Từ một bản dịch thơ suy nghĩ về việc tiếp cận tác phẩm văn học nước ngoài

1. Văn chương là nghệ thuật ngôn từ, hay là ngôn từ nghệ thuật – hai quan niệm dù có khác nhau nhưng đều chung một điểm: ngôn từ là cái quan trọng nhất để có được tác phẩm văn chương.

 

Con người giao tiếp được với nhau nhờ có ngôn ngữ, nhưng khi ngôn ngữ bất đồng thì chính nó lại cản trở giao tiếp. Chính vì vậy mà văn chương là thứ nghệ thuật hướng tới sự giao tiếp, nhưng so với những loại hình nghệ thuật truyền thống khác (như hội họa, điêu khắc, âm nhạc,…), nó là thứ nghệ thuật khó chuyển giao, khó tiếp nhận nhất khi vượt ra khỏi ranh giới dân tộc.

Mặc dù vậy, sự giao tiếp văn chương giữa các dân tộc vẫn diễn ra, một phần quan trọng là nhờ một công việc được gọi tên là dịch thuật.

 Dịch tác phẩm văn chương không hề là công việc giản đơn, dễ dàng. Rất nhiều người vẫn nghĩ rằng không có ai và không bao giờ có thể chuyển được toàn vẹn những ý tưởng, những tình cảm cũng như những hình thức nghệ thuật của tác phẩm văn chương khi dịch nó từ một ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Tuy nhiên, trên thực tế, việc dịch thuật được tiến hành hàng bao thế kỷ qua và vẫn đang tiếp tục, ngày càng nhiều hơn, thường xuyên hơn trên thế giới. Dịch thuật đã là một thứ nghệ thuật. Thông qua nghệ thuật dịch thuật, biết bao nhiêu thành tựu của văn chương thế giới đã được chuyển giao giữa các dân tộc. Trong sự chuyển giao ấy, có những tác phẩm không những không bị "mất đi", mà ngược lại, còn được nhận thêm, tăng thêm giá trị. Đó là trường hợp của các bản dịch thiên tài. Người ta vẫn nói đến tài dịch Shakespeare của dịch giả, cũng đồng thời là nhà thơ, nhà phê bình văn học nổi tiếng người Đức August Wilhelm Schlegel (1767-1845): các bản dịch của Schlegel không những đã làm cho Shakespeare  được giới thiệu rộng rãi trong công chúng Đức, mà còn khiến người Đức có thể hiểu Shakespeare "tốt hơn một người London chỉ được lĩnh hội ông trên nguyên bản". Đó là bởi vì Schlegel đã hiểu và truyền đạt được vào bản dịch của mình sự kết hợp hài hòa những yếu tố của thi ca với văn xuôi tự sự của những trang kịch Shakespeare. Bản thân Schlegel là nhà thơ, năng lực cảm nhận nghệ thuật cùng khả năng diễn đạt ngôn ngữ đã khiến cho bản dịch của ông cũng trở thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Ví dụ này cho thấy dịch thuật là một nghệ thuật có ý nghĩa quan trọng như thế nào.

Ở Việt Nam, những thành tựu dịch thuật đã đạt được từ xưa đến nay không phải là nhỏ. Trong bài viết này, chúng tôi không làm công việc tổng kết đánh giá tình hình dịch thuật, cũng không nêu những vấn đề về lý thuyết dịch, mà chỉ đi vào tìm hiểu một bản dịch tác phẩm văn học Nga có thể được xem là thành công, là nghệ thuật (trong đó có việc đối chiếu nó với nguyên bản), rồi từ đó rút ra một số kết luận liên quan đến việc làm thế nào giúp sinh viên tiếp cận tác phẩm văn học nước ngoài khi họ không biết ngôn ngữ của nguyên bản.

2. Về bản dịch bài thơ ‘Đợi anh về”:

Konstantin Simonov viết bài thơ “Đợi anh về” vào một ngày tháng bảy  năm 1941, khi nước Nga vừa bước vào “cuộc chiến tranh thần thánh” chống phát xít Đức được hơn một tháng. Lúc này, ông là phóng viên mặt trận của tờ “Ngôi sao đỏ”, vừa trở về Moskva từ mặt trận phía Tây, và đang chuẩn bị cho chuyến ra trận mới . Simonov đã nhớ lại: “… có lẽ, vào ngày hôm đó, tôi suy nghĩ nhiều hơn không những chỉ về cuộc chiến tranh, mà còn về số phận riêng của mình trong cuộc chiến đó (…) Và nói chung đã dự cảm rằng cuộc chiến tranh, khi những vần thơ đó được viết ra, sẽ còn kéo dài. “… Đợi anh khi tuyết quần…” trong một ngày tháng bảy nóng nực được viết ra không phải chỉ để tiệp vần[i].

Simonov vốn ban đầu viết bài thơ cho riêng mình. Rồi ông đọc nó cho những người bạn. Rồi tờ “Sự Thật” đăng bài thơ, nó được lưu truyền trên khắp các mặt trận và hậu phương. “Đợi anh về” đã trở thành một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của văn học Nga xô viết thời kỳ chiến tranh vệ quốc.

Đợi anh về” đến với độc giả Việt Nam từ năm 1949 qua bản dịch của nhà thơ Tố Hữu. Đó là bản dịch thơ Nga đầu tiên và cũng là bản dịch thơ Nga nổi tiếng nhất ở Việt Nam. Năm 1970 khi sang thăm Việt Nam, Simonov đã rất cảm động khi biết về số phận “Đợi anh về”:

Tôi biết thơ tôi nơi đây đang sống

Trong bản dịch của anh tuyệt vời

Và sẽ sống khi còn bao người vợ

Đợi chờ chồng nơi chiến tuyến xa xôi…

 (Gửi đồng chí Tố Hữu, người dịch bài thơ “Đợi anh về” – PP dịch)

Trước hết, xin được đối chiếu một đoạn dịch sát nghĩa từ nguyên bản tiếng Nga và bản thơ của Tố Hữu:

Hãy đợi anh, và anh sẽ trở về

Chỉ cần hết sức đợi

Hãy đợi khi những cơn mưa vàng

làm dậy lên nỗi buồn

Hãy đợi khi tuyết quần

Hãy đợi khi nắng cháy

Hãy đợi khi người khác không còn đợi

Và quên đi ngày hôm qua

Hãy đợi khi từ những miền xa

Những lá thư không còn tới

Hãy đợi khi tất cả mọi người cùng đợi

Đã chán cảnh đợi chờ.

 

Hãy đợi anh, và anh sẽ trở về

Đừng cầu phúc cho những ai nghĩ đã đến lúc phải quên

Cứ mặc mẹ già và con trai tin rằng anh không còn nữa

Cứ mặc bạn bè mệt mỏi ngồi xuống bên đống lửa

uống ly rượu đắng cay viếng hồn anh

Hãy đợi anh và cùng họ đừng vội uống.

 

Hãy đợi anh, và anh sẽ trở về

Trêu ngươi với mọi cái chết

Ai không chờ đợi anh, cứ mặc họ nói rằng anh may mắn

Người không đợi không sao hiểu được

Rằng trong đạn lửa

em đã cứu sống anh bằng sự chờ đợi của mình

Vì sao anh còn sống, chỉ có anh và em là hiểu

Đơn giản vì em đã biết đợi chờ

không giống người nào khác.

            Bản dịch của Tố Hữu như sau:


Em ơi đợi anh về

Đợi anh hoài em nhé

Mưa có rơi dầm dề

Ngày có dài lê thê

Thì em ơi cứ đợi

Em, em ơi cứ đợi

Dù tuyết rơi bão nổi

Dù nắng cháy em ơi

Bạn cũ có quên rồi

Đợi anh hoài em nhé

Tin anh dù vắng vẻ

Lòng ai dù tái tê

Chẳng mong chi ngày về

Thì em ơi, cứ đợi

Em, em ơi, cứ đợi

Dù ai nhớ thương ai

Chẳng mong có ngày mai

Dù mẹ già em dại

Hết mong anh trở lại

Dù bạn viếng hồn anh

Yên nghỉ nấm mồ xanh

Nâng chén tình dốc cạn

Thì em ơi mặc bạn

Đợi anh hoài em nghe

Tin rằng anh sắp về

 Đợi anh, anh lại về

Trông chết cười ngạo nghễ

Ai ngày xưa rơi lệ

Hẳn cho sự tình cờ

Nào ai biết bao giờ

Chỉ vì em khát vọng

Chỉ vì em trông ngóng

Tan giặc bước đường quê

Anh của em lại về

Vì sao anh chẳng chết

Nào bao giờ ai biết

Có gì đâu em ơi

Chỉ vì không ai người

Biết như em chờ đợi

 


Khi đối chiếu với nguyên bản, có thể thấy bản “Đợi anh về” của Tố Hữu là bản dịch thoát: đó là lối dịch nắm ý nghĩa thông tin cơ bản của nguyên bản rồi chuyển sang các cú pháp, từ vựng tự nhiên của ngôn ngữ tiếp nhận. Một phần có lẽ vì Tố Hữu không dịch trực tiếp từ tiếng Nga, nhưng không hoàn toàn chỉ là vì vậy.

            Lời cầu khẩn thiết tha của một người lính ra mặt trận đối với người vợ ở hậu phương hãy chờ đợi mình với niềm tin rằng tình yêu chung thủy và sự nhẫn nại kiên trì sẽ làm nên điều kỳ diệu, giúp người ở chiến trường có thể vượt qua được mọi hiểm nguy, vượt qua mọi cái chết để trở về đoàn tụ hạnh phúc – đó là ý nghĩa chủ yếu đã được Tố Hữu chuyển đến cho người đọc Việt Nam. Dòng thời gian trôi với những đổi thay của thiên nhiên, những đổi thay của lòng người hiện ra trên các câu thơ. Mệnh lệnh thức lặp đi lặp lại жди меня…”, “ждиvang lên nhiều lần bằng tiếng Việt: “đợi anh về…”, “đợi anh…”

Tuy nhiên, có những cái của Simonov vẫn ở lại với Simonov.

Trong bản tiếng Nga có một hình ảnh rất đặc biệt: “những cơn mưa vàng(желтые дожди). Trước khi “Đợi anh về” được đăng tháng giêng năm 1942, Simonov đã đọc bài thơ cho người thư ký toà soạn báo “Sự Thật. Ông này nghe xong thắc mắc về “những cơn mưa vàng”:

 “Tại sao lại “vàng”? – Pospelov hỏi. Tôi khó có thể giải thích một cách logic cho ông ấy là tại sao lại “vàng”. Có lẽ tôi muốn thể hiện nỗi buồn của mình  bằng từ đó” – Simonov hồi tưởng lại trong nhật ký của mình[2].

Trong mạch các câu thơ của Simonov có tuyết của mùa đông, có nắng nóng của mùa hạ, và có mưa – đó là của mùa thu. “Mùa u buồn, làm mê đắm mắt nhìn(Унылая пора! Очей очарования)– Pushkin đã viết như thế về mùa thu. Mùa thu Nga buồn và đẹp, mùa thu Nga có mưa rơi và có lá vàng rơi. Tôi đã gặp những bài thơ Nga có sự kết hợp giữa mưa và lá vàng rơi, nhưng chỉ ở Simonov mới có “mưa vàng”[3]. Tôi cho rằng đó là một trong những hình tượng đắt nhất của bài thơ. Tuy nhiên, “mưa vàng” không có ở mùa thu Việt Nam, lại càng không thể có ở Tố Hữu, một nhà thơ ít khi lấy cảm hứng từ mùa thu. Trong thơ ông chỉ có “Ôi những ngày xưa mưa xứ Huế/ Mưa sao buồn vậy nỗi mưa rơi/ Ngẩng đầu lên không thấy mặt trời…”, hoặc “Nỗi niềm chi rứa Huế ơi/ Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên”, hoặc “mưa dầm cơm vắt” những ngày kháng chiến… Có lẽ vì thế chăng mà “mưa vàng” của Simonov đã biến thành “Mưa có rơi dầm dề/ Ngày có dài lê thê” của Tố Hữu?

Ở khổ cuối có bốn câu thể hiện tinh thần của cả bài thơ mà Tố Hữu khi dịch cũng đã thay đổi: “Người không đợi  không sao hiểu được, rằng trong đạn lửa em đã cứu sống anh bằng sự chờ đợi của mình (Не понять, не ждавшим им,/ Как среди огня /Ожиданием своим /Ты спасла меня). Trong văn học Nga, điều đó không xa lạ. Một người lính khác ở bài “Trong hầm(В землянке) của nhà thơ A.Surkov giữa mùa đông ngoại ô Moskva được sưởi ấm nhờ tình yêu của người vợ (hay người bạn gái) phương xa “Anh trong hầm lạnh bỗng thành ấm áp/ Từ tình yêu em không tắt bao giờ(Мне в холодной землянке тепло/От твоей негасивной любви). Còn tám thế kỷ trước, áng sử thi “Bài ca về đạo quân Igor(Слово о полку Игореве) của một tác giả khuyết danh cũng kể về nàng Yaroslavna chung thủy khóc cầu nguyện cho chồng bên thành Pultivl’ quê hương, và tình yêu cùng lời cầu nguyện của nàng đã giúp cho chàng Igor trốn thoát khỏi tay quân thù nơi chiến trận. Khi “Đợi anh về” mới ra mắt bạn đọc, một nhà phê bình viết: “Chúng ta có những nhà tư vấn đưa lời khuyên cho nhiều vấn đề quan trọng. Nhưng không bác sĩ nào, không luật sư nào, không nhà tâm lý nào có thể khuyên nên xử sự, nên cảm xúc ra sao trong nhiều tình huống khó khăn trong cuộc đời riêng, trong đó có những tình huống quan trọng như trên. Không có nghề nào như vậy. Đó là một trong những nhiệm vụ của thi ca. Viết những bài thơ như thế cần phải bằng chính những câu như phù chú, cầu nguyện (…) Sức mạnh mà thơ mang tới đó là niềm tin. Thậm chí nếu như đó có là mê tín, thì cũng khó có thể phê phán. Đó là niềm tin đúng đắn”.[4] Những người đầu tiên được Simonov đọc cho nghe bài thơ đã nhận xét nó “giống như lời phù  chú”, có tác dụng như “liều thuốc chữa cho nỗi buồn nhớ nhà[5] đối với người lính khi đối mặt với cái chết ngoài mặt trận.

Sức mạnh “phù chú” của tình yêu (và của cả thơ ca) hẳn không phù hợp với cảm hứng thơ của Tố Hữu nói riêng, cũng như của thơ Việt Nam nói chung. Những câu thơ của Tố Hữu vẫn nói đến người lính nhờ có tình yêu mà còn sống trở về, nhưng tinh thần đã khác: “Chỉ vì em khát vọng/ Chỉ vì em trông ngóng/ Tan giặc bước đường quê/ Anh của em lại về…” Ở đây có sự hoà nhập vào nỗi niềm chung với người Việt Nam những năm chống Pháp: “Kháng chiến nhất quyết thành công/ Anh về em thỏa ước mong” như lời ca của nhạc sĩ Hoàng Việt.

Trên nguyên bản tiếng Nga, bài thơ “Đợi anh về” hết sức ít ỏi về chất liệu từ vựng và nhịp điệu, nhưng sự kiệm lời lại nhấn mạnh độ sâu của cảm xúc, sự đơn điệu về nhịp điệu làm tăng thêm tính thiết tha chân thành của một trạng thái tinh thần bao trùm.

Bản “Đợi anh về” của Tố Hữu viết bằng những câu thơ năm chữ nghe như có âm hưởng của điệu ví dặm miền Trung. Nó còn gợi nhớ đến bài thơ “Thăm lúa” của Trần Hữu Thung cũng rất nổi tiếng thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Chủ đề truyền thống nhưng không bao giờ mất đi sức hấp dẫn mới mẻ là tình yêu, lòng chung thủy của người phụ nữ đối với những người lính nơi chiến trường, được thể hiện trong những câu thơ giản dị như lời nói thông thường mà đầy nhạc tính, đậm chất trữ tình là nguyên nhân quan trọng khiến cho những bài thơ như “Đợi anh về”, “Thăm lúa”…  sống lâu trong lòng người đọc. Có cảm giác những bài thơ như thế không để đọc thầm bằng mắt, mà phải ngâm lên, hát lên.

Bản “Đợi anh về” của Tố Hữu không phải là sự sao chép mà là sự tái sáng tạo, không chỉ là bản dịch, mà còn là sự tái chuyển giao cảm hứng thi ca. Đó là tác phẩm của Tố Hữu được gợi lên từ tác phẩm của Simonov.

Như đã nói ở đầu, chúng tôi ở đây không có ý định bàn về lý thuyết dịch, không đưa ra quan niệm dịch thế nào là đúng, mà chỉ muốn từ một thực tiễn về một bài thơ đã nổi tiếng hơn sáu mươi năm ở Nga và một bản dịch cũng nổi tiếng với thời gian gần bằng từng ấy ở Việt Nam để rút ra một điều là: dịch thuật là nghệ thuật, mà đã là nghệ thuật thì phải có cảm hứng và có sáng tạo, và bản dịch nghệ thuật là một tác phẩm của cảm hứng và sáng tạo của người dịch, cần được xem xét vừa cùng với nguyên bản, vừa độc lập ở mức độ nhất định với nguyên bản.

3. Sinh viên ngữ văn trong trường đại học từ lâu đã học văn học nước ngoài, được giới thiệu và đọc, học các tác phẩm văn học tiêu biểu của những nền văn học nước ngoài. Đa số sinh viên ngữ văn của chúng ta chỉ có thể tiếp xúc với văn học nước ngoài qua bản dịch do không biết ngôn ngữ của nguyên bản, và họ cần phải được đọc, được học những bản dịch hay nhất, những bản dịch nghệ thuật đích thực – điều này ai cũng nghĩ và mong như vậy. Tuy nhiên, trường hợp của “Đợi anh về” chỉ là một trong nhiều ví dụ cho thấy, bản dịch hay là bản dịch có những hình thức ngôn ngữ được lựa chọn phù hợp với bối cảnh văn hóa tiếp nhận, phù hợp với tri thức, với nhu cầu cảm xúc của người đọc về chủ đề được nói đến, thể hiện được mọi khía cạnh của ý nghĩa mà  người đọc có thể tiếp nhận được, và do vậy ở chừng mực nào đó đã khác đi so với nguyên bản vốn được sáng tác trong bối cảnh văn hóa khác. Như thế, từ nguyên bản đến dịch bản là một chặng đường từ khám phá ngôn ngữ nguồn của nguyên bản để tìm ra ý nghĩa chính xác nhất đến việc tái thể hiện nó trên ngôn ngữ tiếp nhận của dịch bản một cách tự nhiên nhất – ở cả hai đều là ngôn ngữ văn chương, ngôn ngữ văn hóa. Đó là chặng đường lao động sáng tạo đầy tính nghệ thuật của dịch giả. Có thể so sánh người dịch ở đây với người ca sĩ - người  đã cất lên bài ca bằng tình cảm và tài năng của mình: những nốt nhạc, âm vực, giai điệu là sáng tạo của người nhạc sĩ, nhưng từng nốt nhạc, từng giai điệu cũng lại là sự thể hiện của người ca sĩ. Người đọc bản dịch thông thường giống như người nghe thưởng thức bài hát với nhạc điệu, với ca từ kết hợp trọn vẹn trong giọng ca, cách thể hiện của người ca sĩ. Tuy nhiên, sinh viên ngữ văn là người đọc chuyên biệt, vừa phải biết thưởng thức như cách của người đọc thông thường, vừa phải biết phân biệt đâu là cái của tác giả, đâu là công của dịch giả. Họ cần được biết về cả hai văn bản của tác giả và dịch giả, về quá trình đi từ nguyên bản đến dịch bản để có thể hiểu được những giá trị thực sự của tác phẩm văn học nước ngoài và việc tiếp nhận những giá trị đó ở Việt Nam. Điều này càng đặc biệt cần thiết khi học thơ nước ngoài. Và tôi nghĩ rằng đó là một trong những lý do chủ yếu vì sao phải có sự hiện diện các thầy cô giáo dạy văn học nước ngoài ở các khoa ngữ văn.

 



[i] Simonov, K., Những ngày khác nhau của chiến tranh. Nhật ký nhà văn. Tập 1, Moskva, 1977, tr.241-242.

[2] Simonov, K., Những ngày khác nhau của chiến tranh. Nhật ký nhà văn. Tập 1, Moskva, 1977, tr.39-41.

[3] Có những người cho rằng “mưa vàng” là do đất màu vàng (Ilia Erenburg là cũng nhắc đến điều này trong Con người, năm tháng, cuộc đời, Tập 5,6, Moskva, 1966,  tr.48). Nhưng đó đều là giải thích của những người khác ngoài Simonov. Ông chỉ nói “Có lẽ tôi muốn thể hiện nỗi buồn của mình bằng từ đó”. Ở đây chúng tôi đưa ra cách giải thích khác của mình.

[4] V.Alexandrov, Thư gửi Moskva (K.Simonov “Cùng em và vắng em” và “Những bài thơ năm 1941”), “Znamia”, 1943, số 1, tr.160.

[5] Simonov, K., Những ngày khác nhau của chiến tranh. Nhật ký nhà văn. Tập 1, Moskva, 1977, tr.243, 456.

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website