu vực Đông Á. Từ sau khi hình thành khu vực văn hoá Đông Á vào những năm đầu công nguyên, văn học Việt Nam cũng như Triều Tiên, Nhật Bản khởi đầu bằng giai đoạn văn học gắn liền với Phật giáo. Những trước tác Phật giáo là những tác phẩm văn học đầu tiên của mỗi nước. Phật giáo nằm trong cấu trúc tư tưởng chung tam giáo: Nho, Phật, Đạo. Đạo giáo ở Việt Nam và Triều Tiên thể hiện khá rõ qua tư tưởng Lão Trang, Đạo giáo ở Nhật Bản thâm nhập sâu vào Thần đạo, thể hiện dưới hình thức Thần đạo. Văn học Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản ở mức độ khác nhau đều có dòng văn học yêu nước, khẳng định nền độc lập và văn hiến riêng của dân tộc mình. Tư tưởng yêu nước bắt rễ sâu xa và được nuôi dưỡng không ngừng bằng đạo thờ thần của mỗi nước: Thần đạo Nhật Bản, Đạo thờ Thần có tính chất saman giáo của Triều Tiên, Đạo thờ Thần gắn liền với đạo thờ tứ phủ, thờ những anh hùng có công với nước ở Việt Nam. Cùng với sự du nhập của những tư tưởng ngoại lai, mà tư tưởng yêu nước của mỗi nước mang màu sắc khác nhau: Phật giáo, rồi Nho giáo. Dẫu có những màu sắc ấy, nhưng tư tưởng yêu nước luôn được nuôi dưỡng bởi tình cảm  thiêng liêng gắn liền với đạo thờ Thần qua các khái niệm: hồn thiêng sông núi, hồn nước, anh linh tổ tiên, tiên hiền hậu hiền trong làng… So với các nước dòng văn học yêu nước Việt Nam ra đời khá sớm, tạo thành một dòng mạnh mẽ, khá liên tục, đến tận thời cận hiện đại. Tư tưởng yêu nước trong văn học Việt Nam thường gắn với tư tưởng hoà bình và nhân đạo, ít có tính dân tộc cực đoan, hẹp hòi.

          Do sự lớn mạnh của tầng lớp nho sĩ trong nước và do những ảnh hưởng trào lưu khôi phục đạo thống, văn thống dân tộc Hán vào đời Minh mà từ TK.14 trở đi Việt Nam và Triều Tiên đều chuyển dần sang mô hình Nho giáo - Tống Nho. Từ khoảng TK.17-18 các nước đều bước vào giai đoạn Hậu kỳ trung đại với thiết chế Nho giáo ngày càng nghiêm khắc hơn, ảnh hưởng của Thiên chúa giáo và học thuật phương Tây ngày càng mạnh cùng với sự lớn mạnh không ngừng của các đô thị phong kiến. Thời trung đại của mỗi nước đều kết thúc trước cuộc xâm lăng của phương Tây diễn ra vào nửa cuối TK.19.

2. Tương ứng với quá trình lịch sử ấy, tác giả chính đồng thời cũng là nhân vật trữ tình trong thơ thay đổi từ quý tộc, tăng lữ (Sơ kỳ trung đại) sang sĩ đại phu (Trung kỳ trung đại ở Triều Tiên, Việt Nam, còn ở Nhật Bản là nhà sư và võ sĩ),  rồi đến nhà nho cấp trung, cấp thấp (ở Việt Nam là nhà nho tài tử và nhà nho bình dân; ở Triều Tiên là “sĩ lâm”, “trung nhân”; ở Nhật Bản là võ sĩ cấp thấp, những “ronin/ lãng nhân”) và nhất là thị dân (Hậu kỳ trung đại).

      So với các nước trong khu vực, nhà nho Việt Nam thiên về tính chất nông dân nhất, trong khi đó nhà nho ở Trung Quốc, người võ sĩ ở Nhật Bản có tính chất thương nhân, thị dân đậm nét hơn. Điều này cũng phản ánh rõ nét troing thơ văn mỗi nước.

3.  Trong các nước Đông Á đều có hiện tượng song tồn hai bộ phận văn học: bộ phận viết bằng Hán văn và bộ phận viết bằng ngôn ngữ dân tộc. Có thể kể thêm loại văn trung gian giữa hai loại trên, pha trộn giữa tếng Hán và tiếng bản địa, như người Nhật gọi là “Hoà Hán hỗn hào”. Ở Việt Nam có lẽ cũng có hiện tượng đó, chẳng hạn như bài phú Cư trần lạc đạo của Trần Nhân Tông là một loại văn “Việt Hán hỗn hào”. Quá trình phát triển của nền văn học mỗi dân tộc đồng thời cũng là quá trình xây dựng nền văn học viết bằng tiếng nói dân tộc. Nhật Bản là quốc gia lưu giữ được đầy đủ nhất tư liệu về văn học tiếng Nhật (thơ tanka, choka, sedonka từ TK.6-7), kế đến là Triều Tiên (những bài hyangga trước TK.10), Việt Nam là muộn nhất (thơ phú nôm TK.13). Ngôn ngữ dân tộc được hình thành từ sự khẳng định vai trò, giá trị của văn học dân gian.

4. Về thể loại, thể loại phát triển mạnh nhất trong văn học Đông Á thời trung đại là thơ, văn xuôi phát triển muộn hơn. Trong các nước thì Việt Nam là nước phát triển mạnh nhất về thơ, xứng đáng nhất với tên gọi “Thi quốc” (đất nước của thơ ca). Việt Nam là nước có hầu hết các thể loại thơ chữ Hán, đồng thời nhiều thể thơ chữ Hán được Việt hoá, sử dụng trong việc làm thơ tiếng Việt, nổi bật nhất là thơ Đường luật. Phú và văn tế là thể loại rất gần với thơ cũng được sáng tác bằng tiếng Việt. Những hiện tượng như trên không hề có trong văn học Triều Tiên và Nhật Bản. Các thể thơ tiếng Việt rất phong phú: thơ Hàn luật (thất ngôn xen lục ngôn), thơ Đường luật, từ khúc, lục bát, song thất lục bát, hát nói, nhiều hơn các thể thơ Nhật Bản, Triều Tiên.

      Những thể thơ có nguồn gốc dân tộc tiêu biểu nhất là lục bát và song thất lục bát, tuy nhiên có điều bất ổn là nó lại ra đời rất muộn – khoảng thế kỷ 15-16, trong khi đó các thể thơ dân tộc trong khu vực ra đời sớm hơn nhiều, như Nhật Bản chẳng hạn, thể tanka/ đoản ca ra đời từ TK.6-7. Theo nguyên tắc ô trống có thể suy đoán rằng: trước TK.10 chắc đã có thơ tiếng Việt. Nếu vậy thì thể thơ ấy là gì, như thế nào? Chúng tôi cho rằng: cần phải coi thơ tối cổ của người Việt là loại thơ hai tiếng, tiếc rằng vì nhiều lý do chúng đã không được  sưu tập giữ gìn, đến nay chỉ còn tàn tích của nó qua đồng dao và một số bài coi là ca dao. Từ thơ hai tiếng, thơ Việt phát triển lên thành 4 tiếng, rồi từ đó mới thành sáu tiếng và tám tiếng, tức thể thơ lục bát sau này.

          Đây là thơ hai tiếng:

                     Nu na

                     Nu nống

                     Cái bống

                     Nằm trong

                     Con ong

                     Nằm ngoài

                     Củ khoai

                     Chấm mật

          Đây là thơ hai tiếng phát triển lên thành 4 tiếng:

                     Tay cầm con dao

                     Làm sao cho chắc

                     Để mà dễ cắt

                     Để mà dễ chặt

                     Chặt lấy củi cành…

          Thơ bốn tiếng phát triển dần lên thành 6 tiếng:

                     Rồng rắn lên mây

                     Có cây lúc lắc

                     Có nhà hiển vinh

                     Thầy thuốc có nhà hay không?...

Hay:   Khăn thương nhớ ai

Khăn rơi xuống đất

Khăn thương nhớ ai

Khăn vắt lên vai

Khăn thương nhớ ai

Khăn chùi nước mắt

                     Đèn thương nhớ ai

                     Mà đèn không tắt

                     Mắt thương nhớ ai

                     Mắt không ngủ yên

                Đêm qua em những lo phiền

          Lo vì một nỗi không yên mọi bề.

Thơ lục bát kết hợp với câu thơ thất ngôn trong hát giặm Nghệ Tĩnh sẽ hình thành nên thể song thất lục bát. Như vậy hai thể lục bát và song thất lục bát ra đời muộn, nhưng thơ dân tộc thì đã có từ lâu rồi. Xem xét thơ văn khu vực chúng ta có thể kết luận như vậy.

Truyện thơ nôm là thể loại đặc biệt của văn học Việt Nam. Nó vừa là thơ – thơ lục bát, thể thơ sở trường ở cả trữi tình và tự sự, nhưng cũng vừa là tiểu thuyết, vì nhiều trong số đó là phóng tác, chuyển thể từ tiểu thuyết tài tử giai nhân Trung Quốc (Truyện Song Tinh, Hoa Tiên, Nhị độ mai, Ngọc Kiều Lê, Kim vân Kiều…).  Tiểu thuyết bằng thơ, lưu hành theo kiểu bán truyền khẩu như văn học dân gian, đó là hiện tượng độc đáo riêng ở Việt Nam mà các nước Đông Á khác không có. Điều này liên quan đến truyền thống truyện thơ Đông Nam Á và tình trạng xuất bản kém phát triển ở các đô thị Việt Nam thời trung đại.

          Văn xuôi các nước Đông Á đều bắt đầu bằng các tác phẩm viết bằng Hán văn, và chuyển dần từ các thể văn học chức năng sang các thể văn nghệ thuật. Giai đoạn đầu tính chất văn sử triết bất phân còn rất rõ nét. Những tác phẩm đầu tiên của cả ba nước đều là những trước tác Phật giáo, văn chương và tôn giáo chưa phân biệt rõ. Sau đó có các bộ sử – truyện, như Cổ sự ký/ Kojiki, Nhật Bản thư kỷ/ Nihonshogi, Đại kính/ Okagami của Nhật Bản, Tam quốc sử ký, Tam quốc di sử của Triều Tiên, Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái của Việt Nam thì văn và sử cũng chưa tách bạch. Văn xuôi nghệ thuật phát triển mạnh và sớm nhất ở Nhật Bản. Từ thế kỷ 10 đã xuất hiện Truyện Genji/ Genji monogatari, một loại văn xuôi nghệ thuật hoàn chỉnh, thậm chí có ý kiến còn coi nó là tiểu thuyết tâm lý trường thiên sớm nhất thế giới. Một số học giả Nhật cho rằng “monogatari” là truyện kể, khác với tiểu thuyết, nhưng quả thực Truyện Genji có tính cách đột biến, vượt trội, hơn hẳn các “monogatari” khác, khiến cho nó gần với tiểu thuyết hiện đại hơn là truyện kể dân gian. Nghệ thuật cung đình Nhật Bản thời Heian cũng đóng góp nhiều thể loại khác như: nhật ký, tuỳ bút, truyện xen lẫn thơ gọi là “ca vật ngữ” (uta monogatari)… trong đó cảm thức về cái đẹp, cái vô thường, xu hướng đi sâu vào nội tâm con người là những giá trị nổi bật.

          Văn xuôi bằng Hán văn của Việt Nam và Triều Tiên ra đời muộn hơn nhiều, khoảng cuối thời Sơ kỳ trung, tức là khoảng TK.14-15. Tiểu thuyết bằng tiếng dân tộc của Việt Nam và Triều Tiên còn muộn hơn nữa, khoảng TK.16-17.  Có thể coi bản nôm Tân biên truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Thế Nghi xuất hiện vào TK.16 là tiểu thuyết bằng tiếng Việt đầu tiên của Việt Nam. Còn Triều Tiên, người ta vẫn coi Hồng Cát Đồng truyện/ Hong Kiltong chon của Hứa Quân/ Huh Gyun (1569-1618) là tiểu thuyết đầu tiên bằng tiếng Hàn. Thành tựu chủ yếu của văn học Việt Nam thời trung đại là thơ, truyện thơ, trong khi đó ở Triều Tiên, nhất là Nhật Bản chủ yếu lại là văn xuôi, tiểu thuyết.

          Nếu đi vào chi tiết hơn có thể thấy nội dung chính trị xã hội trong văn học Việt Nam, Triều Tiên đậm nét hơn văn học Nhật Bản. Hình tượng con người trung nghĩa trong văn học cả ba nước đều có, nhưng đặc tính cũng có ít nhiều khác biệt. Trữ tình truyền thống trong thơ Việt cũng có nhiều điểm khác biệt so với thơ Trung Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên. Những vấn đề này đã được đề cập đến trong những bài viết khác([x]), chúng tôi xin không nhắc lại ở đây.

          Đặt văn học Việt Nam trong thế giơi Đông Á ta có thể thấy được nhiều điều: những tính chất, quy luật chung và những đặc điểm riêng. Đã đến lúc không thể nhìn các hiện tượng văn học dân tộc như những hiện tượng đơn lẻ mà phải thấy được tính hệ thống, tính quy luật của nó. Đặt văn học Việt Nam trong thế giơi Đông Á có thể mở ra một chân trời rộng lớn cho ngành nghiên cứu văn học so sánh: thơ Việt Nam với thơ Nhật Bản, Triều Tiên; truyện thơ nôm với thể loại pansori; truyện truyền kỳ ở Việt Nam  trong mối liên hệ với Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản; truyện thơ nôm Việt Nam với tiểu thuyết tài tử giai nhân Trung Quốc, Triều Tiên, và phần nào đó Nhật Bản; rồi những vấn đề về quan niệm văn học, tư duy nghệ thuật v.v. Những vấn đề này đòi hỏi một một lực lượng đông đảo với cố gắng rất lớn của những nhà nghiên cứu ngữ văn.

 

TP.HCM, tháng 10/ 2005

 

THƯ MỤC THAM KHẢO

  1. AsiaCenter Lecture Series: Thưởng thức văn học Hàn Quốc, Japan Foundation, Tokyo, 1996 (tiếng Nhật)
  2. Claudine Salmon biên soạn: Tiểu thuyết truyền thống Trung Quốc ở châu Á, Trần Hải Yến dịch, NXB.KHXH, 2004
  3. Nguyễn Long Châu: Tìm hiểu văn hoá Hàn Quốc, NXB.Giáo dục, Hà Nội, 2000
  4. Ki-baik Lee: Korea xưa và nay- Lịch sử Hàn Quốc tân biên, Lê Anh Minh dịch, NXB.TP.HCM, 2002
  5. Konishi Jinichi: Nihon bungakushi (Lịch sử văn học Nhật Bản) Kodansha gakujutsu bunko 1090,  Tokyo, 1993 (tiếng Nhật)
  6. Hầu Ngoại Lư: Trung Quốc tư tưởng sử cương, Thượng Hải thư điếm xuất bản xã, tái bản 2004 (tiếng Hoa)
  7. Trần Nghĩa: Sưu tầm và khảo luận tác phẩm  chữ Hán của người Việt Nam trước thế kỷ X, NXB.Thế giới, Hà Nội, 2000
  8. Quách Thiệu Ngu: Trung Quốc văn học phê bình sử, Hoằng Trí thư điếm, Hongkong xuất bản (tiếng Hoa)
  9. Nhiều tác giả: Từ điển những bài thơ tanka và haiku hay của Nhật Bản (Nihon no shuka shuku jiten), Shogakkan xb, Tokyo, 1995 (tiếng Nhật)
  10. Lê Mạnh Thát: Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Tập 1: Từ khởi nguyên đến Lý Nam Đế, NXB Thuận Hóa, 1999
  11. http://www.quangduc.com/coban

(Trích từ: Văn học Việt Nam thế kỷ X – XIX – những vấn đề lý luận và lịch sử, Trần Ngọc Vương chủ biên, NXB.Giáo dục, HN, 2007)



[i] Người ta dùng khái niệm “Triều Tiên/ Choson cổ đại” để phân biệt với nhà nước Triều Tiên ra đời vào thế  kỷ 15.

[ii] Các tư liệu về Phật giáo Trung Hoa ở trên đều dựa theo tư liệu trên trang web Quảng Đức, địa chỉ: http://www.quangduc.com/coban/25phpt05-2.html

[iii] Lê Mạnh Thát: Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Tập 1: Từ khởi nguyên đến Lý Nam Đế, NXB Thuận Hóa, 1999, tr.24

[iv] Sáu vị tổ thiền tông Trung Hoa: 1- Bồ đề đạt Ma, 2-Huệ Khả, 3-Tăng Xán, 4-Đạo Tín, 5-Hoằng Nhẫn, 6-Huệ Năng.

[v]  Định đô: chỉ  thời kỳ kinh đô cố định, không thay đổi nữa, từ thời Nara/ Nại Lương (TK.8) trở đi. Việc định đô cho thấy tính chất tập quyền của triều đình phong kiến.

[vi] Theo Từ điển những bài thơ tanka và haiku hay của Nhật Bản (Nihon no shuka shuku jiten), Shogakkan xb, Tokyo, 1995 và một số tài liệu tiếng Nhật khác. Tất cả những bản dịch về văn học Nhật Bản trong bài này đều là của chúng tôi.

[vii] Theo Trần Nghĩa: Sưu tầm và khảo luận tác phẩm chữ Hán của người Việt Nam trước thế kỷ X, NXB.Thế giới, Hà Nội, 2000; Lê Mạnh Thát, sđd, tr.602. Trong sách này, Lê Mạnh Thát có đưa ra quan niệm: tác phẩm văn học đầu tiên của Việt Nam là bài Việt ca (xuất hiện khoảng TK.5-4 tr.CN) ghi trong sách Thuyết uyển (hoàn thành TK.1 tr.CN). Chúng tôi thấy chưa có cơ sở để khẳng định điều này.

[viii] Đoản ca là thể thơ dân tộc của người Nhật, rất ngắn, chỉ có 31 âm tiết chia ra thành 5 dòng: 5-7-5-7-7.  Xem thêm: Đoàn Lê Giang, Abe no Nakamaro trong quan hệ Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản số 3 năm 1999.,

[ix] Ngũ Sơn có hai trung tâm: 1- Kamakura ngũ sơn: năm ngôi chùa phái Lâm Tế do Tướng quân Ashikaga Yoshimitsu quy định: Kiến Trường tự, Viên Giác tự, Thọ Phúc tự, Tĩnh Trí tự, Tĩnh Diệu tự. 2- Kyoto ngũ sơn: Thiên Long tự, Tướng quốc tự, Kiến Nhân tự, Đông Phúc tự, Vạn Thọ tự.

[x] Xem thêm:

- Tsuboi Yoshiharu: Nho giáo ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam, tham luận tại Hội nghị Quốc tế về Nho giáo lần thứ 2 tổ chức tại Yokohama (tiếng Nhật), Đoàn Lê Giang dịch đăng trên tạp chí Văn hóa nghệ thuật số 2 năm 2000, Giáo trình văn hoá phương Đông, Lương Duy Thứ chủ biên, NXB.ĐHQG.TP.HCM, 2002.

- Đoàn Lê Giang: So sánh quan niệm văn học trong văn học cổ điển Việt Nam và Nhật Bản, Tạp chí văn học số 9 năm 1997, Tuyển tập 40 năm Tạp chí Văn học, Viện Văn học và Nxb.TP.Hồ Chí Minh xb.1999.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60517314
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
8825
12997
60517314

Thành viên trực tuyến

Đang có 273 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website