Đã đến lúc chúng ta phải có cuộc vận động sâu rộng trong xã hội, trước hết là trong nhà trường để xây dựng văn hóa ứng xử mới.
Hiện nay ở nước ta đang có tình trạng “loạn chuẩn” trong ứng xử.Ví dụ chỉ riêng chuyện chào: học sinh có nơi thì vòng tay cúi đầu, có nơi chỉ đứng và hơi cúi đầu; đại biểu khi được giới thiệu, người thì đáp lễ bằng cách xá xá, người thì nắm hai tay giơ lên, người thì vẫy tay, người thì cúi đầu; khi chào nhau, người thì xá xá, người thì bắt tay, có khi bắt hai tay... Trong khi đó ở các nước phương Tây, Nga, Nhật, Hàn... chuyện chào hỏi khá thống nhất.
Tại sao có tình trạng như vậy? Theo tôi, nguyên nhân chính do nước ta chịu ảnh hưởng nhiều văn hóa khác nhau ngoài văn hóa bản địa: văn hóa Nho giáo, Phật giáo của Trung Hoa từ thế kỷ 19 trở về trước...
Các lớp văn hóa ấy không mất đi hoàn toàn mà chồng lên nhau; cách thức ứng xử cũng phụ thuộc vào nhiều địa phương khác nhau: nông thôn - thành phố, miền xuôi - miền ngược, Bắc - Trung - Nam... quá trình thống nhất vẫn còn đang diễn ra và khá tự phát; nhiều người về nước sau khi được học tập và sinh sống ở nhiều môi trường khác nhau: Đông Âu, phương Tây, Trung Quốc, Nhật, Hàn... thành ra cung cách ứng xử cũng khá khác nhau.
Như vậy chúng ta phải sử dụng chuẩn ứng xử nào và xây dựng chuẩn ứng xử như thế nào?
Rõ ràng chúng ta không thể dùng hoàn toàn chuẩn ứng xử theo kiểu cũ. Nho giáo rất coi trọng lễ nghi, coi lễ nghi là con đường quan trọng để hình thành đạo đức con người: “Tiên học lễ, hậu học văn”, lễ nhạc được coi là hai phương pháp trị nước căn bản nhất (lễ để phân biệt, nhạc để hài hòa)...
Tuy nhiên trong quá trình phát triển, lễ nghi Nho giáo đã có rất nhiều điểm khắt khe, lạc hậu. Từ đầu thế kỷ 20 trở đi, những lễ nghi trói buộc của Nho giáo đã bị bỏ đi hầu hết, ví dụ như chuyện lạy người sống, hay quan niệm về công dung ngôn hạnh của phụ nữ...
Thế nhưng chúng ta có thể hoàn toàn theo phương Tây được không? Theo tôi, trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay thì văn hóa phương Tây tỏ ra đang có ưu thế.
Quần áo, giày dép, nhà cửa, tiện nghi, công ty, trường học, xã hội... về cơ bản gần như đã theo phương Tây cả rồi.
Tuy nhiên, văn hóa một dân tộc không phải mất đi một cách dễ dàng. Các nước Đông Á không dễ dàng bỏ hết văn hóa cổ truyền của mình. Người Nhật, người Hàn, Trung Quốc... trong cách ứng xử của họ vẫn cho thấy họ có cách riêng của mình.
Vì vậy tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta phải có cuộc vận động sâu rộng trong xã hội, trước hết là trong nhà trường để xây dựng văn hóa ứng xử mới.
Đó là việc xây dựng chuẩn mực trong lễ nghi, trang phục: chào hỏi, chia tay, lễ nghi và trang phục trong ma chay, cưới hỏi, trang phục trong lễ khai giảng, tốt nghiệp... Văn minh trong ẩm thực: bỏ dần việc ăn thịt vật nuôi (chó, mèo), động vật hoang dã, không hành hạ động vật (dẫu là trong lễ hội)...
Phép lịch sự khi ứng xử (nhất là với người nước ngoài): không hỏi tuổi tác, tôn giáo, đảng phái, thu nhập, không nựng má xoa đầu hôn hít trẻ con...
Phép lịch sự nơi công cộng: xếp hàng, không khạc nhổ bừa bãi, không xả rác, không lấy của công, không nói to, làm phiền, tôn trọng luật giao thông, giúp đỡ người già, người tàn tật, phụ nữ có thai...
Cần có luật trừng phạt nghiêm khắc tội quấy rối tình dục trên các phương tiện giao thông công cộng để đón đầu việc phát triển các phương tiện giao thông công cộng trong tương lai (Nhật Bản, Hàn Quốc đã phải thực hiện nghiêm khắc việc này trong thời gian dài mãi mới hết)...
Phép lịch sự trong công ty: không bàn chuyện về người vắng mặt, không nói xấu phụ nữ, không có hành vi và lời nói có liên tưởng đến chuyện quấy rối tình dục...
Tôi rất ấn tượng với trường học ở Nhật Bản. Khi vào thăm trường, đi ngang qua lớp học, tất cả đều phải thay giày vải đi khẽ, im lặng. Học sinh trước khi ăn phải hát một bài tạ ơn người lao động làm ra thực phẩm, ăn xong phải tự phân loại rác, thu dọn, các cháu nhỏ được tập sống tự lập từ bé...
Cuộc vận động văn minh trong ứng xử là một cuộc vận động lâu dài, khó khăn, nhưng rất cần thiết vì nó góp phần xây dựng thế hệ người VN văn minh, trọng đạo đức trong tương lai. Việc xây dựng chuẩn mực ứng xử thế nào phải bắt đầu từ nhà trường.
Và việc làm đầu tiên là thay đổi chương trình giáo dục công dân cho hấp dẫn, thiết thực, phù hợp với công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, toàn cầu hóa đang diễn ra.
Công việc này phải do một ủy ban phụ trách, căn cứ vào thuần phong mỹ tục nước nhà, tham khảo rộng cách làm của các nước phát triển để ra quyết định. Các quyết định của ban cần phải tham khảo dư luận rộng rãi trước khi thực hiện.
Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20150302/co-tinh-trang-loan-chuan-trong-ung-xu/715190.html