- Zhong Youmin
- Lý luận và phê bình văn học
Lược sử Đào học sơ kỳ
Ảnh: Chân dung Đào Uyên Minh - Trần Hồng Thụ (1598–1652) vẽ
Đào Uyên Minh (365-427) là nhà thơ vĩ đại và bậc thầy lớn về tản văn trong lịch sử văn học Trung Quốc. Thành tựu văn học của ông, dù xét tổng thể về phương diện nào, cũng đều vượt xa những tác giả đồng thời hoặc những tác giả gần thời đại của ông, chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong lịch sử văn học. Mà sau này, đối với vấn đề nhận thức giá trị và ý nghĩa tác phẩm của Đào Uyên Minh, cũng theo biến chuyển của thời gian sẽ có những tìm tòi nghiên cứu rõ ràng hơn, sâu sắc hơn. Từ thời Lục Triều, nhiều kết quả nghiên cứu Đào Uyên Minh đã ra đời và dần dần tích lũy thành một dòng chảy lớn, từ tuyển biên, chú thích, sưu tầm, khảo văn bản, làm mục lục, hiệu đính cho đến giải thích, thưởng thức... Nguồn tư liệu phong phú dồi dào ấy đã đặt nền móng vững chắc cho một ngành khoa học chuyên sâu: Đào học.
1. Nam Bắc triều: Giai đoạn hình thành Đào học
Bước vào thời Đông Tấn Nam triều, thơ ca Trung Quốc có những bước chuyển đáng chú ý, từ Huyền ngôn thi đàm huyền thuyết lý tiến sang Vĩnh minh thi chặt chẽ về thanh luật, Cung thể thi diễm lệ phóng đãng. Trong không khí ấy, thơ điền viên, vịnh hoài của Đào Uyên Minh với đặc thù thanh đạm khác biệt với trào lưu đương thời, nên trong một thời gian dài ít được chú ý. Vả lại, lúc này còn là thời hưng thịnh của chế độ môn phiệt, nên những người thuộc hạng hàn môn hoặc quý tộc đã sa sút như Đào Uyên Minh hẳn nhiên khó được số đông kính trọng, thành ra thân thế, tên tuổi của ông cũng vì thế mà trở nên mai một, mơ hồ. Dầu vậy, thời kỳ Nam Bắc triều vẫn lưu truyền lại không ít sử liệu quý liên quan đến Đào Uyên Minh. Con đường nghiên cứu Đào mênh mông vô tận khởi đầu gian nan nhưng cũng để lại một số công trình tiên phong đáng chú ý.
Nói về công lao khai sơn phá thạch trong nghiên cứu Đào trước hết phải kể đến Nhan Diên Chi (384-456). Ông là bạn của Đào Uyên Minh, hai người có mối thâm giao, khi Đào mất, ông soạn Đào Trưng sĩ lỗi điếu viếng. Nhan Diên Chi là chứng nhân lịch sử, là người đầu tiên và có tư cách nhất đưa ra những đánh giá về tư tưởng, sáng tác của Đào Uyên Minh. Theo đó, kể về đạo đức lẫn văn chương, Đào Uyên Minh đều xứng đáng là bậc thầy, đây cũng là cơ sở cho các nhận định đánh giá về Đào Uyên Minh trong quãng thời gian hai trăm năm thời Nam Bắc triều. Tiếp đó, Thẩm Ước (441-513), nhà sử học và lãnh tụ văn đàn Tề Lương là người đầu tiên chính thức soạn truyện về Đào Uyên Minh sau khi Đào mất 60 năm, đề ra quan điểm: Đào Uyên Minh trung với nhà Tấn, vấn đề này trở thành chủ đề tranh luận sôi nổi từ đó cho đến tận ngày nay. Đào Tiềm truyện trong Tống thư là tư liệu sớm nhất cung cấp một cách đầy đủ nhất các thông tin về gia thế, cuộc đời Đào, bởi tác phẩm này ra đời cách năm Đào Uyên Minh mất chưa xa lắm, nên khá đáng tin cậy. Chung Vinh (?-518) là người tiên phong về phê bình thơ Trung Quốc, trong Thi phẩm, ông là người thứ nhất có kiến giải rõ ràng, tinh tế về nguồn gốc và phong cách nghệ thuật của Đào Uyên Minh: “Bắt nguồn từ Ưng Cứ, lại mang cả phong lực của Tả Tư, văn thể ngắn gọn không có lời thừa, ý tứ chân chất, hứng thú đẹp đẽ”. Nhưng khi xếp thứ bậc cho Đào Uyên Minh (trung phẩm), Chung Vinh đã phải nhận nhiều ý kiến phê phán của các học giả đời sau, điều này cũng có nguyên nhân của thời đại. Tiêu Thống (501-531) là người đầu tiên soạn Đào tập, thu thập và gìn giữ khá nguyên vẹn tác phẩm của Đào Uyên Minh, có công lao to lớn trong việc đặt nền móng cho Đào học. Ông soạn Đào Uyên Minh truyện và Đào tập tự, xem xét tác phẩm của Đào Uyên Minh trong mối quan hệ với rượu và nhân cách, đề ra những kiến giải sâu sắc, vậy nên có thể xem ông là nhà văn học sử đầu tiên trong lịch sử Đào học có những đánh giá đa chiều về Đào. Dương Hưu Chi (509-582) là nhà văn thời Bắc triều, từng soạn lại Đào tập, tổng hợp ba văn bản tìm được làm một, tuy cũng có sai sót, nhưng công lao chỉnh lý của ông là không thể phủ nhận.
Nhìn chung, ở Nam Bắc triều có 3 phương thức phê bình Đào Uyên Minh đáng chú ý: (1) Soạn truyện, ghi chép cuộc đời sự nghiệp của Đào Uyên Minh, qua đó cho chúng ta thấy được bối cảnh lịch sử chính trị và văn hóa xã hội của tác phẩm; (2) Đánh giá, tập trung vào nhân cách và thi phẩm của Đào Uyên Minh; (3) Biên tập, viết lời tựa, đề cao và truyền bá Đào tập. Những đánh giá về tư tưởng và tác phẩm của Đào Uyên Minh thời kỳ này tuy có những ý kiến khác nhau, nhưng đồng thời cũng có không ít các điểm chung. Chẳng hạn:
- Công nhận Đào Uyên Minh là một ẩn sĩ kiệt xuất, có khí tiết cao thượng làm gương cho trăm đời. Nhan Diên Chi khẳng định Đào là “người ẩn cư ở núi Nam”, “bỏ ngoài những tranh chấp phiền nhiễu ở đời, lập chí khác người” (Đào Trưng sĩ lỗi). Thẩm Ước xem Đào là đại biểu kiệt xuất của kẻ lánh đời “treo ấn từ quan” (Tống thư - Ẩn dật truyện). Chung Vinh xem Đào là “người đầu tiên trong hạng thi nhân ẩn dật xưa nay” (Thi phẩm). Tiêu Thống đánh giá Đào “có tài năng kín đáo của bậc thánh, là hiền nhân lánh đời” (Đào tập tự). Như thế, Đào Uyên Minh được xem là mẫu hình của lý tưởng nhân sinh an bần lạc đạo, điều này có quan hệ mật thiết đến tư tưởng và không khí ẩn dật thịnh hành thời Nam Bắc triều.
- Công nhận sự giao hòa thống nhất giữa nhân sinh quan và mỹ học quan của Đào Uyên Minh. Thẩm Ước là người đầu tiên công nhận đặc tính “chân thực” ở Đào, Chung Vinh ca ngợi nội hàm “ý tứ chân chất” trong sáng tác của Đào, Tiêu Thống nhấn mạnh phẩm chất “chân thành tự nhiên” và phong cách nghệ thuật “khoáng đạt mà chân thực” của Đào. Người ta không hẹn mà cùng khẳng định mỹ học quan lấy “chân” làm hạt nhân nhân sinh và nghệ thuật của Đào Uyên Minh, người bình thường khó theo kịp hay vượt qua.
- Công nhận nhân cách và thi phẩm của Đào Uyên Minh có sự thẩm thấu qua lại khó tách bạch. Nhan Diên Chi gọi đó là sự “giản dị mà sâu sắc, thẳng thắn mà ôn nhu, hòa nhã và nghiêm chỉnh, rộng rãi mà không rườm rà”, đây vừa là lời tán dương khí độ phong vận của con người vừa là lời ca ngợi cá tính nghệ thuật tác phẩm của Đào Uyên Minh. Thẩm Ước chép: “Đào Tiềm thời trẻ có chí thú cao thượng, từng viết Ngũ Liễu tiên sinh truyện để tự ví, người ta cho đó là chuyện thực của ông”, cho thấy Đào Uyên Minh dùng văn chương để bày tỏ tâm tư, thân thế mà không khoa trương tô vẽ. Bởi vậy Chung Vinh mới nói: “Mỗi khi đọc văn ông, lại nghĩ đến đức của ông”, Chiêu Minh cũng than: “Yêu văn của ông đến độ không muốn rời tay, thường nghĩ đến đức độ của ông mà hận không được là người cùng thời”. Sĩ đại phu các đời sau đều mong muốn phát hiện ra nhân cách lý tưởng của mình thông qua việc thưởng thức văn thơ của Đào Uyên Minh. Đây là một trong những nội dung cơ bản của Đào học thời trước, mà cho đến nay tình hình vẫn như vậy.
- Công nhận Đào Uyên Minh xuất thân từ gia đình địa chủ quan liêu quý tộc đã sa sút. Nhan Diên Chi khẳng định gia thế của Đào là “thao thử hồng tộc” (danh môn thế gia). Truyện Đào Uyên Minh chép trong Tống thư hay do Tiêu Thống soạn, cũng như Liên xã cao hiền đều cho rằng Đào Uyên Minh là hậu duệ của quan Đại tư mã Đào Khản đời Tấn, còn ông nội và cha do chức tước thấp không được sử sách ghi lại nên cũng không thấy nhắc gì đáng kể. Như vậy có thể đoán rằng, cành nhánh nhà Đào Uyên Minh đã sa sút từ lâu và rõ ràng ông là con cháu thế gia đã hết thời.
Trong lịch sử phê bình văn học Trung Quốc, việc suy tôn tác giả tác phẩm đời trước thường tiến hành thông qua phương thức mô phỏng, vay mượn thi văn của cổ nhân, nhằm truyền thừa hoặc hoằng dương trường phái nghệ thuật hay truyền thống tốt đẹp của tiền nhân. Phương thức thưởng thức, bình luận thi văn độc đáo ấy vừa có thể tái hiện lại một cách sinh động phong cách nghệ thuật của người được mô phỏng, vừa có thể ngụ ý phê bình ngay trong các sáng tác mô phỏng ấy, bởi nó thể hiện một cách khéo léo khuynh hướng thẩm mỹ và kiến giải nghệ thuật của người được mô phỏng. Thơ văn của Đào Uyên Minh tuy ở thời Tấn – Tống chưa được nhiều người biết đến, nhưng cũng có một số ít sĩ nhân cá biệt ái mộ và mô phỏng tác phẩm của ông. Ví dụ Vương Tăng Đạt (423-458) có bài thơ Học Đào Bành Trạch thể, tiếc rằng tác phẩm này nay đã thất truyền, nhưng cũng may là bài họa bài Học Đào Bành Trạch thể trên của Bão Chiếu (414-466) vẫn còn được lưu truyền, thể hiện con mắt khác đời của hai người đối với Đào Uyên Minh và cũng chứng minh rằng thơ Đào có ảnh hưởng khá sâu sắc đến sáng tác của họ. Sau Vương, Bão một chút có Giang Yêm (444-505), trong 30 bài Tạp nghĩ thi của ông có bài Nghĩ Đào Trưng quân điền cư mô phỏng thơ Đào Uyên Minh đạt mức tinh xảo như thật, đến độ trong một thời gian dài người ta đã lầm mà đưa nó vào chùm thơ Quy viên điền cư của Đào Uyên Minh và đưa vào Đào tập, thành bài thứ 6, khiến Tô Đông Pha cũng nhầm lẫn tưởng là thơ của Đào Uyên Minh mà làm bài họa lại.
Thời Nam triều, người ta thích thơ ca diễm lệ, nên không mấy ai chú ý đến loại thơ “chất trực” của Đào Uyên Minh, do vậy ảnh hưởng của thơ Đào thời Bắc triều sâu rộng hơn thời Nam triều, lúc này đã có không ít thi nhân phỏng Đào, tập Đào. Như đại thi nhân Dữu Tín, Khổng Đức Thiệu, Hồ Sư Đam, Chu Nhược Thủy đều có làm thơ mô phỏng bắt chước thơ Đào. Trong quá trình phát triển của Đào học, phỏng Đào và tập Đào trở thành mô thức bình Đào thông dụng phổ biến đáng chú ý.
Tác phẩm của Đào Uyên Minh, với trình độ nghệ thuật cao như vậy, xét về lý mà nói thì tất phải nhận được sự trọng thị của văn đàn, nhưng thực tế nó lại không được mấy ai chú ý khi Đào Uyên Minh còn sống. Bởi thế, nỗi buồn “tri âm bất ngộ” thi thoảng cũng được thể hiện trong thơ Đào: “Thanh tùng tại đông viên, chúng thảo một kỳ tư”, “Cô vân độc vô y, noãn noãn không trung diệt”, thời Nam Bắc triều, tác phẩm của Đào Uyên Minh đúng là rơi vào cảnh cây tùng tươi xanh ở góc vườn đông bị chìm khuất trong cỏ dại, như đám mây lẻ loi phiêu dạt giữa bầu trời không có nơi về. Vẻ đẹp thanh đạm của thơ Đào bấy giờ bị sự diễm lệ của hầu hết thơ ca đương thời che lấp, ngay ca bộ phê bình văn học lớn như Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp cũng không có lời nào nhắc đến. Còn các nhà phê bình, khảo cứu văn học khác phần nhiều cũng chỉ nói qua loa, chưa có những đánh giá toàn diện, chuẩn xác.
Thời Nam Bắc triều tuy khẳng định Đào Uyên Minh, nhưng nói chung đối với thành tựu và địa vị văn học của ông vẫn còn đánh giá khá thấp. Thẩm Ước có cái nhìn tổng kết về lịch sử phát triển thi ca Trung Quốc thời cổ đại, ở giai đoạn cuối thời Tấn đầu thời Tống, đề cao bốn người: Ân Trọng Văn, Tạ Thúc Nguyên, Tạ Linh Vận và Nhan Diên Chi, không kể đến Đào Uyên Minh. Trong Văn tuyển, Chiêu Minh chỉ chọn 8 bài thơ của Đào Uyên Minh, thua xa con số được chọn của Tạ Linh Vận (40 bài), Nhan Diên Chi (20 bài). Theo thời gian, những tác phẩm ít có giá trị thực sự dần dần bị đào thải, còn những tác phẩm thực sự có giá trị dần dần được khẳng định, văn tài của Đào Uyên Minh cũng theo quy luật đó từ từ hé lộ rực rỡ, chiếm được vị trí xứng đáng trên văn học sử Trung Quốc.
Từ những lược khảo trên, có thể thấy rằng, Nam Bắc triều là thời kỳ nền tảng của Đào học, dù bước đầu có trắc trở, tiến triển chậm, nhưng có rất nhiều vấn đề khó, chưa rõ cùng với những vấn đề nóng trong lịch sử Đào học đã bắt nguồn ngay từ giai đoạn này. Đặc biệt là ở bình diện kiến thiết tư liệu, cống hiến của giai đoạn này không có thời kỳ nào có thể thay thế và so bì được. Không khó để nghĩ rằng, nếu không có Đào Uyên Minh tập cùng các ghi chép tiểu sử của ông trong các sử sách được truyền lưu lại, thì Đào học sẽ mất đi tiền đề căn bản trong quá trình phát triển, nói chi đến sự phát triển phồn vinh của Đào học. Trên ý nghĩa đó, Nhan Diên Chi, Thẩm Ước, Tiêu Thống là những người có công lao to lớn, những nhà tiên phong có con mắt nhìn xa trông rộng của Đào học.
2. Thời Đường: Giai đoạn định hình Đào học
Thời Đường, văn hóa Trung Quốc phát triển cực thịnh, nghệ thuật phồn vinh toàn diện, văn học bước vào thời đại hoàng kim. Thời đại vĩ đại tất có thi nhân vĩ đại ra đời, mà thực tế đã sản sinh ra một số nhà thơ vĩ đại. Thời bấy giờ những nhà thơ nổi tiếng có danh vọng rất cao, những tác phẩm xuất sắc được truyền tụng khắp nơi, từ già đến trẻ, từ vua chúa cho đến thường dân đều yêu thích thơ ca, bởi vậy thời Đường không hổ danh là vương triều của thơ ca. Trong bối cảnh đó, thơ của Đào Uyên Minh được người thời Đường thưởng thức, nghiên cứu, và lẽ dĩ nhiên Đào học sẽ có những tiến triển, thu hoạch mới đáng vui mừng.
Thời Sơ Đường, đối với các sĩ tử, địa vị của Đào Uyên Minh trên văn học sử vẫn chưa có chuyển biến gì đáng chú ý. Dương Quýnh, Lư Tàng Dụng bàn về diễn tiến của văn học thời Lục triều, kể ra rất nhiều tác giả, nhưng lại “bỏ sót” Đào Uyên Minh. Tuy vậy, những nhận định ca ngợi về phong độ khí vận và tài năng nghệ thuật của Đào Uyên Minh vẫn ngày một nhiều hơn. Vương Duy, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị là những nhà thơ lừng lẫy nhất trên thi đàn bấy giờ cũng dành những lời tốt đẹp tán tụng Đào, hơn thế còn nhiều khi phỏng Đào tập Đào. Điều này chứng tỏ vào thời Đường, Đào Uyên Minh đã được khẳng định và địa vị của ông trong văn học sử bước đầu đã được xác lập ở ngôi thứ cao. Thơ văn Đào Uyên Minh giai đoạn này như ánh trăng từ từ nhô lên khỏi chân trời, tỏa sáng khắp mặt đất, song vẫn chưa đến độ trở thành thần tượng được mọi người kính mộ chiêm bái như sang thời Tống.
Liên quan đến gia thế và cuộc đời của Đào Uyên Minh, các sử gia thời Đường tiếp tục có những phát hiện, bổ sung. Lệnh Cô Đức Phân (583-666) khi hiệu chỉnh Tấn thư, ở mục Đào Tiềm truyện đã thêm thông tin mới: “Ông nội tên Mậu, từng làm quan Thái thú Vũ Xương”, nhưng không biết căn cứ vào đâu, lại viết thêm hai đoạn “bất doanh sinh nghiệp” và mối giao du của Đào Uyên Minh lúc sinh tiền, đều là những sử liệu quý. Về vấn đề Đào Uyên Minh có trung với nhà Tấn hay không, người thời Đường vẫn theo thuyết của Thẩm Ước, tức là giữ thái độ khẳng định (có), ví dụ quan điểm của Lý Thiện và Lưu Lương trong Văn tuyển lục thần chú, Nhan Chân Khanh cũng cổ xúy cho thuyết “trung với Tấn” khi làm thơ: “Ô hô Đào Uyên Minh, biến diệp vi Tấn thần, tự dĩ công tương hậu, mỗi hoài tông quốc thuần, đề thi Canh Tý tuế, tự vị Hy Hoàng nhân” (than ôi Đào Uyên Minh, vốn thần dân nhà Tấn, khi nước không còn nữa, nhớ tổ tông công trình, làm thơ đề Canh Tý, Hy Hoàng tự ví mình). Nhan Chân Khanh là công thần của nhà Đường sau cuộc dẹp loạn An Sử, ông làm thơ vịnh Đào nhằm mượn cổ đàm kim, đề cao khí tiết bất khuất, việc làm này khiến chân dung “trung với vua” của Đào Uyên Minh càng thêm chi tiết.
Về vấn đề ẩn dật của Đào Uyên Minh, các bình luận gia thời Nam Bắc triều chỉ dừng lại ở việc ca ngợi suông. Đến thời Đường tiến thêm một bước, ngoài tán tụng thi văn Đào Uyên Minh, người ta còn bắt chước ông đi ở ẩn và sợ không theo kịp. Điều này chứng tỏ đến thời Đường, tư tưởng ẩn dật của Đào Uyên Minh đã có ảnh hưởng sâu sắc, vượt xa các thời kỳ trước. Mạnh Hạo Nhiên chọn con đường tìm về cuộc sống điền viên chính là do ái mộ tinh thần ẩn dật của Đào Uyên Minh, thơ ông viết: “Đọc đến truyện Cao sĩ, thích nhất Đào trưng quân, vui trong điền viên thú, tự ví người Hy Hoàng”, học theo Đào công, cuối cùng vứt bỏ giấc mộng “trung dục trì minh chủ” (mong đợi gặp minh chúa), tìm vui trong sơn thủy, sống cuộc đời thường nhân đến hết kiếp.
Về mối quan hệ giữa Đào Uyên Minh và rượu, người thời Đường cho đó là lạc thú của cuộc sống. Đào Uyên Minh dưới ngọn bút của các thi nhân thời Đường hiện ra như một túy ông lúc nào cũng say sưa bên vò rượu, không còn biết trời trăng gì nữa. Vương Tích viết: “Nguyễn Tịch ít khi tỉnh, Đào Tiềm nhiều bữa say”; Vương Duy viết: “Đào Tiềm thiên chân tính, yêu rượu vốn xưa nay”, “Đông tây say không rõ, mũ nón rơi nào hay”; Lý Bạch viết: “Cười bác Đào Uyên Minh, không uống rượu trong chén, ôm một cây đàn cầm, lại trồng năm gốc liễu”; Bạch Cư Dị viết: “Tiên sinh đi đã lâu, chỉ còn thơ văn lại, bài nào cũng mời rượu, không nói điều chi khác”,… đại loại những miêu tả như thế rất nhiều. Từ đó có thể thấy, hình tượng phiêu dật tiêu sái, say sưa cuồng ngạo của Đào Uyên Minh đã để lại những dấu ấn rất sâu sắc trong tâm trí của các thi gia thời Đường. Trong thời gian gần ba trăm năm lịch sử của thời Đường, gần như không thi nhân nào không lý tưởng hóa mối quan hệ giữa Đào Uyên Minh và rượu, sự tô vẽ của thời kỳ này đạt đến mức độ khiến người ta khó tin. Kiểu nhận thức ấy khá gần với quan điểm đánh giá Đào của Chiêu Minh: “ký tửu vi tích” (mượn rượu gửi tâm sự). Nếu liên hệ với bối cảnh uống rượu làm thơ trở thành trào lưu thời Đường, chúng ta không khó nhận ra rằng, các thi nhân thời kỳ này ca tụng Đào Uyên Minh chính là tìm một căn cứ lịch sử cho lạc thú ẩm tửu ngâm thi của họ. Và cũng do vậy, Đào Uyên Minh trong lịch sử với Đào Uyên Minh theo khuynh hướng lý tưởng hóa qua hình tượng gắn liền với rượu, đã có một khoảng cách khá xa.
Vấn đề đâu là tác phẩm tiêu biểu của Đào Uyên Minh đã bắt đầu được người thời Đường quan tâm chú ý. Tư Không Đồ ca ngợi Nhàn tình phú: “Chẳng nghi Đào lệnh ấy khách cuồng, làm phú kìa xem khúc Định tình, ẩn sĩ Giang Nam ai dám sánh, kẻ mê thơ đẹp phụ tài danh”, qua đây lý giải Đào Uyên Minh như là một người có cá tính cuồng phóng. Nếu so với lời phê của Chiêu Minh dành cho Đào Uyên Minh ở tác phẩm này: “một vết tì trên viên ngọc trắng”, “không thấy có phúng gián gì”, thì ý kiến trên của Tư Không Đồ là một bước tiến lớn mới. Nhưng vì để cho hợp luật bằng trắc, Tư Không Đồ đã sửa chữ “nhàn” thành chữ “định”, trùng với tên Định tình phú của Trương Hành, gây phiền toái cho người đọc, vì từ mà hại ý như thế cũng không đáng. Đào hoa nguyên thi tịnh ký là một tác phẩm quen thuộc với mọi người, lý tưởng mà nó đề ra trở thành một vấn đề tập trung nhất nóng bỏng nhất trong lịch sử Đào học hàng nghìn năm qua. Tranh luận về vấn đề này, người thời Đường được xem là tiên phong. Thời Nam Bắc triều, Đào nguyên hầu hết chỉ xuất hiện trong thơ các các thi nhân dưới hình thức điển tích điển cố, chưa có những nhận thức sâu xa về bản thân Đào nguyên. Vương Duy là người thứ nhất đưa ra những kiến giải mới về tính chất của Đào nguyên, theo ông, Đào nguyên là thế giới thần tiên chứ không phải cõi nhân gian. Ông viết: “Tìm nơi tạm lánh thế gian, rồi nghe kể chuyện thần tiên không về, núi sâu tục sự chẳng hề, trông lên chỉ thấy bốn bề núi mây… khi vào riêng nhớ đường non, suối trong mấy độ chỉ còn rừng mây, xuân sang đào thắm đó đây, nguồn tiên đâu nẻo khiến người ngẩn ngơ”. Qua lần nhào nặn lại này, không khí yên hỏa trong Đào nguyên ở nguyên tác của Đào Uyên Minh đã bị tẩy rửa hết, thay vào đó là một không khí thần bí mê ly kỳ diệu của cõi tiên cách biệt với thế gian, đoạn kết thúc lại nói việc người đánh cá tìm đường quay lại nhưng không được, khiến người ta phải thở than tiếc nuối khôn nguôi.
Hàn Dũ là người cực lực bài bác thuyết “tiên nguyên” (nguồn tiên) của Vương Duy, mở đầu bài Đào nguyên đồ ông đã tỏ thái độ phê phán: “Thần tiên đồn đãi lâu nay, Đào nguyên là chuyện rõ hay hoang đường”, đoạn kết ông lại chỉ trích những sai lầm từ việc người ta trộn lẫn hư cấu nghệ thuật và hiện thực khách quan: “Thế nhân chẳng rõ thực hư, đến nay truyền mãi chuyện từ Vũ Lăng”. Quan điểm phê phán này của Hàn Dũ thống nhất với tư tưởng bài Phật bác Lão mà ông vốn chủ trương. Nhưng người đồng thời với Hàn Dũ là Lưu Vũ Tích trái lại, rất cổ xúy cho thuyết “tiên nguyên”, ông có nhiều bài thơ thể hiện một cách rõ rệt tinh thần châm biếm những người phê phán thuyết này: “Tục nhân chẳng hiểu chuyện thần tiên, chỉ biết tranh nhau nói huyên thuyên”. Vấn đề tranh luận xem Đào nguyên có phải là tiên cảnh hay không khởi phát từ thời Đường kéo dài mãi sang thời Minh, Thanh mới dần lắng xuống. Việc nghiên cứu nội hàm trong tác phẩm của Đào Uyên Minh đã mở ra những đường hướng mới cho sự phát triển của Đào học, nhất là những nghiên cứu chung quanh bài Đào hoa nguyên thi tịnh ký, ngày càng xuất hiện nhiều vấn đề tranh luận, đến nay vẫn còn là điểm nóng trong Đào học. Điều này do công khởi xướng của thời Đường.
Phong cách nghệ thuật của Đào Uyên Minh có sự đa dạng và phức tạp. Riêng vào thời Đường, trong khuôn khổ nhận thức và thị hiếu thẩm mỹ bấy giờ, người ta đặc biệt chú trọng ở phương diện thanh tân tự nhiên. Như Mạnh Hạo Nhiên nói: “Ta yêu thú của Đào gia, ruộng vườn cây cối không pha tục tình, sấm xuân giục cỏ nảy xanh, Hàn thực chòm xóm vây quanh nói cười”. Vương Xương Linh xem việc đọc thơ Đào khi nhàn hứng, với những câu như “chúng điểu hân hữu thác, ngô diệc ái ngô lư” (chim vui vì có tổ, ta yêu mái nhà ta) là một cái thú của nhân sinh. Qua sáng tác của Vương, Mạnh, chúng ta có thể thấy sự lý giải của hai người về thơ của Đào Uyên Minh là tâm lý đề cao mỹ cảm siêu phàm thoát tục, thanh tân nhàn dật, điều này có tính phiến diện khá lớn, đây cũng là tệ bệnh chung của nhiều người bấy giờ khi đánh giá về Đào và hạn chế này có tính lịch sử.
Về mặt sáng tác, nhiều người thời Đường học tập mô phỏng Đào Uyên Minh. Thơ điền viên sơn thủy thời Đường phồn vinh hơn hẳn các thời kỳ trước, chính là do các thi gia thời này kế thừa, phát triển con đường mà Đào Uyên Minh và Tạ Linh Vận đã mở ra trước đó. Điều này cũng chứng tỏ rằng thơ Đào có sức sống mãnh liệt. Phong cách nghệ thuật thơ ca của Vương Tích khá gần gũi với Đào Uyên Minh, từ ý tứ cho đến cú thức, từ ngữ có nhiều điểm phỏng Đào tập Đào. Cái vận vị thần thái trong thơ Mạnh Hạo Nhiên cũng rất giống Đào công, đặt bài Qúa cố nhân trang của Mạnh bên cạnh bài Quy viên điền cư của Đào sẽ khiến người ta nảy sinh cảm giác hai tác phẩm này cùng do một người làm ra. Nhiều bài thơ khác của Vương Tích cũng có ý cảnh cao nhã và tình thú sinh hoạt thanh đạm nhàn thích như thơ Đào. Không hiếm thơ sơn thủy điền viên thời Đường cũng có tình hình như vậy, chẳng hạn Võng Xuyên nhàn cư của Vương Duy, Điền gia tức sự của Trữ Quang Hy, từ đề tài cho đến cảm hứng, cú thức đều phỏng theo Đào. Bởi thế, khi bình luận về Quy viên điền cư của Đào Uyên Minh, Chung Tinh nói: “Cái khí u nhàn thuần hậu tương tự như nhạc phủ, cái diệu kỳ trong thơ điền viên của Trữ Quang Hy và Vương Duy cũng chính là ở đây”. Trong sáng tác của Lý Bạch, Đỗ Phủ có nhiều câu hóa dụng từ thơ Đào, ví dụ “Cử bôi yêu minh nguyệt, đối ảnh thành tam nhân”, “Độc chước khuyến cô ảnh” (nâng chén mời trăng sáng, đối bóng thành ba người; mình nâng chén mời bóng) của Thi Tiên có gốc gác từ “Dục ngôn vô dư họa, huy bôi khuyến cô ảnh” (muốn nói không người họa, nâng chén mời bóng thôi) của Đào Uyên Minh; “Tuy hữu xa mã khách, nhi vô xa mã huyên” (tuy có khách xe ngựa, mà không ồn ngựa xe) của Thi Thánh có gốc gác từ danh cú “Kết lư tại nhân cảnh, nhi vô xa mã huyên” (cất lều giữa trần thế, mà không ồn ngựa xe) của Đào công; “Liêu thư viễn thế tông, tọa vọng hoàn sơn vân, thả toại nhất hoan tiếu, yên tri tiện dữ quý” của Vi Ứng Vật cũng có ngữ khí tương tự như Đào thi, vì vậy Kỷ Quân mới nhận xét về thơ Vi là “thơ ngũ ngôn cổ thể của ông có nguồn gốc ở Đào Uyên Minh”. Bạch Cư Dị là bậc thầy mô phỏng thơ Đào ở thời Đường, từng viết một chùm 16 bài Hiệu Đào thi (thơ phỏng theo thơ Đào Uyên Minh), ngay cả lời tựa trước chùm thơ này của Bạch cũng phỏng theo lời tựa đầu chùm thơ Ẩm tửu của Đào.
Thời Đường, thơ Đào Uyên Minh được tìm hiểu nghiên cứu một cách sâu sắc, trình độ hóa dụng thơ Đào của các thi gia thời Đường cũng đạt đến cảnh giới “tâm ứng thủ” (viết ra tự do theo tâm cảm) xảo diệu thần tình. Ở phương diện này, người thời Đường dần dần vượt qua người thời Nam Bắc triều, đi từ phỏng tập các câu thơ của Đào Uyên Minh đến trình độ cao hơn là học tập, kế thừa, phát triển ý cảnh, cấu tứ, thần vận, phong cách của Đào Uyên Minh. Người thời Đường đã có thể nắm bắt được tinh thần của Đào Uyên Minh, bởi vậy những tác phẩm phỏng Đào tập Đào của họ cũng đạt đến tầm cao mới mà trước đó chưa có.
Trong lịch sử phát triển của Đào học, ở phương diện chú thích thơ Đào Uyên Minh, thì người đầu tiên không phải là Thang Hán thời Tống như nhiều ý kiến đề ra, mà chính là 6 tác giả bộ Văn tuyển lục thần chú, tức Lý Thiện, Lữ Diên Tế, Lưu Lương, Trương Tiên, Lữ Hướng, Lý Hàn Chu. Trong số đó, chỉ có phần chú của Lý Thiện là còn giữ được khá toàn vẹn đến ngày nay, còn phần chú của năm người kia chỉ còn những mảnh vụn. Lối chú giải của Lý Thiện rất đặc sắc, để lại cho các học giả đời sau những gợi ý quý giá, ít nhất ở ba điểm:
- Việc chú thích vừa có thể dựa trên nền tảng di sản văn hóa, vừa có thể tự do đưa ra ý kiến cá nhân. Ví dụ hai câu: “Nhật nhập quần động tức, quy điểu xu lâm minh”, Lý đã dẫn ra bốn tư liệu có ngôn ngữ ý tứ tương cận để độc giả tham khảo: “Dư nhật xuất nhi tác, nhật nhập nhi tức” (ta ban ngày thì đi làm, ban đêm thì nghỉ ngơi - Trang tử), “Trú động nhi dạ tức, thiên chi đạo dã” (ban ngày hoạt động ban đêm nghỉ ngơi là đạo trời - Thi tử), “Lâm hạ giám quần động” (thơ của Đỗ Dục), “Quy điểu phó kiều lâm” (thơ của Tào Thực). Khi chú thích bài Thủy tác trấn quân kinh Khúc A tác, Lý là người đầu tiên đề xuất thuyết tướng quân trấn quân ở đây là Lưu Dụ, khi chú thích câu “Vọng vân tiệm cao điểu”, Lý là người đầu tiên đưa ra nhận xét: “nói chuyện chim chuyện cá mà thực là tả tính tình của mình”, đến nay vẫn còn học giả dẫn lại.
- Khi chú thích khảo chứng tường tận nguồn gốc của ngữ điển và sự điển. Ví dụ Lý Thiện chỉ ra cụm từ “hồ bất quy” (sao chưa về) ở đầu bài Quy khứ lai hề từ của Đào Uyên Minh có gốc gác từ câu “Thức vi thức vi hồ bất quy” trong bài Thức vi của kinh Thi. Ông lại chỉ ra câu “Cùng hạng cách thâm triệt” đầu bài Độc Sơn hải kinh của Đào Uyên Minh có liên quan đến chuyện nhà Trần Bình ở trong ngõ hẹp, ngoài cửa có nhiều xe cộ trong Hán thư và chuyện vợ của Sở Cuồng Tiếp Dư từng nói “ngoài cửa có nhiều vết xe cộ qua lại” trong Hàn thi ngoại truyện.
- Khi chú thích chú trọng việc biện tự, chú âm và thích nghĩa. Ví dụ khi khi chú câu “Hận thần quang chi hi vi” trong thơ Đào Uyên Minh, Lý dẫn sách Thanh loại nói: “Hi (trên 12 nét, dưới bộ hỏa), cũng tức là hi (trên 10 nét, dưới bộ hỏa), tức sáng sủa”; khi chú câu “Cao văn chính tiêu nghiêu”, Lý Thiện dẫn sách Tự lâm nói: Tiêu nghiêu tả cái dáng vẻ cao. Sự chú thích dựa trên nền tảng học thức uyên bác và những kiến giải tinh tế như thế tự nhiên giúp ích không ít cho độc giả.
Lý Thiện chú thích tác phẩm của Đào Uyên Minh năm 658, phần chú thích của “ngũ thần” 60 năm sau (718) có thể xem là phần bổ sung hoàn thiện cho chú thích của Lý. Bởi có một số trường hợp phần chú của ngũ thần tốt hơn phần chú của Lý, nhưng trong phần nhiều trường hợp, phần chú của ngũ thần phồn tạp không có giá trị bằng của Lý.
Nhìn chung, có thể nói thời Đường là giai đoạn phát triển sơ bộ trong lịch sử phát triển của Đào học. Giá trị và vị trí của Đào Uyên Minh bắt đầu thu hút được sự chú ý của nhiều người, đặc biệt là ở bình diện tá lãm kinh nghiệm nghệ thuật và thúc đẩy sự phát triển của thơ điền viên sơn thủy. Thời Đường thơ ca phát triển mạnh mẽ, nội dung phong phú hình thức đa dạng, điều này cũng khiến cho địa vị khai sáng dòng thơ điền viên của Đào Uyên Minh càng trở nên vững chắc, đây là cống hiến quan trọng nhất của Đào học thời Đường. Trong giai đoạn này, Đào Uyên Minh như vầng thái dương đang dần nhô cao và tỏa sáng, thơ văn của ông như dòng sữa ngọt ngào bất tận nuôi dưỡng thi nhân các thế hệ. Nghiên cứu Đào Uyên Minh cũng theo sự ảnh hưởng sâu rộng của tác phẩm ông mà không ngừng tiến triển và mở ra nhiều đường hướng mới.
Lưu Hồng Sơn dịch từ: Đào học sử thoại cương lược, Cửu Giang sư chuyên học báo (bản Khoa học xã hội Triết học), số 2 – 1990, tr.33-39.
Nguồn: Tạp chí Đại học Sài Gòn, Bình luận văn học, Niên san 2015