Truyện thơ quốc ngữ như hình thức chuyển tải lịch sử thế giới (trường hợp "Vậy mới phải" của Hồ Biểu Chánh)

Hồ Biểu Chánh (1884 – 1958) là một hiện tượng đặc biệt trong lịch sử văn học Việt Nam. Không chỉ đặc biệt về sức sáng tác và số lượng tác phẩm đồ sộ, mà bản thân mỗi tác phẩm của ông đều có thể gợi ra những vấn đề hữu ích đối với nghiên cứu lý luận và lịch sử văn học. Trong bài viết này, chúng tôi muốn đề cập đến một trường hợp là truyện thơ quốc ngữ Vậy mới phải và vấn đề chuyển tải lịch sử thế giới của nó.

Chiếm một mảng lớn trong sự nghiệp của Hồ Biểu Chánh là phóng tác các tác phẩm văn học nước ngoài, chủ yếu dưới dạng văn xuôi, nhưng Vậy mới phải, bản phóng tác đầu tiên, lại được viết bằng thơ. Nguyên mẫu của nó là tác phẩm Le Cid của nhà soạn kịch cổ điển Pháp thế kỷ XVII Pierre Corneille.[1]

Trong Thi học, triết gia cổ đại Hy Lạp Aristotle đã bàn đến mối quan hệ giữa kịch và sử thi (thơ tự sự), rằng cả hai có chung nguyên lý mô phỏng (mimesis), bắt nguồn từ bản năng bắt chước của con người, cũng đồng thời do bắt chước là thú vui, là khoái lạc. Tuy nhiên về cấu trúc, theo Aristotle, sử thi được phép có nhiều tự do hơn kịch, nhưng nên đi theo những nguyên tắc của kịch, tức hướng tới sự thống nhất [2].

Đi theo Aristotle, trong công trình nổi tiếng Tiểu thuyết lịch sử, nhà phê bình Marxist người Hungary György Lukács (1885 – 1971) cũng cho rằng kịch lịch sử ở thời cận đại đi trước tiểu thuyết lịch sử (như hình thức tự sự/epic khổ lớn [3]), và trong quan hệ với lịch sử, cả kịch cổ điển lẫn sử thi/truyện thơ/tiểu thuyết đều phản ánh thế giới khách quan, hướng tới tính toàn vẹn. Tuy nhiên, nghệ thuật đồng thời mang tính tương đối, “bởi nói chung, sự toàn vẹn rộng vô tận với nội dung phong phú của tiến trình cuộc sống chỉ có thể tái tạo trong ý thức của chúng ta một phần, chỉ với sự toàn vẹn tương đối”. Cái nguyên tắc “tương đối” đó của nghệ thuật thực tế lại giúp hình dung hiện thực lịch sử chân thực hơn “mọi sự phóng đại nội dung tuyệt đối của các tư tưởng”, bởi đó là “một trong những phương diện quan hệ biện chứng của chúng ta với thế giới”[4].

Những quan điểm lý luận trên phần nào giúp soi chiếu quan hệ giữa truyện thơ Vậy mới phải như đại diện của “hình thức tự sự khổ lớn” (mà theo Lukács không phải ở dung lượng, mà ở “tính toàn vẹn tương đối”) với Le Cid như đại diện của kịch cổ điển, cũng như vấn đề phản ánh lịch sử trong chúng.

Xuất hiện lần đầu tiên trên sân khấu Nhà hát Marais ở Paris năm 1637, Le Cid của Corneille nằm trong chuỗi các tác phẩm về vị anh hùng dân tộc Tây Ban Nha thế kỷ XI Don Rodrigo (phiên bản tiếng Pháp là Don Rodrigue), người được mệnh danh là “El Cid Campeador” (vị chúa tể chiến thắng). Có thể tìm thấy trong đó các sự kiện và các nhân vật liên quan đến một số hiện thực lịch sử Tây Ban Nha như sau:

Trước hết là Rodrigo de Vivar (Cid, 1043-1099), xuất thân từ tầng lớp tiểu quý tộc, được nuôi lớn dưới triều hoàng đế Fernand I nhưng phục vụ dưới triều của Sancho II (trị vì Castile từ 1065 đến 1072). Cuộc hôn nhân của Rodrigo de Vivar với Jimena Diaz (Chimène trong tiếng Pháp) thì bắt đầu khoảng từ 1074, tức là khi Castile nằm dưới quyền cai quản của Alfonso, và Rodrigo lúc bấy giờ cai trị Valencia, chứ không phải do Fernand tác hợp như trong kịch. Jimena là con gái của Diego Fernández (khoảng 1020-1060) thuộc dòng dõi quý tộc thượng lưu (là anh em họ với Alfonse V - vua của toàn Tây Ban Nha sau Fernand I và của Castile sau Sancho II). Dù khác biệt về đẳng cấp giữa hai gia đình là đúng với lịch sử, tuy nhiên sự kiện xung đột giữa cha Jimena với cha con Rodrigo trong kịch là hư cấu.        

Nguyên mẫu của nhân vật Don Fernand là Fernando I – hoàng đế toàn Tây Ban Nha (1056-1065), vua của Leon và Castile (1037-1065). Con gái của ông là công chúa Urraca (1033-1101), chủ nhân xứ Zamora, và chuyện tình cảm của bà trở thành nguyên mẫu cho các tác phẩm về Cid, nhưng không phải với Rodrigo như phiên bản của Corneille. Trên thực tế, Cid là kẻ thù của bà vì ông cùng với vua Sancho là những người cố chiếm quyền cai trị Zamora, và người bảo vệ bà là vua Alfonso V (có cả tin đồn về quan hệ loạn luân giữa hai người này).

Các cuộc chiến tranh với người Islam giáo (người Moor) mà Rodrigo cầm quân khi phục vụ các vua Castile là chống lại Al-Andalus (vương quốc Zaragoza), chúng nằm trong chuỗi những chiến dịch quân sự ở bán đảo Iberia làm tiền đề cho cuộc Thập tự chinh (1096 – 1492). Cuộc chiến khởi đầu vào năm 1060 dưới thời của Fernando I (tuy nhiên khi đó Rodrigo mới khoảng 17 tuổi, nên các nhà phê bình hoài nghi về trọng trách mà Rodrigo được vua giao, và những chiến công lẫy lừng khiến chàng được người Moor gọi là Cid thì chỉ diễn ra dưới thời vua Alfonso V chứ không phải thời của Fernand như trong kịch).

Những hiện thực lịch sử của Tây Ban Nha nói trên đã được truyền tải, với nhiều cải biến khi khúc xạ qua lăng kính các tác phẩm về Cid trước vở kịch của Corneille, từ các sử ký, sử thi Bài ca về Cid của tôi đến nguyên mẫu trực tiếp của Le Cid là vở kịch thơ Tuổi trẻ của Cid của nhà soạn kịch Tây Ban Nha thế kỷ XVI Guillén de Castro. Quá trình đó vẫn tiếp tục nơi Corneille [5].

Ngoài ra, nơi Le Cid của Corneille còn có thể tìm thấy sự phản ánh gián tiếp hiện thực lịch sử của nước Pháp thế kỷ XVII. Chẳng hạn, xung đột giữa danh dự và tình yêu (sau được đặt tên là “xung đột Corneille”) là sự phản ánh tinh thần duy lý, lý tưởng về “tâm hồn mạnh mẽ” (l’âme forte), và các nhân vật Rodrigue, Chimène có thể xem là những hình tượng mang tính kiểu mẫu thời đại vua Louis XIII (tức thời kỳ Le Cid ra đời). Ngoài ra, còn có thể tìm thấy hồi quang một số sự kiện lịch sử Pháp qua những tình tiết kịch, như vụ quyết đấu chẳng hạn. Don Rodrigue để trả thù cho cha mình đã quyết đấu với Don Gomèz cha của Chimène, giết chết ông ta, và Chimène đến gặp vua Fernand yêu cầu công lý, đòi đầu của Rodrigue. Vào thế kỷ XVII, vua Louis XIII và Hồng y giáo chủ Richelieu trong chủ trương chung nhằm củng cố chính thể chuyên chế đã cấm tục lệ quyết đấu trong giới quý tộc và vào tháng Hai năm 1626 ra sắc lệnh tử hình những kẻ quyết đấu nếu đối thủ của họ bị giết chết, hoặc nếu những người làm chứng cũng tham gia vào trận quyết đấu. François de Montmorency-Bouteville, công tước xứ Luxembourg là người đầu tiên bị chém đầu vì vi phạm sắc lệnh này. Nhưng theo các nhà nghiên cứu, bản thân nhà vua cũng như Richelieu, trên phương diện cá nhân, khá mâu thuẫn về tư tưởng đối với vấn đề này và không quyết đoán lắm khi xử lý các vụ quyết đấu [6]. Cách giải quyết đầy thoả hiệp, mang tính cổ tích (bắt người anh hùng ra trận thử thách, khi chàng lập công trở về thì tha tội chết và ban thưởng đám cưới) của vua Fernand trong Le Cid cũng là một sự phản ánh hiện thực lịch sử này[7].

***

Vậy mới phải được viết vào năm 1913, xuất bản năm 1918. Liệu Hồ Biểu Chánh khi đó có ý thức được về những hiện thực lịch sử chứa đựng trong nguyên tác hay không, và nếu có thì ở mức độ như thế nào?

Hồ Biểu Chánh từng tốt nghiệp thành chung, tức đã học qua chương trình cao đẳng tiểu học (tương đương trung học cơ sở bây giờ) ở trường collège Chasseloup Laubat là trường dành cho con cái người Pháp và con cái những người Việt thân Pháp, dạy bằng tiếng Pháp, với chương trình giáo dục kiểu Pháp. Bởi vậy, chắc chắn ông đã được trang bị những kiến thức cơ bản về lịch sử của nước Pháp và của châu Âu (đáng chú ý là khi tốt nghiệp, Hồ Biểu Chánh 20 tuổi, tức đã trưởng thành về mặt nhận thức). Học sinh tiểu học thời Pháp thuộc học lịch sử theo cuốn sách giáo khoa của Ernest Lavisse (Histoire de France hay Petit Lavisse) được sử dụng cho tất cả các trường học ở Pháp và các thuộc địa Pháp từ 1884 đến những năm 1950, mà ở ngay phần mở đầu có cụm từ nổi tiếng “ông cha chúng ta là người Gaulois” (nos pères les Gaulois)[8] vẫn thường được nhiều người Việt Nam nhắc đến như một nỗi nhục của người dân mất nước. “Những câu chuyện và những đàm thoại thân mật về các nhân vật chính và những sự kiện chính trong lịch sử dân tộc chúng ta cho đến cuối cuộc Chiến tranh Trăm năm”[9] là nội dung môn học lịch sử bắt buộc đối với bậc sơ đẳng (cours élémentaire), bao quát một giai đoạn từ thời Tiền La Mã (khoảng thế kỷ IV trước CN) đến giữa thế kỷ XV. Còn các giai đoạn sau – cho đến cuối thế kỷ XIX – tuy thuộc chương trình cao hơn (cours moyen), nhưng trong cuốn Petit Lavisse vẫn được đưa vào. Thực tế, đây không chỉ là lịch sử nước Pháp. Đế chế La Mã, thời đại của Charlemagne, cuộc Thập tự chinh, chiến tranh với Tây Ban Nha thời Louis XIII, Chiến tranh 100 năm, Cách mạng Pháp và chiến tranh Napoléon, thời kỳ thực dân được nói đến trong sách giáo khoa đều là những hiện thực lịch sử bao trùm cả Tây Âu, và rộng hơn là cả thế giới. Bởi vậy, thông qua những mẩu chuyện kể đơn giản nhưng hấp dẫn, với những hình vẽ minh hoạ sinh động, có thể hình dung bức tranh các thời đại một cách khái quát. Những câu chuyện về các hiệp sĩ Trung cổ, về các vị vua Pháp, về Hồng y giáo chủ Richelieu dưới thời Louis XIII có thể giúp học sinh, dù là ở bậc tiểu học, có ý niệm về đời sống cung đình, các quan hệ trong hoàng gia cũng như giới quý tộc triều đình, các xung đột, chiến tranh, và những vấn đề liên quan đến các tầng lớp xã hội và các sinh hoạt văn hoá của họ.

Hồ Biểu Chánh hẳn cũng làm quen với Corneille và Le Cid từ khi đi học. Một cuốn sách giáo khoa nữa được sử dụng phổ biến trong các trường học ở Pháp và các thuộc địa, trong đó có Nam Kỳ của Việt Nam là cuốn Le tour de la France par deux enfants của Alfred Jules Émile Fouillée. Chương XCVII giới thiệu “ba vĩ nhân của Normandie” và mở đầu với Pierre Corneille, “một trong những nhà thơ vĩ đại nhất của Pháp.”[10]

Trong bài viết “Khái lược việc giảng dạy Pháp văn trong trường tiểu học và trung học ở Việt Nam từ 1918 đến 1945” của Trịnh Văn Thảo (ĐH Aix-en-Provence), có thể thấy thông tin nội dung các sách giáo khoa lịch sử của Pháp được dùng ở Việt Nam thời Pháp thuộc như sau: “Đó là những cuốn sách lịch sử ca ngợi tinh thần phản kháng của nước Pháp cách mạng, thất bại ở trận Sedan, Công xã Paris, và thậm chí một số phiên bản Cid của Corneille…”[11]

Như vậy, Vậy mới phải có thể là kết quả việc tiếp xúc với toàn bộ nguyên bản Le Cid của Corneille, nhưng cũng rất có khả năng Hồ Biểu Chánh chỉ tiếp xúc với các “phiên bản” (répliques) có lẽ đã được giản lược dành cho độc giả trẻ tuổi. Hơn nữa, khi nói về công việc phóng tác của mình, Hồ Biểu Chánh từng viết: “Đọc tiểu thuyết hay tuồng hát Pháp văn mà tôi cảm thì tôi lấy chỗ cảm đó mà làm đề, rồi phỏng theo ít nhiều hoặc lấy đó mà sáng tác một tác phẩm hoàn toàn Việt Nam. Tuy tôi nói phỏng theo kỳ thiệt chỉ lấy đại ý mà thôi, mà có khi tôi còn lật ngược tới đại ý, làm cho cốt chuyện trái hẳn tâm lý, khác xa với truyện Pháp.”[12]

Vậy mới phải của ông, nếu so với nguyên tác Le Cid đúng là “chỉ lấy đại ý”. Chuyển từ kịch thơ sang truyện thơ, Vậy mới phải rõ ràng chịu ảnh hưởng của truyện thơ Nôm truyền thống. Đặc biệt thấy rõ ảnh hưởng Truyện Kiều của Nguyễn Du, khi tác phẩm mở đầu với những câu có tính chất giáo huấn, đồng thời xác nhận việc vay mượn cốt truyện:

Đêm thu nương án thơ-đài

Buồn xem ngoại- sữ thấy bài kỳ duyên.[13]

Tuy nhiên, nếu Nguyễn Du khi viết Truyện Kiều giữ nguyên cốt truyện, bối cảnh lịch sử và xã hội cũng như tên các nhân vật lịch sử (và hư cấu) của Trung Hoa có trong Kim Vân Kiều Truyện, thì Hồ Biểu Chánh thay đổi hoàn toàn (điều mà về sau ông tiếp tục làm với các tiểu thuyết phóng tác viết bằng văn xuôi). Các nhân vật Don Diègue, Don Rodrigue, Don Gomèz, Chimène… biến thành Thanh Tuyền, Thanh Tòng, Nhị Lôi, Lệ Bích,… Cùng với việc bỏ bớt các nhân vật phụ như công chúa, chàng quý tộc Don Sanche, những người hầu nam và nữ… có trong kịch, cốt truyện được giản lược tối đa, chỉ xoay quanh xung đột giữa cha con Thanh Tuyền-Thanh Tòng với cha con Nhị Lôi-Lệ Bích: Thanh Tòng để trả thù cho cha là Thanh Tuyền bị làm nhục nên đã đấu kiếm và giết chết Nhị Lôi là cha Lệ Bích, người đã được hứa gả cho chàng; Lệ Bích đòi vua trừng phạt kẻ giết người, nhưng do Thanh Tòng lập công đánh thắng Hung Nô xâm lược nên vua tha tội và đứng ra tác hợp chàng với Lệ Bích, tuy nhiên Lệ Bích đã dùng dao tự vẫn để giữ lòng hiếu; Thanh Tòng cũng vì còn cha già nên không thể chết theo nàng, bèn nhận lãnh ba vạn quân tiếp tục ra trận.

Hồ Biểu Chánh khi phóng tác đã làm mất đi những tên gọi mang tính lịch sử (Tây Âu) của các nhân vật và sự kiện chứa trong nguyên mẫu. Nhưng bản thân cách nhà văn thay đổi lại có thể là một hình thức chuyển tải mới. Trong kịch của mình, Corneille đã có nhiều cải biến so với các tác phẩm về Cid trước đó, nhưng câu chuyện về lịch sử vẫn được truyền đi và bổ sung thêm những dữ liệu mới, như chúng tôi đã trình bày ở trên. Còn nơi Vậy mới phải thì thế nào?

Bối cảnh triều đại vua Fernand biến thành “triều Lê niên hiệu Thuận Thiên”. Lựa chọn Thuận Thiên cho phiên bản Việt, phải chăng Hồ Biểu Chánh nói đến Lê Lợi, người đặt niên hiệu Thuận Thiên? Hay có chăng ảnh hưởng của huyền thoại thanh gươm thần Thuận Thiên, biểu tượng của cuộc kháng chiến chống quân Minh và khởi đầu triều đại Hậu Lê, hoặc rộng hơn là cả một lịch sử lâu dài chống xâm lược của Việt Nam như một tương ứng với cuộc chiến Tái chinh phục (Reconquista) nhiều thế kỷ của người châu Âu chống lại người Islam giáo là điều ông đã được học trong trường học Pháp thuộc và được phản ánh trong vở kịch của Corneille? Những “học sĩ”, “đô thống”, “thiếu phó” phải chăng là các chức quan phong kiến Việt Nam thay thế cho các tước hiệu quý tộc phương Tây trong Le Cid?

Theo chúng tôi, lịch sử Việt Nam qua lăng kính Hồ Biểu Chánh hẳn không phải là chính sử viết bằng Hán văn. Hồ Biểu Chánh tuy có học chữ Hán nhưng không nhiều, và cái chính là khó có khả năng nhà văn tiếp xúc trực tiếp với các bộ sử Hán văn vốn không phải là thứ sách xuất bản để bán trong các cửa hiệu hay phục vụ cho độc giả đại trà người Việt trong các thư viện công cộng vào thời điểm nhà văn viết Vậy mới phải. Nhưng nhà văn có thể tiếp xúc với các tác phẩm lịch sử viết bằng Pháp văn hoặc quốc ngữ. Chẳng hạn như bộ sách tiếng Pháp Bài giảng lịch sử Annam dành cho các trường học ở Nam Kỳ (Cours d'histoire annamite à l'usage des écoles de la Basse-Cochinchine) do Trương Vĩnh Ký soạn, trong đó miêu tả khá kỹ lưỡng cuộc kháng chiến chống quân Minh do Lê Lợi lãnh đạo (cuối tập 1, xuất bản năm 1875) và triều đại nhà Lê mở đầu bằng 6 năm trị vì của Lê Thái Tổ với niên hiệu Thuận Thiên (1428 – 1434) (đầu tập 2, xuất bản năm 1877)[14] . Hay các tác phẩm diễn ca lịch sử, trong đó có Đại Nam quốc sử diễn ca của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái biên soạn, bản quốc ngữ cũng do Trương Vĩnh Ký diễn âm được in năm 1870, với phong cách kể chuyện bằng thơ rất gần với Vậy mới phải của Hồ Biểu Chánh, nhất là những đoạn miêu tả chiến tranh.

Dù thế, Vậy mới phải không phải là tiểu thuyết về lịch sử Việt Nam, như các tác phẩm Đỗ Nương Nương báo oán (1954), Đại nghĩa diệt thân (1955) hay một số kịch bản sân khấu của nhà văn về sau.

Hồ Biểu Chánh viết ở cuối tác phẩm, đoạn Thanh Tòng chuẩn bị ra trận:

Binh ròng ba vạn trao tay

Lãnh đam Trung-quốc ra oai côn kình

Vậy tức là chàng Thanh Tòng là tướng của Trung Quốc. Việc lấy bối cảnh Trung Quốc cho thấy Vậy mới phải chưa ra khỏi khuôn mẫu truyện thơ Nôm có cốt truyện mượn, trong đó chủ yếu là cốt truyện Trung Hoa. Bối cảnh của Truyện Kiều là “năm Gia Tĩnh triều Minh”, Truyện Phan Trần là “triều Tống Tĩnh Khang”, Truyện Nhị Độ Mai: “Nhà Đường truyền vị đến đời Đức-tông”. Ngay cả Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, dù mang một số yếu tố tự truyện, cũng được đưa vào bối cảnh triều đại của Sở vương và gán cho các địa danh Trung Hoa như “Đô Thành”, “Tây Xuyên”, “Hà Khê”, “Hàn Giang”… Khuôn mẫu đó kéo theo những cách thức diễn ngôn kiểu “tầm chương trích cú”, “dụng điển”, và vì thế trong nhiều trường hợp đã truyền đạt, dù hữu thức hay vô thức, thông tin về các sự kiện hay nhân vật lịch sử Trung Hoa. Trường hợp Truyện Kiều chẳng hạn, ngoài việc giữ nguyên cốt truyện vốn viết về cuộc khởi nghĩa của Từ Hải thời nhà Minh với các nhân vật lịch sử như Từ Hải, Hồ Tôn Hiến, Thuý Kiều, thì việc Nguyễn Du sử dụng rất nhiều những điển tích cũng là sự chuyển tải lịch sử Trung Hoa (cả chính sử lẫn dã sử).

Vậy mới phải của Hồ Biểu Chánh tuy không có tính chất bác học như Truyện Kiều, nhưng vẫn ít nhiều có các điển tích: đằng sau những vẻ đẹp “Tây-thi” của Lệ Bích, chuyện “duyên Tần Tấn” của nàng với Thanh Tòng ẩn chứa những thông tin lịch sử.

Việc chuyển tải lịch sử Trung Quốc nơi Vậy mới phải là do quán tính của truyện thơ Nôm, cho dù thực ra vào thời điểm viết tác phẩm, Hồ Biểu Chánh đã có ý thức vượt ra khỏi nó (bằng chứng là trong U tình lục xuất bản năm 1913, ông đã lấy bối cảnh Việt Nam thời “Langsa”, do “ức lòng” vì “Việt Nam hiếm kẽ chi nhường Trung-hoa”[15]). Nhưng ngoài ra, còn có thể có ảnh hưởng của các “truyện Tàu” vốn được dịch và xuất bản rầm rộ ở Nam Kỳ những năm đầu thế kỷ XX, và bản thân Hồ Biểu Chánh cũng tham gia với tập Tân soạn cổ tích (1910). “Truyện Tàu”, trong đó có các tiểu thuyết lịch sử như Truyện Nhạc Phi, Tam Quốc chí, Đông Chu liệt quốc, Phong thần diễn nghĩa, Tuỳ Đường diễn nghĩa, v.v.. được dịch, xuất bản, cải biên sân khấu và trở thành món giải trí phổ biến ở Nam Kỳ, không chỉ thể hiện những tư tưởng anh hùng nghĩa hiệp, mà còn là một nơi chuyển tải lịch sử Trung Hoa (tất nhiên chủ yếu là dã sử, tương tự như các phim lịch sử Trung Quốc trên các kênh truyền hình ở Việt Nam ngày nay). Kiểu nhân vật Thanh Tòng là sự kết hợp giữa hình tượng hiệp sĩ Trung cổ châu Âu mà Hồ Biểu Chánh tiếp thu từ lịch sử và văn học Pháp với các hình tượng anh hùng nghĩa hiệp trong các “truyện Tàu”.

Đáng chú ý là một số chi tiết Hồ Biểu Chánh thay đổi so với nguyên bản của Corneille. Trước hết, ông gọi quân xâm lược mà chàng Don Rodrigue – Thanh Tòng đã đối mặt và đánh bại để chuộc tội là “quân Hung-nô”. Cuộc chiến tranh giữa người Tây Ban Nha với người Moor Islam giáo trong Le Cid biến thành cuộc chiến tranh với các bộ lạc du mục Hung Nô kéo dài nhiều thế kỷ ở Trung Hoa và là điều trong các “truyện Tàu” cũng hay được nhắc tới. Nếu như người Moor trong cái nhìn của người Cơ đốc giáo châu Âu là kẻ ngoại đạo, kém văn minh, tàn bạo, độc ác (điều này cũng được viết như thế trong chương về Thập tự chinh của cuốn sách giáo khoa Petit Lavisse đã nói ở trên), thì lựa chọn người Hung Nô với những cách gọi “man binh”, “Ma vương”, “Ma tướng” thay cho quân Moor cho phiên bản Việt một mặt cho thấy kiến thức không tồi của Hồ Biểu Chánh về lịch sử Tây Âu, mặt khác là sự gián tiếp phản ánh cách nhìn khinh thị của người Hán đối với dân tộc du mục ở Trung Á này.

Hay một chi tiết khác là hình phạt dành cho kẻ có tội. Ở trước chúng tôi đã nhắc đến hình phạt chém đầu đối với những kẻ vi phạm sắc lệnh cấm đấu kiếm do Louis XIII và Hồng y giáo chủ Richelieu ban hành và việc nàng Chimène trong Le Cid muốn Don Rodrigue phải chết dưới lưỡi đao nên đã xin nhà vua cho một hiệp sĩ (Don Sanche) đấu với chàng để lấy đầu mang về (cuộc đấu này mang ý nghĩa là sự hành quyết kẻ có tội, chính vì thế trước lúc đấu Don Rodrigue đã đến gặp Chimène và nói với nàng “Ta không quyết đấu, ta nhận án tử hình. Ta bị nàng kết án…”[16]) Hồ Biểu Chánh đã thay việc chém đầu bằng hình phạt “phân thây” (“Thanh-tòng tội đáng phân thây pháp tràng”). Tất nhiên, giống như Don Rodrigue, Thanh Tòng cũng không phải chết. “Phân thây” hay “lăng trì” là hình phạt tàn khốc tồn tại trong lịch sử phong kiến Trung Quốc dành cho những kẻ phạm trọng tội, mà không hiếm khi được nói đến trong tiểu thuyết Trung Hoa. Ngay cả Truyện Kiều, dù đã lược bỏ những miêu tả tỉ mỉ, rùng rợn trong nguyên bản của Thanh Tâm Tài Nhân, vẫn còn lại những câu “Máu rơi thịt nát tan tành/ Ai ai trông thấy hồn kinh phách rời” khi nói về hình phạt này mà Thuý Kiều mượn tay Từ Hải giáng xuống những kẻ đã hãm hại nàng.

Corneille kết thúc Le Cid bằng cuộc hôn nhân giữa Don Rodrigue với Chimène – điều bị giới phê bình đương thời phê phán, bởi việc “một phụ nữ cưới kẻ giết cha mình tuy về phương diện sự thực lịch sử là đúng, nhưng nó vẫn bị xem là phi hiện thực”[17] và trong quan điểm của người Pháp thế kỷ XVII là không thể chấp nhận. Hồ Biểu Chánh lại càng không thể chấp nhận, nên ông đổi cái kết đó thành cuộc tự sát của Lệ Bích, và phải chăng vì thế mà ông gọi tác phẩm của mình là Vậy mới phải, như một tranh luận về đạo lý với Le Cid của Corneille[18]. Thuý Kiều cũng tự sát (trong sử ký thì nàng không sống lại như trong các phiên bản của Thanh Tâm Tài Nhân và Nguyễn Du). Hiện tượng phụ nữ tự sát để giữ danh dự, phẩm giá (nhất là do các cuộc hôn nhân cưỡng bách) trong lịch sử và trong văn học của cả Trung Quốc lẫn Việt Nam không hiếm.

***

“Trong lịch sử không có gì là sự thực ngoài các tên và ngày tháng, còn trong văn chương hư cấu mọi thứ đều là sự thực ngoài ngày tháng và các tên.”[19]

Truyện thơ của Hồ Biểu Chánh là sản phẩm của hư cấu nghệ thuật. Trước Hồ Biểu Chánh, vào năm 1906, khi tổ chức cuộc thi tiểu thuyết đầu tiên trên tờ báo Nông cổ mín đàm, Trần Chánh Chiếu đã định nghĩa thể loại tự sự mới mẻ này ở Việt Nam và tính chất vừa hư cấu vừa hiện thực chủ nghĩa của nó: “người Lang Sa gọi là roman nghĩa là lấy trí riêng mà đặt riêng ra một truyện tùy theo nhân vật phong tục trong xứ, dường như truyện có thật vậy” (Nông cổ mín đàm, số 262, ngày 23/10/1906). Truyện thơ quốc ngữ Vậy mới phải của Hồ Biểu Chánh chưa hẳn là tiểu thuyết roman đúng nghĩa của “người Lang Sa”, lại càng không thể xem đó là một tiểu thuyết lịch sử. Tuy nhiên, không thể phủ nhận những yếu tố lịch sử ẩn chứa trong văn bản tác phẩm này. Việc nó mượn cốt truyện của một vở kịch cổ điển Pháp (cũng vốn là sản phẩm phóng tác với cốt truyện có nguồn gốc từ lịch sử rồi trải qua nhiều cải biến do giao lưu giữa các dân tộc, và do giao lưu giữa các thể loại ở các thời đại khác nhau), kế thừa truyền thống truyện thơ Nôm, đồng thời còn chịu ảnh hưởng của cả văn học dịch Trung Quốc khiến cho có thể xem đây là một hình thức chuyển tải đặc biệt lịch sử thế giới.

Hegel từng cho rằng một nghệ thuật không nên hạn chế cốt truyện của lịch sử dân tộc. Các dân tộc luôn nằm trong sự tiếp xúc, tương tác lẫn nhau, và yêu cầu quan trọng nhất của khách quan đích thực là tuân thủ theo những quan tâm tiêu biểu của đương thời, đánh giá quá khứ từ quan điểm hiện đại[20]. Hiện thực lịch sử thế giới trong Vậy mới phải có lẽ nên nhìn nhận theo quan điểm này.

CHÚ THÍCH

[1] Mặc dù chúng tôi chưa tìm được thông tin chính Hồ Biểu Chánh gọi đích danh Le Cid (như trường hợp ông nói về các tiểu thuyết phóng tác văn xuôi về sau), nhưng ông cũng nhắc đến việc vay mượn “tuồng hát Pháp”. Lục Mộng Cảnh trong bài “Hát tuồng Vậy mới phải” đăng trên Nông Cổ Mín Đàm, số 71 năm 1918 nói về tác phẩm: “Có kẻ lại khen ông Hồ Văn Trung biết lấy sự tích hay của Đại Pháp chế lại cho thích hợp với tâm tình người An Nam đặng làm cho phong hóa xứ ta trở nên cao thượng” và bình luận về cái “sự tích hay của Đại Pháp” đó: “Sao lại sui gia mà còn đánh nhau? Con rể gì lại giết cha vợ kia…xem cho rõ đầu đuôi kẻo uất ức trong lòng quá…há vì một chữ tình mà bỏ một chữ hiếu hay sao…chẳng lẽ dùng người giết cha mà làm chồng tức mình nên tự vẫn mà thác, làm người biết xử “vậy mới phải”. Việc gọi Vậy mới phải là “hát tuồng”chứng tỏ nguyên mẫu là một vở kịch Pháp, và hoàn toàn có cơ sở để cho rằng đó là vở kịch của Corneille dựa trên những tương đồng về cốt truyện giữa Vậy mới phải với Le Cid cũng như sau: nhân vật nam chính và nhân vật nữ chính của hai tác phẩm đều thuộc dòng dõi quý tộc cận thần của vua, đã được hai bên gia đình hứa gả cho nhau; cha cô gái vì ghen tức việc ban thưởng của nhà vua nên đã xúc phạm cha chàng trai, dẫn đến việc chàng trai vì danh dự gia đình buộc phải quyết đấu và giết chết cha của người yêu, còn cô gái cũng vì thế buộc phải đòi công lý, xin nhà vua xử tử chàng; tuy nhiên đúng lúc đó xảy ra chiến tranh, chàng trai được phái ra trận chỉ huy chống quân xâm lược (vừa để bảo vệ tổ quốc, vừa để lập công chuộc tội), trở thành người anh hùng chiến thắng trở về; vua tha tội cho chàng và tác hợp đôi trẻ. Trong Le Cid của Corneille, xung đột kết thúc bằng cuộc hôn nhân, còn trong Vậy mới phải, nhân vật nữ từ chối hôn nhân và tự vẫn, nhưng cả hai nhân vật nam cuối cùng đều tiếp tục ra trận như những vị tướng anh hùng.

Việc vay mượn Le Cid cũng đã được một số nhà nghiên cứu, như Nguyễn Khuê trong Chân dung Hồ Biểu Chánh, Bùi Đức Tịnh trong Những bước đầu của báo chí, tiểu thuyết và thơ mới (1865-1932), v.v…khẳng định.

Xin cảm ơn PGS.TS. Võ Văn Nhơn và PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Xuân đã cung cấp những thông tin tư liệu quý giá giúp chúng tôi có được một số nhận định trong quá trình thực hiện bài viết này.

[2] Aristotle, Thi học (Bản tiếng Nga: Аристотель. Поэтика// Этика. Политика. Риторика. Поэтика. Категории. Минск: Литература, 1998). Truy cập tại: http://philologos.narod.ru/classics/aristotel_poe.htm

[3] hái niệmepic/эпос” đây là chỉ các thể loại tự sự (bao gồm cả sử thi/truyện thơ và tiểu thuyết) trong tương quan với kịch (drama/драма) và trữ tình (lyric/ лирика)

[4] Các trích dẫn Lukács lấy từ: Georgy Lukács, Tiểu thuyết lịch sử. (Bản tiếng Nga: Лукач Георг, Исторический роман //Литературный критик, 1937, № 7, 9, 12; 1938, № 3, 7, 8, 12.) Truy cập tại: http://litresp.ru/chitat/ru/%D0%9B/lukach-georg/istoricheskij-roman

[5]Về sự biến chuyển của cốt truyện về Cid qua các thời đại xin xem thêm bài viết của chúng tôi: “Cốt truyện lưu chuyển trong văn học cổ điển (so sánh trường hợp Truyện Kiều của Nguyễn Du và Le Cid của Pierre Corneille”, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 1/2016.

[6] Theo: Jay M. Smith, The Culture of Merit: Nobility, Royal Service, and the Making of Absolute Monarchy in France, 1600-1789, University of Michigan Press, tr. 107-108.

[7] Theo: Michael G. Paulson, “Le Cid Re-Examined: une piece speculaire?”, trong: Cahiers du dix-septième, số III, quyển 1, trang 294. Truy cập tại: file:///C:/Users/GHOST/Downloads/PaulsonCahiers17III(1)_291_305.pdf

[8]Ernest Lavisse, Histoire de France: Cours élémentaire, Armand Colin, 1913, tr.1. Truy cập tại: https://fr.wikisource.org/wiki/Histoire_de_France_-_Cours_%C3%A9l%C3%A9mentaire/01

Trong Histoire de France:Cours moyen, Paris, Armand Colin, 1912, tr. 26 thì có câu “Les Gaulois sont nos ancêtres”(Người Gaulois là tổ tiên của chúng ta). Do sự phổ biến dưới thời Đệ tam Cộng hoà các sách giáo khoa lịch sử do nhà sử học và nhà giáo dục học Ernest Lavisse (1842-1922) biên soạn, nên gốc gác cụm từ mang tính biểu tượng này thường được gắn với tên của ông.

[9] Ernest Lavisse, Tài liệu đã dẫn. Truy cập tại: https://fr.wikisource.org/wiki/Histoire_de_France_-_Cours_%C3%A9l%C3%A9mentaire/Avant-propos

[10] Alfred Jules Émile Fouillée, Le tour de la France par deux enfants (Livre de lecture courante. Cours moyen), Paris, Libraries classique Eugène Belin, 1900, tr.219.

Truy cập tại : https://archive.org/details/letourdelafranc00brungoog

[11] Trinh Van Thao, “L’enseignement du français dans le secondaire et le supérieur au Vietnam de 1918 à 1945: un état des lieux “, Documents pour l’Histoire du Français Langue Étrangère ou Seconde, 12/ 2000, N°25. Truy cập tại: http://dhfles.revues.org/2929

[12] Dẫn theo: Nguyễn Khuê, Chân dung Hồ Biểu Chánh, tái bản, NXB TP HCM, 1998, tr. 146-147.

[13] Hồ Văn Trung tự Biểu Chánh, Vậy mới phải, Saigon Imprimerie de l’Union, 1918, tr.4, 15. (Chúng tôi để nguyên cách viết và các lỗi chính tả của tác giả trong các đoạn tác phẩm được trích dẫn trong bài viết này).

[14] P.-J.-B. Truong Vinh Ky, Cours d’histoire annamite à l'usage des écoles de la Basse-Cochinchine, Saigon Imprimerie du Gouvernement, 1-er édition, 1-er volume 1875, tr. 157-184; 2-e volume, 1877, tr.5-8. Truy cập tại: http://www.han-nom.org/LinhTinh/Cours_d_histoire_annamite.pdf

[15] Hồ Văn Trung, U tình lục, Saigon Imprimerie F.-H. Schneider, 1913, tr.3 (Chúng tôi để nguyên cách viết và lỗi chính tả trong đoạn trích).

[16] Pierre Corneille, Le Cid, hồi V, cảnh 1 (Bản tiếng Nga, truy cập tại: http://lib.ru/INOOLD/KORNEL/kornel1_2.txt)

[17] Nancy Partner, Sarah Foot, eds., The SAGE Handbook of Historical Theory, Lodon, Sage Publication Ldt., 2013, tr.111.

[18] Xem thêm ý kiến của Lục Mộng Cảnh trong mục chú thích ở trước.

[19] Dẫn theo: Shamsur Rahman Faruqi, “The Historical Novel and the Historical Narrative”, Jamia Millia Islamia University, New Delhi, November 16, 2009.

Truy cập tại: http://www.columbia.edu/itc/mealac/pritchett/00fwp/srf/srf_historicalnovel_2009.pdf

[20] Theo: Stephen Houlgate, Michael Baur, eds., A Companion to Hegel, Blackwell Pub., 2011, tr.344.

 (Nguồn: Nhiều tác giả, Những vấn đề văn học và ngôn ngữ Nam Bộ, NXB. Đại học Quốc gia TP.HCM, 2016)

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60758181
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
2351
10454
60758181

Thành viên trực tuyến

Đang có 232 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website