Thuật ngữ “thơ ca tạp hý” (estradnaya poezia, còn có tên gọi khác là “thơ đại thanh” – gromkaya poezia) được dùng để chỉ một hiện tượng diễn ra trong thơ ca Xô viết những năm 50 – 60 của thế kỷ XX: các nhà thơ đọc thơ của họ trong bảo tàng, trong cung thể thao, trên quảng trường… cho hàng trăm, thậm chí hàng ngàn khán thính giả. Hoạt động này đã khiến cho các nhà thơ biến thành những “ngôi sao”, những thần tượng của đại chúng. Giọng nói, dung mạo, cử chỉ, phong cách ứng xử… mọi thứ biến thành một thứ huyền thoại bao quanh hình ảnh nhà thơ, trở thành một phần gắn liền với thông điệp nghệ thuật mà nhà thơ muốn chuyển tải tới công chúng.
Hình thức “trình diễn” thơ như thế thực ra đã có từ trước (chẳng hạn thời Pushkin có việc ứng khẩu thơ – như được mô tả trong tác phẩm “Đêm Ai Cập” của nhà thơ, hay các nhà thơ “thời đại bạc”, đặc biệt Mayakovsky và các nhà thơ vị lai, cũng thường xuyên “trình diễn” thơ, và là tấm gương cho các “nhà thơ tạp hý”- estradniki). Tuy nhiên, trong bối cảnh chính trị - xã hội Xô viết từ nửa sau thập niên 1950, với điều kiện phát triển của khoa học kỹ thuật (truyền thanh, điện ảnh, và về sau là truyền hình) việc trình diễn đưa thơ ca lên một tầm ý nghĩa mới cả về nội dung cảm hứng, lẫn về hình thức thể hiện. Tiếng nói của nhà thơ là những “tiếng nổ” làm “tan băng”:
Thời đại đã vỡ kêu gào
Bằng tiếng tôi nay vỡ giọng
Tôi là thời đại, thời đại là tôi
Có quan trọng gì: ai ban đầu câm lặng
(Yevtushenko, “Tạp hý”)
Cảm hứng chính luận, cảm hứng công dân bao trùm sáng tác của các nhà thơ. Tác phẩm thơ ca trở thành “bài ca của tác giả” (avtorskaya pesnia): hướng tới sự giao tiếp cao độ, tăng cường tính hình tượng, tính chính luận, tính thuyết giáo, tính hùng biện. “Thơ ca tạp hý” là thứ thơ ồn ào khuấy động cảm xúc người đọc – cũng là người nghe (từ đó có tên gọi gây nhiều tranh luận “thơ đại thanh”) bởi mang đậm chất thời sự, và nhiều cách tân táo bạo.
Cùng với “thơ ca tạp hý” xuất hiện một thế hệ nhà thơ mới sinh ra vào thập niên 30, trưởng thành sau chiến tranh, tên tuổi và tài năng được khẳng định ở nửa sau thế kỷ XX, trong đó nổi bật bốn người là Andrei Voznesensky, Bella Akhmadulina, Yevgeny Yevtushenko, Robert Rozhdestvensky.
“Chúng tôi rất đông. Có lẽ đến bốn người…” (Voznesensky). Sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ, lần lượt các thành viên của bộ tứ nổi tiếng đó đã ra đi: sớm nhất là Roshdestvensky vào năm 1994, Voznesensky mất năm 2010, cùng năm đó là Akhmadulina. Và ngày 1 tháng 4 năm 2017, người cuối cùng – nhà thơ Yevgeny Yevtushenko qua đời ở tuổi 84 tại thành phố Tulsa của Hoa Kỳ, nơi ông là giáo sư của Trường Đại học Tulsa từ năm 1992.
Yevgeny Alexandrovich Yevtushenko sinh năm 1933, bắt đầu sáng tác từ khi16 tuổi. Ông vào học ở Trường viết văn Gorky năm 1952 nhưng phải rời trường 2 năm sau đó. Năm 1952 cũng là năm ông xuất bản tập thơ đầu “Những trinh sát viên của tương lai”, từ đó đến nay nhà thơ đã cho ra đời hơn ba mươi tập thơ, hai tiểu thuyết và một số tập phê bình lý luận văn học, là tác giả của nhiều bài báo chính luận, là dịch giả thơ Gruzia. Năm 1995, Yevtushenko đã biên soạn bộ hợp tuyển thơ ca Nga thế kỷ XX với nhan đề “Những dòng thơ thế kỷ” (Strofy veka), tập hợp sáng tác của 875 gương mặt thơ ca thế kỷ. Ông từng là Đại biểu Xô viết tối cao Liên Xô, đồng thời còn là nhà viết kịch bản, diễn viên và đạo diễn điện ảnh.
Thơ Yevtushenko cũng là tiếng nói của thời đại. Nhà thơ muốn cảm nhận được mối liên hệ giữa đương đại và lịch sử, giữa con người cá nhân với xã hội, giữa những sự kiện lịch sử đang diễn ra khắp nơi trên thế giới. Xuất thân từ một thành phố vùng Siberia mang tên Zima (cái tên chưa rõ xuất phát từ đâu, nhưng nghe đồng âm với từ “mùa đông” trong tiếng Nga[1]), nhà thơ đã đi đến nhiều nơi trên đất Nga và trên thế giới, và những chuyến đi để lại dấu ấn trong thơ ông.
Một đặc điểm tiêu biểu của thơ Yevtushenko là tính thời sự. Nhà thơ đáp lại mọi sự kiện trên thế giới: ông viết về các diễn đàn thanh niên thế giới về hoà bình, viết về những công trường mới ở Siberia, về cuộc khai hoang Kazakhstan, về cách mạng Cuba, về chiến tranh chống Mỹ ở Việt Nam, về thể thao quốc tế, về những thành tựu khoa học kỹ thuật,… Nếu đọc các tiêu đề tin tức thuộc mọi lĩnh vực trên các tờ nhật báo, có thể hình dung thơ Yevtushenko được gợi lên từ những thông tin đó như thế nào.
Hồn thơ ông vừa mang hơi thở lãng mạn của thế hệ trẻ hiện đại, vừa có nét trầm tư suy ngẫm của người từng trải về ý nghĩa nhân sinh.
Đối với Yevtushenko, mỗi bài thơ như một tình tiết, một mẩu chuyện, hay một mẩu tin. Tác phẩm của nhà thơ gợi cảm giác chúng là sự kéo dài “bản tiểu sử trữ tình”, trong đó nhà thơ, vừa tự khẳng định vừa tự phê phán mình, đánh giá mọi trải nghiệm trong mối quan hệ với thế giới, với công việc sáng tạo của bản thân.
Chẳng hạn trong một bài thơ, nhân vật trữ tình băn khoăn về sự nhạy cảm của mình (một tư chất quan trọng của nhà thơ):
Tôi không hiểu tôi bị làm sao
Do mỏi mệt, có thể do mỏi mệt
Tôi dễ giận, và cũng hay u sầu
Khi chẳng cần lại bỗng dưng đỏ mặt
(1956)
Còn ở bài khác, nhà thơ ví mình như chiếc ví rơi giữa đường:
Tôi là chiếc ví
nằm ngay ở lối đi
Đơn độc giữa thanh thiên bạch nhật
Thế mà các người chẳng thấy gì
Chân các người bước qua tôi đi mất
Hỡi các người, có bị làm sao không
Chẳng hiểu gì, hay là không có mắt?
(1955)
Yếu tố trình diễn cũng là một đặc điểm quan trọng trong thơ Yevtushenko: thơ hướng tới sự giao tiếp với công chúng, mang chất sân khấu. Ông là tác giả của lời các bài hát nổi tiếng như “Có phải người Nga thích chiến tranh?”, “Dòng sông chảy”, “Mưa trong thành phố chúng mình”,… Nhạc sĩ Xô viết nổi tiếng Dmitry Shostakovich (1906 – 1975) đã dựa trên thơ Yevtushenko sáng tác bản giao hưởng số 13 và bản giao hưởng- hợp xướng “Stepan Razin bị xử tử”. Tính chất “quảng canh” (extensibility) trong thơ Yevtushenko đã kéo các loại hình nghệ thuật lại gần nhau. Năm 2007, khi Yevtushenko đã bước sang tuổi 75, cuộc nhạc hội mang tên “Những bông tuyết trắng rơi” được tổ chức là một bằng chứng về sự tiếp tục tính chất “tạp hý” nơi nhà thơ này. Giờ đây, ngoài sân khấu, truyền hình và các phương thức truyền thống, còn có các hình thức kỹ thuật vidéo hiện đại bổ trợ cho nhà thơ để trình diễn tác phẩm của mình. Thơ ca trở thành một loại hình “ngôn từ truyền thông”.
Cũng như Voznesensky, Yevtushenko là một “thần tượng” trong dòng thơ ca “tạp hý” thế kỷ XX. Có rất nhiều điểm liên kết thơ của hai nhà thơ này với nhau: đó là tình bạn đồng niên, đó là những đêm cùng nhau trình diễn thơ gây náo động các khán phòng, sân vận động. Nhiều đề tài, nhiều môtíp trong thơ họ hô ứng với nhau (Ví dụ: Voznesenky có bài thơ “Những bông hoa trên thân cây”, còn Yevtushenko có bài “Bông hoa khoai tây” đều thể hiện tình yêu đối với những loại hoa giản dị). Thậm chí có người còn nhầm lẫn họ với nhau ở vẻ bề ngoài. Oleg Khlebnikov – một nhà thơ Nga đương đại – có kể rằng trong một buổi gặp gỡ cách đây vài năm, một nhà báo khi thấy Yevtushenko bước vào đã reo lên: “Trông kìa, Voznesensky!”[2]
Dẫu vậy, Yevtushenko dĩ nhiên vẫn rất khác Voznesensky, như chính Voznesensky từng viết: “Nhà thơ không có bạn sóng đôi/ mọi khúc song ca đều kết thúc bằng quyết đấu”. Khác thơ Voznesensky giàu ẩn dụ, thiên về trí tuệ, thơ Yevtushenko lại hấp dẫn ở sự giản dị, dễ hiểu. Đặc biệt, nhà thơ chú ý đến tác động của nhịp và vần - một cách thức để nhà thơ bắt với nhịp sống hiện đại. Hệ thống nhịp và vần của Yevtushenko độc đáo và mới mẻ nhưng không phải theo kiểu của thơ tiền phong “thời đại bạc”. Mặc dù cũng mang tính “gây sốc”, mang nhiều dấu ấn ảnh hưởng của Mayakovsky, nhưng thơ Yevtushenko đồng thời cũng rất cổ điển: nhà thơ tránh những thử nghiệm vận luật, không chú trọng việc tạo từ hay lối diễn đạt lạ (điều này cũng là sự khác biệt so với Voznesensky).
Năm 1992, sau khi Liên Xô sụp đổ, Yevtushenko nhận lời mời của Đại học Tulsa (bang Oklahoma, Hoa Kỳ) và trở thành giáo sư Văn học của Đại học này. Ông được các đồng nghiệp gọi bằng tên thân mật Zhenya. Tên trang web của trường một ngày sau khi nhà thơ Nga qua đời đã đăng tin với nhan đề: “Tiếng nói của Yevtushenko sẽ được nhớ tới ở Đại học Tulsa và trên toàn thế giới”.
[1] Thành phố Zima (trung tâm hành chính của tỉnh Irkusk) nằm ở miền đông Siberia, nơi nhiệt độ mùa đông khoảng âm 50 độ C, nên có người giải thích tên gọi Zima là « mùa đông » theo tiếng Nga (người Nga đến đây sinh sống từ thế kỷ XVII). Tuy nhiên, cũng có thể tên này mang nghĩa « nơi của người bị tội »xuất phát từ tiếng của người Buriat bản địa, và bởi nơi đây từ thế kỷ XVIII là nơi giam giữ tù nhân.
[2] Khlebnikov O. Yevtushenko và Voznesensky. Hai người và tất cả chúng ta, “Novaya gazeta”, số 14, 24 tháng 2 năm 2005.
Trần Thị Phương Phương