Đìu hiu đạo học Nam Bộ

Ở Ba Tri, Bến Tre có hai khu di tích xếp hạng quốc gia là khu di tích Nguyễn Đình Chiểu và Võ Trường Toản, nơi thờ hai danh nhân tiêu biểu cho đạo học Nam Bộ, nhưng cả hai đều vắng vẻ, sơ sài, thiếu nội dung học thuật.

Đoàn các nhà nghiên cứu đến thăm khu di tích Nguyễn Đình Chiểu - Ảnh: Đ.L.G.

Tôi từng đến thăm di tích Nguyễn Đình Chiểu, Võ Trường Toản ở Ba Tri nhiều lần, nhưng vừa rồi đi cùng với một nhóm học giả Việt Nam và nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc) thăm các di tích ấy, nghe họ thắc mắc mà không khỏi chạnh lòng.

Nam Bộ từng sinh ra Võ Trường Toản, Nguyễn Đình Chiểu, hai niềm tự hào về giáo dục của vùng đất này với cả nước và thế giới. Thế mà di sản của các cụ lại không được phát huy, và buồn thay đến nay đồng bằng sông Cửu Long bị mang tiếng là “vùng trũng” của giáo dục!

Thiếu vắng "phần hồn"

Đền thờ Nguyễn Đình Chiểu được đầu tư đồ sộ, nhưng bên trong nhà trưng bày, ngoài tượng bán thân cụ Đồ, bàn thờ, hình ảnh, bút tích của các vị lãnh đạo đến thăm, hầu như chẳng có gì khác nữa. 

Không sách vở, tư liệu để nghiên cứu, học tập, không có hoạt động học thuật nào diễn ra thường kỳ ở đây, không có kỷ vật, quà lưu niệm để bán cho du khách. 

Cơ sở to lớn, khang trang nhưng hầu như không tận dụng vào việc gì. Bình thường khu di tích rất ít khách đến tham quan hay tìm tư liệu nghiên cứu, học tập. Có lẽ hằng năm chỉ vào dịp giỗ chạp mới có hoạt động bề nổi nào đấy.

Đền thờ Võ Trường Toản còn đìu hiu hơn nữa. Từ năm 1998 khi được công nhận là di tích văn hóa quốc gia, khu đền thờ, mộ phần này được tu sửa, xây cất một lần rồi thôi, không tu bổ gì thêm đáng kể nữa. 

Trong nhà thờ, bàn thờ sơ sài, chỉ có mỗi tượng Võ Trường Toản ngồi, không khám thờ, không hoành phi câu đối, không có đủ đồ thờ như nó phải có. Không bài vị học trò - những học trò lừng lẫy của cụ tạo nên học phong Nam Bộ: Ngô Nhơn Tĩnh, Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức, ông Chiêu, ông Trúc, hay cả các học trò tinh thần của cụ: Phan Thanh Giản, Nguyễn Thông...

Ở ngoài sân, có tấm bia mộ Võ Trường Toản do Phan Thanh Giản viết. Tấm bia ghi lại cuộc đời, sự nghiệp của Võ Trưởng Toản và đánh giá về tư tưởng giáo dục, học thuật của ông - một nhà tư tưởng, một nhà giáo dục lừng lẫy nhất xứ Nam Kỳ lục tỉnh. 

Đây là một trong vài tấm bia quý nhất ở Nam Bộ, thế mà hàng trăm năm nay vẫn dãi dầu mưa nắng, ngay cả khi xây dựng khu tưởng niệm, nó vẫn không có được một cái nhà bia để bảo quản, đến nay đá đã nứt, chữ đã mờ.

 

Bia Võ Trường Toản dãi dầu mưa nắng

Danh tiếng Nguyễn Đình Chiểu vang xa thế giới với bản dịch Lục Vân Tiên ra tiếng Pháp từ cuối thế kỷ XIX, dịch ra tiếng Nhật vào thập niên 1980 và một số tiếng khác nữa. Nguyễn Đình Chiểu là người đã nêu cao đạo vì nghĩa, vì nước, là tấm gương của đạo học Nam Bộ. Võ Trường Toản là nhà giáo dục lớn, người được coi như ông thầy chung của sĩ dân Nam Bộ, là người khơi nguồn cho học phong Nam Bộ - một học phong trọng đạo nghĩa, trọng thực tiễn, và học vì đời như giới nghiên cứu từng tổng kết.

Để di tích được sống

Thiết nghĩ cần phải làm mới lại, làm sống lại các di tích ngõ hầu chấn hưng giáo dục, tri ân người xưa. 

Theo tôi, Ban quản lý di tích kết hợp với Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Bến Tre thành lập một ban vận động ủng hộ tư liệu và trùng tu di tích Nguyễn Đình Chiểu, Võ Trường Toản (nếu có, bản thân tôi sẽ tham gia và ủng hộ tích cực). Ban này hoạt động trong thời gian dài với mục đích:

- Vận động các nhà xuất bản, các nhà nghiên cứu, các trường đại học, viện nghiên cứu ủng hộ các tư liệu có liên quan đến Nguyễn Đình Chiểu và Võ Trường Toản, gồm các tư liệu Hán Nôm, các tư liệu cổ, các công trình nghiên cứu, các luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ, các bài viết trên báo chí về hai tác giả trên, cũng như về văn, sử trung, cận đại Nam Bộ. Từ đó thành lập thư viện về Nguyễn Đình Chiểu, Võ Trường Toản ở hai di tích này.

- Quyên góp kinh phí từ các nhà hảo tâm để tu bổ đền thờ, đặt hàng một số nhà Hán Nôm học sáng tác hoành phi, câu đối. Đối với đền thờ Võ Trường Toản cần bổ sung ngay khám thờ, đồ thờ, bàn thờ, bài vị thờ các học trò trực tiếp và học trò tinh thần của ông. Nên khắc nguyên văn bài Hiếu trung hoài cổ phú, tác phẩm tiêu biểu nhất của ông, đặt trong đền thờ.

- Khuyến khích các hoạt động học thuật, nghiên cứu, tọa đàm, hội thảo, sáng tác văn học nghệ thuật, câu lạc bộ Hán Nôm, câu lạc bộ đọc sách ở các cơ sở đó. Dành một phần diện tích cho học sinh, sinh viên địa phương đến đó để học tập.

- In các bản phục chế Hán Nôm quý, các bản in đẹp các tác phẩm của hai tác giả này, bán sách vở, các kỷ vật đề cao sự học, đề cao sự nghiệp của hai tác giả này cho du khách.

- Làm ngay nhà bia để gìn giữ bia Võ Trường Toản.

Cần học tập cách làm của các khu di tích danh nhân: gần thì khu lưu niệm Sơn Nam ở Tiền Giang, Trần Tuấn Khải ở TP.HCM, xa hơn thì khu lưu niệm Nguyễn Du ở Hà Tĩnh, Văn Miếu Quốc Tử Giám ở Hà Nội, ra nước ngoài thì miếu Khổng Tử ở Khúc Phụ, miếu Mạnh Tử ở Trâu huyện (Trung Quốc), nhà lưu niệm nhà thơ haiku Basho ở Nhật Bản... 

Tất cả các nơi đó khách tham quan, học tập, nghiên cứu đến tấp nập, tinh hoa giá trị của tiền nhân được tiếp thu và phát huy ở hậu thế.

Nguồn: https://tuoitre.vn/diu-hiu-di-tich-nguyen-dinh-chieu-va-vo-truong-toan-20180702110208446.htm

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63693850
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
14142
23426
63693850

Thành viên trực tuyến

Đang có 461 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website