Zinaida Hippius - hiện tượng văn học nữ đặc biệt trong văn học Nga “Thời đại Bạc”

20200108 Gippius 1910s

Zinaida Hippius (1869 -1945)

Trong lịch sử văn hoá Nga, giai đoạn cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX thường được gọi bằng một cái tên là “Thời đại Bạc” (Серебряный век). Nó tương ứng với khái niệm “fin de siècle” xuất phát từ Pháp ở những thập niên cuối thế kỷ XIX và sau đó phổ biến ra nhiều nước châu Âu, trong đó có Nga. “Thời đại Bạc” ban đầu chỉ là một cách nói, xuất hiện lần đầu tiên trong giới nhà văn Nga lưu vong sau Cách mạng Tháng Mười. Họ cho rằng đã có một cuộc phục hưng văn hoá Nga lúc giao thời giữa hai thế kỷ, như nhận định của Nikolai Berdyaev: “Vào những năm đó nước Nga được ban cho nhiều tài năng. Đó là thời đại của sự thức tỉnh tư duy triết học độc lập ở Nga, của sự nở rộ thơ ca và cảm xúc thẩm mỹ, của sự thôi thúc những băn khoăn tìm tòi tôn giáo, mối quan tâm đến những thứ siêu hình và thuyết huyền bí. Những tinh thần mới xuất hiện, những ngọn nguồn sáng tạo mới được khai mở, những nhãn quan mới mở ra, cảm giác về hoàng hôn và cái chết hoà nhập với cảm giác về bình minh và hy vọng tái sinh”[3, tr.140].

Các nhà nghiên cứu tương đối thống nhất với mốc khởi đầu của “Thời đại Bạc” là cuối thập niên 80- đầu thập niên 90 thế kỷ XIX, nhưng thời điểm kết thúc thì những tranh cãi dao động từ năm 1917 đến thập niên 30.

Đóng góp không nhỏ cho “Thời đại Bạc” là những nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động văn hoá thuộc phái nữ. Các nhà thơ nữ xuất bản tác phẩm của mình ở giai đoạn này “không chỉ nhiều, mà là rất nhiều” như Mikhail Berg nhận xét trong bài giới thiệu bộ sách Một trăm nhà thơ nữ Thời đại Bạc do Mikhail Gasparov, Tatyana Nikolskaya và Olga Kushlina biên soạn, xuất bản năm 1996 [4, tr.13]. Trong bộ sách này, do lỗi kỹ thuật, ở mục lục người ta đã quên đưa vào một cái tên hết sức quan trọng (dù ở nội dung bên trong vẫn có) – đó là Zinaida Hippius. Bốn năm sau (2000), các tác giả cho ra đời ấn bản mới với nhan đề được chỉnh sửa là Một trăm lẻ một nhà thơ nữ Thời đại Bạc. Sai sót kỹ thuật đó như một sự trớ trêu số phận – “một trăm lẻ một” không chỉ là một con số thực chỉ số lượng các nữ sĩ được chọn đưa vào tập sách, mà còn là con số tượng trưng mang ý nghĩa “rất nhiều”, nhờ thế lại càng làm nổi bật vai trò của Hippius trong thơ ca nữ “Thời đại Bạc” nói riêng và trong thơ ca Nga nói chung.

*

Zinaida Nikolaevna Hippius (còn có cách viết khác là Gippius, 1869 – 1945) là một gương mặt đặc biệt của thơ tượng trưng Nga, là gương mặt nữ nổi bật nhất trong “Thời đại Bạc” của văn học Nga trước khi có sự xuất hiện của Anna Akhmatova. Mặc dù suốt cuộc hôn nhân với Dmitry Merezhkovsky – chủ soái của phái tượng trưng Nga, Hippius luôn giữ mình ẩn dưới bóng chồng, nhưng người ta vẫn nhìn thấy nơi bà một nhà thơ độc lập, một trong những nhân vật quan trọng đại diện cho thế hệ thứ nhất, còn được gọi là “thế hệ già” của chủ nghĩa tượng trưng Nga (mà ngoài vợ chồng Hippius còn có các nhà thơ sáng tác từ hai thập niên cuối thế kỷ XIX như Konstantin Balmont, Fyodor Sologub, Valery Bryusov,…) đối lập với thế hệ thứ hai hay “thế hệ trẻ” với các nhà thơ xuất hiện ở thập niên đầu thế kỷ XX như Alexandr Blok, Andrei Bely, Vyacheslav Ivanov… Khác biệt giữa hai thế hệ tượng trưng Nga không chỉ ở tuổi tác, mà còn ở cách cảm nhận thế giới và khuynh hướng sáng tác, trong đó tiêu biểu cho “thế hệ già” là tính chất suy đồi[1] mà “thế hệ trẻ” mong muốn khắc phục. Hippius được mệnh danh là “Madonna suy đồi” (декаденская мадонна) bên cạnh những tên gọi khác như “nữ thiên tinh” (сильфида), “nữ phù thuỷ” (ведьма), “nữ Satan” (сатанесса).

Hippius sinh ra trong một gia đình trí thức quý tộc, có cha là người gốc Đức, mẹ người Nga xuất thân từ Siberia. Do đặc thù công việc của người cha là một luật sư phải di chuyển chỗ ở nhiều, nên Hippius không có được một học vấn có hệ thống. Tuy nhiên, tài năng thơ ca xuất hiện rất sớm nơi bà. Trong thư gửi Valery Bryusov, bà từng viết: “Vào năm 1880, tức là khi tôi 11 tuổi [...] Mọi người đều cảm thấy thơ của tôi hư hỏng, nhưng tôi không che giấu chúng”[7, tr.15]. Cá tính đặc biệt thể hiện ngay từ những vần thơ đầu đời của bà:

Давно печали я не знаю [..].

Любить людей — сам будешь в горе.
Всех не утешишь всё равно.
Мир — не бездонное ли море?
О мире я забыл давно. 

Từ lâu tôi chẳng biết đến nỗi buồn [...]

Yêu người ư – sẽ tự mình chuốc khổ

Đằng nào cũng chẳng an ủi ai được cả

Thế giới này phải chăng là vô tận biển khơi?

Tôi đã từ lâu quên mất thế giới rồi.

[11, tr.285][2]

Mười một tuổi là năm Hippius chứng kiến cái chết của người cha vì bệnh lao phổi. Sau đó ít năm là cái chết của người cậu đã cưu mang gia đình bà. “Từ tuổi ấu thơ tôi đã bị tổn thương bởi cái chết và tình yêu”– Hippius đã nhớ lại [7, tr.17]. Sự “hư hỏng”, “suy đồi” nơi cô bé Zinaida trong mắt mọi người là như thế: không biết đến nỗi buồn, không muốn yêu ai, và đặc biệt là sự thay đổi giới tính của bản thân qua cách chia động từ “quên” ở ngôi thứ nhất giống đực (я забыл) – báo hiệu của một cuộc “cách mạng giới tính” trong tương lai.

Năm 1888, ở tuổi 19, Hippius gặp Dmitry Merezhkovsky ở khu suối nước khoáng Borjomi trên vùng núi Kavkaz (nay thuộc Cộng hoà Gruzia) và hai người kết hôn vào tháng giêng năm sau đó. Một lễ cưới hết sức giản dị diễn ra trong nhà thờ, sau đó cặp tân hôn về nhà, ăn uống, đọc sách, đàm đạo về văn chương như thường ngày, rồi chú rể về nghỉ ở khách sạn, còn cô dâu ở lại nhà cùng người thân. Thậm chí một cựu gia sư của gia đình Hippius khi nghe tin về đám cưới đã ngạc nhiên đến suýt ngất, còn bản thân cô dâu vào buổi sáng ngủ dậy được mẹ báo tin là chồng cô vừa tới thì mới nhớ ra rằng mình đã kết hôn vào ngày hôm trước. Hippius đã sống với Merezhkovsky 52 năm trời “không rời xa lấy một ngày” như chính bà nhớ lại trong lời mở đầu cho cuốn sách viết về tiểu sử chồng bà [Theo: 12, tr.185], trở thành “Nàng Thơ” của ông. Cuộc hôn nhân với Merezhkovsky cũng đem lại cho Hippius ý nghĩa và động lực sáng tác: các tuyển tập thơ và truyện ngắn, các tiểu thuyết và kịch, các tiểu luận phê bình của bà ra đời liên tục trong những năm chung sống với Merezhkovsky. Căn hộ của hai người ở Petersburg trở thành một trong những trung tâm hoạt động văn chương, triết học của thủ đô Nga vào đầu thế kỷ XX, là nơi mà hầu như tất cả những nhà tư tưởng và nhà văn, nhà thơ có xu hướng tượng trưng trẻ tuổi đều thấy cần phải đến tham dự. Hippius chia sẻ những tư tưởng triết học và tôn giáo của chồng, thậm chí trong những năm sau Cách mạng Tháng Mười, khi hai người sống lưu vong ở nước ngoài, họ gần gũi với nhau cả trong thái độ thiện cảm đối với chủ nghĩa phát xít và vì thế bị giới Nga kiều ở Paris tẩy chay. Sau khi Merezhikovsky qua đời vào năm 1941, Hippius dành phần lớn thời gian cuộc đời còn lại để viết tiểu sử ông. Cuốn sách chưa kịp hoàn tất trước khi bà qua đời bốn năm sau cái chết của Merezhkovsky, và bản thảo còn dở dang đó được xuất bản vào năm 1951. Hippius được chôn cất dưới cùng một tấm bia mộ với Merezhkovsky trong nghĩa trang dành cho các Nga kiều ở Sainte-Geneviève-des-Bois.

Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu tiểu sử của hai nhà thơ nổi tiếng “Thời đại Bạc” này, mối quan hệ giữa Hippius và Merezhkovsky không phải là một thiên tình sử thông thường, không phải là một đời sống vợ chồng đúng nghĩa, mà chủ yếu là một liên minh sáng tạo, mang tính chất tinh thần, lý tưởng, là sự đồng điệu về tâm hồn tách rời khỏi thể xác, và “cả hai người đều chối bỏ phương diện thể xác của hôn nhân”[15]. Hippius có những mối quan hệ tình cảm ngoài hôn nhân, với nhà thơ N. Minsky, với nhà văn F. Chervinsky, với nhà phê bình A. Volynsky (bút danh Flekser), với nhà hoạt động tôn giáo và chính trị D. Filosofov... Ngoài ra, bà còn được cho là bị cả giới nữ hấp dẫn. Nhưng với nam hay với nữ, các mối quan hệ ngoài hôn nhân của Hippius, theo như các nhà nghiên cứu tiểu sử bà, dù có thể rất mãnh liệt, nhưng cũng đều chủ yếu mang tính chất tinh thần, bởi những “tình nhân” của bà cũng giống bà, đều chủ trương “giữ sự thanh khiết về thể xác”. Bà muốn trở nên hấp dẫn và thông qua tình cảm của những “tình nhân” (bao gồm cả chồng bà) để “phải lòng chính bản thân mình”[15].

Những mối quan hệ đó dĩ nhiên tác động đến Merezhkovsky, tuy nhiên không phá vỡ liên minh của hai người, như chính Merezhkovsky đã viết trong thư gửi V. Rozanov ngày 14 tháng 10 năm 1899: “Zinaida Hippius không phải là một người khác, mà là tôi trong một cơ thể khác”[8]. Ở đây có cả quan niệm mang tính tôn giáo và triết học của Merezhkovsky mà Hippius đã chia sẻ với chồng. Họ mong muốn xây dựng và phát triển một “ý thức tôn giáo mới” dựa trên việc xoá bỏ khoảng cách giữa thể xác và tinh thần, muốn khắc phục khoảng cách đó bằng việc kiếm tìm một vị “Chúa chung nhất”, thừa nhận sự bình đẳng và đa dạng về giá trị của những cái tôi khác nhau, trong đó có cái tôi giới tính.

Để thể hiện sự bình đẳng và đa dạng về giá trị trên phương diện giới tính, trong căn hộ - salon văn chương của mình, với tư cách bà chủ nhà, Hippius luân phiên khi mặc váy đầy nữ tính, khi mặc quần kiểu nam giới. Váy và quần như đại diện cho nam và nữ là thứ diễn ngôn phân biệt giới tính, mà Hippius bằng hành vi ăn mặc muốn xoá bỏ. Khi sáng tác, Hippius dùng nhiều tên nam giới làm bút danh như Denisov, Anton Krainii, Merezhkovksy, đồng chí  German, v.v... Bản thân họ gốc Đức Hippius của nhà thơ không biến đổi theo giới tính, khác với các họ Nga thông thường (khi lấy chồng, trên các tác phẩm xuất bản, Hippius vẫn giữ họ của mình, hoặc khi dùng họ Merezhkovsky của chồng thì bà không đổi sang giống cái như thông lệ là Merezhkovskaya). Đó là hiện tượng “giả trang” mang ý nghĩa “mở rộng không gian giới tính, phá vỡ những cấm kỵ văn hoá áp đặt con người phải theo một kiểu hành xử nhất định và cảm nhận về bản thân tùy theo thuộc tính giới của mình” như các nhà phê bình văn học nữ quyền của Nga nhận xét [10, tr.58-59].

Có thể gặp trong nhiều bài thơ của Hippius nhân vật xưng “tôi” ở ngôi thứ nhất giống đực. Đặc điểm “giống” hay “giới” (род) của danh từ tiếng Nga và sự biến đổi của tính từ, động từ, đại từ tuỳ theo giống của danh từ mà chúng bổ nghĩa là phương tiện để nhà thơ thể hiện quan điểm về giới tính: chẳng hạn có thể nhận diện giới tính của nhân vật “tôi” trữ tình qua cách chia động từ đi cùng ở thì quá khứ (như thấy ở các câu thơ thuở nhỏ của bà đã được dẫn ở trước), hoặc nhận diện bản chất sự vật qua việc sử dụng các danh từ giống cái, giống đực hay giống trung để gọi tên.

Thực ra, nhân vật trữ tình của Hippius không hoàn toàn là “giống đực”, cũng không hoàn toàn là “giống cái”. Chẳng hạn “tôi” (я) có thể là giống đực, nhưng lại mang tâm hồn (душа) là một danh từ giống cái. Những câu thơ sau trong bài Ona (Она) viết năm 1905 là một ví dụ:

В своей бессовестной и жалкой низости,

Она как пыль сера, как прах земной.

И умираю я от этой близости,

От неразрывности ее со мной.

Своими кольцами она, упорная,

Ко мне ласкается, меня душа.

И эта мертвая, и эта черная,

И эта страшная - моя душа!

Trong đê hèn vô lương tâm thảm hại

Nàng như tro tàn, như bụi của thế gian

Tôi chết mòn bởi nàng ở quá gần

Bởi tôi với nàng không chia lìa được

Bằng vòng vây của mình, ngạo ngược

Nàng mơn trớn, nàng bóp nghẹt lấy tôi

Và kẻ đen ngòm, kẻ đã chết rồi

Kẻ khủng khiếp ấy là tâm hồn tôi đó!

[11, tr.165]

Rất khó có thể dịch nhan đề của bài thơ, bởi “она” là đại từ nhân xưng ngôi thứ ba giống cái, trong hầu hết bài thơ có thể gợi nghĩ đến người phụ nữ (nên chúng tôi tạm dịch là “nàng”) gần gũi với nhân vật trữ tình vì thế “tôi” có thể là nam giới; tuy nhiên, đến câu cuối cùng thì hoá ra “она” là để chỉ “моя душа” (“tâm hồn tôi”, danh từ trong tiếng Nga luôn có giống, và “tâm hồn” là danh từ giống cái), cho nên nhân vật trữ tình lại cũng có thể là người nữ (nói “có thể” bởi động từ trong bài thơ này được đặt ở thì hiện tại nên không xác định được giới tính của “tôi” qua cách chia động từ). Trò chơi ngôn ngữ trong bài thơ là một sự thể hiện “cái tôi” của tác giả, đồng thời là sự dẫn dắt người đọc trải nghiệm xuyên giới tính.

Hippius ưa thích hình tượng trăng như biểu hiện của sự lưỡng tính. Trong tiếng Nga, trăng là “луна” (danh từ giống cái), lại cũng là “месяц” (danh từ giống đực). Khi ở giống cái, trăng được ví với tâm hồn “không sống bằng lừa dối”:

Мне близок, мне сладок уютный обман.

‎Только душа не живет обманом:

Она, как луна, проницает туман.

Với tôi dối lừa êm ái ngọt ngào, gần gũi

Chỉ tâm hồn không sống bằng lừa dối:

Như ánh trăng xuyên thủng sương mù.

(Trăng và sương mù, 1902)[11, tr.134]

Hay như ở bài sau thì cả người và trăng đều lưỡng tính (nhan đề “Ты”/Ty, đại từ nhân xưng ngôi thứ hai số ít cũng khó dịch vì đa nghĩa tương tự như ở bài “Она”, nhưng khác ở chỗ “она” là đại từ nhân xưng giống cái, còn “ты” dùng cho cả giống đực lẫn giống cái):

Ждал я и жду я зари моей ясной,

Неутомимо тебя полюбила я...

Встань же, мой месяц серебряно-красный,

Выйди, двурогая, Милый мой — Милая.

Tôi đã và đang đợi bình minh tươi sáng của mình

Tôi đã yêu người không mệt mỏi...

Hãy dậy đi, hỡi ông trăng đỏ bạc của tôi

Hiện ra nào hỡi nàng trăng non yêu quý.

(1905) [11, tr.159]

Ở dòng thơ đầu và dòng thứ hai, cách chia động từ “đợi” và “yêu” ở thì quá khứ cho thấy nhân vật trữ tình vừa là nam (ждал я/tôi đã đợi) và cũng vừa là nữ (полюбила я/tôi đã yêu). Còn các danh từ và tính từ chỉ trăng ở hai dòng thơ cuối cho thấy trăng là giống đực (месяц/ông trăng) và giống cái (двурогая/nàng hai sừng – hình ảnh trăng khuyết, trăng non).

Sự lưỡng tính đó không chỉ là một cách Hippius chống lại quán tính xã hội trong việc phân biệt giới tính, mà còn là một quan niệm triết lý của nhà thơ. Năm 1901, bà cùng chồng và một số bạn thơ lập ra “Hội Tôn giáo-Triết học” như một diễn đàn phát biểu những tư tưởng của mình. “Hội” (собрание) của vợ chồng Hippius gợi nhớ đến Symposium (từ chỉ cuộc hội họp thân mật sau bữa ăn, có kèm rượu, âm nhạc, vũ điệu và đàm đạo văn chương ở Hy Lạp cổ đại) của triết gia Plato, tác phẩm mà theo triết gia Hoa Kỳ Alexander Nehamas là “cuộc thảo luận công khai đầu tiên về tình yêu trong văn học và triết học phương Tây, bắt đầu bằng một thảo luận về tình yêu đồng giới”[14, tr.xiv]. Trong không khí đậm tinh thần triết học của giới trí thức thủ đô Nga ở cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, đặc biệt là của phái tượng trưng mà Hippius thuộc về, triết lý của Hippius vừa là sự đồng vọng, vừa là sự đối nghịch với các nhà thơ - triết gia nam giới. Sự lưỡng tính trong thơ Hippius thể hiện tinh thần của Plato về giới: “Thuở ban đầu, loài người không giống như bây giờ. Họ có những ba giới tính: nam, nữ và á nam á nữ... Đàn ông thì do mặt trời mà ra, đàn bà do đất, và người lưỡng tính do mặt trăng”[14, tr.25]. Plato muốn xây dựng một lý tưởng về sự hoà hợp qua hình tượng Eros – thần tình yêu trong thần thoại Hy Lạp – với bản chất lưỡng diện: một mặt là đam mê thể chất giữa các giới, mặt khác là sự vô giới tính (asexuality). Mặt thứ nhất của Eros là tình yêu trần thế, là hấp dẫn nhục thể; còn mặt thứ hai là tình yêu mang tính thần linh. Tình yêu thần linh (mà về sau còn được gọi bằng khái niệm “tình yêu Plato”) cũng bắt đầu từ thể chất, nhưng dần dần sẽ tiến tới Cái Đẹp siêu việt giới tính.

Motif lưỡng tính (androgyny) là một cổ mẫu, khá phổ biến trong văn hoá thế giới, như hiện thân của khát vọng hướng tới sự toàn vẹn thống nhất, hoàn hảo. Tinh thần của “tình yêu thần linh” trong Cơ đốc giáo – nguồn cảm hứng sáng tạo của “Thời đại Bạc” – thể hiện trong hình ảnh Thiên Chúa sáng tạo ra cả người nam lẫn người nữ từ hình mẫu của chính mình, “Chúa siêu việt giới tính: không là nam không là nữ, mà là Chúa” (“Deum humanam sexuum transcendere distinctionem. Ille nec vir est nec femina, Ille est Deus”, Giáo lý của Hội thánh Công giáo), hay trong hình ảnh của Đức Mẹ Đồng Trinh Maria, hay như trong chính bản thân vấn đề giới tính của Jesus từng được các học giả thần học cũng như thế tục bàn tới. Bản thân Kinh Thánh cũng ám chỉ Jesus được sinh ra từ Mẹ Đồng Trinh và là người yêm hoạn (eunuch) bẩm sinh và yêm hoạn vì lý tưởng: “Nhưng Ngài nói với họ: ‘Không phải mọi người đều hiểu được lời này, mà chỉ những ai điều ấy đã được ban cho. Vì có những người yêm hoạn bởi tự lòng mẹ đã sinh ra như vậy; và có những người yêm hoạn bởi người ta làm cho nên yêm hoạn; và có những người yêm hoạn bởi mình làm cho mình thành yêm hoạn vì Nước Trời. Ai hiểu nổi thì hãy lo hiểu lấy!’”(Phúc Âm Matthiew 19: 11-12).

Như thế, nhân vật “tôi” trữ tình phi giới tính và hình tượng trăng lưỡng tính là những cách thể hiện ý nghĩa siêu hình của vấn đề giới, phản ánh khát vọng hướng tới lý tưởng hài hoà trong sáng tác của Hippius, mà nhiều nhà tượng trưng nam giới cùng thời với bà chia sẻ.

Tuy nhiên, các nhà hoạt động văn học nghệ thuật nam giới “Thời đại Bạc” có thái độ nước đôi với Hippius. Họ vừa yêu quý, cảm phục bà, vừa e ngại, thậm chí ác cảm với bà. Nhà thơ tượng trưng cùng “thế hệ già” với bà là Valery Bryusov đánh giá rằng “Như một nhà thơ mạnh mẽ, độc lập, biết cách kể cho chúng ta nghe về tâm hồn mình, như một bậc thầy xuất chúng về thơ, Hippius cần được ở lại mãi mãi trong lịch sử văn học của chúng ta. Bà... thuộc về số không nhiều những nhà thơ nữ mà chúng ta có thể tự hào”[6, tr.516]. Andrei Bely thì cho rằng “trong số các nữ sĩ, một mình bà được trang bị tất cả những gì tạo nên nền tảng và sức mạnh của một nền văn hoá tinh tế”[2, tr.77]. Thế nhưng những người thuộc thế hệ trẻ hơn như Alexandre Blok, Sergei Esenin, dù cũng thường đến tham dự các buổi hội họp văn chương nơi căn hộ của vợ chồng Hippius, lại tỏ ý không thích thái độ cao ngạo của bà. Blok gọi bà là một “mụ ngốc xoàng xĩnh” [Theo: 9, tr.229], còn Esenin thì cho bà là “một nhà thơ nữ bất tài hay đố kỵ”[9, tr.230] Có lẽ thái độ đó phát xuất từ cảm giác về sự thiếu nữ tính nơi Hippius và thơ bà: Ivan Bunin gọi thơ bà là “những dòng thơ có điện”, còn nhà thơ, nhà phê bình theo phái Đỉnh cao[3]  Georgy Adamovich khi trích nhận xét của Bunin thì tỏ ý đồng tình và cho rằng “thơ của bà, dù hết sức điêu luyện, vẫn thiếu vắng sức quyến rũ... những dòng thơ khô khan, rời rạc như kêu lách tách và phát ra những tia lửa xanh” [1, tr.204].

Thái độ khác nhau đối với Hippius như vậy nơi các nhà thơ hiện đại chủ nghĩa, những người cũng tràn đầy tinh thần tự do, nổi loạn và cách mạng, cho thấy sức ép quán tính xã hội ở cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX đối với phụ nữ như thế nào, nhất là đối với những cá tính đặc biệt, những tài năng độc đáo của nữ giới như Hippius.

Но люблю я себя, как Бога,-

Любовь мою душу спасет.

Nhưng tôi yêu bản thân như yêu Chúa –

Tình yêu đó cứu vớt linh hồn tôi.

(Dâng tặng, 1894)[11, tr.76]

Hai câu thơ đầy tinh thần vị kỷ kiểu Nietzsche trong bài thơ được xem là “một trong những tác phẩm hay nhất của trường phái tượng trưng”[13, tr.277] cho thấy cách nhà thơ đối kháng với hoàn cảnh nam quyền. Anna Akhmatova, Marina Tsvetaeva – những nhà thơ nữ thế hệ sau Hippius trong “Thời đại Bạc” – cũng là những “người đàn bà đáng thương bị vinh quang đè bẹp” (lời K. Chukovsky nói về Akhmatova), và họ, dù với những phương thức, những phong cách khác nhau, đều đã bằng tình yêu đối với bản thân và bằng tài năng nghệ thuật xuất chúng của mình tìm được cách vượt lên trên số phận, để trở thành những gương mặt tiêu biểu hàng đầu trong văn chương Nga hiện đại.

PGS.TS. Trần Thị Phương Phương

Khoa Văn học – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM

Đã in trong: Văn học và giới (Kỷ yếu hội thảo quốc gia), Nxb. Đại học Huế, 2019, tr.927-933.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Adamovich G. (1968), “Zinaida Hippius” [“Зинаида Гиппиус”], Brigdes, München, số 13-14. Truy xuất tại: https://vtoraya-literatura.com/pdf/mosty_13-14_1968_text.pdf (ngày 18/9/2019)

[2] Bely A. (1908), “Z. Hippius. Màu đen trên nền trắng” [“З. Гиппиус. Черное по белому”], Vesy, số 2, tháng 2. Truy xuất tại: http://az.lib.ru/b/belyj_a/text_19_1908_arabesky.shtml (ngày 18/9/2019)

[3] Berdyaev N. (2000), Tự nhận thức (Kinh nghiệm tự truyện triết học) [Самопознание (опыт философской автобиографии)], Biblioteka “Vekhi”, Moskva.

[4] Berg M. (1997), “Thơ ca nữ: ‘Quá độ từ phụ nữ sang con người’” [“Женская поэзия ‘Переход от женщины к человеку’”], Kommersant, số 21, 28 tháng 2.

[6] Bryusov V., “Z.N.Hippius”, trong: Nikolyukin A.N. (chủ biên) (2008), Z.N. Hippius: thuận và chống [З.Н.Гиппиус: pro et contra], Học viện Nhân văn Cơ đốc giáo Nga, St. Petersburg. Truy xuất tại: http://russianway.rhga.ru/upload/main/52_Brusov.pdf (ngày 18/9/2019)

[7] Butkova (2017), Zinaida Hippius [Зинаида Гиппиус], Nxb. Ripol classic, Moskva.

 [8] Churakov D.O. (2007), “Mỹ học của chủ nghĩa suy đồi Nga giao thời thế kỷ XIX – XX. Merezhkovsky giai đoạn đầu và những người khác” [“Эстетика русского декаданса на рубеже XIX - XX вв. Ранний Мережковский и другие”], Trong: Churakov D.O. (chủ biên), Tiến trình lịch sử Nga qua mắt nhìn của những nhà nghiên cứu hiện đại [Русский исторический процесс глазами современных исследователей], Nxb. MPGU, Москва.

[9] Esenin S. (1997), “Phu nhân đeo kính nhòm” [Дама с лорнетом], Trong: Esenin S.A., Toàn tập tác phẩm gồm 7 tập [Полное собрание сочинений в 7 т.], tập 5, Nxb Nauka; Golos, Moskva.

[10] Gabrienyan N. (1996), “Eva – đó nghĩa là cuộc sống” (Vấn đề không gian trong văn xuôi nữ hiện đại Nga)” [“Ева — это значит "жизнь"”. (Проблема пространства в современной русской женской прозе)], Voprosy literatury, số 4.

[11] Hippius Z. (1999), Thơ [Стихотворения], Nxb. Akademichesky proekt, Moskva

[12] Nikolaev P.A. (chủ biên) (2000), Các nhà văn Nga thế kỷ XX: Từ điển tiểu sử [Русские писатели 20 века. Биографический словарь], tập 2, Nxb. Prosveshchenie, Moskva.

[13] Pertsov P. (1933), Hồi ức văn học. Những năm 1890 – 1902 [Литературные воспоминания. 1890—1902 гг], Nxb. Academia, Moskva-Leningrad.

[14] Plato (1989), Symposium (Translated by Nehamas A.  & Paul Woodruff), Hackett Publishing Co.

[15] Vulf V., Chebotar S. (2002), “Madonna suy đồi” [“Декаденская мадонна”], L'Officiel. Ấn bản tiếng Nga, số 41, tháng Mười. Truy xuất tại: http://v-vulf.ru/officiel/officiel-41-1.htm (ngày 18/9/2019)

 


[1] Thơ ca suy đồi của Nga đối lập sự hy sinh quên mình vì nghĩa cả của các nhà thơ dân chủ thế hệ trước bằng một chủ nghĩa cá nhân cực đoan, thay cho hình tượng người công dân đầy tinh thần yêu nước, hướng về nhân dân là hình tượng những trí thức sống giữa xã hội đô thị tư bản chủ nghĩa, đầy mâu thuẫn xung đột trong tâm hồn gay gắt đến bệnh tật, mà tiền bối của họ là các kiểu nhân vật “nổi loạn” trong các tiểu thuyết của Dostoevsky.

[2] Những câu thơ trích dẫn ở đoạn dưới là do chính Hippius nhớ và ghi lại trong bức thư gửi Bryusov đã nói ở trước Các phần trích dịch thơ ở đây và về sau trong bài viết là của Trần Thị Phương Phương

[3] Phái Đỉnh cao (akmeism) là một trong ba khuynh hướng thơ hiện đại chủ nghĩa Thời đại Bạc, xuất hiện năm 1912 như phản ứng với phái Tượng trưng. Những đại diện tiêu biểu nhất của phái thơ này là Nikolai Gumilev, Osip Mandelshtam, Anna Akhmatova...

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60514787
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
6298
12997
60514787

Thành viên trực tuyến

Đang có 209 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website